Sông sâu cũng lội

 Bồi hồi khi dđọc một truyện cũ sau đây. Về tinh đồng đội.  Xin được đăng lại.

truyện thời chiến của Trần Hoài Thư
(nguồn: tạp chí Bách Khoa số 300, 1969)

 

Nước. Nước lên quá háng. Nước mân mê cơ thể một cách kỳ cục. Nước làm đôi mắt nhắm lại và sững sờ trong giây phút. Nước lấp lửng lên tới ngực. Đôi gót chân nhón lên. Thân người rẽ nước, cuống quít hướng về bên kia sông. Hai tay nâng súng lên trời. Giây nịt đạn choàng quanh cổ. Tôi lội và bỗng nhiên rộn ràng với nỗi sung sướng không đâu. Tiếng nói cười rộn rã của đám lính, tiếng khoát nước, tiếng chửi thề, tiếng pha khôi hài, khuấy động cả lòng sông. Và tôi chẳng khác đứa trẻ đang hăm hở vượt sông cùng đám bạn. Phải là một bè chuối để thằng nhỏ mơ chuyện hoang đường khi nó nằm trên bè nhìn về cuối dòng sông cái. Ở đó phải là cõi bí mật, đầy những con thuyền buồm đen với đám thủy thủ cướp biển, mặt mày bôi lọ, cầm những chiếc mã tấu sáng loáng bên chiếc cột phất phới lá cờ sọ người. Ở đó là những bãi cát đầy vàng mà người ta không hề đặt chân đến. Ở đó là những chuyến phiêu lưu tưởng tượng với ông thần giữ đảo quyền uy tối thượng. Bây giờ hãy dừng lại giữa dòng một phút. Con nước buổi chiều là những ký ức mơ hồ, và tôi đã ngỡ mình lềnh bềnh theo một đám mây ở một chân trời xa xưa. Thằng nhỏ trần truồng như nhộng, nước da đen sì, tắm nắng, hai tay đập đập, cả thân hình lộn nhào. Lặn xuống đáy, mắt mở trừng, tìm từng con sò, con hến, con cua. Thằng nhỏ phóng xuống từ chiếc cầu treo ở bến giặt. Những thằng bạn khác tiếp tục nhào xuống. Những tiếng thét, tiếng cười rộn ràng, khuấy động cả dòng sông đang lặng ngủ dưới nắng chiều xen lẫn tiếng mắng chửi của những người đàn bà trên bến. Mặc!

“Thiếu úy, lội qua chớ!”

Tròn ở đằng sau giục. Tôi cười, bắt đầu nhấc đôi giày trận lên một cách nặng nề. Trên bờ, đám lính đã ngồi, cởi giày, vắt nước từ đôi tất, hoặc sửa soạn lại súng đạn, ba-lô. Buổi chiều đã về dịu dàng trên các đọt tre, và bờ sông thì chìm trong màu đỏ sẫm nhạt. Những luống đất mới cày còn ri rỉ nước. Những bó mạ xanh nằm bên đường đê nhỏ. Chiều gợn trên mặt sông một màu đìu hiu buồn bã. Chiều bắt đầu ngủ yên, không xao động, như thể níu kéo hơi thở của ngày từ một mặt trời đỏ rực hấp hối phía Tây. Nhưng đối với tôi, chiều là khởi đầu cho những lo toan, bâng khuâng tiếp tục. Tôi cực nhọc bước lên bờ sông, khoác lại khẩu súng và giây nịt đạn. Chiếc bản đồ lại được đưa ra. Tọa độ Bắc Bình Rạch Giá, Tư Tưởng Xung Phong, hai lần Yên Bái, Whisky Xung Phong. Số nhà ở giữa một đồng trống, đối diện với vùng đất oanh kích tự do. Tôi ước lượng khoảng cách, phương hướng. Ông Tướng hỏi: “Thiếu úy đi lối nào?”

Tôi im lặng một chút, rồi lưỡng lự:

“Ông Tướng à, từ đây đến đó còn khoảng hai cây số nữa. Mình đừng đi đường cũ. Cứ bọc trong làng, vượt qua rào mà đi.”

Ông trung đội phó không đáp. Ông lấy chiếc mũ rừng quạt phành phạch, rồi gọi tổ trưởng tổ một:

“Tấn, mày đi đầu. Tiến vào làng phía kia. Nhớ lên đạn khóa an toàn!”

Trung sĩ Tấn hối hả gọi:

“Đi, bọn bây!”

Tôi chờ tổ một đi xong mới “gô”. Trí, mang máy, đằng sau hỏi:

“Thiếu úy cho biết số nhà về trung tâm chưa?”

“Khoan đã. Đợi đến tối, đóng quân xong mình mới báo cũng được”.

 

oOo

 

Con đường làng đất thịt luồn giữa hai hàng cây cao. Con đường dẫn chúng tôi đến từng gò mả, mái chùa, ngôi am hay gò đất nào đó. Chiều rũ xuống, chết lặng từ lúc nào. Chúng tôi rẽ về phía tay trái, vượt một cánh đồng rộng. Chúng tôi bước mấp mé trên bờ đê cao. Những bước chân ngờ nghệch trên con đường đất nhỏ hẹp. Lúa vàng nặng trĩu, mập mờ. Những nhánh lúa oằn xuống và cả cánh đồng, mỗi lần gió nổi, lại rợp xuống như một mặt sóng. Tôi ngửi được mùi thơm thật kỳ bí, có lẽ của đất, của bông lúa hay của những loài hoa dại. Đằng xa là hàng tre che khuất, chạy dài trên con kênh. Ở đó, có lẽ có những con mắt đang dò xét đường đi nước bước của chúng tôi. Có thể một tay đang nhắm họng súng về chúng tôi, và một cái bóp cò, một thân người ngã xuống. Thằng truyền tin đi theo sau tôi hình như bước mau hơn. Tôi muốn bảo hắn đi thật xa, để địch khỏi nhận dạng một tên chỉ huy, nhưng tôi không dám. Tôi không thể để cho những người lính kia khinh tôi được. Tôi đứng lại, giục: “Mau lên, kẻo tối rồi. Đi cách xa, anh em!” Tiếng hạ sĩ nhất Điểu vang lên ở tổ sau cùng:”Không khéo đêm nay trời lại mưa. Mây đen quá!” Lúc đó, tôi mới chợt nhớ là mình quên mang theo poncho. Tôi quay lại hỏi Tròn: “Tròn, mày có mang poncho cho tao không?”  Tròn đáp: “Dạ không. Chỉ có mỗi một cái của em. Cái của Thiếu úy đứa nào bợ rồi”. Tôi càu nhàu: “Mày đếch lo lắng gì cả. Đồ gì của tao cũng mất hết!” Tròn bào chữa, khổ sở: “Tại Thiếu úy đi chơi không khóa cửa”. Tôi hối hận. Dù sao lỗi cũng tại tôi. Hễ rảnh là đèo Honda xuống đồi, phóng về thị trấn. Cái thị trấn bên quốc lộ 1, với một rạp hát quanh năm suốt tháng chiếu tuồng Tàu, Ấn Độ. Cái thị trấn có một phòng ngủ, lâu lâu đám lính lại chạy về báo tin: “Thiếu úy, có mấy con nhỏ mới về đóng đô, trông ngộ lắm!”  Rồi vài quán cà phê mở nhạc Hùng Cường, mà lúc nào cái sổ quán cũng dành một hai trang cho tôi. Đằng trước, tổ trung sĩ Tấn đã dừng lại ở ngã ba cạnh cây đa lớn. Bầu trời bỗng nặng xuống, đầy tức tửi. Tiếng chó sủa rân. Tấn hỏi tôi về lối đi. Tôi nói gần đến rồi. Bản đồ lại được rút ra khỏi áo trận. Tôi xác định điểm đứng một lần chót. Lại có tiếng than thở ở phía sau, như thể nhắc nhở tôi: “Mưa đêm nay lớn lắm!” Tôi ngoắc ông Tướng, nói: “Ông Tướng cho anh em qua xóm bên kia lục soát. Để lại một tổ cho tôi. Còn ông đi với tôi”.  Ông Tướng đáp dạ, rồi hỏi: “Chừng nào bọn nó rút ra?” Tôi trả lời vừa nhìn đồng hồ: “Bảy giờ rưỡi. Rút ra chỗ này”.

 

oOo

 

Đợi cho đám lính khuất sau hàng tre đầu xóm, tôi và ông Tướng bắt đầu đi tìm chỗ nằm đêm. Ông Tướng cứ nhìn lên cao, lo ngại đêm nay mưa lớn. Ông nói: “Mình tìm nhà nào đóng cho khỏe, Thiếu úy!”  Tôi không trả lời. Trước mặt, những gò mả nổi lên giữa đồng trống. Bên phải là ngôi miếu. Nằm ở gò mả thì tiện nhất, dễ quan sát và dễ ứng phó. Nhưng đêm nay mưa, lại mưa lớn! Lính cứ than như thể nhắc chừng tôi. Vâng, tôi đã hiểu về những cơn mưa hung bạo. Tôi cũng hiểu về cái âm khí bốc lên ngùn ngụt từ những ngôi mả mới. Tôi cũng hiểu về bộ quần áo dầm dề nước và những thân hình run lẩy bẩy. Đồng trống hay miếu hoang? Miếu hoang hay đồng trống? Ông Tướng yên lặng chờ tôi. Cuối cùng, tôi nói: “Ông Tướng, tôi nghĩ rồi. Mình không đóng ở ngôi miếu này đâu. Đêm nào các trung đội khác cũng đóng. Bọn nó biết được ném lựu đạn hay tấn công thì chết. Kệ, bảo anh em chịu khổ đêm nay, nằm ngoài đồng trống đi”. Tôi nói nhỏ lại. Tiếng gió xa xôi và buồn bã khuấy trên tàu dừa. Những giọt nước bắt đầu nhỏ nhẹ và vô tình má tôi hứng được vài giọt lạnh buốt. Tôi cứ ngỡ rằng những giọt nước mắt đang chảy.

 

oOo

 

Đám lính đã trở lại. Trí huýt gió gọi. Tròn đã trải poncho trên đồng, cạnh gốc cây lớn. Ông Tướng đang sắp đặt các tổ nằm bốn phía. Tôi đứng trên bờ ruộng, che khuất bởi hàng dứa dại. “Này ông Tướng, ông phải cho một tổ kích xa, nằm cách đây hai trăm thước.” “Trí đâu rồi?” – Tôi hỏi khẽ – “Trí, đây số nhà tao đọc, ghi lấy”. Trí lấy viết nguyên tử ghi trên lòng bàn tay. Đôi mắt hắn sát vào, điếu thuốc lóe lên trong chiếc mũ rừng. Tiếng huýt gió khe khẽ: “Thiên Hoàng đây Long Hải, anh nghe tôi thế nào trả lời”. Tiếng mất còn như hơi thở phát từ bên kia ống liên hợp. Trí la lên: “Tôi nghe anh hai trên năm, anh điều chỉnh máy lại đi…” Nước mưa bắt đầu nhỏ giọt, lách cách trên poncho và tự nhiên tôi ân hận. Trí càu nhàu: ” Đ.M. mưa. Hễ mình đi là mưa”. Tôi nghe mà lòng đau xót.  Phải nói làm sao cho bọn mày hiểu. Tao biết bọn mày khổ lắm, nhưng tao có sung sướng gì đâu! Tròn đã lấy poncho, đưa cho tôi. Tôi lắc đầu, đứng dậy dựa vào thân cây mục. Tiếng Trí nho nhỏ: “Anh ghi số nhà tôi”. Tôi nghe thoang thoảng Bắc Bình, Whisky…số nhà chính, số nhà phụ… anh trực máy 24/24. Những động tác quen thuộc trôi qua, những công việc rõ ràng như ăn như ngủ. Rồi một đêm sẽ thức, sẽ đầy những nỗi bí hiểm, chờ đợi, lo âu. Tôi thèm đêm trăng. Con trăng sẽ dịu dàng, an ủi. Con trăng sẽ rọi ánh sáng xuống cánh đồng để chúng tôi còn được nhìn rõ trong lòng đêm kinh dị. Nhưng bây giờ đêm mù mịt quá. Đêm mênh mông nước mắt.

“Thiếu úy, đi nghỉ…”

“Mưa quá, Tròn à”.

Tròn trùm poncho kín mít. Mưa sụt sùi. Cả âm vọng lướt thướt từ một cõi xa mờ. Tôi bắt đầu run. Giày trận đã thấm nước. Đôi tất ướt nhão. Vài con kiến bò len trong áo. “Mưa chi mà dữ vậy!” Tiếng càu nhàu lại cất lên. Tôi buồn bã quay lại. Không thằng nào hiểu tao hết. Tao cũng khổ như bọn mày mà. Nhưng tao phải có trách nhiệm. Mưa tạt vù vù làm rát mặt. Cái kính của tôi nhòa nhạt nước mưa, không thấy đường. Tôi tháo kính chùi bằng ống tay áo. Tôi lại cố gắng điều tiết con mắt. Có một trái sáng òa vỡ ở hướng đông. Rặng núi như một vệt đen khấp khểnh in trên bầu trời đen tối. Mưa càng tạt mạnh cùng với gió u u lồng lộng trên cánh đồng. Những người lính ngồi khom lưng, đầu cúi xuống để tránh mưa. Ánh hỏa châu làm mặt nước sáng loáng như mặt gương. Gương mặt Trí bỗng vàng bệch. Những hạt mưa thì mỏi mòn vỗ trên poncho từng âm vang tha thiết đìu hiu.

 

Chẳng biết tôi chợp mắt được bao lâu thì có những tràng súng nổ ở đằng tổ kích xa. Tiếng súng nổ liên hồi, kèm theo tiếng nổ của lựu đạn. Tôi hét lên: “Báo động!”  Bàn tay phải mò cây kính, bàn tay trái chụp giây nịt đạn, khẩu súng. Trí gọi: “Thiếu úy đâu?” Ông Tướng gọi: “Thiếu úy đâu?” Tôi trả lời hối hả: “Tao đây!”  Ông Tướng khom lưng bò lại. Ông ghé sát và nói bằng một giọng ngạt hơi rượu. “Các đứa con mình đụng, Thiếu úy!” Những vệt đạn lửa lại bắn lên, xẹt trong bầu trời tối mịt. Tôi nói hối hả với Trí: “Trí gọi máy về nhà đi, số nhà cũ đó, xin bắn trái sáng”. Trí ngả lưng dựa vào bờ mả lên máy. Ông Tướng hỏi: “Thiếu úy quyết định thế nào?”  Tôi hỏi ý kiến ông trung đội phó:” Mình có nên tiếp viện cho nó không hay chờ nó mò về?”  Ông Tướng trả lời: “Không nên, Thiếu úy. Tôi coi chừng địch ít. Đợi một chút”. Tôi dằn mạnh: “Mình đi đi. Các tổ bắt đầu đi đi. Ông Tướng à, ông dẫn tổ đầu vừa bắn vừa chạy cho tôi. Để tôi hối nhà cho trái sáng”. Ông Tướng tiếp tục khuyên ngăn tôi: “Không nên, Thiếu úy. Coi chừng bắn trúng các đứa con của mình”. Thằng Trí lại hối trong máy: “Anh bắn mau lên!”.

Nhưng có tiếng la và tiếng chân rộn rịp. “Tao đây, Tư đây! Đừng bắn bậy. Tư đây, Điện đây!”  Ông Tướng nói nhỏ: “Các đứa con mình về, Thiếu úy”. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Tiếng cà-nông bắt đầu nghe rõ từ xa. Cả bọn nhìn lên trời. Cả bọn chờ đợi. Bầu trời bỗng nhiên sáng rực. Trái sáng từ từ rơi trên cao. Vài thằng lính đã hiện lúp xúp trên đường đê. Lạy trời cho bọn nó bình yên. Mắt tôi cố trừng. Một…hai…ba…bốn. Tim tôi thắt lại. Thiếu một thằng. Không biết đứa nào đây. Không. Không thể được. Nhưng thằng thứ năm lại hiện lên sau đám bụi dứa. Một trái sáng lại được bắn thêm. Tôi không còn muốn để ý đến bất cứ điều gì. Dù trong máy lệnh của ông sĩ quan vồn vã. Dù bên tôi những thằng lính đang nằm chĩa súng ra đồng. Dù những giọt mồ hôi tôi đã ri rỉ trên trán hòa với nước mưa chảy xuống miệng đến mặn chát. Tôi chỉ biết một điều là con tim của mình đang rộn ràng với một niềm vui khó tả.

 

Bách Khoa số 300 ngày 1-7-1969

 

 

 

%d bloggers like this: