tản mạn của trần hoài thư
Xin đừng đoái thương cho đời em quá nám đen
Bởi thời chiến chinh xung quanh em là mường là moi
Em cũng quá quen rồi những tháng ngày tù tội
Chỉ còn cái khố thay quần bao cát che thân
Em quá quen những mả mồ hoang lạnh đêm đen
Quá quen, quá quen, lòng em quá chai để mà nhận lòng thương xót
Em cần vịn lúc này, chị ơi, để đi về phía trước
Để còn ngẩng đầu, dù phải lết phải lê
Em có bao giờ đầu cúi lưng khom
Nếu cúi đầu có nghĩa là lúc em chửi thầm “Đù má!”
(Thư gửi chị, thơ tuyển toàn tập)
- Chửi thề và tình đồng đội
Chiến tranh đã chấm dứt từ lâu, vết thương do chiến tranh tạo nên – tinh thần cũng như thể xác- thì xem như đã chai thảnh sẹo. Có gì để mà phải nhớ, khi trước mặt sau lưng là lửa đạn trùng vây, là lưởi lê đâm, là xác người ráng mở thui đen vì bom vì hỏa tiển. Nhưng mà vẫn nhớ. Nhớ cái tiếng chửi thề. Vâng, nó là tiếng xấu, tiếng chẳng được thanh, tiếng mà nhà Phật bảo là khẩu nghiệp, không dám thốt trong bàn tiệc cưới, hay trong những party, những lễ hội áo mũ vú ngực khoe khoang , vậy mà cứ mỗi lần được gặp lại một đồng đội cũ, lại thêm một lần nói tiếng Đan Mạch như điên.
Như đọan thơ được trích sau đây của Lê An Thế. Bài thơ dài nhan đề là tôi biết. Trong thơ, tác giả đặc biệt đề cập đến một cấp chỉ huy cũ: thiếu úy Phú đại đội phó của tác giả:
tôi biết thiếu úy Phú, đại đội phó, 26 tuổi,
đã già khú đế
lúc tập họp chửi thề như máy
sau 2 lần đụng trận
thương lính như con
phạt con cũng dữ
đêm đóng quân bắt lính đào hầm tránh đạn
biết cách tìm nuớc suối
bẫy heo rừng, tránh hầm chông mìn bẫy
cách bắt vắt và làm thịt nhím
sống chết không bỏ thằng nào
lính gọi bằng thầy
gần hơn lãnh tụ, thánh cha, sư cố.
Mấy mươi năm sau, người lính trẻ ấy trở về VN thăm ông thầy. Chàng mời ông thầy vào nhà hàng có rượu Tây rượu Mỹ. Ông thầy không chịu. Ông thầy đòi cái quán bên đường như thời nào.
Rượu lên, chửi thề cũng ngọt theo men bia sủi bọt. Vâng, tất cả mất hết. Chúng mất theo thời gian. Hai mươi bảy năm rồi còn gì. Vậy mà có một thứ không mất. Nó vẫn ở lại, nằm ở đâu đó trong người, trong máu huyết, để rồi òa vở tuôn trào khi có dịp. Đó là tiếng chửi thề:
27 năm sau gặp lại thiếu úy Phú
ông chửi thề vẫn ngọt
đụ mẹ thằng này bây giờ mày bảnh
thăng chức Việt kiều
tao vẫn là thằng Ngụy một chân
tôi rủ ông vào nhà hàng có rượu Tây rượu Mỹ
ông đòi quán bên đường chơi rượu đế bia hơi
như đồng đội cũ
bao nhiêu thằng tôi đã quên tên
bên vỉa hè hát lại tình ca
bao nhiêu năm vẫn vậy
chỉ có giọng khàn như khóc
tôi rủ thêm đấm bóp, tắm hơi, động đĩ
tìm phật bà thánh nữ như xưa
đúng đồ đặc sản
tôi lại chọn Má mì
ông thầy cười rú
dưới mấy sợi tóc lưa thưa
bộ răng đã mất đi quá nửa
khi tôi nói đụ mẹ ông thầy
lần này
tôi biết tôi không mót đái.
