… Nhà văn Trần Hoài Thư là trung đội trưởng thuộc đại đội 405 Thám Kích của Sư Đoàn 22 Bộ Binh vào năm 1967-1972.
Trong thời gian phục vụ ở đơn vị này anh luôn luôn là trung đội trưởng gan dạ và liều lĩnh.
Chúng tôi sống và chiến đấu trong những năm tháng ở chiến trường vùng 2 đầy cam go và đơn vị này thường hoạt động đơn độc. Hồi tưởng lại những ngày sống bên nhau nơi đất Qui Nhơn mà đồi Tháp Bạc là căn cứ đại đội với vài dãy nhà tiền chế, xen lẫn với vài ngọn tháp đã trơ gan cùng tuế nguyệt. Có phải chăng đó là di tích lịch sử của nước Chiêm Thành xa xưa mà tiền nhân của chúng ta thời Lý Trần đi Nam chinh.
Một trong những kỷ niệm khó quên của anh với tôi là trận đánh ở núi Kỳ Sơn thuộc quận Tuy Phước ở tỉnh Bình Định. Trong trận đánh này cả hai chúng tôi đều bị thương, cố vấn Mỹ chết, nhưng binh sĩ đại đội đã chiến đấu để thoát ra khỏi ổ phục kích. Giờ đây mỗi lần gọi điện thoại cho nhau nhắc đến trận đánh này tôi nghĩ rằng chúng tôi còn sống được chắc là do Ơn Trên đã cứu mạng…
(Nguyễn Đình Trà, cựu đại đổi trưởng 405 thám kích /SĐ 22BB)
( trích từ Lời Bạt trong tác phẩm Về Hướng Mặt Trời Lặn, xuất bản tháng 5-1998)
BUỔI SÁNG NGỦ NÁN DƯỚI HIÊN CHÙA NGUYÊN THIỀU
Xin thêm một giấc ngủ bù
Thầy ơi, bể khổ, thầy cầu giùm con
Để con chân cứng đế mòn
Tiếp tục xuống hòn tìm giết quỷ ma
Thưa thầy, không giết mà tha
Ngày mai nó xách AK trở về
Thưa thầy, chỉ dạy con đi
Ngón tay con bóp lẫy cò cứ run
ĐÊM NẰM NGHĨA ĐỊA LUẬT CHÁNH – BÌNH ĐỊNH
Bây giờ bầu bạn âm dương
Kẻ sống kẻ chết chung giường với nhau
Bây giờ lựu đạn mìn râu
Chia canh nhau thức đón chàng bên kia
Bây giờ dư dật mộ bia
Khỏi cần sách vở khắc đề sử xanh
BỮA ĂN TRONG MẬT KHU
Hạt cơm, hạt ngọc của trời
Tôi nhai, mòn cả, hai hàm răng tôi
Tôi nhai, gian khổ ngọt bùi
Chia năm xẻ bảy dưới trời chiến tranh
Tôi nhai, nước mắt hòa canh
Mồ hôi hòa với ba ngày lương khô
Tôi nhai, gió tạt khó mồi
Ba thằng ba phía che nồi cơm quân
Mưa mất trí, gió nổi khùng
Củi thanh quá ướt sao làm chín cơm
Khói bay, cay mắt, xốn cườm
Phùng mang, trợn mắt, miệng làm ống tre
Phải rồi, cơm sống, cơm khê
Phải rồi, khói tạt não nề đội trung
Phải rồi, cơm nhão, sượng sùng
Tôi nhai, nghiền dập nỗi buồn lính Nam
Ba người sao đủ vách phên
Thơ tôi sao đủ làm khiên che trời
Tháng tư chiến trận tan rồi
Nồi cơm khê sống cả đời chẳng quên