Trung tướng Trần văn Trung, vị ân nhân của tôi

Lời người viết: Có thể bài viết này trung tướng Trần văn Trung không thích. Bởi bản tính ông rất khiêm nhường. Tuy nhiên, đối với tôi, tôi cần phải nói lên những gì tôi mang nặng trong lòng. Xin ông vui lòng miễn chấp và tha lỗi cho một đàn em của ông. (THT)

(trích từ Cảm Tạ Văn Chương, đang viết)
Sau khi lập gia đình, tôi đã nghĩ đến sự dừng chân lại. Nhất là từ khi đọc truyện dịch Người Lữ Hành Cô Đơn, của Georghiu, kể về cuộc chiến đấu của một nhà văn Lỗ Ma Ni. Không phải để được trở thành anh hùng, được lãnh tụ đề cao, được bộ máy nhà nước vinh danh mà  để được sống và viết. Trong trí nhớ lù mù của tôi, vì quá lâu, tôi chưa hề được đọc lại, tôi cứ nhớ lại cảnh nhân vật chánh ngồi trong toa tàu, mỗi ngày hàng trăm cây số, chạy qua những vùng vẫn còn âm ỉ khói lửa, những trại binh, và những đoàn quân ra tiền tuyến…

Nhưng chiến đấu bằng cách gì, chiến  đấu như thế nào, để tôi còn được sống và được viết như nhân vật chính của tác phẩm.

Chiến đấu bằng cách gì, để tôi được trở về gặp người vợ mới cưới của tôi, khi tôi đang ở tại núi rừng, còn nàng thì tận mịt mùng dưới đồng bằng châu thổ.

Chiến đấu bằng cách gì để nàng còn hy vọng thấy chồng, khỏi làm cảnh chinh phụ mòn mỏi đợi chờ.

Tôi bỗng nghĩ đến một người cấp cao nhất trong binh chủng chiến tranh chính trị. Người ấy là Trung tướng Trần văn Trung, tổng cục trưởng.

Hãy thử một lần. May ra ông động lòng từ tâm.

Thế rồi, tôi viết một tờ đơn trình bày những nguyện vọng của tôi:  Xin được chuyển qua ngành chiến tranh chính trị và được làm phóng viên chiến trường.

Tôi cắt những trang báo, những bài viết của tôi,  những tin tức liên quan đến những lần tôi bị thương, những huy chương tôi có, cùng những tác phẩm mà tôi xuất bản, rồi bỏ tất cả vào một phong bì lớn. Trên phong bì tôi viết: Kính gởi Trung Tướng Trần văn Trung, Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, KBC…, thêm hàng chữ đậm: THƯ PHÁT RIÊNG…

Sau khi gởi đi rồi, tôi mới biết mình đã quá rồ dại. Làm sao được. Đâu phải dễ gì để được chuyển về một nơi bình an mà chờ đợi hòa bình. Đâu phải dễ gì được trở thành một phóng viên chiến trường khi tôi không có lấy một ngày học chiến tranh chính trị, chưa hề trải qua một khóa huấn luyện về chiến tranh chính trị.
Bây giờ tôi chỉ biết chờ đợi  những ngày trọng cấm…

Tôi đã phạm một kỷ luật nặng của quân đội, là không tuân theo Hệ Thống Quân Giai. Đó là cái lỗi không thể tha thứ được.
****

Vậy mà, hôm ấy, tôi quá vui. Ôi, có phải phép lạ không. Tôi rưng rưng. Tôi chắp tay vái lạy tứ phương. Vái lạy từng bụi cây, ngọn cỏ. Tôi tin cậy vào tình người. Tôi đã viết thư cho Y. về tin mừng này.  Mùa xuân, hoa sứ tràn ngập cả khu cư xá sĩ quan. Những hàng muồng nở hoa vàng ở dọc theo đường từ Bộ Tư Lệnh về  phố. Đàn chim én bay giỡn trong không gian màu trắng sữa. Tôi mừng quá. Có phải đây là một sự sắp đặt sẵn của định mệnh. Có phải câu “Hết cơn bĩ cực đến hồi thới lai” chăng?

Tôi tin vậy. Cái sự việc lạ lùng nhất, không thể tưởng tượng cho một kẻ xuất thân từ đơn vị hai quản trị mà tờ sự vụ lệnh vẫn còn ghi rành rành: “Sĩ quan đương sự phải phục vụ ở đơn vị tác chiến, xa trục lộ giao thông”.

Có lẽ tôi còn may mắn hơn tất cả những người may mắn, bởi vì khó có ai được quyền lựa chọn một đơn vị mình ưa thích trên toàn cõi miền Nam như tôi. Như cái công điện đánh lên từ Tổng Cục Chiến tranh chính trị, đại ý cho biết Tổng cục chấp thuận ý nguyện của tôi, và hỏi tôi, muốn về nơi nào. Vùng I,II, III, IV hay thủ đô.

Dĩ nhiên là tôi chọn vùng IV. Nơi có Y., người nữ độc giả của tôi, và  trở thành người vợ mới cưới của tôi.

