Nhà văn và phóng viên

Trong L’HOMME QUI VOYAGEA SEUL của V. Georghiu, xuất bản năm 1954. có hai trang kể lại cuộc đối thoại của một trưởng ban biên tập báo Romania và một phóng viên trẻ mới vào nghề tên là Traïan Matisi về văn tài của chàng:

“Nhân tiện, xin chúc mừng bài báo của bạn sáng nay.” Bạn rất xuất sắc. Hãy nhớ những gì tôi sẽ nói với bạn: bạn  sẽ là một tiểu thuyết gia tuyệt vời. Bạn không phải nhà báo. Bạn sẽ trở thành một tiểu thuyết gia. Và kích thước. Tôi, một nhà báo lớn tuổi, đã rơi nước mắt khi đọc bài báo của bạn.

“Tôi không có công”, Traïan nói. “Thực tế tự nó đang chuyển động. Tôi chỉ phiên âm nó. Tôi không phải là tác giả. Tác giả là cuộc sống.”

Biciola nói: “Bạn không cần phải khiêm tốn như vậy. Cây bút của bạn  rất đặc biệt. Bạn viết khác với những người khác. Mọi thứ đều ở đây. ”

Traian Matisi đã đỏ mặt. Anh  đang nhìn xuống đất.

“Bạn thử đọc những tờ báo khác,” Biciola nói. Bạn đã thấy cách các đồng nghiệp của bạn mô tả sự thật tương tự. Tôi đồng ý: Câu chuyện đặc biệt. Một đứa trẻ mười ba tuổi trở thành trẻ mồ côi. Cậu bé chỉ có một em gái. Em gái nó chết vì bệnh lao. Đứa trẻ đột nhiên phát hiện ra rằng mình chỉ có một mình trên thế giới. Nó sống với sự tuyệt vọng. Và, vì tuyệt vọng, nó đã lao mình vào dưới bánh xe điện. Những vụ tự tử ở trẻ em rất hiếm. Nên tất cả các tờ báo đều nói về chuyện này trên trang nhất. Mọi người đều nói về nó dài dòng, nhưng bạn nói về nó theo một cách hoàn toàn khác. Bạn liên hệ thực tế trong một vài dòng, khá đơn giản. Sau đó, bạn phân tích hai khía cạnh của thực tế,- khía cạnh tiêu biểucho cái vĩnh hằng và cho con người. Bạn đã viết ba cột trên đó. Bạn là người duy nhất đã viết rằng, vào buổi sáng ngày tự tử, đứa trẻ này đã đi hoa mộ cha mẹ và chị gái của mình. Những người khác không đề cập đến thực tế này. Đối với bạn, sự kiên này  là một phần chính của cuốn phim. Một đứa trẻ, bị bỏ lại một mình, nó đi đến nghĩa trang để tìm kiếm những người nó đã mất … Sau đó, bạn nói một cách dài dòng về một sự thật khác mà những người khác đã không đề cập đến, ngay cả khi đi qua: bạn chỉ rõ, rằng trước khi ném mình dưới đầu máy, đứa trẻ đã bịt mắt bằng khăn tay, để không nhìn thấy đầu máy này. Đứa trẻ, ngay cả khi sắp tự sát, vẫn là một đứa trẻ như tất cả trẻ em trên thế giới, và nó sợ hãi như tất cả những đứa trẻ khác, ngay cả khi nó sẵn sàng tự tử. Chính đôi mắt bị bịt mắt đó đã tạo nên ấn tượng lớn nhất đối với bạn. Và cho tất cả các độc giả. Những người khác đã không đề cập đến nó. Đây là lý do tại sao bài báo của bạn rất thành công. Đây là lý do tại sao bạn sẽ tiến xa. Trong mục tin tức, bạn phân biệt khía cạnh con người, khía cạnh bất diệt của con người. Tôi chúc mừng bạn về điều đó, Matisi. Tiếp tục con đường này … ” (trang 23, 24)

Dó là nhận định của trưởng ban biên tập báo Romania vói văn tài cùa người phong viên trẻ. Dù bài báo mang tinh cách thời sự nhưng thời sự ở đây có tinh cách vượt thời gian, không gian vì cái khía cạnh vĩnh hằng và nhân bản của nó.

oOo

Năm 1974, trường tiểu học Cai Lậy bị pháo kích và tôi cùng một chuyên viên quay phim và một nhiép ảnh gia đên thực hiện phóng sự.  Sau đó tôi có viết bút ký Cánh Diều Trên Đồng Cỏ, Bài đặng trên Bách Khoa vớ nhận dịnh tương tự của ông chủ bút Lê Ngộ Châu bởi khía cạnh vượt thời gian và nhân bản của bài bút ký. Nó  là một phong sự  nhưng khác với những phóng sự thường tinh. Nó là một bài văn dựa vào sự thật. Nó mang tính vượt thòi gian và nhân bản. Đó là lý do tại sao tôi chọn nó vào cuốn Những Truyện Từ Bách Khoa:

CÁNH DIỀU TRÊN ĐÔNG CỎ

bút ký Trân Hoài Thư

Vào một buổi sáng, khi ngồi trên trực thăng bay trên vùng trời Tiền Giang, tôi bỗng tình cờ nhận ra những cánh diều đang lượn vờn dưới thấp. Hốt nhiên lòng tôi cảm thấy rung động lạ lùng. Dưới cánh con tàu, đồng lúa đã sau mùa gặt, trơ vơ những gốc rạ, trông từ cao, chẳng khác một phi đạo khổng lồ vàng sậm dưới ánh nắng mặt trời. Và những cánh diều nhỏ bé đã giúp tôi biết rằng, trời đang bắt đầu gió nam, và cũng bắt đầu mùa thả diều. Hình ảnh ấy đẩy đưa tôi về những mùa kỷ niệm. Thì ra tôi đã đánh mất tuổi thơ lúc nào không hay. Tôi si đắm nhìn em bé thả diều dưới đất. Tuy ở cách em gần 100 bộ, nhưng tôi có thể biết chắc rằng, đôi tay nhỏ bé của em đang vất vả điều khiển cánh diều trước những cơn gió nổi. Tôi cũng có thể hình dung ra một đôi mắt trong sáng no nê. Trong đôi mắt là choán ngợp cả cánh diều. Nó đang phất phới hai chiếc đuôi dài, hết vút lên cao, rồi sà xuống thấp. Tôi cũng có thể tưởng tượng xa hơn nữa. Tâm hồn bé nhỏ của em đang nẩy nở một mùa vui bất tận. Của tiếng kêu tu hú, của tiếng gáy dế mèn, của tiếng gió xôn xao. Và hai chân nhỏ nhắn của em đang xào xạc cùng những cọng rơm cọng rạ. Hai má em chắc phải ửng hồng dưới nắng. Tóc em dường như xanh hơn. Em đang ngửa mặt nhìn lên. Em quên em đang đứng tại một điểm của khu mà người ta gọi là Khu Tam Giác Sắt đầy hung bạo.

Con tàu đã bỏ xa em bé thả diều. Tuy nhiên, hình ảnh của em vẫn còn hớp hồn tôi thật sự. Phải, mùa thả diều. Cái mùa đến giữa lúc trời bắt đầu chớm hè và một thinh không đầy trong sáng. Cái mùa khi tiếng chim cúc cù, tiếng tu hú nỉ non, tiếng khóm tre cựa mình kẽo kẹt và tiếng gió lướt thướt trên các tàu lá chuối sau hè. Cái mùa mây như xanh lơ, nắng như vàng thắm, gió như làm tóc đứa bé bay xõa, cũng như làm con tim của đứa bé cứ phải hồi hộp theo đường bay của cánh chim tinh nghịch trên không. Cái mùa mà lũ bé đã đợi sẵn tự lúc nào với những cánh diều xanh đỏ, những cuộn chỉ gai. Những bước chân tiếp tục giẫm lại trên đồng cỏ, cho những ngày vui êm đềm bất tận của tuổi thơ mà trong đời người bất cứ ai cũng từng nâng niu gìn giữ. Cánh diều đã làm thằng bé quên cả giờ cơm trưa, cơm chiều, để đôi mắt tuổi thơ no nê mây xanh, mây trắng, mây hồng, để tâm hồn thằng bé như tràn ngập một thiên đường. Cánh diều có thể quá tội, chỉ là những mảnh giấy vá víu vì thằng bé quá nghèo không đủ tiền mua những tờ giấy màu sặc sỡ. Cánh diều có thể quá đơn sơ, được đứa bé dán chắp vào nhau bằng những hạt cơm nguội. Nhưng nó vẫn được gió nâng lên, đẩy đưa niềm vui của tuổi thơ vào nơi vô tận…

“Sắp đến nơi rồi!”, người đồng hành đã bảo với tôi như thế. Bây giờ, tôi mới trở lại với vị trí thật sự của mình. Lát nữa đây, tôi sẽ đến một quận lỵ, sẽ gặp ông đơn vị trưởng, sẽ xuất trình giấy sự vụ lệnh để theo đoàn quân giải tỏa. Nghề nghiệp phóng viên chiến trường chỉ bao gồm chừng nấy. Phải chạy đầu, đi đầu, để săn những hình ảnh sống động nhất, thay vì những khẩu súng tịch thu vô tri vô giác, hay những buổi thuyết trình buồn nản.

Con tàu hạ xuống, tìm bãi đáp. Chúng tôi mang dụng cụ nhảy ra khỏi tàu. Cánh quạt vẫn còn quay. Tôi cố gắng đứng vững để đưa tay chào anh phi công. Anh ta cũng chào lại. Trong cử chỉ của anh, dường như có ngụ ý lời cầu chúc may mắn.

 

oOo

 

Vào khoảng gần ba giờ trưa, trong lúc tôi chờ đợi ông đơn vị trưởng trong phòng Hành quân, thì một tiếng nổ long trời lở đất bừng dậy. Sau đó, tiếp tục những tiếng nổ lớn khác kèm theo những tiếng la thét dữ dội ở bên ngoài: “Pháo kích vào trường Tiểu học. Học trò chết. Cứu giùm chúng tôi đồng bào ơi!” Tôi ào chạy ra ngoài. Trường ở bên kia đường quận. Tôi đã thấy rõ. Một em đang bò. Hai em đang bò. Ba em, cả bầy vịt đang bò. Không, các em đã không bò mà duỗi hai tay, mà đưa hai tay, chỉ hai tay hai chân là động đậy.

Còn ngoài ra chỉ có máu và máu. Tôi đã thấy rõ một bầy thiên thần đang nằm sấp, ngửa, nghiêng, và máu, máu nhiều quá. Một em, không, một cây máu đang đứng sừng sững như cây chuối. Sau đó, cây chuối ngã xuống, hai tay trải ra trên sân. Một em đang cố gắng bò vào phòng. Em chui xuống gầm bàn. Đầu em chúc xuống, mông em chĩa lên trời. Em chết. Một em đang mở đôi mắt. Tôi thấy màu nắng giữa một gương mặt bê bết máu. Tôi mừng quá. Tôi biết em còn sống. Em mếu máo: “Thầy ơi, cứu con!”. Tôi bồng em chạy ra sân. Tôi la. Nhưng tôi không biết làm gì để giúp em. Tôi đã mất hết bình tĩnh. Và em bé đã chết trên tay tôi.

Quang cảnh sân trường bây giờ hỗn loạn kinh hoàng. Những phụ huynh học sinh nhào vào mỗi lúc mỗi đông. Họ vồ chụp lấy xác, ôm chầm lấy các em bị thương. Có một em bị ba bốn người đàn ông đàn bà ôm chùm khóc ngất. Một người đàn bà vừa gào vừa mở nút áo một em để tìm dấu vết con bà, bởi mặt em bây giờ không thể nhận ra nổi. Tuy nhiên, trong cảnh tượng bi thương đó, chẳng có ai để ý đến những cuốn vở, lọ mực, những chiếc dép đang nằm tung tóe trên sân, trên lớp. Có một chiếc cặp bị sức nổ làm bay cả nắp, để lộ trái xoài non, một cuốn truyện trẻ thơ vẽ bằng tranh. Thần kinh tôi rối loạn. Tôi đang đứng trên sân trường mà ngỡ đang đứng trong cõi âm ty địa ngục. Tôi đã bị bao nhiêu người xô ngã khi tìm cách bồng các em ra xe hồng thập tự.

Cuối cùng các em cũng được mang đi. Chỉ còn tôi ngồi bệt trên nền xi măng, nhìn sân trường. Mắt tôi mờ lệ. Tôi không thể hiểu khi người ta bỏ quả đạn vào nòng và giựt cò để đạn bay đi, họ có nghĩ gì về những nạn nhân như các em trên sân trường trong giờ chơi hay không? Tôi không thể hiểu khi những quả đạn này rơi trúng vào ngôi trường mà con của kẻ sát nhân đang tung tăng chơi đùa thì sao? Rốt cùng, tội ác lại được nhân danh bằng những mỹ từ. Mỗi ngày tôi cứ thấy cứ nghe bao nhiêu thảm kịch mà người ta đã nhân danh giải phóng, độc lập, tự do, hạnh phúc để đổ xuống đồng bào miền Nam. Liệu chưa đủ máu và nước mắt hay sao? Hay đến bao giờ cả miền Nam này trở thành lụt ngập?

Trong đôi mắt mờ lệ của tôi, tôi lại bắt gặp ở cuối hành lang một chiếc cặp cũ nữa. Bên cạnh là con diều và cuộn chỉ.

oOo

Ngày hôm nay, tôi lại bay qua cánh đồng cỏ cũ. Trời vào hè, nắng rực rỡ, chói lòa cả những áng mây xa. Con tàu như quen thuộc hạ xuống 100 bộ. Tôi không còn thấy em bé thả diều nữa. Chỉ còn cánh đồng cỏ màu vàng sậm mênh mông bát ngát. Tôi nghe một nỗi buồn đến đắng cay đầu lưỡi. Một nỗi buồn tê tái như khi nhớ lại chiếc cặp với trái xoài non, những chiếc nắp ken, và con diều, cuộn chỉ vấy máu trên sân trường.

Cần Thơ 11-3-74

 

( Bách Khoa  số 407 )

 

– Bút ký chiến trường. Được viết trong thời gian làm phóng viên chiến trường vùng Bốn.

 

 

%d bloggers like this: