.
Đầu năm, một người bạn gởi về một bài viết về Thái Ngọc San, đăng ngày 27-1-2017 (đúng mồng một Tết bên VN) trên báo Lao Động. Chính Thái Ngọc San – một đảng viên CS đã nhắc lại cái thời chúng tôi biết nhau.
Xin mạn phép trích đăng :
“….Có lần vui chuyện, nghe tôi nói vừa đọc truyện ngắn thời kỳ đầu của nhà văn Trần Hoài Thư – Nỗi bơ vơ của bầy ngựa hoang, anh San bảo tôi Trần Hoài Thư vốn là giáo sư toán, nhập ngũ, bên cạnh văn chương, có một tiểu sử sĩ quan “đáng gờm”: Trung đội trưởng thám kích, phóng viên chiến trường, ba lần bị thương, sau qua Mỹ lấy bằng thạc sĩ toán…
Rồi anh cười khắc khắc “có lần tau chửi hắn là lính đánh thuê, rứa mà hắn không giận lâu”. Anh San mất mười năm tôi mới tình cờ gặp trên internet một phát biểu liên quan của nhà văn Trần Hoài Thư, đại ý những người cầm bút trẻ trong thời chiến ở miền Nam thường có tình thân thiết, bất chấp chuyện khác lý tưởng, với ví dụ sinh động: “Như Thái Ngọc San chửi tôi là lính đánh thuê, nhưng khi Thái Ngọc San đào ngũ bị bắt, tôi và Phạm Văn Nhàn vẫn đến trại trưng binh ở Ghềnh Ráng để thăm nuôi…”. Với những gì như thế, tôi hiểu vì sao Thái Ngọc San thời trai trẻ đã có những câu thơ hào sảng: Tôi vẫn nhớ bạn bè tôi/ Dù mỗi thằng đi mỗi hướng/ Và tôi vẫn tin rằng/ Không có sự thù hằn nào giết được kỷ niệm (Về những con đường khô cây).
(Vĩnh Quyền – Thái Ngọc San và bầy phượng hoàng lỗi hẹn từ nguồn: http: //laodong.com.vn)
Kỷ niệm ấy là: Khi San bị bắt, giải vào trại lính ở Ghềnh Ráng , thì Phạm văn Nhàn và tôi vào thăm. Nhàn móc hết tiền trao cho San kèm theo bao thuốc lá. Tôi cũng vét cạn tiền cho San kèm với cái áo lót đang mặc trên mình.
Cái tình ấy chắc chắn SG không bao giờ xãy ra. Ngay cả một nhà thơ nổi tiếng là Nguyên Sa còn in cuốn “một mình một ngựa” với những lời chươi rủa hạ cấp nhất đối với những người trong giới sinh hoạt văn học SG bấy giờ. Ông ta dành nguyên một chương nhắm vào Trần Phong Giao. Ông sản sinh ra danh từ “sa đích”, còn khoe sau khi đánh đối thủ khiến đối thủ phải:
…“Cái ông này tài thật lần nào ông ấy hốt hoảng cất tiếng cũng làm mình được một bữa cười no, lần nào cũng làm cho khoái chí tử. Kỳ thấy mồ.”
.