Bây giờ tôi chỉ chờ lệnh thuyên chuyển. Hết rồi lời ca của TCS như thay tôi nói về cuộc tình trong chiến tranh: Một người về đỉnh cao. Một người về vực sâu… Nhưng mà không phải là Để cuộc tình chìm mau, mà cuộc tình càng tha thiết, càng mạnh mẽ hơn bao giờ.
 đọc tiếp
Tôi kể với vợ tôi là anh đã chiến đấu, và chiến thắng. Ba anh, mỗi đêm thắp nhang cầu khẩn Phật Trời, viết hàng trăm thư gởi dân biểu KMT, nhưng bình nhang càng lúc càng đầy ắp… Những tin tức đăng trên Văn, Bách Khoa, thay tòa soạn kêu cứu để anh khỏi đi thám kích với đôi mắt cận thị nặng, hay sau khi bị thương, thì cũng trở thành tiếng kêu trong sa mạc. Họ làm sao biết là anh đâu cần.

Phải. Gần bốn năm ở một đơn vị dữ dằn nguy hiểm là đơn vị thám kích, thì quá chai lỳ rồi. Một trung đội không bao giờ đầy đủ quân số. Tối đa là 18. Quân số ma, kiểng, nào ai biết. Nhưng mà chúng tôi dư tràn lửa và tình đồng đội. Chúng tôi đã gắn bó với nhau, dìu dẫn nhau. So với tôi, họ – những người lính thuộc cấp – đâu có ai để nhờ cậy tựa nương. Và cũng vì không có những điều kiện “cổ cánh” “con ông cháu cha” (COCC), nên họ mới có mặt ở đơn vị được xem là đơn vị nguy hiểm nhất của sư đoàn. Còn tôi, ít ra tôi vẫn là một thiếu úy. Tôi hơn họ tiền lương, hơn họ quyền hạn, hơn họ là có người hầu cận, mang ba-lô, nấu nướng như một đầu bếp ngoài chiến trường.

Vậy mà, giờ đây tôi lại yếu hèn để làm đơn từ kêu gọi lòng thương hại của trung tướng. Không, tôi mong được trở thành một phóng viên chiến trường. Tôi sẽ tiếp tục sống và viết. Tôi muốn mắt tôi mở ra lớn hơn ở tầm nhìn thay vì thu hẹp lại của một thiếu úy trung đội trưởng. Mắt tôi độ nặng, nhưng tôi muốn thấy nhiều hơn, rộng hơn. Tôi sẽ mang cái kinh nghiệm đánh giặc cộng vào kinh nghiệm viết văn để thực hiện giấc mơ của tôi. Viết một tác phẩm về chiến tranh VN với tất cả sự trung thật nhất.

Còn nữa. Còn em. Tại sao em là vợ anh. Để anh phải nghĩ đến một sự dừng lại, để anh phải mơ ước một ngày có em nấu cho chồng một bát canh chua cá lóc… Em không bao giờ than thở vì có người chồng là lính thú. Nếu có chăng chỉ là lời cầu nguyện.
Vâng, lời cầu nguyện của em, của ba anh, chắc đã được nghe. Anh đang chờ lệnh thuyên chuyển đây.

******

Vậy mà người ta không chấp thuận. Một tuần sau, tôi nhận được công điện của Phòng Tổng Quản Trị / Bộ Tổng Tham Mưu, bản sao, cho biết Bộ Tổng Tham Mưu không chấp thuận đề nghị của Tổng Cục CTCT. Lý do đương sự không phải nằm trong quân số CTCT.

Thế là xong. Xem như niềm mơ ước của một người lính viết văn không được thành tựu. Tôi kể với vợ tôi về tin buồn. Nàng khóc. Tôi không thể ngờ chuyện quá dễ, khi mà quả bóng đã xem như năm được rồi, thì cuối cùng nó lại vuột khỏi tầm tay.
Để rồi, mỗi ngày đôi giày trận càng lún vào vũng bùn đất đỏ của thị trấn BMT. Để rồi mỗi ngày tiếng hát của Lệ Thu từ rạp chiếu bóng bên cạnh cư xá, càng về đêm càng nghe rõ, như làm nhức buốt buồng tim qua bài Nghìn trùng ngăn cách…

***

Không thể ngờ khoảng một tuần sau đó, tôi lại nhận thêm một công điện nữa. Lần này, BTTM cho biết tái xét và chấp thuận theo như đề nghị của Tổng cục CTCT. Rõ ràng, Tổng cục đã thêm một lần can thiệp cùng Bộ TTM.

Tôi viết lại câu chuyện có tánh cách cá nhân này, để nói lên tấm lòng biết ơn của tôi đến Trung tướng Trần văn Trung. Ông đã giúp tôi được đoàn tụ với vợ con tôi, giúp tôi trờ thành một phóng viên chiến trường thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long như tôi mơ ước. Và nhất là hôm nay, tôi còn sống đây, để viết bài này, cũng là nhờ cái ân quá lớn đối với ông.
Một lần nữa, đàn em này xin được cảm ơn ông.

[Trở về trang chính]

%d