NS Tiền Phong số 13 ngày 15-8-1966 có đăng bài thơ Trước Giờ Lâm Trận cùa PTV
NS Tiền Phong số 29 tháng 3-1966 (sau tết mậu thân 1 tháng) có đăng truyên ngắn Con Nước Đầu Xuân của PTV (tư liệu cua TQBT)
LTS: Nhà thơ Phan Trước Viên (PTV) sinh năm 1939, mất năm 1969. Theo nhà văn Thế Uyên thì trước khi chết, PTV bị an ninh quân đội địa phương bắt giữ. Sau đó:
“Anh được tha, bị bóc lon rồi cho đi làm binh nhì bộ binh ở Quảng Tín và trong phiên canh đêm, anh đã đưa khẩu súng lên bắn vào đầu tự sát – trong một niềm câm nín hoàn toàn.” (Thế Uyên: Đoạn đường chiến binh. Nguồn: Talawas).
Theo nhà văn Nguyễn Tường Giang trong một hồi ký xuất bản ở hải ngoại kể là cơ quan an ninh quân đội VNCH phát hiện PTV có bảy tuổi đảng CS:
“… như trường hợp một thành viên mới là nhà thơ Phan Trước Viên ở Đà Nẵng, bị bắt và phát hiện là đảng viên Cộng sản đã bảy năm, do nhà văn Duy Lam, khi muốn can thiệp giùm cho Thế Uyên và nhóm Thái Độ, báo tin. Nhóm Thái Độ, cũng như các nhóm Quốc Gia anh hùng mã thượng khác, vẫn góp tiền, mua gạo giúp đỡ gia đình Phan Trước Viên. Phan Trước Viên sau đó tự tử chết sau khi được tha.”
(Nguyễn Tường Giang: Thế Uyên, Thái Độ và những kỷ niệm rời, nguồn: Internet)
Cái chết của nhà thơ PTV, theo Thế Uyên, “trong một niềm câm nín hoàn toàn”, nhưng thơ của PTV thì lại khác, không câm nín chút nào, trái lại là tiếng gầm tiếng thét:
Đạn sẽ xé tung trời
Bom sẽ gầm dậy đất!
Hỏa châu sáng một góc trời đỏ rực
Soi rõ từng tên,
con nhắm từng tên
Mặt khác chúng tôi cũng sưu tập một truyện ngắn của Phan Trước Viên. Truyện ngắn này nói lên tình đồng đội, chiến hữu thắm thiết trong QLVNCH qua một đơn vị nhỏ có trách nhiệm bảo vệ một chiếc cầu huyết mạch. Cũng vì tình đồng đội ấy mà người chỉ huy đã từ chối việc thuyên chuyển đến một chỗ tốt bằng một câu kết luận:
“Tôi sẽ xin ở lại đây, ở lại đây với anh em với Thịnh… ở lại đây cho đến ngày hết giặc.”
Lưu ý là truyện này xuất hiện sau Tết Mậu Thân một tháng – thời điểm mà các sách viết về tiểu sử trong và ngoài nước đều ghi:
Thi sĩ Phan Trước Viên là người đã chấp bút lời hiệu triệu cho Ban Binh vận miền Trung, Trung bộ được đọc và phát trên Đài phát thanh Đà Nẵng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân – 1968.
Nếu văn là người, thơ là tiếng nói của trái tim, thi bạn có tin những diều mà sau này đã viết về ông, sau khi ông tự sát?
Mục đích của việc chọn đăng 2 bài thơ văn này, ngoài giá trị văn chương, còn giúp cho những bạn bè của PTV và các nhà khảo luận văn chương miền Nam có cái nhìn rõ hơn về một nhà thơ đã dám lấy súng bắn vào đầu tự sát vào năm 1969 trong một phiên gác đêm. (TQBT).
Sau đây là bài thơ “Trước giờ lâm trận” chúng tôi sưu tập trên nguyệt san Tiền Phong số 13 tháng 8 năm 1966 do cục Tâm Lý Chiến QLVNCH ấn hành. (Mỗi kỳ phát hành 20 ngàn ấn bản, dành cho giới sĩ quan).
TRƯỚC GIỜ LÂM TRẬN
tặng Chu Vương Miện
CHÚNG con đã về đây.
Nằm mai phục trên cánh đồng của mẹ.
Từ lúc sương chiều vừa tan
Đất dậy nồng hương gốc rạ
Người cuối cùng trong bọn chúng con
Đã vượt qua kinh bằng rẽ lối mòn
Lặng lẽ như từng bóng ma
Chập chờn trong đêm mờ ảo!
Trăng thượng tuần xô nghiêng mũ lưới
Mồ hôi lẫn giọt sương trong
Trời đã gần khuya, công sự vừa xong
Mắt chờ đợi dõi theo từng bóng giặc…
Mẹ đã ngủ hay chưa,
Đèn nhà ai kia còn thắp
Trẻ nhà ai lạc vú sữa nghèo?
Hầm của mẹ vững không
Đêm nay súng nổ đạn reo
Xin đừng run mẹ nhé!
Đã bao đêm rồi mắt già trũng lệ
Mà chúng con về không kịp báo mẹ hay!
Rằng chưa tiện báo mẹ hay
Khi liềm trăng non vừa khuất
Khi tên lính cuối cùng trong toán giặc
Lọt vào tầm súng tay con
Là cuối chân đê cho đến đầu làng
Đạn sẽ xé tung trời
Bom sẽ gầm dậy đất!
Hỏa châu sáng một góc trời đỏ rực
Soi rõ từng tên, con nhắm từng tên
Soi rõ xóm thôn có bóng dân hiền
Cho bạn con không nhầm nhà của mẹ…
Đã bao đêm trường mắt già trũng lệ
Son sắt mẹ chờ
Chỉ một đêm nay!…
oOo
Buổi chúng con chưa trở về đây
Vườn trầu mẹ sao mà tàn úa?
Hàng cau héo vươn mình trơ cuối hạ
Nương dâu buồn rũ lá bãi hoang vu
Con trâu xanh đói cỏ đứng ven bờ
Đứa bé bụng to trần truồng trưa nắng,
Mươi trẻ mồ côi, dăm bà tóc trắng
Lối đi nào tránh được hố gài chông?!
Ngày hãi hùng, đêm mã tấu dao găm
Sáng sớm loa kêu chiều mõ giục!
Chuồng lợn trống trơn, đàn gà ai giết
Gạo ai thu lúa ai góp đâu rồi?
Nước mắt chan cơm, cơm không đủ nuôi người Người đâu mất? Mẹ làm sao bám sống
Tiếng đau thương gào đà lạc giọng
Nỗi lầm than trĩu nặng khối căm hờn!
Kiên nhẫn mẹ chờ từng bước chúng con
Chúng con trễ vì đường xuôi nẻo ngược.
Mẹ ơi mẹ! Bao nhiêu tình yêu nước
Là bấy nhiêu tình yêu mẹ xa xôi
Trăm vạn khổ đau sẽ được đền bồi
Nghìn thương nhớ con mang về đây cả…
Mẹ hãy ru cho cháu đừng khóc sữa
Giờ vinh quang sẽ đến kịp bình minh!
oOo
Lát nữa đây
Trong chúng con sẽ có đứa hy sinh
Giặc gục trăm tên, ta vài bạn ngã!
