Từ Người Đến Nhà

Từ Người đến Nhà

Trần Hoài Thư

 

(Tạp Ghi Tiền Tuyến 27-12-73)

 

. Gần đây, trong một buổi diễn thuyết về triết học của một giáo sư người Đức, TT Thích Minh Cháu đã phát biểu đại để sau 30 năm chiến tranh, một người VN đều là I triết gia, vì thế chẳng có ai là triết gia mới nữa cả.

Đọc hàng tin của nhật báo Chính Luận, kẻ này thấy như mở cờ trong bụng. Dù sao, kẻ này cũng là người VN. Và nói theo qui !ắc Tam Đoạn Luận nhức đầu nào đó thì: Mỗi người VN đều là 1 triết gia. Kẻ này là người VN. Kẻ này là 1 triết gia.

Vinh dự quá. Không ngờ đất nước chúng ta quả là một đất nước tràn ngập triết nhân ! TT Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh đã làm rạng rở xứ sở giống nòi, giữa lúc, cả thế giới này đều quay về xứ Đức quốc xa xôi mù mịt, cũng như giữa lúc mấy vị giáo sư xứ mình hăm hở kéo về mớ tín điều, mang mớ triết lý của ông cố, ông nội Allemagne nào đó, và nhất là đang cố nhét vào đầu sinh viên những chữ với nghĩa (nếu không thuộc thì ta đánh hỏng chết !) .

Có phải như thế không ? Đứng giữa đất trời VN nhỏ lệ, mà nghĩ đến tuổi trẻ đã bị đánh mất, 20 mà ngớ là 50, chai sạn cuộc đời từ cái chết, nỗi đau khổ, nỗi nhọc nhằn, đến việc đi tìm một lối thoát cho cuộc sống. Đó không phải là triết nhân?

Vào một quán tối, thấy những người tuổi trẻ đốt thuốc trầm tư bên ly cà phê đắng. Đến quán – cóc, thấy những người lính gian khổ bên những xị nồng. Qua bến chợ, thấy mấy cậu thiếu niên, đôi mắt buồn, vầng trán khẽ nhăn. Họ đang nghĩ gì ? Chắc chắn họ sẽ nghĩ đến nếp sống của họ, của người thân… Chắc chắn họ đang đau khổ, vui buồn, sầu mộng…

 

. Chiến tranh quả là một ông thầy triết kỳ diệu. “Cụ” giúp tuổi trẻ thấy trước tuổi già, con sành đời hơn bố. Cụ dẫn tuổi trẻ lên rừng để thấy sự bí mật của rừng, và xuống biển đề thấy bí mật của biển. Ngoài ra cụ còn khiến tuổi trẻ nhận thức được một điều mà từ cổ chí kim khi nghe đến đều phải rùng mình sởn tóc gáy (kể cả các triết gia vĩ đại): cái chết.

Cuộc đời chung qui vào hai tiếng sống và chết. Triết lý cũng là một khoa học nhằm khám phá ý nghĩa 2 tiếng đó vậy thôi. Mà tuổi trẻ của thềm lục địa máu lửa này hẳn nhiên là sống và chết ăn đứt thế giới. Vậy không phải là triết nhân ư ?
Ngay đến cả vật nữa. Bên xứ Âu Mỹ, xảy 1 căn nhà chẳng hạn, người ta sẽ nghĩ đến việc canh tân và khoa học hóaa căn nhà. Nghĩa là, nghĩ làm sao để khai thác tối đa, lợi dụng triệt để hầu giúp ích cho đời sống vật chất. Nhưng còn xứ mình, nhìn một căn nhà mà đâm thương. Từ 3 gian 2 chải, tiêu biểu cho một nền đạo lý cổ truyền, một triết lý sống của Đông Phương, đến bây giờ, 1 phần là hầm phòng đạn pháo kích. Và sự kiện này không phải là minh chứng cho cái khắc khoải về cuộc sống của mỗi người VN
Rồi ngay đến cái nền cao, cốt để tránh những cơn lụt hành mỗi năm, hóa không phải là là sự thao thức của con người đối với thiên nhiên, trời đất .

Nhìn căn nhà VN, người ta có thể liên tưởng đến một cõi nhân sinh bi lụy, chứa chan bao nhiêu thảm kịch mà bất cứ nhà triết học nào phải vắt tay lên trán mà suy tư. Từ cái nền thật vững chắc từ bàn thờ luôn luôn được chăm sóc, từ căn hầm chống đạn pháo kích, từ màu sắc vàng vọt của ngọn đèn như màu mắt của một người cha, người mẹ VN trong khi tựa cửa chờ con về, từ những câu đối, câu liển, bài thơ nét chữ mực Tàu, như một lời tự thuật về đời sống cá nhân… Tất cả đã khoác lên một tâm hồn, trái với cái khối lập thể vô hồn của lối kiến trúc Âu Mỹ. Và như vậy không phải dân VN là dân triết sao ?..

TRẦN HOÀI THƯ

 

%d bloggers like this: