Viết lúc 4 AM: Nghe như mùi đất còn vương tóc / Lính bụi mà, em có thương không ?

Hai câu thơ cũ từ một bao thuốc lá cách đây gần nửa thế kỷ, vây mà có người nhớ để chuyển đến ta để ta xem như báu vật của đời  mình. Tóc bây giờ đã bạc trắng mà ngỡ như còn xanh, và còn ướt vì sương sớm, vì mưa, vì ngâm mình dưới mương rach bùn sinh, để trời mờ mờ sáng là ào vào m mục tiêu, vừa bắn vừa la vừa rống. Lính Thượng có cách phát âm của lính Thượng. Lính Kinh có cách phát âm của linh Kinh. Lính già, tiếng la khàn khàn, lính trẻ, phổi nở nên gào to: Xung phong xung phong. Để rồi sau đó, ta nghe tiếng con gà trồng gáy lẽ loi đâu đó. Và ta thấy được thế nào là chiến tranh và nỗi đau thương cùng cực của người dân phải chịu đựng giũa hai lằn đạn. Lòng ta  bỗng dâng tràn cảm xúc, tìm viên than và viết trên chiếc vách đổ nát:
Khi con về, quê hương chừng đã ngủ
Mẹ Việt nam ơi. Mẹ đã mất hay còn ?

Sở dĩ tôi nhớ hai câu này vì nhờ  nhật ký hành quân trên báo Văn cũ. Tuy nhiên có nhiều bài phải nhờ đến người khác, do bạn bè thuộc mà phần lớn được ghi trên bao thuốc lá. Chẳng hạn bài thơ vô đề sau đây:

Đêm đi kích, ngày nhâm nhi rượu đế
Uống để say, quên hẳn tháng ngày
Bên bàn rượu, mỗi ngày một vắng
Thương bạn bè chưa uống đã say!
 Khi vào lính nói năng nham nhở
Nói yêu ai cũng nghĩ đến cái giường !

Để rồi mấy mươi năm sau, nhờ một bài  bút ký chiến trường của một người lính cũ: (Nguyễn Phán:AN LỘC MỘT LẦN TÔI  ĐÃ ĐẾN, MỘT ĐỜI ĐỂ NHỚ)post trên NET, tôi mới được dịp đọc lại bài thơ thất lạc của mình !

Bây giờ là lúc tôi có thể thẩm định về thơ của mình. Cả nửa thế kỷ làm thơ  nhưng chắc chắn sẽ không bao giờ tôi có thể làm hai câu như thế này:

Nghe như mùi đất còn vương tóc
Lính bụi mà, em có thương không ?

Dù tôi có thể thay bằng chữ khác để kêu hơn, để làm đậm ý hơn hay làm đẹp hơn nhưng tôi không thể ngửi được cái mùi đất bùn còn vương trên đầu tóc mình. Cái mùi không thơm không dịu, cái mùi hăng hắc, cái mùi mà em chê là lính bụi, là lính chẳng sạch sẽ chút nào , nhưng nào ai biết chính cái mùi đó đã nói lên sự gian khổ vô bờ của người lính miền nam.

Có phải vậy không ?

 

Dặn dò…

Tôi dặn bà, mấy cái thẻ bảo hiểm  an sinh cá nhân tôi để trong hộc tủ kề bên giừong.
Bà không mở được thìnói với người ta
Nhớ, hãy nhớ cho kỷ nếu mà tôi có vấn đề gì
thì gọi 911

Hãy gọi 911 nói với họ là không còn ai chăm sóc bà
Không ai nấu ăn cho bà
Không ai làm vệ sinh thay áo quần cho bà
Không ai đắp mềnđêm đêm cho bà
Không ai cho bà uống thuốc
Không ai choàng khăn quanh cổ  mỗi lần bà ăn
Hãy gọi 911 để giao đời bà cho đến khi nhắm mắt

Bây giờ là lúc chúng ta đừng nên tin dị đoan nói ra điều không tốt
Tôi sợ rồi
Tôi lo rồi
Không phải tôi sợ chết
Nhưng sợ nếu mà  tôi có mệnh hệ gì thì lấy ai thay tôi săn sóc bà..

Bây giờ tôi lo như khi lái xe ra phố, tự nhiên có một xe khác chạy ẩu
Lo khi tôi xuống thang lầu tự nhiên người xây xẩm
Lo như khi tôi cười cười nói nói bỗng nhiên ngả lăn…
Bây giờ tôi không tin nổi tôi
Không tin hai bàn tay hai cái chân của tôi
Không tin ruột gan phèo phổi thận tim động mạch tỉnh mạch hệ thần kinh giao cảm của tôi
Bây giờ tôi không còn nghĩ mình làm chũ lấy mình

Như bà
Khi không mạnh cùi cụii bỗng nhiên thành phế nhân
Khi không một kẻ sợ thuốc ghê gớm trên đời bỗng mỗi ngày nốc từng ngụm thuốc
Khi không một kẻ lái xe chạy đường trường, chạy đi Cornell, chạy qua Philadelphia, chạy về Virginia
Lại thúc thủ ngồi xe lăn nhìn ra ngoài cửa sổ

Chắc có người khuyên  nên cầu nguyện
Nên ăn chay niệm Phật chuộc lấy lỗi lầm
Tôi để cuốn kinh trên đầu giường của bà
Mà tay bà làm sao mà lật được để đọc
Tôi để hình ảnh Phật Bà Quan ^am bên cạnh đầu giường
Mà bà làm sao mà chấp tay

TÔi mang bàn thờ xuống nhà
Làm sao bà quì gối ?

Thôi thì để cho bà đỡ buồn
Tôi ngồi bên cạnh bà gãi lưng cho bà
Tôi kẹp lại những sợi tóc che phủ mắt của bà
Tôi ngồi dưới chân bà, xoa bắp chân, bàn chân cho bà
Tôi lấy Iphone mở bản nhạc của Lam Phương Em Đi rồi để bà thưởng thức
Thấy mắt bà lim dim
Tôi biết bà đang buồn ngủ

Đấy, mới là điều thật tôi cần
Tôi cần vô cùng để được một hai tiếng đồng hồ rảnh xuống hầm nhà làm thơ in sách
Để làm chũ lấy mình

Kẻo nay mai sợ  không còn được dịp nữa

Que Sera sera mà bà…

Có phải vậy không hả bà ???

 

 

 

Viết lúc 4AM – Một câu nói để đời dành cho tổng thống

Tuần đến trên dài PBS – được xem là đài truyền hình công cộng của Hoa Kỳ- sẽ bắt đầu chiếu bộ phim về cuộc đời của Tông thống Clinton.
Bộ phim sẽ bật mí về nỗi khó khăn của tổng thống Clinton khi câu chuyện dính dáng đền tình dục với nàng sinh viên 23 tuổi Monica Lewinsky ngay ở trong Tòa Bạch Ốc bị phát hiện. Người thực hiện phim cho biết là cựu Tổng thống Clinton đã liên lạc với ông Dick Morris – chuyên viên phụ trách việc thăm dò dư luận – về viếc có nên nói lên sự thật không khi chuyện bê bối về tình dục này bị nổ ra.
Và đây là lời thăm dò về phản ứng của quần chúng, theo lời ông Morris:
“Họ sẽ tha thứ tội tà dâm của tổng thống, nhưng họ không dễ gì tha thứ nếu tổng thống nói láo”.

(They will forgive the adultery, but they won’t easily forgive that you lied)

Tổng thống Clinton ít ra là một người chịu nghe. Ông đã nói lên sự thật, và chính vì việc ông dám nói lên sự thật, đến bây giờ ông vẫn được dân Mỹ kính trọng, nhớ ơn, ngay cả vợ con của ông cũng luôn luôn đứng về phe chồng và cha họ. Họ tha thứ. Bởi vì ông can đảm.

Còn những ông bà nhà văn nhà thơ thì sao ?

Họ nghĩ rằng không ai biết được vai trò và nhiệm vụ của thám báo, nên dựng bao nhiêu tội ác ghê gớm nhất như trong Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh,  Tiểu thuyết Vô Đề của Dương Thu Hương hay của Hồ Anh Thái.  Hay cái kiểu Hoàng Phủ Ngọc Tường khi trả lời câu hỏi  của đài truyền hình Mỹ WGBH ngày 02/29/1982 về Tết Mậu Thân tại Huế:

I walked through the streets at night at that time and I thought I was walking in the mud. But when I turned on my flashlight, I saw blood all over the neighborhood...

trong khi ông lại hùng hồn biện hô là ông không có mặt tại Huế khi trả lời phỏng vấn của Thụy Khuê tại Pháp:

Đã không có mặtHuế thì làm sao tôi –Hoàng Phủ Ngọc Tường– lại có thể làm cái việc ghê gớm gọi là “đồ tể” Mậu Thân ở Huế được?

Có thể một HPNT của nắm 1982 khác với một HPNT của chuyến đi Pháp sau này. Tuy nhiên, lời bào chửa qua bài viết của Thụy Khuê chỉ bằng tiếng Việt, dĩ nhiên chỉ có người Việt đọc, còn những câu trả lời đài truyền hình Mỹ, được thu băng, được lưu trử trong các thư viện lớn nhỏ, từ trung học đến đại học, đến địa phương, và thỉnh thoảng, được chiếu đi chiếu lại trên đài truyền hình công cộng .. Tầm ảnh hưởng dĩ nhịên là sâu rộng  và mạnh mẽ hơn câu biện hộ với Thụy Khuê.

“They will forgive the adultery, but they won’t easily forgive that you lied”

Không biết ông HPNT có học được lời khuyên của vị giám đốc sở thăm dò dư luận kia không.

Không biết ông có dám viết thư  gởi đến đài truyền hình, hay gởi đến người thực hiện cuộc phỏng vấn để nói rằng rằng: tôi nói láo , tôi đã dựng đứng một câu chuyện không đúng sự thật.Tôi rất ân hận. Lương tâm nhà văn không cho phép tôi nói láo…

Còn khuya !!!

Viết lúc 4AM: Múa giáng sinh tôi trở lại Núi Trầu

Hôm nay ngày Giáng sinh. Tự nhiên nhớ đến những câu thơ: Mùa Giáng sinh tôi trở lại Núi Trầu. Bè tràm qua sống ….

Phải, Núi Trầu, Kinh Nhà Chung, Trà Tiên những địa danh không bao giờ quên trong đời. Ôi những địa danh mà mồ hôi lao khổ mà kiếp trâu ngựa tội tù đã ghi khắc. Sông Trà Tiên không rộng, nhưng vào mùa Noel, nước lạnh lắm, gió ù ù, mỗi người tù phải bè từng bè cũi, tràm qua bờ bên kia. Chiều sậm. Mặt trời in ráng đỏ, và ngọn đồi mà người dân gọi là đồi Núi Sọ, chiếc thập tự giá nổi bật trên nền trời hoàng hôn….

Từng bè tràm tiếp tục qua sống. Từng con thú người, cái đầu ngoi ngóp giữa giòng sông, và một trời ửng đỏ. Tôi nghĩ gì, khi tôi là một nhà văn. Tôi trách Chúa. Tôi không tin CHúa hiện hữu. Bởi chiếc thập tự kia vô tâm nhìn một loài người bi lụy, hận thù, quay mặt khi ma quỉ hòanh hành…

Nhưng đêm hôm đó, đêm Noel tại Kinh Nhà Chung, bọn tôi được tiếp trợ bí mật bởi một nử  tu ở sau bờ thành bao phủ ngôi nhà Chung ấy. Nàng mang một thau đồ ăn, và hối hả nói: Mẹ sai tôi mang đồ ăn ra mời anh em… Rồi nàng vụt biến đi như một làn gió, một hình bóng của một bà tiên trong chuyện cổ tích.

Phải. Tôi biết rồi. Tôi đã hiều thế nào là ý nghĩa của chiếc thập tự, và ý nghĩa của một sự Ra Đời.

Mùa Giáng sinh tôi trở lại Núi Trầu
Bè tràm qua kênh lên đồi Núi Sọ
Chiếc thập tự in giữa nền ráng đỏ
Tôi vác bè tràm trả nợ  miền Nam

Trở lại Núi Trầu vào đêm Giáng sinh
Chúng tôi cùng nhau quay quần bên bếp lửa
Đón Noel, chén trà nhãn lồng chia xẻ
Người bạn rưng rưng hát nhạc Dâng Mừng
Ai lấy chiếc thìa gõ nhịp. Đêm Đông…

 

Viết lúc 4AM – tạ tình

Bạn thân mến,

Dễ chừng cả tháng tôi không post một bài nào trên blog. Có lẽ bạn nghĩ rằng tôi không được khỏe, hay luời, hay nổi cơn bốc dồng, như tự nhiên phá sập cả một căn nhà blog cũ (tranhoaithu.wordpress.com) khiên một số bạn gởi thư hỏi lý do.

Tôi đã bước qua tuổi thất thập được hai ngày. Cái tuổi mà khi ta nhận nó, ta phải tri ân, cảm tạ Trời Đất. Tôi đã thoát chết trong chiến tranh, trong tù tôi, trong chuyến đi vượt biển hãi hùng, để rồi, trở thanh một công dân Mỹ gốc Việt. Tôi đã từ bỏ bộ đồ rách vá của gã bán cà rem dạo, để trở thành một phần tử của  “cổ trắng” (white collar), với 25 năm làm việc cho AT&T và IBM. Đó quả là sự mầu nhiệm, hay nói có vẽ siêu hình hơn là phép lạ. Nó khiến tôi từ một tay khinh mạn du thủ, có thể nói là chẳng tin gì về tôn giáo, nay tin tưởng có Trời có Đất có một Đấng Quyền năng phò trợ.

Dễ chừng cả một tháng, tôi quên sửa sang, tu bổ căn nhà ảo này. Bởi phải lo chuẩn bị tạp chí giấy TQBT số chủ đề về Dương Nghiễm Mậu. Ôi thôi, việc là việc. Nào nhờ đánh máy, layout, trình bày, nào nhờ sửa lỗi chính tả. Hy vọng bạn sẽ nhận được trong tháng giêng .

Tôi viết tiếp.

Khi sưu tầm cuốn Địa Ngục Có Thật của DNM tôi đã chừa 6 hình ảnh của cuốn sách. Lý do, hình quá mờ. Giấy lại quá ố vàng, chạm có thể vỡ ra những mảnh vụn. Có một tấm hình mà tôi rất tiếc là tấm hình chụp con phố Trần Hưng Đạo Huế, với tấm biển quảng cáo cuốn phim Le Temps du Massacre (thời thảm sát) treo lủng lẳng vào ngày đầu năm Mậu Thân. Tiếc bởi vì nó nói lên một điềm dữ cho một tai ương khủng khiếp đổ xuống thành phố Huế. Ngày Tết, thiếu gì cuốn phim hay, yêu đời, giá trị để chiếu, tại sao rạp Hưng Đạo (và có lẽ Châu Tinh nữa) ở Huế lại  đi chiếu cái phim mang tựa đề “thời thảm sát” ?

Để rồi, sự thật là một địa ngục mở ra, có thật, với những huyệt đào chôn  dập hàng trăm xác, với những tay sát nhân lạnh lùng giết người như các tay súng trong cuốn phim…

Suốt ngày tôi tìm trên Net hình chụp phố Trần Hưng Đạo vào ngày Tết để có thể bỏ vào trong sách. Chưa bao giờ tôi xữ dụng cái từ massacre một cách miệt mài như thế.

Cứ nghĩ là cái thời ấy chỉ xãy ra ở Huế, nhưng nó lại xãy ra ở Mỹ này, cách nơi tôi ngụ khoảng 2 tiếng đồng hồ lái xe. Nó năm trên tuyến đường tôi đến thư viện Yale thuộc tiểu bang Connecticutt. Một đàng kẻ sát nhân là tập thể. Một đàng là cá nhân hanh dộng lẽ loi. Tuy nhiên massacre vẫn là một. Ghê tơm. Kinh hoàng. Tôi thẩn thờ, đau nhói ở ngực. Tại sao? Tại sao? Nhất là vào mùa Lễ Giáng Sinh này. Có lẽ không ai có thể hiểu lý do. Hung thủ tự sát. Mẹ hung thủ bị giết. 20 em bé từ 5-7 tuổi bị giết. 6 người lớn bị giết. Massacre. Tôi sợ  cái chữ này. Tôi không thể tiếp tục thêm, dù tôi đã tìm ra nó, không phải riêng rạp Hưng Đạo, mà còn ở rạp Châu Tinh, với tấm biển quang cáo cuốn phim. Tôi đã ghi địa chỉ tên Net trong phần nói về việc thực hiện cuốn bút ký, để ai muốn tìm hiểu thì tìm.

Bởi vì massacre đối với tôi không phải là một chữ nữa. Nó là một sự thật. Một nỗi đau không phải cho riêng những thân nhân, cho cộng đồng của Newtown, mà cho tất cả mọi người.

Đau lắm.

1. Nguyễn Bắc Sơn Trong thời chiến, thường thường có những nhà thơ được biết nhiều, do từ  sự phổ thơ của họ. Như Vũ Hữu Định qua Phố núi cao, hay Nguyễn Tất Nhiên qua Em hiền như Ma Soeur, Linh Phương qua Kỹ vật cho em,  Phạm văn Bình qua Mười hai tháng quân đi… hay Lê thị Ý với Ngày Mai đi nhận xác chồng… Qua Phạm Duy, thơ họ đã đi vào lòng người nhiều hơn, tên tuổi họ được nhắc nhở nhiều hơn.

Nhưng trường hợp Nguyễn Bắc Sơn là một ngoại lệ. Thơ ông không được phổ nhạc. Bài thơ Chiến Tranh VN và tôi, Thảo Khấu đầu tiên được đăng trên tuần báo Khởi Hành – cơ quan của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân đội- nhưng đã được truyền tụng mau chóng sau đó. Khỏi cần nhờ đến Phạm Duy hay một nhạc sĩ thời danh nào.

Vì sao?

Theo tôi, bởi chúng đã đáp ứng được phần nào tâm trạng của tuổi trẻ thời chiến chúng tôi bấy giờ..

Sau đây, chúng tôi xin cống hiến quí bạn một bài thơ khác, được chúng tôi sưu tầm trên Xuân Sóng Thần năm 1973  chẳng những nói về một người trẻ tuổi mang thân phận lưu đày trên quê hương mình trong thời chiến tranh, mà kỳ lạ thay, bây giờ đọc nó chúng ta cảm thấy như ông nói hộ cho mình – những người viễn xứ – hôm nay.

Ví dụ:

Tôi ngại quê nhà nhưng lại hoài hương

hay:

Các con, thế nào ba cũng dọn nhà đi viễn xứ

Dù tình quê hương rất khó nguôi khuây

 

Sau đây là toàn bài  Trời Cố Xứ. Chúng tôi tin rằng tác giả sẽ không còn giữ, và người đọc ít ai nhớ hoặc biết.

Trời cố xứ

Gởi Thức, Hoàng và Tân

Trời mưa ờ Nha Trang làm tôi nhớ bạn đến rơi nước mắt

Khi thấy rượu tràn sôi vành ly

Hoa sứ đỏ rụng nhiều xui tôi nhớ ngày đi trọ học

Nhà em láng giềng cửa số mở đêm khuya

Tưởng tượng có người thanh niên ngồi im trong quán gió

Khi chuyến xe đò tách bến trong mưa

Chuyến xe chở người đàn bà mang áo khoác

Tóc dài như tóc của em xưa

Tôi sợ tình yêu như sợ nhìn về viễn kiếp

Tôi ngại quê nhà nhưng lại hoài hương

Biết đâu mẹ tôi không đang sơn xanh ngôi nhà, mở toang từng cánh cửa

Mong bóng tôi bỗng hiện cuối con đường

Nơi cổ thành kia tôi đã lớn khôn đã cười đã khóc

Đã đem lòng thương mến Cúc Hoa em

Đã sống âm thầm những năm bất khuất

Soi chiếu đời với những que diêm

Tưởng tượng giữa trưa có người thanh niên nghe tiếng con gà trống gáy

Nghĩ đời mình trôi dạt biết bao nhiêu

Máu tôi lẫn máu người du mục

Nhưng lòng tôi e gió thổi đìu hiu

Các con ơi, tưởng tượng ba mỗi ngày ôm theo nón sắt

Đứng chờ xe trước ngã ba đường

Phải lộn xòng theo gái giang hồ và những tay mỗ mật

Các con sẽ thấy lòng người đen bạc ở quê hương

Cổ thành kia ơi, cổ thành bạc bẽo

Đuổi xua người trai trẻ mến thương người

Vì sao người thành ra bãi rác

Thành ra nơi đĩ điếm chuột heo ruồi

Các con, thế nào ba cũng dọn nhà đi viễn xứ

Dù tình quê hương rất khó nguôi khuây

Nhưng nghĩ giòng sông đã nhơ, lòng người đã đục

Đâu có người thương tiếc đám mây bay

Nguyễn Bắc Sơn

(trích từ báo Sóng Thần số Xuân năm 1973)

2. Sự mầu nhiệm của món quà

Trong hai tháng qua, tôi đến hai thành phố cận biển. Một bờ Tây: Bắc Cali. Và một bờ đông: Tampa Bay. Bờ Tây với những luống hoa hồng chảy suốt con đường từ San Jose lên phi trường Sacramento và bờ đông với xa lộ liên bang số 4,  gió biển đầy xe, những đồn điền cam vàng mênh mông bát ngát. Lâu quá không thấy lại Nha Trang, nên về nhìn biển cho đỡ nhớ. Ngồi dưới hiên của một căn nhà trên vịnh, nghe tiếng sóng vổ đều đều , thấy những áng mây trắng trôi trên nền trời xanh, lòng tự nhiên chùng lại. Ơi biển. Từ một đứa bé suốt ngày lêu lổng, đêm có khi nằm ngủ quên trên bờ cát, ngày thì mở tung lồng ngực no nê với biển xanh, với sóng ì ầm, với nắng lửa đến nổi tóc vàng cháy, da đen bóng, vậy mà bây giờ thành một ông già trầm tư. Tiếng sóng dội vào kè đá, mà lòng mình cũng dội lại vọng  âm. Từ một Nhatrang ngàn trùng.

Hai tháng với hai chuyến đi xa. Mỗi nơi có một niềm vui mời mọc. Mỗi nơi có những chai bia sủi bọt, những cốc cà phê nồng ấm bạn bè. Mỗi nơi có những lần bắt tay giã từ mà bịn rịn, những lần trở lại, ngồi trong phi cơ mà lòng thì bùi ngùi, để nhớ lại câu ca dao nào mà thấm thiá ra nỗi chia ly: Chẳng thà không biết thì thôi/Biết rồi mỗi đứa một nơi cũng buồn…

Có một người rất vui trong chuyến đi này. Đó là vợ tôi. Bởi nàng đã gặp được tác giả mà nàng hằng ái mộ. Làm sao ngờ được Trần Bích Tiên, tác giả bài thơ Nói với em lớp Sáu đang ngồi trong bàn tiệc ở thành phố miền Bắc Cali này… Và sau khi tôi kể với nàng là Trần Bích Tiên chính là nhà thơ Huệ Thu, người đang ngồi trước mặt em đấy, thì nàng sững sờ một lúc. Nàng thốt lên: Vậy cô là Trần Bích Tiên sao ? Bài thơ quá hay, cô ơi. Rồi nàng đọc lên: Này em lớp sáu này em nhỏ.Gặp em rồi không quên em đâu/Chiều nay hai đứa về qua phố/Rất tự nhiên mà mình quen nhau

….

Sách trên tay chị nghe chừng nặng

Sao cặp em đầy vẫn nhẹ tênh?

Thôi nhé em về con phố dưới

Giữ hoài cho chị tuổi Hoa Niên. (1)

Nàng đọc trơn tru, mạch lạc, không hề vấp váp. Đủ biết là nàng yêu thích bài thơ lớn lao như thế nào.

Vâng, tình độc giả là vậy. Một đằng dâng tặng cho đời những bông hoa. Một đằng nhận món quà miễn phí (hay quá rẽ, ví dụ giá tiền cuốn văn, tập thơ chẳng hạn) để làm đẹp hay để làm cho cuộc đời thêm ý nghĩa. Và để đổi lại là sự cảm tạ và tri ân.

Riêng tôi, tôi cần phải cảm tạ Tô Vũ, Tuấn Khanh hay Trịnh Công Sơn-  những nhạc sĩ mà tôi ưa thích. Tôi nghe những sáng tác của họ biết bao nhiêu lần không chán. Trong cõi đêm yên lặng như một ngôi nhà mồ, lời nhạc của họ làm tôi mê đắm, để tóc bạc tôi trở lại màu xanh, để con tim già nua của tôi trở lại trẻ dại, để nỗi cô đơn của tôi được vuốt ve an ủi…Để kỹ niệm nở hoa giữa những tháng ngày hiu quạnh… Ngay cả khi tôi mất ngủ, chúng dỗ dành tôi như lời ca dao à ơi ngày còn bé dại để rồi tôi nhắm mắt đi vào trong giấc  ngủ lúc nào không hay…

Sự mầu nhiệm này chắc chắn  những thứ thuốc tiên cũng không thể mang lại. Thuốc có thể làm sạch máu, tăng cường sinh lực, mang người yếu thành mạnh nhưng làm sao thuốc có thể làm đẹp tâm hồn, làm trái tim ta hạnh phúc ? Như vợ tôi, hạnh phúc được đọc một bài thơ hay, và thêm một nỗi hạnh phúc nữa là có dịp bày tỏ lòng cám ơn của mình đến với tác giả  đã mình hằng mến mộ.

Xin được cám ơn những người đã cho ta những món quà vô giá.

3. Nhớ về đồng đội

Trong đêm xứ người, nói gì về những người muôn năm cũ. Hai đứa chúng tôi như rưng rưng để nhớ về những đồng đội cũ của mình.  Tôi hỏi anh Hòa về những gì anh biết về đại đội 405 thám kích. Bộ quân sử không nói về 405. (Nếu có, chỉ ba giòng trong trận đánh năm Mậu Thân). Quân đội miền Nam cũng chẳng bao giờ nhắc đến một 405. Nó vô danh. Nó đánh giặc không phi pháo dọn đường, không được yểm trợ tối đa như những lực lượng tổng trừ bị. Nó là những tổ 3 người, những toán 4 người, mang trên vai những ba lô  với mười mấy ngày lương khô xâm nhập trong lòng mật khu. Thế giới của nó là những cánh rừng thâm u, những ngôi làng sâu trong rừng, những con đường mòn xâm nhập của địch. Nó không cần ai biết. Nó buồn như thế đó. Lạc loài như thế đó. Nó lầm lì như thế đó. Nhưng tại sao, anh và tôi lại phải giữ gìn như giữ gìn những gì trân quí nhất ?

Viên cựu đại đội trưởng 405 TK nhắc lại một Y Đao như một con sóc rừng. “… Y nhanh lẹ không thể tưởng. Người y, khi mang ba lô 17 ngày lương thực, không thấy người, chỉ thấy cái ba lô. Còn hạ sĩ Nùng Lương văn Tướng, ông ta nói tiếng Việt vẫn còn lắp bắp, mặt lúc nào cũng lầm lì.

Ông ta còn có biệt danh là ông Tướng giải phóng. Tại sao là giải phóng, Thư biết không ?.” “Thưa đại bàng, tôi không được biết”. Tôi trả lời. “Số là hôm ấy, toán ông bị phát giác. Lính Bắc hỏi : Ai đấy ? Ông Tướng lính quýnh trả lời: Biệt kích Giải phóng. Trời ơi, VC làm gì có biệt kích. Còn trung sĩ Tám, trung sĩ Khoái, trung sĩ Đặng, hạ sĩ Dự, hạ sĩ Lực, còn  chuẩn úy Bùi Toàn Hảo, chuẩn úy Âu Hoàng Minh, chuẩn úy Phan Thái Gia, chuẩn úy Nguyễn Thái Lâm …”

Anh kể như thuộc lòng. Đó là điều hiếm hoi cho một người đã trải qua rất nhiều đơn vị. Nó chứng tỏ đại đội 405 là một dấu ấn đậm sâu vào tâm trí của một người lính cũ. Nó chứng tỏ, anh đã có một nơi để tự hào trong đời binh nghiệp của anh.

Rồi anh Hòa nhắc lại hạ sĩ Y Brep và hạ sĩ Ba. VC trồi lên đánh cận chiến. Hạ sĩ Y Brep quạt Thopmson bảo vệ anh, hạ sĩ  Ba xô anh xuống hố. Và kết quả, Hạ sĩ Ba chết, và Y Brep bị mù một con mắt.

Tôi lắng nghe tiếng anh nghẹn lại. Vâng, tôi cũng vậy. Anh nói rằng, anh chưa bao giờ thấy đơn vị nào mà tất cả đều cùng một lượt xung phong lên đồi cỏ tranh, đứng thẳng mà tiến lên. Anh chưa bao giờ thấy một đại đội lại đánh tan tành một tiểu đoàn… Vâng, anh kể lại thời của anh từ 1963 đến 1964, và tôi kể lại thời của tôi từ 1967 đến 1971. Anh làm tôi nhớ lại hạ sĩ Đông mang máy truyền tin. Đông cũng cõng tôi mà chạy dưới bao lằn đạn. Và ông Y Suk đã cứu tôi thế nào trên đỉnh Kỳ Sơn.

Đêm nay, quê người, và hơn 30 năm xa cách cho hai cánh diều hâu bỏ đàn bỏ tổ. Những giọt lệ bỗng nhiên lại thêm một lần chảy lạnh cả tâm hồn. Người sống nhớ về người đã chết. Người may mắn nhớ về người không may mắn. Nguồn cội từ một mái nhà được phanh ra, để cùng nhau tự hào và cũng để cùng nhau mà khóc thầm. Những con người, không bao giờ nhìn lên, mà chỉ nhìn xuống, cam phận. Có ai còn nghĩ đến họ. Nghĩ đến một người như hạ sĩ Ba chịu hứng đạn thù để cứu một đại đội trưởng , để anh còn sống, để anh được cơ hội nhận hai lần thăng cấp tại mặt trận chỉ trong vòng hai tháng từ một ông tướng khó nhất là tướng Đỗ Cao Trí để tự hào là một sĩ quan được thăng cấp nhanh nhất trong quân đội miền Nam !

“Thư à, lon mình không phải do tướng Đỗ cao Trí gắn mà là do hạ sĩ Y Brep, hạ sĩ Ba gắn…”

Tôi cũng vậy. Bởi vì, ngòi viết của tôi chưa bao giờ có một nhân vật như Y Brep trên trang giấy. Và tôi cũng chưa bao giờ mời ông Tướng giải phóng, trung đội phó của tôi một cốc rượu, một lon bia. Ông ta anh hùng như thế, dẫn toán vào mật khu, hù lính Bắc quân, thế mà mỗi ngày vẫn chào tay tôi, trình diện tôi, giúp đỡ tôi, nâng bước chân tôi lên trên những bãi chiến trường sôi bỏng. Thế mà tôi không có cả một lời. Và dù có viết, thì đám kiểm duyệt ở Sài Gòn lại bôi đen chữ Tướng trong những đoạn tôi chỉ thị người trung đội phó tên Tướng này trong lúc hành quân hay làm ăn. Họ viện dẫn tôi chơi xỏ một ông tướng nào đó. Vâng, tôi đã vô tình quên họ, những người lính của trung đội tôi như Y Đao, Nay Lat,Y Suk, như Nha, Vọng, Tròn, Hường, Nai, Lợi, Ký, Mễ, Ưng Luông. Tôi chỉ bận tâm đến bản thân tôi. Tôi chỉ tìm mọi cơ hội để được thăng quan tiến chức, hay để được thoát khỏi địa ngục trong lúc họ vẫn tiếp tục cùng chiếc poncho, hay lon cơm gạo sấy, coi đơn vị là mái nhà vĩnh viễn của mình mà không một lời ta thán.

______________

(1) Toàn bài thơ được đi trên TQBT số 35 chủ đề Trường Xưa

Viết lúc 4AM : Quán sớm

hình Internet
hình Internet

Từ giữa cõi người, sáng nay, có kẻ đang đốt lên những sợi khói hoài niệm. Không còn nữa, cô hàng cho xin ly cà phê nhỏ. Tôi uống cho đầy đôi mắt trong (thơ THT) hay – chủ quán! Một cà phê thật đậm /chờ, nghe hạnh phúc cả trăm năm (thơ TTM). Không còn nữa bếp lửa hồng và ấm nước reo sôi. Không còn nữa cô hàng tóc tai vẫn còn biếng chải, đôi mắt còn ngái ngủ bưng cốc xây chừng

Continue reading “Viết lúc 4AM : Quán sớm”

Viết lúc 4AM: Nai vàng thôi ngơ ngác…

 Vâng, chỉ có mỗi một mình tôi. Hôm nay tôi sẽ dành tất cả ngày cho văn học miền Bắc. Tôi sẽ mở lòng không phân hận, không dị ứng. Tôi sẽ mở ra những trang tạp chí Văn Học – cơ quan lý luận phê bình văn học của Hội Nhà Văn và tạp chí  Văn Nghệ, tạp chí văn học nghệ thuật cũng  của Hội Nhà Văn. Tôi sẽ là người lật lại những trang từ những tạp chí  từ lâu hẩm hiu trên kệ ngăn im lặng, đầy bóng tối vì chắc ít có ai bận tâm để mà bật ngọn đèn neong kế cận.

Continue reading “Viết lúc 4AM: Nai vàng thôi ngơ ngác…”

Viết lúc 4AM: Ngày chờ bão Sandy

Chưa bao giờ các đài truyền hình Mỹ lại nói nhiều về trận bão Sandy như lúc này. Và cũng chưa bao giờ  New York và New Jersey lại được nhắc nhở như lúc này. Họ ví Sandy như  Frankenstorm vì bão xãy ra đúng vào mùa lễ Halloween, hay superstorm… để nói lên sự khủng khiếp về cường lực của bão. Có một vài nơi gần bờ biển đã được lệnh di tản…
Continue reading “Viết lúc 4AM: Ngày chờ bão Sandy”

Viết lúc 4AM: Gởi chữ…

Tản mạn

1.

Bạn,

Bạn và hai người nữa ở trong  nước @ cho biết không thể vào địa chỉ mới tranhoaithux.wordpress.com  Tường lửa đã vây hảm quá nhanh. Chỉ một buổi ra quân mà trận đồ đã bủa xuống cái blog vẫn còn chưa ráo mực.

Cái vụ này đã trở thành lỗi thời. Võ quít dày thì có móng tay nhọn. Cách bạn dùng để vượt tường lửa nếu không thành công, thì thử cách khác. Chẳng lẽ trên Internet, trí tuệ của lẽ phải, của niềm khao khát tự do, và sự thật lại bị bó tay hay sao.

Bạn đề nghị tôi dùng một domain khác cho dễ nhớ. Ví dụ xyz.com. Cám ơn bạn đã có lòng. Nhưng mà.thay đổi để làm gì chứ. Để nhiều người biết mà ghé thăm chăng. Tôi không màng. Cái blog này là của tôi, do tôi làm chủ, trước hết nó phục vụ cho tôi. Cho 4AM tôi cần phải trang trải nỗi lòng, cho bài thơ tôi chợt tìm ra một ý, cho nỗi buồn tôi thắp lên, và niềm vui được gióng chuông. Tôi sẽ khóa comment, không cần lời khen hay lời chê.

Như tạp chí với 4 chữ là Thư Quán Bản Thảo. Đầu tiên người ta dạy tôi bài học chữ nghĩa. Tại sao lại  lấy hai chử Bản Thảo? Làm báo giấy, lại chủ trương văn học, muốn đến với đám đông cần phải tìm những từ thật kêu. Trái lại ở đây, ngươi lại xử dụng hai tiếng chẳng giống ai.

Ừ, thì không giống ai. Nhưng tôi thích, tôi bỏ công sức ra  ai có quyền cấm tôi ?

2.

Tôi xin phép thay từ “gió” bằng từ”chữ” trong một tựa đè bài nhạc của Đoàn Chuẩn và Từ Linh: “Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay”. Thời đại này, chữ mới nói lên được tất cả nỗi lòng. Đôi khi miệng lưỡi cũng trở nên bất lực khi bạn muốn tỏ tình với người yêu. Xung phong ta hét tung buồng phổi. Sao lại cả đời ta nín câm ?

Cuối cùng, ta chỉ biết bám và nuơng tựa vào chữ. Dù là chữ Tàu, chữ Tây, chữ Phạn, hay chữ Việt, hay là chữ điện toán…. Dù những cấu trúc khác nhau, qui tắc khác nhau, văn phạm khác nhau, nhưng trên hết, chữ mang một mẫu số chung của nhân loại:
phương tiện diễn đạt ý nghĩ của con người khi miệng lưỡi không thể xữ dụng được.

Như hôm nay tôi đang gõ trên màn ảnh này những con chữ, và gởi chữ cho mây ngàn bay.

Bạn thấy đó. Nghệ thuật không phải ở bức tranh, tấm hình. Nghệ thuật còn ở con chữ. Tại sao bạn lại thích dùng loại chữ  italic thay vì chữ bold khi bạn post một bài thơ. Tại sao bạn lại thich loại chữ Roman Time thay vì Arial ?  Cái bóng chữ huyền nhiệm thật. Nó, dưới kỹ thuật điêu luyện của tay phù thủy, trở nên mầu nhiệm, và có khi chuyên chở cả tấn nổ. Nó khiến tuổi trẻ lao về phía trước, để bây giờ mới thấy mình bị lừa gạt…

Đau lắm.

 

Có phải không bạn ?

Viết lúc 4AM- Viết nhiều về lính không phải yêu đời lính

Hầu hết những sáng tác của tôi, thơ cũng như văn, đều lấy chất liệu từ người lính. Bởi lý do ấy nên có người nghĩ tôi là người yêu lính, tìm niềm vui qua màu áo đồng phục, hay “người lính không bao giờ giải ngũ”…

tranh Đinh Cường

Thậm chí, có lần một cô đóng vai em gái hậu phương, choàng vòng hoa vào cổ tôi.
Continue reading “Viết lúc 4AM- Viết nhiều về lính không phải yêu đời lính”

Viết lúc 4AM – Tin hay không tin

Trong bài hồi ký của Hà Quế Linh, có đoạn kể về  một tháng mà đơn vị anh – đại đội 404 thám kích gặp nhiều tai ách. Không phải từ những trận pháo hay trận tấn công liên tiếp của Bắc quân, mà trái lại từ đoàn quân muỗi rừng trong một tháng đơn vị anh dưỡng quân:

Cứ chiều chiều ngồi nhìn những dãy núi trước mặt về hướng tây,nơi mà các tiểu đoàn cuả 53 bị thất trận,rồi đẩy thám kích chúng tôi vào,những bầy kên kên bay về đen một vùng trời. Có lẻ xác chết cả hai bên giữa rừng sâu không bên nào kịp mang đi.  Thỉnh thoãng có những thiếu phụ,ngừng xe ghé lại căn cứ tôi hỏi thăm tin tức chồng,tôi chỉ biết chỉ về hướng núi xa xăm , chia xẻ nỗi buồn và chính đơn vị tôi đã dẫm chân lên vùng đất tử thần ấy,may mắn trời thương còn trọn vẹn kéo ra, để nằm đây nhìn lại một góc trời tang thương theo bầy kên kên no mồi!!.
Continue reading “Viết lúc 4AM – Tin hay không tin”

Viết lúc 4AM – Vui buồn đời thám kích

Bài viết của Hà Quế Linh đã làm tôi ngậm ngùi mà muốn rưng nước mắt. Anh nguyên cùng một đại đội thám kích với tôi – đại đội 405 TK sư đoàn 22 BB. Anh được bổ sung khi đại đội phó Bùi Toản Hảo tử trận. Và sau đó giữ chức đại đội trưởng 405 TK. Sau khi đại tá Lê Khắc Lý được chỉ định giữ chức vụ Tư Lênh Tiền Phương ở Tân Cảnh Kontum thì anh được bốc lên Kontum giữ chức vụ đại đội trưởng đại đội 404 Thám Kích tức đại đội Hắc Báo.
Continue reading “Viết lúc 4AM – Vui buồn đời thám kích”

Viết lúc 4 AM – Nên bỏ thì vừa

Lá thư của người chủ nhiệm tạp chí Hồn Việt ở CA đã làm tôi nghĩ đến một cuộc đầu hàng. Anh giải thích tại sao tạp chí lại đình bản, tại sao số báo tháng 6 là số báo cuối cùng, về món nợ khủng khiếp lên đến hàng trăm ngàn đô la mà tòa soạn phải gánh chịu sau 37 năm không ngoài mục đích là duy trì một tờ báo, nói xa hơn là duy trì tiếng mẹ… 37 năm làm viên gạch lót đường, giờ gạch kia cũng đã biến thành cát bụi…

Tôi chưa bao giờ gâp một người yêu mến chữ nghĩa như anh. Mỗi lần qua Cali, chúng tôi vẫn thường hay gặp nhau, có khi gặp tại một quán bên đường, có khi cùng ngồi chung bàn trong một bữa cơm bằng hữu… Khi ấy tôi nghĩ HV sẽ không bao giờ chết. Anh được anh em văn nghệ sĩ thương mến. Báo lại được quảng cáo. Nếu tờ báo chết trước, là tạp chí Thư Quán Bản Thảo này. Không bán, không quảng cáo, chỉ tặng… Mỗi số lại trên 200 trang, đóng bằng keo chứ không phải đóng bằng kim như HV…

Tạp chí TQBT

Vậy mà giờ đây, sự thật là trái ngược. TQBT vẫn tiếp tục. Trong khi HV đã nằm xuống, bỏ cuộc…

Không, không trái ngược đâu. Trước sau gì TQBT cũng phải theo số phận của HV mà ra đi. Làm sao một ông già thất thập lại còn sức để in, ấn, đóng, cắt, bỏ báo vào bì thư, dán tem, mang ra bưu điện. Làm sao mà mỗi hai tháng, phải mua những thùng giấy nặng trĩu, mang về nhà để in… Làm sao mà ngồi layout từng trang, hay đọc từng trang bản thảo. Và nhất là làm sao để bạn bè, thân hữu, độc giả vui, vừa lòng, để mình nhận được cái phần thưởng tinh thần để bù lại công sức quá sức to lớn phải đổ ra?

* Vâng, trước sau gì cũng phải đến một ngày… Giờ đây thì còn hơi còn lực, còn biết rằng, ngoài ta, còn có tình thân để mà nương tựa, còn có sự san sẻ kiến thức để mà học hỏi… và còn cái cõi ảo này để buổi sớm 4AM – gõ những giòng chữ  này. Cho ta. Cho bạn. Cho người mình nhớ ơn. Hay cho kẻ thù địch của mình. Đó thằng lính ngụy thám báo THT đó, bây giờ nó như thế đó.

Đó là lý do tại sao tôi lại post bài How to reset belt tranfer on Oki C5300n bằng tiếng Anh. Ít ra, nó là một bài post có ích lợi thiết thật nhất so với tất cả những bài văn chương chữ nghĩa của tôi đã post từ trước đến nay.

Bởi vì chính tôi đã trải qua cái kinh nghiệm đó.

Đó chính là  mục đích của Blog này.

Có phải vậy không?

Viết lúc 4AM – Nỗi buồn nở bông

Luân Hoán và THT

● Cuối cùng chúng tôi là những kẻ may mắn được sống sót sau cuộc chiến tàn khốc. Bầy ngựa của một thời Tăng Nhơn Phú sau khi rời cổng quân trường đã tan tác trong chiến tranh thì trong hòa bình lại càng tan tác hơn… Những người viết văn làm thơ của thời chiến trở nên thưa thớt, cạn dần. Cạn về sinh lực và cạn về khí trời. Nhưng vẫn có những người vẫn tiếp tục cuộc hành trình văn chương không mỏi mệt.
đọc tiếp

Viết lúc 4AM – Vài suy nghĩ vẩn vơ…

Thêm một ngày cho một cuộc bắt đầu quen thuộc. Vòng quay của trái đất và vòng quay của cuộc đời thì cũng như nhau. Có điều, trái đất thì vô cảm, vô tâm, còn con người thì có con tim, có trí tuệ, có suy nghĩ.

Tôi là một con người. Một sản phẩm siêu việt trong tất cả muôn loài. Bởi vì tôi có trí não. Và có sự suy nghĩ.
đọc tiếp

Viết lúc 4AM – Đọc lại những đoạn viết rời

Đọc lại một số báo Thư Quán Bản Thảo  cũ 7 năm về trước. Buồn. Trên những trang báo này, lẽ ra phải màu xanh, màu rượu hổ phách, lẽ ra phải niềm vui, nhưng tại sao cứ những nỗi buồn này tiếp đến nỗi buồn khác. Hết Hoàng Ngọc Tuấn, rồi Nguyễn Tôn Nhan, rồi Khoa Hữu và bây giờ là Nguyễn Mộng Giác.
Continue reading “Viết lúc 4AM – Đọc lại những đoạn viết rời”

Viết lúc 4AM: Niềm vui sáng kiến

Mấy hôm nay, quá quá quá bận, nên không viết gì cho 4AM, dù mỗi ngày vẫn thức giấc để tiếp tục cho cuộc hành trình mà người ta gọi là cuộc đời.

Bao nhiêu việc phải làm. In cuốn Truyện từ Văn của THT dày 290 trang. Chuẩn bị cho Thư Quán Bản Thảo chủ  đề về tạp chí Văn số tháng 8 này. In  thi phẩm Lửa, một di cảo của cố thi sĩ Khoa Hữu. Và vài mươi tập Xa Xứ đã hết, bạn đọc hỏi xin nhiều quá. Lại thêm một bộ Thơ Miền Nam, 5 tập, phải khâu chỉ, dày cả 3500 trang. Rồi còn phải tạ tình vợ, chở nàng đi chơi…

Khủng khiếp. Công việc quá sức bận rộn, làm ta như ngất ngư. Như vậy, làm sao mà viết?

Được chứ. Bằng chứng là sáng nay, thêm một bài mới cho một niềm vui.

Niềm vui sáng kiến.

Vâng, sáng kiến ở đây là tự động hóa việc ép phim loại lạnh. (Cold laminating film  automatization).

Như bạn biết, có hai loại laminating film. Loại nóng và loại lạnh. Hầu như trong kỹ nghệ, người ta đều dùng loại nóng.
Cứ lắp vào máy ép (laminator) hai roll trên và dưới. Mở máy để lám nóng hai trục ép theo nhiệt độ mình muốn. Thường là 270 độ F. Sau đó đút bìa vào giữa hai trục. Sức nóng của hai trục ép làm phim laminating chảy, và ép phim vào mặt bìa.

Vì nhiệt độ cao nên làm bìa cong, nên chuyện ép bìa sách bằng laminating film ít được dùng trong kỹ nghệ in ấn. Họ chỉ dùng phương pháp tráng láng (Utra Violet coating), vừa rẻ, vừa nhanh.

Có điều máy UV rất mắc. Một kẻ làm tài tử như tôi, không thể mua để chơi.

Chỉ có cách là dùng phim lạnh (cold laminating film).

Nhưng phim lạnh được chế để ép vào những tấm quảng cáo, yết thị, bích chương để chống lại thời tiết, mưa nắng ngoài trời. Máy ép keo lạnh không có hệ thống quay như máy ép nóng. Chỉ việc cắt cho vừa  kích thước  tấm bích chương, rồi cẩn thận bỏ vào máy để từ từ ép tùng tấm một. Việc làm rất tốn công tốn sức. Ví dụ 10 tấm bích chương, ta phải làm mười lần, phải cẩn thận đừng cho keo dính. Phải bóc lột lớp giấy dán vào keo trước khi ép. Nếu mà dính vào bìa thì xem như tấm bìa ấy bỏ đi. Nói tóm lại loại laminating lạnh chỉ dùng ép cho những bích chương hay bảng quảng cáo với số lượng ít ỏi. Bạn thử Google “Cold laminator” bạn sẽ thấy giá tiền khoảng trên dưới $1000 (Mỹ), $700 (Tàu) cho loại phim lạnh rộng quá 25 inch.

Có nghĩa là chưa có ai nghĩ ra cách làm máy để tự động ép phim lạnh. Việc tự động chỉ dành cho loại phim nhiệt (nóng) mà thôi.

Tôi đã nghĩ ra cách. Kỳ diệu quá bạn. Tôi đứng nhìn mê mẩn công trình của mình. Tôi upload cái hình để “khoe” thành tích. Đâu có gì mà xấu hổ. Đây là một sự thách đố của trí tuệ. Và tôi đã chiến thắng.

Ôi sách của tôi, truyện của tôi, bìa tôi làm, bìa tôi ép phim, láng bóng, không cong, phẳng như mặt kiếng. Tôi đã thành công sau bao lần thất bại. Những lần nín thở để thử, giờ đã nhường lại cho niềm vui kỳ diệu.

Viết lúc 4AM – Truyện từ Văn

Cuối cùng, sau Truyện từ Bách Khoa, Truyện  từ Văn được ra đời.  Nó được ra đời từ tấm lòng của vài người  mà tôi chưa bao giờ thấy mặt. Những người ấy, ở Hà Nội, Saigon. Họ sưu tầm và bỏ công đánh máy gần 20 truyện trên tạp chí Văn từ năm 1967 đến 1975. Và một người bạn ở Mỹ, bỏ công ngày đêm sửa dùm lỗi chánh tả, hầu tác phẩm có thể ra cho kịp ngày phát hành tạp chí Thư Quán Bản Thảo số tháng 8 chủ đề tạp chí Văn như là ấn bản đặc biệt…

Vì sách dày gần 300 trang nên mỗi ngày, tôi chỉ in khoảng 10 tập. Mỗi ngày tôi tìm được niềm vui trên từng trang giấy được in ra. Cám ơn khoa học kỹ thuật. Cám ơn điện toán. Nhờ điện toán, tôi mới có thể viết những program để tự động hóa công việc. Từ việc tiết kiệm giấy, mực, đến cách dàn trang. Từ việc báo động khi giấy bị jammed…  Nhờ điện toán tôi mới tự do chọn chữ, chọn font, size, space… Điện toán kích thích trí óc của tôi, bắt tôi phải tìm tòi nghiên cứu. Tại sao dùng acrobat thay vì WORD để in. Và mới đây tôi khám phá thêm là Microsoft có một nhu liệu tuyệt vời giúp tôi layout dễ dàng những bìa sách…

Nhờ điện toán, 300 trang được chuyển đến máy in. Nghe xôn xao đầu kia, vì hai chiếc máy in đồng lượt trỗi lên tiếng động khi tín hiệu nhận được từ computer. Âm thanh rộn ràng, lòng tôi cũng rộn ràng. Mùi khét của bột laser (toner) khi bị nướng bởi fuser không còn làm tôi khó chịu nữa, trái lại nó bắt mình ngất ngây… Rồi từng tờ, từng tờ nhả ra… Tôi cầm một tờ kiểm soát. Chữ rõ. Có nghĩa mực vẫn còn nhiều. Có trang chữ nhạt mờ. Nhưng có thể đọc được. Không, tôi phải bỏ. Dù là báo tặng, nhưng tôi yêu chữ nghĩa, tôi mong cống hiến cho người đọc niềm yêu mến của tôi.

Mấy hôm nay, tôi có thêm một cái máy in màu khác nữa. Tuyệt vời. Tôi phải lái xe cả tiếng đồng hồ để tìm đến địa chỉ rao vặt bán chiếc OKIDATA C5150 với giá $50. Người rao cho biết vì mực hết nên bán rẻ. Một cái máy in $50 có lẽ là máy vất đi không ai thèm lượm. Bởi vì lượm  về nội chuyện mua phụ tùng để sửa chữa cũng đã quá số tiền mua máy mới.

Nhưng đối với tôi, đây là một cái máy mà tôi hằng mong đợi nhất. Tôi có thể in được bề dài tha hồ. Nó không giống như hầu hết các loại máy in color laser thông thường khác như HP, Dell, Brother, Lemark… Kích thước bề dài tối đa là 14 inch (legal). Hay nếu là máy lớn, đắt tiền thì kích thước là khổ tabloid (11×17 inch) (giá ít nhất phải $1000 trở lên).

Hơn mười năm, tôi chỉ ao ước có một cái máy color laser có thể in chiều dài hơn 18 inch để tôi có thể thực hiện những cái bìa bọc sách (jacket cover) như chúng ta thường thấy ở những cuốn sách bìa cứng (hardcover book). Và tôi đã đạt được, với cái OKI $50 này.

(Như các bạn thấy một phần 2 bìa trên, khổ bề rộng 8.5 inch và bề dài 19 inch!)

Như vậy, những cuốn sách Truyện Từ Văn, Truyện từ Bách Khoa của tôi, do tôi sáng tác, do tôi tự in, tự đóng và cắt lấy, sẽ có thêm cái bìa bọc ngoài được ép bằng phim laminate lạnh (Cold laminating film) rất mắc tiền. Đã trót chơi thì chơi cho hết mình. Điếc không sợ súng mà… Dân thám báo mà.

Xin lỗi tôi phải ngưng viết.  Có một sự im lặng khả nghi ở chiếc máy in. Một là giấy hết. Hai là bị jammed. Nó đang chờ chủ nó đấy.

Viết lúc 4AM – Một bài thơ tự do

 

Mỗi ngày tôi bắt đầu mở máy computer, printer

bước đầu là làm nóng: warming

Kế đến là dọn sạch bụi bặm trong memory: Initialization, reset, clearing…

Nhưng mỗi ngày tôi mở mắt,

não bộ tôi lại càng chất chồng thêm bụi bặm của cuộc đời

Không có initialization

Không có reset

Bụi bặm đến từ những cuốn sách

Bụi bặm đến từ những đỉnh cao trí tuệ

Bụi bặm đến những email

Những kẻ không đáng mình phải nghĩ

Những chuyện dạy yêu nước để được trở thành một người công dân tốt

làm điều từ bi bác ái để được lên thiên đàng cực lạc

những chuyện máu cao, đường nhiều, gout, joint…

những chuyện  giá nhà, giá đất

Xám xịt, đen ngòm, thúi tha…

Tôi tìm làm sao một khoảng trời xanh

Một khối dưỡng khí

Một mùi hương …

Thôi chỉ còn cách cuối cùng

 

Làm con bò

Để cháu tôi cưỡi

Làm bệnh nhân

để cháu tôi bắt kêu A A…

Lái xe về NY

nhìn con gái đàn bà

Mua cái hot dog một lon coke

vừa ăn vừa cười vừa chửi vừa hát, vung tay vung chân

Để ngợi ca tự do

ngợi ca cuộc đời

Muôn năm muôn năm !!!

 

7-11-2012

 

Viết lúc 4 AM – Lại bàn về thử (3)

Khi người ta tin bộ óc họ siêu đẳng nên cái sản phẩm trí tuệ của họ chẳng cần thử, không được quyền nghi ngờ.  Nghi ngờ là phản cách mạng. Chống lại là phản động!

Chỉ có tôi thì chẳng ma nào theo. Tôi chế cái sản phẩm là lấy chảo điện làm binding machine, tiết kiệm công sức điện nước tiền bạc lại kết quả không phải bội phần mà thập phần… Bởi vì nó là đồ thổ tả, bởi vì tôi là người VN da vàng mũi tẹt, bởi vì tôi vô danh tiểu tốt…

Nhưng mà không sao. Nó giúp tôi là đủ. Giúp khi tôi không thể trúng số để mua những perfect binding machine hàng chục ngàn đô-la, máy tráng láng UV hiện đại, máy cắt giấy chạy bằng điện… Giúp để tôi có thể vừa là chủ vừa là thợ để duy trì  một tạp chí suốt 11 năm và giờ đây vẫn còn tiếp tục, và xuất bản hoặc tái bản hàng trăm đầu sách…

Yên chí đi ông bạn. Tôi đã thử sản phẩm thổ tả của tôi hàng ngàn giờ, hàng  vạn lần, và lần nào cũng thành công. Xác suất lên đến  99.9 %. Sao lại không chịu tin tôi mà lại đi tin  ba cái mớ sách vở chẳng ích gì, ba cái tên tuổi đã nằm trong quan tài mục rã. Tin chi ba cái mỹ từ, nhân danh, ba cái hoang tưởng khùng điên…

Tôi hỏi bạn một câu, bạn đã thử chưa. Làm sao bạn tìm được ánh sáng trong vùng bóng tối ấy ?

***

Thử. Tôi  lại thử nữa rồi. Một vấn nạn trong chuyện in ấn là làm sao cho bìa khỏi cong sau khi ép phim. How to prevent book cover from curling after laminating it ?… Câu hỏi này lặp đi lặp lại trên các diễn đàn về in ấn và book binding, cho đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Chắc bạn đã thấy những bìa sách láng bóng? Vâng, chúng được tráng bằng loại máy đặc biệt là máy UV coating machine (máy tráng láng bằng hồng ngoại tuyến). Nhưng tôi không đủ tiền để tậu. Chỉ có cách là ép bằng loại phim laminating. Như bạn thấy các bảng thực đơn. Máy rẻ, Phim rẻ. Lại bền, bóng láng, giúp giữ bìa sách “trẻ mãi không già”… Có điều sau khi ép vào bìa, thì bìa cong lên (curled) . Vì sao? Vì giấy bìa là loại giấy làm bằng bột fiber, khi nhiệt độ cao, phần bìa trong giãn ra,  trong khi phần bìa ngoài, phim laminate thì cố định,  không chịu giãn như bìa trong…

Cách chữa là ép phim hai mặt bìa. Hay dùng loại lay-flat laminating phim, hoặc nylon laminating. Những những loại này rất đắt tiền. Hoặc dùng loại cold laminating film. Cách này cũng bất tiện vì không  thể bỏ máy chạy và ép tự động như loại phim thông thường mà phải cắt ra, ép từng bìa một, tốn rất nhiều công sức…

Như vậy, cái trở ngại lớn nhất là tiền. Có tiền có thể giải quyết được tất cả.

Nhưng mà, tiền không thể tạo nên niềm vui.

Tiền không thể giúp cho một sự thách đố của trí tuệ.

Tôi đã nghĩ ra nhiều cách khác nhau. Và để chứng nghiệm là thử. Nhưng lần nào cũng thất bại. Bìa cũng cong.

Thôi thì, tạm xem đầu hàng.
Chờ ngày thử tiếp.

Viết lúc 4AM – Bàn về Thử (2 – cập nhật)

Sáng dậy sớm. Đánh máy lại một số bài trên báo Văn số Tưởng mộ Nguyễn Đình Vượng. Có Mai Thảo, Trần Phong Giao, Duyên Anh, Nguyễn Xuân Hoàng. Nhờ Google OCR nên cũng đỡ vất vả. Thư Quán Bản Thảo số tới có chủ đề báo Văn sẽ là một số báo dư dật bài vở tài liệu, sẽ giúp ích rất nhiều cho những ai muốn nghiên cứu về văn chương miền Nam. Sẽ là một số báo chẳng ai có thể làm nổi. Chẳng ai có thể thực hiện nổi. Cho 38 Phạm Ngũ Lão. Cho Nguyễn Đình Vượng, Trần Phong Giao, Nguyễn Xuân Hoàng, Mai Thảo… Cho niềm hãnh diện về một nền văn học miền Nam.

Để tạ tình miền Nam đã nuôi dưỡng ta, cho ta thở, cho ta tự do, cho ta cây viết. Cho ta tất cả.

***

Hôm qua, bàn về Thử. Thấy còn thiếu nhiều. Nào là cải cách ruộng đất. Đánh tư sản mại bản. Truy diệt văn hóa miền Nam.

Những sản phẩm “siêu việt”, mà người dân là phương tiện, công cụ được sử dụng để thử cho cái bộ óc “siêu việt” của loài người.

Chứ không phải dùng con chuột hay con thỏ để thử một loại thuốc mới.

Hay là dùng người máy để thử mức an toàn của người tài xế khi xe bị va chạm mạnh.

Cách thử thì có muôn ngàn cách. Có điều cách nào cũng mang một mục đích là bảo đảm chất lượng hầu phục vụ con người.

Nhưng cũng có cách thử thật tàn bạo, khủng khiếp. Đọc cảm thấy nổi da gà. Tóc gáy muốn dựng như đoạn sau đây tả lại cảnh một cán bộ đảng viên CS xử tử một người thiếu nữ bị nghi là Việt gian trong thời kháng chiến chống Pháp:

…Quý đi bên cạnh chàng, nó hơi e ngại thấy chàng có vẻ lầm lì yên lặng, chợt nó thấy một con vắt nhảy bám vào cổ áo Trần, nó vội lấy tay gạt xuống đất.  Trần như sực tỉnh quay nhìn bảo:  “Thiếu chút nữa thì nó chui vào cổ anh rồi,” Quý được khuyến khích bởi vẻ dịu dàng bất chợt của Trần, nó kể tiếp:

–    Anh ạ, thằng Sinh nó còn kể rằng ông Bé ở bên ty Công an vừa khoe với nó ba mũi tên tẩm thuốc độc của người thiểu số, nghe đâu loại thuốc độc ấy người thiểu số họ chế bằng một thứ nhựa cây gì, chất độc mạnh lắm, chỉ cần bắn một mũi là cọp hay voi gì cũng lăn ra ngay, ông Bé xin được ba mũi tên thích lắm mà chưa có dịp bắn được con thú gì để thử, cho nên bữa nay ông ấy lãnh phần xử Việt gian để bắn thử mũi tên tẩm độc xem có hiệu nghiệm không, em có thấy ông ấy có cái nỏ mọi lên nước màu mun đen bóng đẹp lắm, thằng Sinh nó còn bảo…

Một tiếng thét lồng lộng nổi lên xuyên ngang sự u tịch của khu rừng, đập vào thái dương của Trần và Quý, hai người cùng khựng lại, không ai bảo ai họ cùng đi nhanh về phía có tiếng thét, cùng lúc ấy tiếng kêu lại nổi lên thất thanh:

–    Cứu tôi với, trời ơi, cứu tôi với.

Tiếp theo là tiếng rên rỉ tuyệt vọng, tiếng của một người con gái.  Trần vạch lá, bước vào một khoảng trống, từ hướng chàng đến, chàng có thể nhìn suốt được quang cảnh lúc đó.  Người con gái bị trói quặt vào một thân cây, chiếc áo cánh trắng bị xé toạc để lộ từ ngực suốt xuống bụng, hai mũi tên ghim sâu vào bộ ngực căng phồng trắng muốt, khoảng da nơi mũi tên cắm vào loang ra một vòng tròn xanh thẫm, những thớ thịt rung lên từng hồi cùng tiếng kêu cứu không dứt của người con gái, miệng nàng đã sủi bọt, hai mắt bị bịt kín bằng một mảnh vải đen, tóc tai rũ rượi, nàng cố vặn người vùng vẫy một cách tuyệt vọng.

Vút, một mũi tên thứ ba bay đến cắm phập vào ngực bên trái của nạn nhân, tiếng kêu cứu lại nổi lên nhưng lần này yếu ớt hơn, rền rĩ ai oán không dứt.  Một tiếng nói bực tức ra lệnh:

–    Làm mụ ấy im đi cho rồi.

Một người xăm xăm bước tới, kê súng lục kề thái dương nạn nhân bấm cò, tiếng nổ giòn khô khan, nạn nhân gục xuống, một cái giật nhẹ toàn thân rồi bất động, tiếng kêu tắt hẳn.

Mọi việc xảy ra như chớp nhoáng, Trần đứng sững cảm thấy gần như tê liệt.  Một người đàn ông đứng tuổi nước da mai mái, nét mặt cằn cỗi lạnh lùng, tay xách chiếc nỏ của người miền núi, tiến về phía nạn nhân theo sau là một đám đông độ mươi người, người đứng tuổi cúi xuống xác chết, bây giờ đã được mở trói đặt nằm dài trên đất, người ấy đưa tay nhổ một mũi tên trên ngực nạn nhân, một giòng máu đen ứa ra từ vết thương đen sẫm chảy dài dọc theo vết trũng giữa ngực, vòng theo đường tròn dưới vú trắng ngời như một con rắn nhỏ đang bò đi.  Trong đám đông một vài người bất giác lùi lại, người đàn ông đứng tuổi đứng thẳng người, thản nhiên nhíu mày xem xét mũi tên:

Quái lạ, tụi nó đã cam đoan với tao là thứ tên này độc lắm, chỉ một mũi là chết ngay tức khắc, vậy mà bắn luôn cả ba mũi con mụ vẫn gào thét luôn miệng, thật vô lý.  Để tao mang vào hỏi lại mấy thằng thiểu số này mới được.  Tao phải đổi cho chúng nó cả gùi gạo và muối nữa chứ phải ít đâu.

(trích Cõi Đá Vàng truyện dài của Nguyễn thị Thanh Sâm, Thư Ấn Quán tái bản 2012)

Viết lúc 4AM – Bàn về Thử

Tôi có một thời gian dài làm việc với công ty AT&T chuyên về ngành quality assurance (bảo đảm chất lượng). Công việc là kiểm chứng những nhu liệu (software) do bên phần hành development (phát triển, nôm na là viết nhu liệu) chuyển đến trước khi chúng được tung ra thị trường.

Nhóm tôi gồm 5 người. Dĩ nhiên những người này phải có kinh nghiệm về thảo chương (programming), phân tích hệ thống (system analysis), và quen thuộc về những phương pháp thử qua những test case khác nhau.

Vai trò của chúng tôi như những kẻ vạch lá tìm sâu. Tìm ra chỗ sai sót. Đề nghị những tu bổ. Chúng tôi phải tự đặt vị trí mình là khách hàng.

Ví dụ một người khach hàng vô ý chia cho số 0 (zero) chẳng hạn. Ví dụ, trời bão, điện tắt, hay điện thoại bị cắt. Ví dụ số tiền giới hạn là bao nhiêu, quá số ấn định, phải đánh dấu hỏi.

Người viết ra chương trình chỉ thấy hiện tại. Người thử mới là người thấy tương lai.

Vậy mà, đôi khi có những chuyện không thể ngờ lại xảy ra. Một lời khiếu nại than phiền của khách hàng cũng đủ làm người phụ trách nhức đầu. Có khi cùng làm việc với người viết program cả đêm để giải quyết vấn đề. Có khi phải tạm ngưng chạy nhu liệu.

**

Như vậy, “thử” là một việc làm  rất cần thiết cho bất cứ một sản phẩm nào muốn ra khỏi lò. Nó mang cho khách hàng sự hài lòng và sự tin cậy. Nó làm tốt để phục vụ cho con người.

Đó là lý do tại sao các công ty Mỹ lại chú trọng đến “việc làm thỏa mãn khách hàng” (customer satisfaction). Chẳng những 100% mà cả đến 200%!

Muốn vậy, không phải đi mướn một programmer giỏi, siêu đẳng. Mà là phải cần sự nhúng tay của nhóm quality assurrance.

Việc “thử” cần thiết và quan trọng như vậy, vậy mà có những nơi, sản phẩm khỏi cần thử. Lý do sản phẩm được đẻ ra bởi thần thánh, bởi lãnh tụ, bởi bộ óc siêu việt. Không ai có thể nghi ngờ hay có quyền bàn đến chất lượng của sản phẩm! Nghi ngờ là phản động!

Để rồi sau đó, thấy đất trời ngùn ngụt lời thống hận, nguyền rủa, thay vì ăn năn hối hận, lại đổ thừa để biện hộ cho việc làm của mình. Như ông nhà văn nào đó  khi được báo chí ngoại quốc phỏng vấn về vụ thảm sát Mậu Thân ở Huế, thay mặt đảng biện hộ:

Đảng lúc nào cũng khoan hồng tại nhân dân nổi giận đấy thôi!

Viết lúc 4AM – Viết vào ngày của cha

Tôi là một kẻ bất hạnh nhất thế gian. Tôi có mẹ mà coi như không. Có cha mà ngày ông qua đời tôi không hề có mặt bên cạnh. Có chăng là anh em tôi, cùng nhau đốt nén nhang, quì lạy trước cái khung hình đặt trên bàn thờ ở xứ người.
Ngày ông mất, tôi giấu tất cả. Bạn bè, những người trong nhóm, và ra bờ sông mà khóc nức nở. Về nhà, tôi ngồi bệt dưới cầu thang và khóc. Tôi cảm thấy cái bóng tối quá ghê rợn, quá khủng khiếp, và quá âm u, nhốt tôi, để tôi thấy mình là một đứa con bất hạnh nhất trần gian. Tại sao tôi lại không như kẻ khác. Đặt chữ hiếu lên hai chữ chính kiến, không chịu trở về?
Tôi đã hỏi, và đã trả lời. Cái hành lang buổi chiều hoàng hôn, tôi thấy bóng ba tôi. Trước mặt con đường tôi lái xe. tôi cũng thấy ba tôi, những giờ phút ngồi trước máy computer, dưới basement quạnh quẽ tôi cũng thấy ba tôi. Tôi thấy ba tôi mọi nơi, mọi lúc, thì dù có ở bên cạnh quan tài đi nữa, cũng vậy mà thôi. Trong một bài viết về người cha, tôi viết, tôi chẳng cần ai biết. Chỉ có ba và con là đủ…

Có nên làm một việc làm hơi phù phiếm này chăng. Edit bài Người Cha mà tôi đã post cách đây 3 ngày, chọn option STICKY, có nghĩa là cho nó vào trang đầu tiên, để hôm nay ngày của cha, father’s day, thiên hạ ghé thăm đọc và may ra nhỏ chút nước mắt. Không, tôi không làm vậy.
Thưa ba, con vẫn là kẻ kiêu ngạo như dạo nào. Đi lính thì chọn lính dữ nhất, thám kích. Và nay thì làm công việc mà chẳng có một ai làm nổi. Lập nhà xuất bản, thực hiện một tạp chí. Biếu không 11 năm và tiếp tục. Báo giấy thì thi nhau rụng. Còn báo con, nhà xuất bản của con thì càng ngày càng mạnh.
Nhưng mà, giờ thì mắt con đã lòa mờ, khó thấy. Lưng con thì nặng. Nỗi mệt mỏi đã làm hai ngón tay của con không còn thiết gì đến việc gõ chữ nữa. 70 tuổi rồi còn gì.

Nhưng mà, con không thể đầu hàng, hay bỏ cuộc. Đứa con của ba sẽ tiếp tục con đường. Hai ngón tay con sẽ tiếp tục gõ vào bàn phiếm những trang chụp lại từ báo Văn cũ. Và mắt con không nhìn rõ thì cố trừng trừng. Dễ dàng lắm mà. Zoom in 200%.

Ba hãy tự hào cùng con.

Viết lúc 4AM- Tản mạn về bóng tối

Nhưng bây giờ, bóng tối xưa đã không còn nữa. Đêm bây giờ không còn âu lo nữa. Những ngày tháng bây giờ bình an và trôi qua cùng với những niềm vui bất tận. Mỗi ngày là một tặng phẩm của Thượng Đế. Vậy mà, khi ngồi lại trước máy computer, tôi lại nhớ đến bóng tối của thời xưa. Nhớ đến tha thiết. Bằng chứng là blog này, những phụ blog này. Nào là Phượng trong thành nội, dành cho Huế của tôi…

Đơn vị chúng tôi chuyên hoạt động trong bóng tối.  Trong những lần di chuyển, để khỏi bị lạc nhau, chúng tôi phải di chuyển theo hàng dọc, kẻ trước người sau. Ba-lô mỗi người lính đều cột bằng sợi dây, để giữ lấy đội hình. Người trung đội trưởng phải luôn luôn ở vị trí thứ hai sau người tiền sát hay dẫn đường (thường là hồi chánh). Lý do, tôi phải xem bản đồ,  coi địa bàn, phương giác để hướng dẫn người đi đầu biết hướng phải đi. Địa bàn phương giác chỉ cho chúng tôi hướng đến mục tiêu, nhưng không thể chỉ những hố bom, hay vũng nước sâu dưới chân. Có khi chúng tôi hụt hẫng, người này kéo người kia lên giữa đồng nước ngập lụt bốn bề. Ngoài việc đột kích, đột nhập chúng tôi cùng với đại đội 22 Trinh Sát, đại đội 401 Thám kích còn phải có trách nhiệm giữ an toàn cho Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 22 BB.  Cứ hai đêm một lần – nếu không tăng phái cho các trung đoàn – chúng tôi phải xuống đồi nằm ngoài vòng đai ít nhất là từ 3 đến 5 cây số. Lúc này không có ai có thể che chở chúng tôi trừ những thành mả, những ngôi mộ và bóng tối.
Tôi đã làm một bài thơ nói lên tâm trạng của một người lính trong cõi địa ngục vô minh này:

Trong bóng tối có ai còn phân biệt?
Có ai còn biết được người hay ma?
Chúng tôi lỡ sinh trong thời oan nghiệt
Chỉ chập chùng những bóng tối tha ma

Chúng tôi phải dùng tai thay đôi mắt
Chúng tôi phải dùng mũi để nhìn trông
Thần trí cứng, đuổi theo từng tiếng động
Tim như chừng vỡ cả khối hư không

Chúng tôi sống, ngày là đêm, bóng tối
Trong hầm sâu, dưới địa đạo u minh
Hơi hụt hẫng, theo từng cơn địa chấn
Tai ù ù như bật vỡ âm thanh

Chúng tôi đợi, từng giờ như thế kỷ
Hỏa châu vàng oà vỡ cả màn đêm
Ngọn cứu rỗi, nơi này không Phật Chúa
Chỉ ánh sáng lòa, thảng thốt, mông mênh

Chúng tôi đã nghe nhiều hơn thấy
Tiếng côn trùng rên rỉ, tiếng mưa rơi
Cả tiếng mớ của một người lính trẻ
Rất an bình không thao thức suy tư

Chúng tôi sợ nhưng kềm cơn sợ hãi
Bóng đêm ơi, cõi lụy của hồn âm
Ngọn gió lạ, như nổi từ  địa phủ
Ông bà ơi, xin phù hộ đàn con

Đọc lại những câu thơ của một thời, thấy lòng mình bồi hồi, mắt muốn rưng rưng. Bài thơ chỉ nói về bóng tối. Bóng tối của vũ trụ và bóng tối của cuộc sống chúng tôi. Nhưng nó không nói hết những gì mà chúng tôi đã trải qua, đã nếm, và đã chịu đựng. Thơ chỉ là một bóng lớn bao phủ nhưng thơ làm sao ve vuốt được từng tiếng mớ, tiếng chửi thề vì phải đội mưa. hay vì sa chân vào một hố bom, hố pháo. Hay cái cảnh đêm hôm chột dạ, đi cầu, tìm một chỗ để cho anh em khỏi bị ngửi cái mùi uế khí, hay cảnh người lính mắt bị bôi dầu nhị thiên đường vì tội ngủ khi canh gác… Thơ đôi khi bất lực để nói hết những gì tôi muốn gởi gắm.

Vâng, tôi làm thơ trước tiên. Tôi đến với văn chương qua bài thơ đầu tiên. Bài Chuyến phà đầu xuân.  Trên Bách Khoa. Nhưng rồi, tôi chuyển qua viết. Viết mới giải thoát, mới nói lên tất cả. Viết mới được quyền chửi thề. Mới được quyền nói xả láng, được quyền lột áo lột quần, để thấy tận da thịt của chất sống. Viết mới kể lại từng chi tiết, mới mang ánh sáng từ bóng tối. Như bóng tối của bài thơ này. Tôi viết vì không còn cách gì để chọn lựa. Bởi đời tôi lúc ấy bị bủa vây bởi bóng tối rồi.

Nhưng bây giờ, bóng tối xưa đã không còn nữa. Đêm bây giờ không còn âu lo nữa. Những ngày tháng bây giờ bình an và trôi qua cùng với những niềm vui bất tận. Mỗi ngày là một tặng phẩm của Thượng Đế. Vậy mà, khi ngồi lại trước máy computer, tôi lại nhớ đến bóng tối của thời xưa. Nhớ đến tha thiết. Bằng chứng là blog này, những phụ blog này. Nào là Phượng trong thành nội, dành cho Huế của tôi. Nào là Ban Mê Thuột những ngày tháng khó quên, dành cho một nơi mà tôi đã đến, sống và ra đi đầy những kỷ niệm. Nào là Thơ từ cõi nhiễu nhương, dành cho những người thơ mà tôi yêu mến… Họ ở ngoài vòng đai. Họ xứng đáng để được trân trọng. Cái computer của tôi là sản phẩm của kỹ thuật hiện đại, nhưng nó lại chứa đựng những gì của quá khứ, của bóng tối, của địa ngục. Để tôi còn cảm ơn Trời Đất đã cho tôi được sống sót. Để tôi còn thấy được sự mầu nhiệm của ánh sáng từ trong bóng tối ấy.

Viết lúc 4AM – Cuối cùng, tôi đã gặp các đứa con thất tán

Cuối cùng sau hơn hai mươi năm, tôi mới có thể thấy lại những đứa con thất lạc của mình. Không phải tại quê nhà mà tại thư viện Quốc Hội Hoa Kỳ. Về Thành. Ngựa Nản Chân Bon. Sông Sâu Cũng Lội. Khu Chiến. Nụ Hoa Vàng của Ngày Tình Si. Cánh Diều Trên Đồng Cỏ. Những số Văn chủ đề Những Cây Bút Trẻ, Phượng Trong Thành Nội. Những tên tác giả nằm bên nhau. Trang giấy cũ mốc, vàng sậm. Chữ nghĩa chi chít. Để mỗi lần đọc lại tên, là mỗi lần nhớ bạn bè, bằng hữu…
đọc tiếp

Viết lúc 4AM – Kinh nghiệm và thưởng ngoạn thi ca

Như vậy, chúng ta thấy rõ ràng là có một sự khác biệt giữa văn và thơ. Một bài văn phải diễn đạt làm sao để độc giả hiểu và cảm nhận những gì mà tác giả muốn chuyên chở. Ví dụ khi kể về nồi cơm nửa cháy khê nửa sống  kia, tác giả phải tả là  thời tiết rất xấu, nhiều gió mạnh, vùng hành quân không có nhà cửa để trú tạm nấu nướng khi dừng quân. Còn thơ thì khác. Không cần giải thích rườm rà. Nó như một cái nhếch môi cười của cô nàng Mona Lisa trên tranh. Sự rung động của người đọc thơ tùy vào sự cảm nhận riêng của mỗi cá nhân.

  đọc tiếp

Viết lúc 4 AM – Nhà có hoa mimosa vàng…

Nhà có hoa mimosa vàng là tên của một tác phẩm của nhà văn quá cố  Hoàng Ngọc Tuấn. Căn nhà ấy chính  là căn nhà của nhà văn nữ  Nguyễn thị Thanh Sâm ở Đà Lạt trước năm 1975. Sau đây là một đoạn viết về một nơi chốn đã từng ghi đậm trong tâm trí nhà văn tài hoa của chúng ta:
đọc tiếp

Viết lúc 4AM- Ngày gặp lại bạn cũ

San Jose.

Cuối cùng, vẫn là những khoảnh khắc bùi ngùi. Cám ơn cuộc đời đã cho ta được gặp lại bạn bè cũ. Hay những người nghe tên rất quen hay thân thiết lắm mà chưa có lần gặp mặt. Lữ Quỳnh thì 5, 6 năm mới gặp lại. Nguyên Minh thì mãi 45 năm, có lẽ. Đặng Kim Côn mặc dù nhiều lần nghe giọng nói hay nhìn hình ảnh, đọc văn thơ anh cũng rất nhiều, giờ mới có cơ hội tay bắt mặt mừng. Và Trần Đình Sơn Cước, Cao Quảng Văn, Hồ Thanh Ngạn, Sâm Thương… Cám ơn 50 năm Hội Ngộ Quốc Học, để ta còn thấy lại một số bè bạn mà không thể ngờ là có thể có được ngày hôm nay. Chúng tôi đã gặp lại để biết rằng mình vẫn còn được may mắn của những kẻ của một thế hệ chiến tranh. Cái thế hệ mà trong tâm hồn chúng tôi đã đầy những vết sẹo.
đọc tiếp

Viết lúc 4AM – My head !

Khoảng vài năm trước đây, tôi có mướn hai người gốc Mễ, lót gạch lại basement (hầm nhà) tôi. Khi họ di chuyển những máy in nặng cả trăm pounds, tôi hỏi họ: “Bọn mày có nghĩ là một mình tao khiêng không?” Hai thằng trẻ (dường như là di dân bất hợp pháp), trố mắt hỏi lại tôi: “Ông nói thật hay chơi?” “Tao nói thật. Mày xem, chỉ một mình tao, khiêng nó từ trên nhà xuống hầm này đấy. Mày biết cái gì giúp tao không?” Hai đứa tiếp tục trố mắt. Tôi chỉ vào cái đầu tôi: “It is my head!”
đọc tiếp

Viết lúc 4AM – Chia tặng chung nhau

Về đây, rẽ cỏ bờ hoang địa
Kiếm nỗi buồn chia tặng chung nhau
Người mẹ Bắc lên non tìm xác
Người mẹ Nam xuống biển tìm con

Về đây, người vợ đi tìm cốt
Nhát cuốc nào cuốc trái tim khô
Em sẽ khóc như trời tháng bảy
Về đây, lạnh cả những oan mồ

Về đây, hương lửa tro tàn lạnh
Thiếu phụ nào điên loạn trên non
Có đứa con không nhìn thấy bố
Dẫn mẹ về qua những triền sơn

Về đây, đào lại mồ oan nghiệt
Lịch sử này ai được ai thua
Ai giải cho xong lời chung thẩm
Triệu oan hồn đòi mạng hôm qua ?