Máu hồng chảy thấm quê hương
Máu sẽ tưới trên đồng thơm gốc rạ
Mẹ lại cấy cày, lúa lại đơm bông
Mẹ bới chén cơm gạo mới thơm nồng
Luộc đĩa rau lang, nướng cà dầm mắm…
Toán quân đã đi xa từ sau chiến thắng
Chưa trở về để mẹ mỏi mòn trông
– Các con chưa về, nhớ mẹ nhiều không…
(Nguyệt san Tiền Phong số 13 tháng 8 năm 1966)
TP số 38 phát hành ngày 15-3-1968
có truyện ngắn “Con nước đầu xuân” của Phan Trước Viên
CON NƯỚC ĐẦU XUÂN
truyện của Phan Trước Viên
(trích từ nguyệt san Tiền Phong của QLVNCH số 29 tháng 3 năm 1968. Tư liệu TQBT)
TIẾNG NGƯỜI ĐÀN BÀ RU TRẺ LẠI TRỖI LÊN, lê thê, buồn bã. Tiếng ru phát ra từ một căn nhà bên này sông, gió nhè nhẹ nâng giọng à ơi văng vẳng tan dần tan dần vào hơi đêm. Trời u ám, lác đác một vài vì sao yếu nhạt nhấp nháy trên đầu núi, trăng đầu tháng lẩn khuất trong mây mù, sắp lặn. Mới hơn tám giờ tối mà đêm như đã về khuya. Tiếng nước chảy xiết hòa với tiếng gió xoáy rít dưới gầm cầu tạo một âm thanh rì rào đều nhịp.
Nguyên rời chòi ngủ leo lên đường đi về phía cầu. Nước sông Ly Ly vẫn đổ về cuồn cuộn dù trời đã thôi mưa từ ba ngày trước. Đứa trẻ trong xóm vẫn khóc thét, Nguyên lắng lại theo dõi tiếng ru nhặt hơn, lớn hơn và như lỗi nhịp dần dần:
À ơi... Gió đưa ông đội về dinh
Bà đội thương tình xách nón chạy theo
À ơi… Gió đưa ông đội về tàu
Bà đội ở lại xuống bàu bắt cua
Bắt về làm mắm chua chua
Gởi ra ông đội khỏi mua tốn tiền…
Đêm nay là đêm thứ hai Nguyên nghe được lời ru lạ tai ấy, vì không phải người gốc gác nơi đây nên Nguyên chỉ hiểu được phần nào ý nghĩa của những lời ru. Dù người đàn bà đã lặp đi lặp lại nhiều lần một câu hát, nhưng Nguyên chỉ nhớ được phân nửa. Nguyên thầm nghĩ, không biết có phải “ông đội” kia ngày xưa ở trong hàng ngũ lính khố xanh trấn đóng tại một dinh cơ nơi kinh thành xa xôi. Một ngày nào đó ông đội được về phép thăm nhà, rồi lại đi, bỏ “bà đội” ở lại một mình nơi quê nghèo yên phận hái rau bắt ốc. Nguyên bật cười, ông đội ngày xưa thiếu gì món ngon vật lạ nhưng bà đội vẫn làm cái thứ mắm tôm cua riêu tép gởi ra cho ông. Ngoài cái lý do ông đỡ tốn tiền, có lẽ bà đội còn muốn ông đội phải luôn luôn nhớ về chốn thôn dã nghèo khổ những khi thưởng thức món ăn quen thuộc, nơi thôn dã đó có hình ảnh bà vợ ngày ngày lặn lội dưới ao bàu như một thân cò yếu ớt không quản nắng mưa…
Đêm hôm trước đứa trẻ cũng khóc suốt sáng. Sáng sớm Nguyên ra xóm Lá hỏi thăm, mới biết mẹ con bà Ngữ từ vùng trên vừa mới bồng bế xuống đây lánh nạn. Bà Ngữ ở nhờ nhà người cô ruột.
Lúc Nguyên đến đứa trẻ nằm trong võng vẫn sốt mê man, Nguyên cho gọi Mạnh mang thuốc đến chích. Bà Ngữ chắp hai tay xá lia lịa, “Đội ơn quan, cô tôi đã nhắn gọi mấy lần nhưng tôi cố ở nán lại dịp tết hương khói cho cha mẹ ông bà, ngờ đâu họ đánh nhau quá sức, thằng nhỏ lại đau ban, tôi mới bồng bế xuống đây, may đâu… lạy quan…”. Nguyên an ủi bà Ngữ rồi nói tiếp, bà yên chí nếu y tá của chúng tôi chữa chạy không lành, chúng tôi sẽ đưa cháu đi nhà thương. Bà Ngữ lại chắp tay xá và khóc. Nguyên lặng lẽ quay đi sau khi nói nhỏ vào tai Mạnh, “Anh nói bà ấy đừng xưng hô như thế nữa. Giải thích cho bà ấy hiểu xong anh về, trưa nhớ trở lại”.
Nguyên xốc cao cổ áo và thọc tay sâu vào túi quần, anh cảm thấy lạnh nhiều khi đặt chân lên đến đầu cầu cao và lộng gió. Hai vọng gác ở đầu bên này vừa mới dời phiên, trong vòng ụ bao cát tiếng một người lính ca nho nhỏ bản vọng cổ khôi hài. Nguyên vỗ tay tán thưởng, tiếng cười đùa reo lên như phá vỡ bầu không khí buồn lạnh. Cùng lượt, ánh đèn pin bốn vọng gác hai đầu cầu quét sáng cả một khúc sông.
Nguyên bước chậm trên những tấm ván gập ghềnh. Tiếng động dưới chân Nguyên phát ra như tiếng bánh gỗ xe bò lăn cọc cạch trên đường làng một đêm chở ra về khuya. Một người lính quấn áo dạ quanh mình đang thu hình ngồi chồm hổm trên một tấm ván đưa chêu vêu ra giữa dòng. Thấy Nguyên đến, người lính đạp hai chiếc cần câu dưới chân rồi đứng lên vồn vã.
– Ngồi đây chơi, thầy.
Nguyên cúi dòm chiếc túi nylon có vài con cá bống cựa quậy, hỏi người lính:
– Được nhiều cá chưa hở anh chàng Phạm Thái?
– Ít thôi thầy ạ, vì nước bạt hãy còn chảy xiết quá.
Nguyên thường gọi Lộc là Phạm Thái, anh em trong trung đội cũng bắt chước Nguyên dù nhiều người không hiểu được vì sao Lộc lại mang biệt danh ấy. Lộc có vẻ mặt ngông ngang, nhiều lúc lại hay buồn tư lự có vẻ bất đắc chí. Từ sau bài thơ làm cho Thịnh khi Thịnh bị địch bắn ngã xuống sông vào một đêm phá cầu, Lộc tuyên bố không làm thơ nữa. Và có lẽ như thế thật, nhưng vào những lúc ngồi câu cá trên cầu Lộc vẫn thường ngâm nga sang sảng, giọng hắn cao vút, mênh mang.
Lộc là học trò cũ của Nguyên, bốn năm về trước. Nguyên từ Trung Đoàn về nhận Trung Đội được một tháng thì Lộc về đến, thầy trò cũ tình cờ gặp nhau giữa một miền đất mà trước khi đến họ chỉ nhìn thấy một chấm nhỏ li ti trên bản đồ xa lạ. Lộc vẫn gọi Nguyên bằng “thầy” như ngày trước chỉ khi nào có khách lạ hoặc cần báo các việc gì trước hàng quân Lộc mới gọi cấp bậc của Nguyên. Ban đầu Nguyên không bằng lòng nhưng Lộc đã viện đủ lý lẽ để được sống trong tưởng tượng về một quãng đời như đã xa xăm.
Theo ngón tay chỉ của Lộc, Nguyên bước tới nhìn xuống vực sâu tối om:
– Này Lộc – Nguyên nói – cái vài bê-tông cũ đổ xuống chỗ này năm ngoái đã bị nước mấy hôm nay cuốn xê lại đằng kia. Vì nước không quầng lại nên cá chẳng tụ nhiều đâu Lộc ạ.
– Dạ, nhưng em câu cá đáy chớ không nhử mồi.
Lộc cầm cần lên tay nói tiếp:
– Thầy ngồi câu một lát cho vui cá diếc nó đóng lưỡi sướng lắm.
– Thôi, Lộc câu đi, tôi mắc bận cái này tí.
Nguyên vội quay lưng, Lộc hỏi vói theo.
– Thế ngày mốt thầy đã lên đường?
Nguyên quay lại đáp:
– Chưa, thứ ba tuần sau Chuẩn úy Vĩnh mới ra thay tôi.
– Thầy ở lại cho đến ngày giỗ Thịnh, cái giỗ đầu tiên ở nơi đây.
Nguyên lặng lẽ cái đầu không đáp, Lộc tiếp:
– Hai mươi thầy về trung đoàn nhận giấy tờ rồi về Nam hãy còn sớm chán, mà chừng ấy nắng ráo hẳn dễ đi thầy ạ.
Nguyên xoay mình hướng mặt dọc theo chiếc cầu dài như để sống lại mãnh liệt và tất cả với dĩ vãng một đêm nào Thịnh ngã xuống nơi đây, Nguyên nói:
– Tôi cũng đã nghĩ như thế. Vả lại tôi đi chuyến này là đi phép, xong tôi còn trở ra rồi mới nhận giấy tờ.
Lộc reo lên:
– Thật nghe thầy.
Nguyên như nhẹ bớt nỗi buồn vừa đến:
– Sao lại không, Lộc nói với anh em là chưa phải tiễn biệt tôi làm gì cho vội nhé, tôi biết các cậu đã chuẩn bị gì rồi.
– Dạ, có gì đâu…
– Cậu đừng dối, thôi lát nữa về lều chúng ta bàn chuyện.
Nguyên chậm rãi quay đi. Anh đến giữa cầu, ngồi trên một miếng gỗ sần sùi và lốc chốc những đinh. Nguyên kéo vạt áo che kín bật lửa và châm một điếu thuốc. Lửa cứ tắt, điếu thuốc trong tay Nguyên như thừa thãi trong khi những ý nghĩ về cái ngày ra đi của anh cứ dồn dập đến với nhiều nỗi băn khoăn.
Nguyên nhận được bản sao lệnh thuyên chuyển cùng với công điện gọi Nguyên về trình diện Bộ Chỉ huy để đáo nhậm đơn vị mới. Sáng qua Nguyên đã gặp Tiểu đoàn trưởng và ngỏ ý xin ở lại ra giêng hãy đi. Tiểu đoàn trưởng muốn Nguyên được thư thả trước khi rời khỏi đơn vị cũ, nên đã chuẩn bị Vĩnh lên thay Nguyên đi phép, cái phép đầu tiên và cũng là duy nhất từ ngày Nguyên về trấn giữ yếu điểm của trục giao thông này hơn một năm qua.
Sự thực, từ lúc đệ đơn trình bày gia cảnh để được về phục vụ gần quê quán, Nguyên không mấy hy vọng được thỏa mãn. Nguyên vừa ra trường thì cha của anh chết trong một vụ địch cho nổ phá hoại một cơ sở ngoại quốc. Một việc đau đớn nữa tiếp đến với Nguyên: người em trai của anh mất tích trong một cuộc đụng độ ở miền Đồng Tháp Mười. Nguyên làm đơn xin thuyên chuyển cùng một lúc với người chị ở quân y viện Huế. Đơn gởi đi rồi, Nguyên về trấn giữ cầu Hương Yên, và anh không hỏi han hối thúc gì thêm.
Nhưng bây giờ nguyện vọng của Nguyên được thỏa mãn, anh cảm thấy hối tiếc và buồn bã vô cùng. Phải xa nơi này, phải xa anh em? Nguyên nghĩ như chính anh bị ép buộc phải làm một việc mà anh không rõ rằng mình muốn hay không.
Nguyên lẩm bẩm: “Ta trở về thành phố lúc này quả là một mất mát là một phí phạm lớn lao”. Rồi chính Nguyên không giải thích được là mất mát thế nào phí phạm ra sao, anh cứ loay hoay so sánh hai cuộc sống, một hiện tại và một sắp đến với anh, để rồi cuối cùng Nguyên hiểu rằng mình buồn bực thế này khi sắp ra đi là bởi tình cảm giữa anh em – mối tình đồng đội keo sơn của một nhóm nho nhỏ con người: Bốn trung đội giữ cầu Hương Yên mà trong đó có Quan, có Lộc, có Thức, có Hòa và những 26 con người đã sống với nhau.
Một toán gác nữa đã lên phiên. Nguyên chưa muốn đi về. Nguyên muốn nằm dài xuống sàn ván gỗ, muốn dang hai tay ôm trọn chiều rộng của chiếc cầu của dòng sông nơi mà Nguyên đã sống, nơi mà Thịnh đã chết, nơi mà Nguyên và hai mươi chín con người đã biết thế nào là đói lạnh gian nan, đã biết thế nào là tình yêu quê hương đất nước.
Hơn một năm, Nguyên và cả trung đội sống trong túp lều tranh thấp lè tè đã được dựng lên bên đầu cầu Hương Yên, những túp lều còn mong manh đơn sơ hơn những chòi giữ hoa màu ở đồng quê ngày trước.
Tranh cỏ được cắt từ những bờ rẫy hoang hai bên sông, sườn chòi là tre nứa, là ngà, cột là tầm vông… Sạp ngủ trong lều là những tấm ván bể hoặc mục, cầu được gỡ ra và kê trên những viên đá ong sần sùi. Trùn mẹ trùn con lúc nhúc dưới sạp, đất ẩm thấp quanh năm. Cả trung đội sống bình đẳng như vậy, có năm người lính mang theo cả vợ con và những túp lều biến thành những tổ ấm. Ở đó mọi việc xảy ra: ăn uống, nằm ngủ, chùi súng, bố trí xung phong, đọc báo, viết thư và làm phận sự… vợ chồng. Nhiều lúc Nguyên có cảm tưởng anh là viên Tù trưởng của một bộ lạc bán khai từ thế kỷ trước. Mà Nguyên là viên Tù trưởng thật, có đủ uy tín oai quyền, có đủ sức mạnh, viên Tù trưởng đã đem lại bình an cho cả bộ lạc Hương Yên.
Dân cư hai bên bờ sông sống trong những túp nhà tranh mới dựng lên một năm nay, nhà cũ của họ đã cháy sạch vào một đêm hỏa pháo. Viên Tù trưởng từ ngày coi sóc bộ lạc này đã không bao giờ gọi pháo binh yểm trợ bâng quơ nếu xét thấy không cần thiết. Mà phần nhiều đối với Nguyên pháo binh không cần thiết, anh có đủ sức đánh bật bất cứ một cuộc tấn công nào.
Xe cộ qua lại ngang cầu dưới quyền kiểm soát của Nguyên, nhưng chưa bao giờ anh gây trở ngại một ai nếu xét thấy không cần thiết. Dù đường đi kém an ninh, nhưng tháng chạp đến, xe cộ buôn bán hàng hóa thực phẩm qua lại trên cầu tấp nập, Nguyên phác định một kế hoạch làm sao vừa kiểm soát chặt chẽ mà vừa không trở ngại dân chúng. Và kế hoạch của Nguyên đã thành công, là mùa giáp tết thứ hai.
“Giáp cái Tết thứ hai – và cũng sắp đến ngày giỗ đầu của Thịnh – còn năm hôm nữa” – Nguyên lẩm bẩm một mình rồi đứng dậy đi về phía đầu cầu – Lộc vừa giật được một con cá diếc trắng lấp lánh ánh sao quay lại hỏi Nguyên:
– Thầy sang đầu cầu bên kia với anh em bàn gì mà lâu thế.
Nguyên trao cho Lộc điếu thuốc:
– Ngày giỗ đầu của Thịnh chắc Lộc phải câu cho nhiều cá, chúng mình giỗ cơm cá Lộc nhé.
– Rau cải nữa chứ thầy, chính vạt đất kia do tay Thịnh khai phá đấy, có cả su, xà-lách.
Nguyên nắm tay Lộc.
– Thôi ta về đi, khuya rồi Lộc.
– Sao thầy buồn dữ vậy?
– Phải xa anh em, lại nữa tôi nhớ Thịnh.
Lộc bỗng sa sầm nét mặt rồi thở dài, hắn vứt mẩu thuốc cháy dở xuống dòng sông và đứng khựng lại như một phản ứng giận dỗi bất chợt.
Nguyên hỏi:
– Lộc có làm thơ cho Thịnh nữa không?
– Có – Lộc đáp – một đoạn mới làm xong sau một năm quẳng bút.
Nguyên giục:
– Thế nào, đọc cho anh nghe.
Lộc đi sát bên Nguyên và đọc nho nhỏ:
Con sông xơ xác đầu nguồn
Chiếc cầu trơ nửa nhịp buồn chênh vênh…
Nguyên ngắt ngang:
– Sao mà buồn vậy, thơ hùng của cậu đâu rồi?
– Không phải, em diễn tả cái nỗi lòng của chị Thịnh hôm chị đến đây tìm xác chồng. Thầy để em đọc tiếp đoạn sau:
Lời yêu ngoại dạy ngày xưa
Vài xiêu móng đổ bây giờ hỏi đâu
Thương anh bỏ nón về đầu
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay…
Nàng bồng con nhỏ tới đây...
– Hết rồi sao?
Lộc trả lời ấm ớ:
– Chỉ mới đến đó…
Nguyên gật gật đầu:
– Hay nhỉ, mà cũng thật buồn.
Rồi như sực nhớ điều gì, Nguyên bảo Lộc:
– Thịnh chết, và tôi được thăng cấp ngày hôm sau, Lộc nhớ chứ?
– Chiến công của chúng ta mà thầy, thầy ân hận như vậy Thịnh nó buồn đấy.
Nguyên không thể nào quên được cái đêm giặc dồn hết lực lượng du kích địa phương để tấn công cầu. Cả trung đội đã chiến đấu anh dũng mặc dù quân số ít thua ba lần địch. Khi một đoạn cầu vừa bị giật đổ, Thịnh giữ trung liên từ vài giữa đứng thẳng người quét xuống sông và hai bên bờ rậm. Nhờ hỏa lực của Thịnh mà địch phải nao đúng sau ba lần xung phong, nhưng đến lần thứ tư, giặc tràn lên và Thịnh đã nhào đổ theo vài cầu chìm lỉm dưới sông. Xác Thịnh không còn tìm thấy đâu nữa tuy đã dùng đủ phương tiện của dân chúng cung cấp. Dù chỉ có một người hy sinh so với hai mươi lăm xác địch bỏ lại, nhưng anh em trong trung đội đã thương tiếc và ân hận vô cùng vì không tìm được xác Thịnh. Chiều hôm sau vợ Thịnh bồng con nhỏ đến đứng trên cầu chỗ xác Thịnh nhào đổ cùng với một vài cầu sập xuống lòng sông. Bóng vợ con Thịnh sừng sững trong bóng chiều bên kia là đồi có nhiều mây trắng, dưới lòng sông nước vẫn xuôi về biển cả…
– Thầy nghĩ gì mà im lặng thế.
– Tôi không muốn về phép, tôi muốn ở lại đây.
– Thầy nói gì em không hiểu.
– Tôi sẽ xin ở lại đây, ở lại đây với anh em với Thịnh… ở lại đây cho đến ngày hết giặc.
PHAN TRƯỚC VIÊN