(Lê An Thế- Tôi biết, nguồn Internet. Trọn bài thơ được đăng lại phần sau))
****
“Ông thầy” có lý do để từ chối lời mời của người đệ tử vào một nhà hàng sang trọng. Nơi đó dù rượu đắt tiền. Dù hầu bàn trẻ đẹp. Dù thảm đỏ thảm xanh. Nhưng mà làm sao có được mùi rượu làm ta ngất ngây: “Mùi rượu bay thơm quá!”. Và tiếng chưởi thề đầy ấp tình đồng đội chiến hữu.
Như đọan văn dưới đây:
(Nhân vật “lão” là ông lính già. Và “tôi” là chàng chuẩn úy trẻ. Địa điểm là một đồn binh cạnh quốc lộ 13.)
Lão mở mắt, há hốc miệng ngáp:
“Đ.M., say một bữa thích quá. Đêm qua, lão đái cần câu qua người quan, quan say, quan đếch biết gì cả!”
Tôi đập lão:
“Bố tiên nhân cái lão già khốn nạn này!”
Lão cười ha hả.
“Ngủ nữa đi quan ơi, mưa bỏ mẹ đi, hôm nay cho lính nghỉ hết, nghỉ trọn ngày. Lão thường vụ này chịu chơi rồi, quan ơi!”
“Đ.M., có lệnh mở đường cho mai bạc (*) vào thăm đồn bây giờ đó, thường vụ ơi!”
“Thì quan dẫn lính đi, chớ lão có đi đâu!”
Tôi chửi lão:
“Bố cái lão già bẻm mép. Thôi dậy kiếm ly cà phê cho tỉnh ngủ chớ! Mơ suốt đêm, ướt nhẹp cả quần rồi, còn chưa chán sao?”
“Mẹ kiếp, muốn ra ấp thăm em Minh thì nói toạc ra, còn kiếm cà phê cà pháo! Già này biết quá mà!”
“Ôi cái lão già bầy đặt quá! Già rồi mà còn lắm chuyện!”
Lão cười hinh hích:
“Mùi rượu bay thơm quá!”
__
(*) Mai bạc: sĩ quan cấp tá
(Hoàng Ngọc Hiển – Cơn Say, truyện đăng trên Khởi Hành, do TQBT sưu tập đăng trên số 67)
- Chửi thề đặc biệt trong tháng ba gãy súng: Từ Tin Mừng đến chiến công “đã quá”
Trong Tháng Ba Gãy súng (TBGS) của Cao Xuân Huy, chúng ta được đọc rất nhiều những mẫu đối thọai đầy tiếng chửi thề hay những chữ mà phái nữ khi đọc phải đỏ mặt.
Có tất cả 50 tiếng “đụ mẹ” trong suốt cả tác phẩm. Đó là chưa kể những chữ như đù má, đéo, cặt đầy dẫy trong sách.
Có phải điều này đã mang lại hình ảnh chẳng mấy tốt đẹp khi người ta đánh giá về một quân đội, một binh chủng ?
Có thật vậy không?
Vậng, họ chửi thề thật. Chửi thề từ trang đầu đến trang cuối. Quan chửi. Lính chửi. Thầy chửi. Trò chửi. Tuồng như hai chữ đan mạch này như một chất nhựa ma túy, không thể thiếu được trong đời sống của họ.
Chỉ khi họ không chửi là lúc họ chạy. Chạy thục mạng. Chạy để thoát thân sau khi cấp trên bỏ rơi họ, đào tẩu. Nhưng khi dừng lại, là họ lại chửi.
Ngay từ trang đầu của tác phẩm, chúng ta đã nghe tiếng chửi. Nhưng nó là tin lành, Là niềm cứu rổi.
Thật vậy, tác giả kể về tiếng chửi thề đầu tiên mà ông được nghe trong khi ông tìm cách về trình diện đơn vị sau một thời gian trễ phép. Không hộ tống, không mở đường, một mình lạc loài giữa cõi dữ, không biết nơi nào là địch, nơi nào là bạn.Trong tâm trạng căng thẳng lo âu tột độ thì tiếng chửi thề ở đâu đó vọng đến. Nó khiến ông vui mừng vì biết là ông đang ở vùng bạn chứ không phải vùng thù. Chỉ có lính miền Nam mới chửi thề như vậy. Nó “nghe sao dễ thương lạ”:
Tôi vận dụng tất cả mọi khả năng, dồn hết sức sống của tôi vào đôi tai để chờ đợi, nhưng ngoài tiếng côn trùng và tiếng gió, tôi không nghe được một tiếng nói nào của mấy người trên sườn đồi kia. Tuy nhiên, tôi bình tĩnh thật lạ lùng, cái bình tĩnh của thằng lính khi ra trận đã biết rõ mục tiêu, biết rõ từng vị trí của địch, đã nghe tiếng súng nổ, không còn sự hồi hộp lo sợ của sự chờ đợi những viên đạn đầu tiên của địch thay cho lệnh khai hỏa ghim vào thân thể mình trước khi kịp nghe tiếng súng, không còn là chuyện may rủi trời kêu ai nấy dạ của những viên đạn bắn sẻ nữa, mà là cái bình tĩnh của một sự việc đã được tính toán, đúng thì sống mà sai thì… húp cháo rùa.
“Ðù má, lâu dzậy mảy?”
Tiếng nói đột ngột, không đủ lớn nhưng đủ lọt vào tai tôi. Xong rồi! Tiếng chửi thề nghe sao dễ thương lạ. Tiếng chửi thề đã chấm dứt sự nguy hiểm bao quanh tôi. Bọn này hẳn phải là lính đại đội tôi, đang gài mìn tại tiền đồn cấp tiểu đội.
Rõ ràng, ở đây tiếng chửi thề là niềm cứu rổi, là tin Mừng không hơn không kém.
Những trang cuối của TBGS là những trang sơn phết màu đen ảm đạm, nhưng trong cõi điêu linh cùng cực, với cảnh hàng quân bị bắt làm tù binh, vậy mà có một tiếng chửi thề nào đó cất lên ở trang chót. Không phẩn uất. Không nghẹn ngào. Không oán trách. Không ô nhục. Mà nó làm chứng cho một thành tích thật hy hữu, có một không hai:
Đó là cảnh mấy tù binh lợi dụng lúc hai ả “chị nuôi “ bận rộn phát nước, các chàng bóp vú hai nàng lia chia . Đến nổi sau đó hai nàng phải mắc cở mà trốn tiệt, không dám lảnh phần phát nước cho tù binh nữa.
Không còn nước, không còn đàn bà, mọi người ngồi trở lại trong hàng. Một người lính vừa ngồi xuống bên cạnh quay sang nhìn tôi cười.
“Ðụ mẹ, bị bắt mà còn được bóp vú Việt Cộng, đã quá!”
“Đã quá” là cái chắc.
Ai đời tù binh lại có thể đi bóp hai quả “đào tiên” của mấy nàng du kích hay chị nuôi !
****
Có người nhận định trong Tháng Ba Gãy súng , tác giả xử dụng tiếng “đan mạch” quá nhiều. Chúng làm hạ danh dự và truyền thống đẹp đẻ của một quân lực hay một binh chủng .
Vâng, những người lính ấy chửi thề thật. Nhưng họ đã chứng tỏ họ là người lính đúng nghĩa nhất, khí phách nhất, lẩm liệt nhất.
Dòng người chúng tôi tiếp tục chạy, lại một người tách ra ngồi trên cát, lại người thứ hai, người thứ ba, người thứ tư… nhập bọn, lại tụm với nhau thành một vòng tròn nhỏ, lại một quả lựu đạn nổ bung ở giữa.
Dòng người chúng tôi vẫn cứ tiếp tục chạy, lại một người tách ra ngồi trên cát, lại người thứ hai, người thứ ba, người thứ tư…
Tôi không thể nhớ để mà đếm nổi là đã có bao nhiêu quả lựu đạn đã nổ ở giữa những vòng tròn người như vậy. Nhiều, thật nhiều quả lựu đạn đã nổ.
Chúng tôi vẫn cứ chạy, những người tự tử tập thể vẫn cứ tụm thành những vòng tròn, quân đội Nhật năm 45 khi đầu hàng cũng không thể nào hào hùng hơn thế này được. Lịch sử Việt Nam chưa thấy viết một dòng nào về những cái chết hiên ngang của những thằng tốt đen như vậy, nhưng họ có đó, vẫn oai hùng khí phách chấp nhận những cái chết vô danh như vậy.
- Chửi thề và nước mắt …
Người lính ấy nằm xuống. Người ta sẽ khoác cho anh một danh từ: chiến sĩ vô danh. Người ta sẽ nhắm mắt cúi đầu mặc niệm. Một phút mặc niệm bắt đầu. Và cái điệu kèn trompette quen thuộc nổi lên. Một phút mặc niệm chấm dứt. Mời quí vị an tọa.
Vậy đó. Cái cảnh tượng này quá chừng quen trong buổi lễ. Nhưng chỉ dành một phút.
Nhưng có khi, không cần điệu kèn trompette, không cần bài Chiêu hồn tử sỉ nức nở… Không cần những lời thống thiết của MC giữa một hội trường đầy quan khách… mà người có mặt lại khóc, mà tiếng chửi thề lại đẩm đầy nước mắt nghẹn ngào. Như cảnh mấy người lính khóc đồng đội mình ra đi:
“Trong “ tăng-xê ” thằng Nam vẫn đốt đèn ngồi cùng bọn thằng Hải, thằng Đắc. Trên một tấm ván thông vừa mới dựng, thằng Nam đã đặt cái cốc bằng nhựa đựng đầy gạo Mỹ, cắm mấy chân hương. Chỗ ngồi của mày đó Nuôi. Chỗ ngồi không bao giờ mày còn thấy, còn nhìn tao, còn say rượu nói tao mới ra trường chưa kinh nghiệm, chưa biết lấy tiền Việt-cộng đem xài…
Bên tai tôi, giọng thằng Nam từ tốn đọc bức thư tìm thấy trong túi áo thằng Nuôi lúc chiều :
“ Em Soạn. Anh đổi ra xứ Huế này gần trọn một năm nhưng vẫn chưa có phép về Sai-gòn để thăm em và các con, thăm tía má, bởi đơn vị bận hành quân mãi.
Tháng trước, thằng Tính bạn anh đã về Sai-gòn bảy hôm nhờ nó tìm được một hầm súng của Việt cộng. Anh thấy thế mà thèm.
Anh vẫn khoẻ mạnh, còn hơn dạo ở Pleiku nữa. Dạo đó, anh gặp hầm luôn, có tiền lại có phép nữa, bây giờ nghĩ lại, anh thấy anh tồi quá, nhất là để em phai khổ một mình. Tuần trước, nếu ông trung đội trưởng anh chịu chơi một chút, anh đã kiếm được cả phép lẫn tiền rồi. Ông nhân đạo quá. Đ.m, Việt-cộng nó giết mình như ngoé mà bắt được thằng nào ông cũng cấm đánh đập. Anh thương ổng quá chứ không thì anh xin qua tiểu đội quân báo rồi.
Nãy giờ anh nói nhiều vậy chắc em cũng khó hiểu. Thôi để lúc nào về phép được anh sẽ kể rõ hơn…”
(Lê Bá Lăng – Buổi dừng quân, Văn 121, năm 1969)
Đấy. Ngay cả lá thư gởi cho vợ, người chết cũng phải tức mà buông tiếng chửi thề. Sao mà không chửi cho được khi mà:
Đ.m, Việt-cộng nó giết mình như ngoé mà bắt được thằng nào ông cũng cấm đánh đập. Anh thương ổng quá chứ không thì anh xin qua tiểu đội quân báo rồi.
Nhắm mắt một phút làm gì khi mà không thấy không nghe, không trái tim òa vỡ thổn thức. Dù mở mắt, nhưng trái tim tan vở, tiếng chửi thề tuôn trào, mà mỗi tiếng chửi thề là nỗi tức tửi, uất nghẹn như những bài thơ được chúng tôi sưu tập sau đây:
phạm nhã dự
BUỔI CHIỀU Ở NGHĨA TRANG CÀ ÐÚ
Gởi linh hồn mày, Tô Ðình Sự
Trở lại Phan Rang lần này nữa
Thăm mày không biết ngắn hay lâu
Thăm mày, đù má mày đã chết
Hay chỉ thăm cỏ mọc xanh mồ.
Chiều nay sao gió nhiều mày nhỉ
Gió nổi trong tao đến lạnh mình
Đù má, nhang mày sao chẳng cháy
Đốt mãi que diêm đến cạn cùng.
Bên kia dãy núi trơ thân chó
Cỏ dưới chân tao lại sụt sùi
Mẹ kiếp, vợ mày đang khóc mướt
Con này, trời hỡi nó cười vui.
Còn tao, tao chẳng cười chẳng khóc
Chẳng ngậm ngùi chi lũ kiếp người
Đù má, tao chửi thề đây Sự
Chửi suốt trăm năm chửi hết đời.
Bây giờ mày đã nằm yên phận
Còn vợ, bào thai, ba đứa con
Đù má, một đời làm thi sĩ
Chẳng đủ cho con lấy một đồng!
Tụi mình dăm đứa đời lang bạt
Sống chẳng ra chi, chẳng bận lòng
Việc nước, việc đời đem dẹp hết
Uống rượu quanh năm đếch ngại ngùng.
Mày nhớ đêm tàn trên xa lộ
Thằng Chương đem xế lái quanh trời
Đù má, cũng còn cười khi sắp chết
Ngỡ rằng mình hái được hoa mơ!
Thằng Chương giờ đã nằm biên giới
Mày ở nơi đây biết được gì
Rượu chắc đã thèm, môi đã tím
Hơi nồng theo gió núi bay đi.
Chẳng khóc được mày mà nước mắt tao rơi
Bạn bè dăm đứa chết dần vơi
Đụt núi mà tìm quên tri kỷ
Còn thôi nắm mộ phủ quanh người.
Tao trở lại đây đường dịu vợi
Đốt nén hương tàn hát biệt ly.
Thăm mày, đù má lòng buốt xót
Ngó trời chỉ biết chửi thề thôi.
Thôi hãy ngủ yên thằng chó chết
Tao về đây – vui với cỏ cây
Nếu nhớ tìm tao nơi thôn nhỏ
Rượu với lang thang vẫn ngất trời.
phạm nhã dự
(Phan Rang 1971)
Trong rừng mùa hạ
Nguyễn Phúc Sông Hương
Đi trong rừng mùa hạ,
Suối khô trơ lòng đá,
Vắt nước mười giây leo
Không ướt bao gạo sấy.
Gặp bãi heo rừng đằm,
Ép bùn không ra nước,
Thế mà con ca cút
Bay theo đòi xin cơm.
Chập choạng mới ra sông
Thằng em vừa xuống nước,
Múc chưa đầy bi đông
Đạn cắt cù bắn gục.
Thương thằng em dại dột
Ta buộc miệng chửi thề
Trần Đắc Thắng
Khóc chiến hữu
Khóc Trung sĩ Quý, Thành và Thiếu úy Tư
Đ.M. Tụi bây chết thật rồi
Ta nghe hồn chết giữa mưa rơi
Bao giờ bây lại ngồi uống rượu
Cùng kể nhau nghe những chuyện rời
Nhớ buổi theo ta đi đánh giặc
Bây thề mãi mãi ở bên ta
Giờ đây, sao lại đi đâu hết
Bỏ mặc ta đau, mắt lệ nhòa
Bây khóc tình ta trong vắng lạnh
Còn ta đứng khóc với quê hương
Bỗng thấy lòng mình mùa đông xám
Thấy bây đi kích dưới mù sương
Từ đây bây đớn đau một cõi
Còn ta đánh giặc giữa sa trường
Thương bây chiến hữu ta ngồi khóc
Đau đớn nào dâng với nhớ thương !
LINH PHƯƠNG
Thắp hương cho thằng bạn
Đù má lòng tao buồn thật buồn
Đù má chiều nay khóc rưng rưng
Tao khóc một thằng vừa mới chết
Bỏ vợ – bỏ đào – bỏ quê hương
.
Tao khóc cho mày khóc cho tao
Khóc đồi ba mươi mốt Hạ Lào
Bạn bè dăm đứa ai còn sống?
Chong mắt tìm thù trên núi cao.
Tao khóc mầy tao thắp nén hương
Để khói nhang bay ấp ủ hồn
Để một lần nhân danh chiến hữu
Đa tạ người ca tụng tên Đương.
Đù má hành quân suốt tháng ngày
Có đôi lúc rảnh uống thật say
Nâng ly rượu đế – nâng ly đế
Đối ẩm cùng tao nhé hỡi mày.
Đù má nhiều khi nhớ thị thành
Nhớ chiều Gò Vấp – nhớ lầu xanh
Nhớ da – nhớ thịt vài con đĩ
Nhớ ả làng chơi gái thập thành
Đù má Đương này – Đương hỡi Đương
Ngủ đi ngủ giấc mộng bình thường
Ngủ đi quên hết đời chó đẻ
Đời đã giết mình chẳng tiếc thương.
( 1972 )
DƯƠNG KIỀN
BÀI CHO QUANG
LTS: trong vài câu thơ có …. Đó là tiếng chửi thề bị kiểm duyệt.(chú thích của TQBT)
tao đọc báo hàng ngày
cáo phó nơi trang bốn
sao lại có tên mày
hy sinh vì tổ quốc
mày chết thật – ô hay
sao mày đành vổ nợ
cuộc đời mày chót vay
mấy mươi năm chắt bóp
công lao mẹ từng ngày
còn con vợ mày nữa
mày nợ những vòng tay
xa nhau từ ngày cưới
trông nhau từng heo may
mày chết thật sao Quang
tiên sư thằng chơi hoang ,
cuộc đời đằng đẳng thế
đi đâu mà vội vàng
ta còn ngông đã chứ
say rồi cười huênh hoang
ta còn … vào mặt
lũ nhơ nhuốc cầu sang
ta còn … vào mặt
lũ ê a rao hàng
quê hương, tổ quốc,
mẹ ! toàn một …
mày chết thật rồi nhỉ
mày mới chết hôm qua
hay chết hôm nào đó
tự nhiên tao cười xòa
ta cười ta thương ta
mày bây giờ sướng nhé
đã được về quê nhà
ngủ yên trong lòng đất
mẹ hiền ôm thiết tha
còn tao còn sống mãi
một ngày một xót xa
chung quanh toàn lũ khốn
quỳ gối cầu vinh hoa
ao đành nằm gãi…
làm thơ gọi hồn ma
– ới thằng Quang khốn nạn
chí lớn mày nguy nga
mà đành thua thế đó
tao cười đến khóc òa
thôi Quang, thôi Quang
thôi kệ mày yên nghỉ
thôi kệ mày kệ mày
thôi kệ tao còn say
lá vàng bay còn bay
mộ bia xin phủ đầy
DƯƠNG KIỀN
(Văn Học giai phẩm mùa xuân 1975)