Trung tướng Trần văn Trung, vị ân nhân của tôi

Lời người viết: Có thể bài viết này trung tướng Trần văn Trung không thích. Bởi bản tính ông rất khiêm nhường. Tuy nhiên, đối với tôi, tôi cần phải nói lên những gì tôi mang nặng trong lòng. Xin ông vui lòng miễn chấp và tha lỗi cho một đàn em của ông. (THT)
đọc tiếp

Viết lúc 4 AM – Trịnh Công Sơn phải cám ơn miền Nam

Ngày 1 tháng 4 là ngày giỗ thứ 11 của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Trong nước, ngoài nước, bạn bè ông đang tưởng nhớ đến ông, người yêu nhạc ông đang tưởng tiếc ông, và người ghét ông chắc thêm một lần không vui hay muốn quên. Tôi thích câu mà chị Huyền Chiêu viết về nhạc sĩ TCS, đại ý: Một nhạc sĩ được nhiều người thương và bị nhiều người ghét.
đọc tiếp

Viết lúc 4AM – Lớn và nhỏ

Tàu Noah thời Đại Hồng Thủy ? (nguồn http://ninevehpresbyterianchurch.org)


Lớn là lớn thế nào? Có phải sách được dịch ra nhiều thứ tiếng, phim được dựng, được các nhà khoa bảng dùng làm luận án ra trường? Hay có rất nhiều độc giả hâm mộ? Tôi không tin như vậy. Thảm kịch về chiến tranh và sau chiến tranh  ở trên quả đất này chỉ bằng một góc của thảm kịch Việt Nam.

đọc tiếp

Viết lúc 4AM – “Tôi ngại quê nhà nhưng lại hoài hương”

 
Các con, thế nào ba cũng dọn nhà đi viễn xứ
Dù tình quê hương rất khó nguôi khuây
Nhưng nghĩ giòng sông đã nhơ, lòng người đã đục
Đâu có người thương tiếc đám mây bay

(Nguyễn Bắc Sơn, 1973)

Trong thời chiến, thường thường có những nhà thơ được biết nhiều, do từ sự phổ thơ của họ. Như Vũ Hữu Định qua Còn một chút gì để nhớ,
đọc tiếp

Viết lúc 4AM – Một trang thơ văn cũ

Click hình để thấy lớn


Một bài thơ cũ nằm dưới một bài văn cũ. Cả hai đều được sáng tác sau lần bị thương thứ hai ở Bình Định.  Phía trên là đọan kết của bài văn Trưa Địa Ngục. Phía duới là bài thơ Về Trời. Trang báo là trang tạp chí Bách Khoa phát hành năm 1969.

Bài được viết trong nỗi đau đớn tột độ, khi một đại đội lên đường với 6 sĩ quan thì 4 nguời tử trận (một thiếu úy đề-lô, một cố vấn Mỹ, một đại đội phó và một trung đội trưởng).

Đấy, tuổi trẻ của chúng tôi là thế đấy. Thơ văn của chúng tôi được trả bằng cái giá là  thế đấy.

Một lần nữa cám ơn người Hà Nội đã bỏ công sưu tầm và mang đứa con biệt tích trở về chủ của nó.

Bài liên quan:

Viết lúc 4AM – Về những trang sách cũ

[Trở lại trang chính]

Viết lúc 4AM- Nguyễn Nho Sa Mạc: Một tấm chiếu cho khổ nạn VN…

Người chồng cho chúng tôi hay khuya hôm đó, ông có tình cờ ra sân, ngó vào chỗ Bửu nằm, hơi ngạc nhiên thấy anh đắp chiếu thay vì đắp mền

Bìa thi phẩm Vàng Lạnh - Thư Ấn Quán xuất bản đầu tiên  tại Hoa Kỳ

Bìa tập thơ Vàng Lạnh do cơ sở Thư Ấn Quán và tạp chí Thư Quán Bản Thảo  xuất bản năm 2007 tại Hoa Kỳ (Muốn thấy  hình lớn xin click hình)

đọc tiếp

Viết lúc 4AM – Chuyện khoe

Tôi đã làm cho hai hãng lớn nhất nhì nước Mỹ là AT&T và IBM. Tôi đã nhận nhiều phần thưởng do từ những dự án giúp công ty tiết kiệm tiền bạc, nhân lực. Đâu có gì để mà phải khoe khoang thành tích. Phần thưởng mình nhận, mình được tăng thêm tiền lương, chỉ dành cho mình, để cá nhân mình, gia đình mình riêng hưởng, đâu có gì để mà phải khoe. Chẳng ai hưởng từ cái thành tích của mình. Cũng như chẳng ai hưởng từ cái nhà cao, cửa rộng, xe đẹp, con bác sĩ kỹ sư của mình, cần gì mà phải khoe chứ…
đọc tiếp

Viết lúc 4AM – Tháng ba người cựu lính Mỹ trở lại Kontum.

I will be in Kontum in March. What would be the best way to find any survivors of my Highland Scout Companies???
Tôi sẽ ở Kontum vào tháng ba. Có cách gì tốt nhất để  tìm  những người còn sống sót của các đại  đội thám kích của tôi?

Vâng, chúng ta không có một cái gì ở đấy. Mất mát. Tang thương. Những phận người thất trận. Những dòn thù. Nhưng chúng ta có một kho tàng quí giá ở đó.

đọc tiếp

Viết lúc 4AM – Cơn bão rớt đã trôi dạt ra biển…

Mấy tháng qua, chứng bệnh Gout đã hành tôi không ít. Bạn bè thương, chỉ vẽ thuốc men hay những loại rau cỏ trị liệu… Và cảm tạ Ơn Trên, hôm nay, căn bệnh đã thuyên giảm rất nhiều. Có thể nói, là rất nhiều.
đọc tiếp

Viết lúc 4AM – Hành trình văn chương của Ngô Kha

Về trường hợp Ngô Kha, có những ý kiến khác nhau về con người của ông. Phía thân CS, xem Ngô Kha là liệt sĩ hết lời tung hô. Phía bên quốc gia kết án Ngô Kha thân Cộng, theo nhóm Tuyệt Tình Cốc của Hoàng Phủ Ngọc Tường, hết lời nguyền rủa. Còn có ý kiến khác cho là ông có tinh thần dân tộc, chống Cộng, chống việc Mỹ có mặt ở miền Nam, bất mãn trước một xã hội tan rã bấy giờ…
đọc tiếp

Viết lúc 4AM- Mùa xuân tôi trang hoàng nhà cửa


Năm nay, mùa xuân đến bất thường. Nó đến giữa tháng ba – tháng mà ở vùng đông bắc Mỹ chúng tôi sợ nhất. Tuyết trắng phủ trời. Giá rét căm căm. Hàn thử biểu ít khi vọt quá 40 độ F. Ra đường phải mang hai ba lần áo quần, găng tay, mũ trùm… Thở thì có khi thấy hơi đông lại.
Vậy mà năm nay, mấy ngày trung tuần tháng ba này, nhiệt độ đã vọt lên ở mức từ 50 độ F (tức 10 độ C). Có ngày gần 70 độ F.
Nắng trong, trời mát dịu, để mời gọi một chuyến đi xa, để mắt ngất ngây ở những tặng vật của thiên nhiên trong một mùa vẫn còn ở cuối đông .

đọc tiếp

Đá

… Hôm ấy là trưa tháng 5 năm 1969. Đơn vị tôi bị phục kích. Người chết chồng lên nhau. Người bị thương như tôi thì chỉ biết nhìn lên một mặt trời chói chan hỏa diệm. Phải cố bò, cố trườn. Phải cố thoát. Không thể để cho bọn khốn nạn ấy bắt sống được. Giữa bãi trống của đỉnh đồi Kỳ Sơn, tôi trơ vơ trước những họng súng từ trên cao điểm. đọc tiếp

Viết lúc 4 AM – Những con sói cô đơn

1. Từ trong nước bạn điện thư hỏi ta về tư liệu của nhà xuất bản Con Đuông ở Cần Thơ dạo nào. Vâng, ta có giữ hai tập. Một tập là thơ Cung Trầm Tưởng và một tập là Một Nơi Nào Để Nhớ của Trần Hoài Thư. Cả hai tập do chính bạn – họa sĩ Lê Triều Điển-  tự tay  trình bày vẽ bìa từng tập một.
đọc tiếp

Viết lúc 4AM – Nhờ cậy vào cõi không cùng…

Tôi đã từng tâm sự về câu hỏi tại sao một tác phẩm có giá trị về văn chương, về lịch sử, về tình người, về kinh nghiệm Cộng Sản như Cõi Đá Vàng của Nguyễn thị Thanh Sâm được xuất bản bởi một nhà xuất bản có uy tín là An Tiêm vào năm 1972, lại không có một ai nhắc nhở, giới thiệu. Tại sao nhà văn Võ Phiến, được xem là người đã có công tìm tòi, tiến dẫn một số nhà văn nữ như Nguyễn thị Thụy Vũ, hay Trần thị Ngh. (Ông có bài điểm sách đầy ưu ái nhà văn này trên số báo Văn 225 năm 1973) mà nhà văn Khuất Đẩu đã thắc mắc lại không có bài viết về Cõi Đá Vàng, trong khi ông được xem là nhà văn chống Cộng hàng đầu thời ấy:
đọc tiếp

Viết lúc 4AM: Thói xấu của tôi (viết lại)

Với cuộc đời bình thường này, tôi là kẻ phạm rất nhiều thói xấu. Có những thói xấu tôi cố gắng sửa chữa. Có thói xấu tôi ăn năn :

Em ngồi lại đây để anh vạch tóc
Tìm sợi nào sâu, sợi ngứa em yêu
Anh sẽ nhổ dịu dàng từng chân gốc
Bởi sợi tóc nào anh cũng nưng niu
đọc tiếp

Viết lúc 4AM- thử lửa

Tôi bị Gout đã mấy năm nay. Hai, ba, bốn, năm? Chẳng cần nhớ. Bộ bán cầu nhớ như một memory của máy computer, nhớ nhiều thì thêm mệt, thêm làm bẩn, làm ô nhiễm những sợi dây thần kinh. Memory của computer còn có những utility hay command như init, reset, refresh hay xóa hết (reformat) làm lại từ đầu. Còn bộ bán cầu này có gì để mà làm sạch, ngoài công việc mỗi ngày mỗi nhồi nhét thêm lên.
đọc tiếp

Viết lúc 4AM – Rồi có ngày, blog này sẽ không còn dấu vết

Vâng, rồi có một ngày, khi nỗi đam mê, hăm hở về một cuộc chơi trong thế giới ảo này không còn thích thú nữa, thì tôi sẽ click vào command DELETE. Như một  kẻ uy quyền, tôi cho sập đổ tan tành cái cơ đồ tôi tạo dựng.
đọc tiếp

Viết lúc 4AM – Từ Starbucks nhớ về quán xưa…

Tôi tìm một chỗ ngồi trong Starbucks . Lấy laptop, gắn điện, connect lại WIFI. Rồi lên mạng. Tìm lại vài địa chỉ quen thuộc. Rồi trở lại mái nhà của mình. A, hôm nay mình là Blogger!  Vui nhỉ. Tự do viết. Tự do xóa. Tự do đưa chữ nghĩa của mình đến cùng thế giới, cùng loài người, tự do giao lưu (một chiều)!  Tự do làm chủ nhiệm, chủ bút, administrator  một tạp chí điện tử (tại sao không)  trên mạng hoàn cầu như mọi blogger khác !!
đọc tiếp

Viết lúc 4AM- Chiếc áo dài cho cháu tôi



Chúng tôi ở một vùng rất hiếm người Việt. Không có tiệm VN. Hai tiệm phở  ở hai thị trấn kế cận nhưng hình như họ chỉ nhắm vào khách ăn người Mỹ hay Đại Hàn nên chẳng bao giờ  thấy lọ/chai nước mắm đặt trên bàn. Muốn đi chợ Việt hoặc tìm lại hương vị của bát phở hay cơm tấm ở quê hương, chúng tôi phải lái xe  khoảng 2 tiếng đồng hồ mới tìm ra được một tiệm vừa ý.
đọc tiếp

%d bloggers like this: