(trích từ TQBT sô 93 chủ đề HẠNH PHÚC VÀ KHỔ-NẠN (Báo giấy) mới vừa phát hành )
Hồi ức của Nguyễn Lệ Uyên
Chừng tuổi này, dự đám cưới bạn bè, người thân, con cháu, học trò cũ… thậm chí cả người lạ… cũng khá nhiều, nhớ không hết. Nhưng có một đám cưới tôi không bao giờ quên. Nó thuộc về một quá khứ xa, rất xa đã nửa thế kỷ, nhưng mỗi khi nhớ về họ, nó hiện lên trước mắt mới toanh như vừa mới hôm qua. Đó là đám cưới của anh chị Trần Hoài Thư & Nguyễn Ngọc Yến.
Mối tình của hai người khá ly kỳ, mối tình văn chương pha đậm chất lãng mạn mà tôi là kẻ bên lề, chứng kiến trọn vẹn tới ngày hợp hôn của hai người.
Với THT thì quen thân từ hồi ghé thăm anh tận nơi đóng quân ở cầu Bà Gi, Bình Định. Rồi mỗi dịp tôi nghỉ hè, anh lại đeo xe đò Phi Long, Tiến Lực vào Tuy Hòa với anh em văn nghệ ở đây. Tôi thích và mến anh ở chỗ trực tính, bất cần đời và không hiếm những câu văng tục trong lúc trò chuyện. Lại nữa, anh có thể viết bất kỳ ở đâu: đang cà phê với đám đông, trong buổi nhậu… nghĩa là những ý tưởng, câu chuyện xuất hiện trong đầu lúc nào thì người anh như chiếc lò xo tự động bật lên: xé tờ lịch, lôi tờ giấy nhàu nhò trong túi, hỏi mượn chủ quán một mẩu giấy nhỏ, hay quyển vở của chủ nhà, rồi bỏ mặc tất cả, ra một góc riêng ném vãi những cảm xúc của mình lên trang giấy. Tôi cũng nghe kể, những đêm đi kích hay đơn vị hành quân, lúc yên ắng anh còn trùm poncho bật đèn pin khum lưng viết, chỉ thiếu vừa đụng trận với quân địch vừa viết… thì anh là người có một không hai trên thế giới này?
(Từ trái: Phạm Ngọc Lư – Trần Hoài Thư – Nguyễn Lệ Uyên – Phạm Văn Nhàn, ảnh chụp năm 1969)
Sau này, ở Sài Gòn thỉnh thoảng chúng tôi cũng hay gặp nhau, lúc ở đường phố, khi ở tòa soạn Văn, và lần nào cũng ghé thăm anh Trần Phong Giao và được ông thư ký toà soạn đãi chầu bia bên Tân Thuận hay trong Chợ Lớn…
Riêng chị Nguyễn Ngọc Yến thì khác. Năm 1968, tôi thi vào Sư phạm ĐH Cần Thơ và một số trường khác. Khi có kết quả, loay hoay thế nào lại nộp hồ sơ nhập học trễ cả tuần, bị làm khó. May sao gặp chị Yến làm ở phòng Hành Chánh của Viện nói giúp với ông Khoa trưởng. Sau đó thì thân nhau, bởi chị cũng biết tôi có võ vẽ mấy truyện ngắn trên Văn, Khởi Hành… mà chị thì mê văn chương, đọc nhiều, các tạp chí văn học chị hầu như ít bỏ sót, nên chúng tôi coi như chị em, chị lớn hơn tôi đến 7, 8 tuổi. Những dịp nhận nhuận bút, tôi thường mời chị đi ăn chè thập cẩm, sâm bổ lượng, vừa tán chuyện văn chương, nghệ thuật. Trong thời gian này, tôi quen với cô bé học lớp Đệ Tam C bên Đoàn Thị Điểm, cũng mê văn chương, có viết những đoản văn trên các báo ngày và Tuổi Ngọc của ông Duyên Anh, sau là trợ thủ đắc lực trong chương trình VHNT do tôi phụ trách trên đài Cần Thơ và chương trình “Những Tối Thứ Sáu” của nhóm SV liên khoa chúng tôi). Tôi giới thiệu để chị Yến “coi mắt”. Chị khen cô bé nhưng cảnh báo tôi: “Đẹp, nết na, có tâm hồn... nhưng phải biết giữ gìn và chờ đợi, học cho xong đã, vào lính không sướng đâu nha em!”
Rồi trên tạp chí Văn khoảng đầu năm 1969 số chủ đề Những Cây Bút Trẻ, lại có truyện của tôi và anh THT đi cùng. Khi nhận nhuận bút, không hiểu sao tôi lại mời chị đi ăn bún bò Huế ở quán ông Ba Mập ngoài Bình Thủy (trên đường đi Long Xuyên). Ăn, chị hít hà, chảy nước mắt, chị kêu “cay quá trời nhưng mà ngon lắm”. Trong lúc ăn vừa lau nước mắt, chị hỏi có biết Trần Hoài Thư, thân nhau lắm không? Ông này ra sao, có giống như những nhân vật trong truyện ổng viết không? Tôi nói tuy chưa ngủ bờ bụi với nhau, nhưng cà phê, rượu thì có thừa. Tôi kể lại có lần ra tận cầu Bà Gi tìm thăm THT, hai anh em về Quy Nhơn uống cà phê, xuống thăm “Ổ chuột” ở khu 6 nơi tập trung những anh hào tứ phương Lê Văn Trung, Lê Văn Ngăn, Phạm Cao Hoàng, Phạm Văn Nhàn, Nguyễn Phương Loan, Lữ Quỳnh, Đặng Hòa, Hoàng Ngọc Châu…
Trong thâm tâm, lúc đó tôi chỉ nghĩ chị hỏi để hiểu rõ thêm về một tác giả, nhưng không ngờ, chị mê truyện anh Thư, mê các nhân vật khốn khổ của ảnh, như hiện thân của một THT được bê nguyên xi cho ngồi chồm hổm bên bờ hào hay ngụp mình dưới làn nước lạnh ngắt vào trong truyện đến nỗi yêu các nhân vật và yêu luôn người viết truyện!
Đầu niên khóa 69-70, nhóm SV chúng tôi gồm Phan Lương Minh, Nguyễn Thành Nghiệp, Trương Cương Thanh, Trần Văn Liêm, người bên Luật, kẻ Nông nghiệp, Sư Phạm cùng nhau thực hiện chương trình ca nhạc, đọc, ngâm thơ mỗi cuối tuần tại Giảng đường lớn trên đường Tự Đức (nay đổi thành Lý Tự Trọng), lấy tên “Những Tối Thứ Sáu” dành cho sinh viên học sinh, nhưng không biết phải làm đơn xin phép ở đâu. Dĩ nhiên không phải chính quyền sở tại, vì đại học có quy chế tự trị riêng. Anh em bàn ra tán vào, cuối cùng ấn tờ đơn xin phép cho tôi. Dĩ nhiên tôi phải nhờ đến chị Nguyễn Ngọc Yến. Nghe tôi trình bày, chị rất vui và cầm ngay lá đơn lên văn phòng viện trưởng. Hơn mười phút sau, chị cầm lá đơn trở xuống với nụ cười rất tươi, trao lại lá đơn còn tươi rói chữ ký và mộc đỏ chưa ráo mực của Viện trưởng, Giáo sư Phạm Hoàng Hộ. Tôi mừng đến nỗi muốn ôm chầm lấy chị để bày tỏ lòng biết ơn.
Tới tận giờ này, khi ngồi gõ những dòng chữ về chuyện xưa, mà thấy như đang sống lại cái thời khắc đẹp tuyệt vời ấy: Tôi đứng dưới sân Viện Đại Học, lòng nôn nao, đại lộ Hòa Bình như rộng và vắng hơn mọi ngày, nhìn xéo qua bên kia đường, QĐ 4 không thấy nổi vòng những cuộn kẽm gai chồng chất như mọi ngày mà là những luống hoa đủ màu sắc. Khi chị trao lại tờ đơn, mở ra tôi cứ ngỡ như những bông hoa cây cỏ miền Nam chị gom lại của Gs Phạm Hoàng Hộ tặng cho cả nhóm (*)
Trong sinh hoạt văn nghệ cuối tuần này, hầu như chưa lần nào chị vắng mặt, để sau đó góp ý sửa đổi cho hoàn chỉnh, động viên anh em trong nhóm.
Thêm một chi tiết: Tôi trọ tại số 2 Phan Thanh Giản, nhà chị cùng đường, số 45, nên mỗi sáng đi làm, chị chạy ngang qua, khi thì chiếc Yamaha màu xanh, lúc chiếc Honda tay ga. Tôi thì học ở các giảng đường trên Cái Răng, cạnh Đài Phát Thanh Cần Thơ, phải cuốc bộ qua đoạn đường ngắn có hai trường trung học nổi tiếng ở miền Tây là Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm, trước khi ra đại lộ Hòa Bình đón xe lam lên Cái Răng. Những lúc gặp, chị chở đi một đoạn và lần nào chị cũng nói “cố gắng lên nghen em, đừng vì văn nghệ mà lỡ chuyện học hành, vào lính, khổ”.
Tới lúc này, chị mới thổ lộ tình cảm thật của chị dành cho anh Thư. Chị hỏi tôi về gia cảnh, tính tình, lối sống… “Hình như THT sống buông thả, bất cần đời lắm phải không em?”. Tôi nói: “Lính thì sống nay đây mai đó, hiếm hoi mới có mấy ngày phép ngắn ngủi, chiến trường là quê hương của họ mà chị!”.
Vậy thì đã rõ, chị yêu anh Thư thật rồi. Những lần gặp sau, tôi cố “rặn” để sơn phết một Trần Hoài Thư sao cho thật tròn trịa, pha chút lãng mạn, vừa bặm trợn vừa cô đơn như cụ Hemingway một mình trên biển cả mênh mông. Tôi nói với giọng điệu vừa sôi nổi vừa lặng lờ như diễn viên kịch đến cả tôi cũng tin những điều tôi nói còn hay hơn cả truyện tôi viết!
Tối đó, tôi viết cho anh Thư đến 4, 5 tờ pelures về chị Yến. Kể thật về điều tai nghe mắt thấy, về nhan sắc, tính tình của chị cùng những phẩm chất dung dị, đôn hậu của phụ nữ Nam bộ, lại sống trong gia đình nề nếp, gia giáo (ông cụ thân sinh chị, bác Nguyễn Văn Dưỡng, là chánh thư ký văn phòng Hiệu trưởng trường Trung học Phan Thanh Giản, bác là GV bậc Thượng hạng ngoại hạng đặc biệt danh dự) …
Với anh THT, tôi viết thư nói đây là một mẫu người lý tưởng để làm vợ, anh đừng để mất cơ hội. Chị Yến thì gần, gặp nhau hai chị em nói chuyện thơ văn, tán dương ông anh Quí Sách, khuyến khích chị viết thư làm quen với các nhân vật của ảnh. Sau vài ba lần như vậy, tôi nói thẳng với chị: “Anh Thư là một người tuy không hoàn hảo như trong tiểu thuyết, nhưng sẽ là người chồng tốt, rất tốt đó chị”.
Cuối cùng, như duyên tiền định với tô bún bò Huế cay xè tôi đãi chị, hai người hẹn hò nhau tại tòa soạn Bách Khoa năm 70, đến tháng 6/71 hai người làm đám cưới.
Khi tôi đang lăn lê bò toài ở quân trường Thủ Đức, nhận được thư chị viết mấy dòng ngắn: “Chị và anh Thư cưới nhau, ngày… tháng… năm… tại cư xá Nguyễn Thiện Thuật. Em gắng xin phép về dự, không anh chị buồn”. (**)
Cuối cùng thì tôi cũng cầm được giấy đi phép do Tiểu đoàn trưởng khóa 6/70 ký đúng vào lúc 2:30 giờ chiều. Tôi vội vã ra cổng số 1, lội bộ ra chợ Nhỏ đón xe ôm về SG, tới ngay tòa soạn Ý Thức, 666 Phan Thanh Giản. Tại đây có đủ mặt bạn bè nhưng chưa thấy “chú rể”. Mãi lúc sau, THT từ nhà sau thủng thỉnh bước tới với bộ treillis bình thường, không lon ống, nện gót giày botte de saut cũng bụi như mọi ngày khiến tôi hơi ngạc nhiên, trong khi đó Võ Tấn Khanh complet cà vạt tóc chải bi-ăng-tin láng coóng.
Đến giờ “rước dâu”, mọi người ra xe, chiếc La Dalat mượn của ai đó. Chị Mai (chị Sáu của NM), ngồi ghế trước, Võ Tấn Khanh lái xe, băng ghế sau là chú rể THT, Lê Ký Thương, chị Mận (em kề chị Mai), Nguyên Minh … và tôi với đầu tóc cắt ngắn, áo quần đi phép của quân trường, lủng lẳng dây biểu chương. Hai quả lễ vật phủ khăn đỏ đặt phía sau cùng. Từ tòa soạn Ý Thức qua cư xá Nguyễn Thiện Thuật đâu chừng ngàn mét, nhưng riêng tôi vô cùng hồi hộp, tưởng như rằng THT dẫn anh em chúng tôi đi hành quân vậy!
Cư xá, nơi làm lễ cưới, hóa ra là nhà của anh trai chị Ngọc Yến, anh Nguyễn Văn Thiệt, kỹ sư công chánh mà tôi đã vài lần ghé thăm.
Phái đoàn nhà trai với VTK và LKT khệ nệ bưng hai quả phủ khăn đỏ. Bước vào nhà đã thấy nhà gái, ba chị Yến – bác Nguyễn Văn Dưỡng – và anh chị em trong nhà. Chị Yến thì mặc áo dài trắng, mảnh mai như một nữ sinh. Nhìn thấy ông mai có mặt, chị mừng lắm, đưa mắt về phía tôi thay lời chào. Thủ tục lễ nghi diễn ra nhanh gọn. Cuối cùng thì bác Dưỡng tuyên bố: “Từ nay, hai con Nguyễn Ngọc Yến và Trần Hoài Thư chính thức là vợ chồng. Ba chúc hai con mãi mãi hạnh phúc”. Bác tiếp: “Xin quí vị hãy coi đây là một đám cưới nhà binh”.
Nhà trai nhà gái ngồi chen nhau quanh chiếc bàn dài phủ khăn trắng, có bình hoa hồng và bánh trái. Tất cả đều hân hoan, mừng vui chúc phúc cho anh chị.
Cuối cùng, tiệc trà cũng tan, còn đôi tân lang tân giai nhân thì dắt nhau hưởng trăng mật ở một khách sạn nào đó đã đặt sẵn, hôm sau hai anh chị về Cần Thơ ra mắt họ hàng
Cách đây mấy ngày anh Đỗ Hồng Ngọc hỏi tôi có giữ tấm ảnh nào chụp ngày cưới của anh Thư chị Yến không? Tôi ngớ người, tự hỏi tại sao hai ông bạn Nguyên Minh và Lê Ký Thương dư thừa điều kiện và thời gian để làm việc này, chỉn chu như Võ Tấn Khanh cũng không nghĩ được để có một vài tấm ảnh ghi lại khoảnh
khắc đáng nhớ này? (1) Lại nữa, người đã chở Trần Hoài Thư trên chiếc Vespa cà tàng đến tòa soạn Bách Khoa để hai anh chị gặp nhau cho đủ nghĩa “kỳ hình” là Đỗ Hồng Ngọc, thì lại nhè ngay trước ngày cưới vài hôm dính xuất huyết tiêu hóa, phải đi cấp cứu ở bệnh viện Chợ Rẫy, nên không có mặt trong ngày “đón dâu” đẹp “tựa ráng pha” này…
Sau 75, tôi chưa hề một lần gặp lại anh chị. Mãi đến năm 2001, sau khi tòa tháp đôi ở New York bị nhóm Hồi giáo cực đoan đánh sập, buổi sáng nọ đang cuốc đất ngoài vườn, bỗng nghe tiếng chuông reo. Vừa nhấc ống nghe, đã nghe giọng lập bập của Trần Hoài Thư, rồi tiếp sau là chị Nguyễn Ngọc Yến. Vẫn là những hỏi han về sức khỏe, gia đình, con cái… nhưng như người ở hai đầu dây là những người tù chung thân được ôm người tù khổ sai, vừa mừng vừa tủi đến chảy nước mắt! Và cho mãi đến hôm nay, mối chân tình vẫn gắn bó giữa anh chị và cụ nông dân hạng hai đang thoi thóp trong xã hội bị kềm tỏa đến tận cùng! Rồi, càng buồn hơn khi chị bị đột quỵ đến ba bốn lần, không còn nhận biết được điều gì. Không riêng gì anh Thư, tất cả anh em văn nghệ, người thân đều cảm thấy bị hẫng hụt khi sự chăm sóc của chị cho anh, cho TQBT, cho Di sản Văn học MN, mất dần, mất dần hy vọng sự trở về như xưa của chị.
(Lái Thiêu, tháng 5/2021)
(*) https://tuongtri.com/2017/03/28/nhung-nam-thang-o-can-tho/)
(1) Bạn NLU: Không có hình chụp cô dâu chú rể vì đám cưới nhà binh mà! Xin được thế bằng hình này, chụp 17 năm sau (THT)
Cô dâu chú rể 17 năm sau…(Hình chụp trong ngày đám cưới K., L. tại Philadelphia năm 1988).
Nguôn: TQBT sô 93 chủ đề HẠNH PHÚC VÀ KHỔ-NẠN (Báo giấy) mới phát hành toàn thế giới