TQBT số 79 chủ đề Trần Hoài Thư: Vẫn còn mãi đam mê…

TQBT số 79 chủ đề Trần Hoài Thư: Vẫn còn mãi đam mê, tháng tư 2018  được thực hiện xong. Số báo kỳ này do Phạm văn Nhàn và bạn bè thực hiện.
Hiện tại, vì hoàn cảnh nên tôi chỉ in một số giới hạn và sẽ phổ biến từ từ.
Kỳ này ưu tiên cho Houston.
Để tạ tình.

Dưới đây là hình bìa  79 có vân nổi – do sáng kiến của Kim Mao Sư Vương :

IMG_20180321_0001

 

Trong thư Tòa soạn, nhà văn PVN giải thích:

….

79 số. Nhìn lại chặng đường 17 năm. Tạp chí TQBT cũng đã làm nên nhiều việc cho nền văn học miền Nam trước 1975 ở hải ngoại này. 79 số, chúng tôi đã làm nên nhiều số chủ đề cho nhiều nhà văn, nhà thơ, cho nhiều tạp chí văn học phát hành một thời của miền Nam. Bên cạnh tạp chí Thư Quán Bản Thảo còn có nhà in và xuất bản Thư Ấn Quán đã phát hành nhiều tạp chí văn học của những tác giả miền Nam mà sau 1975 đã bị thất lạc. Cũng như in những tuyển tập văn, thơ thời chiến.

Việc làm ấy đã ít nhiều bạn đọc động viên, cổ vũ. Tuy nhiên, qua 78 số, chúng tôi chưa làm được một số chủ đề cho người cùng sáng lập nên một tạp chí hoàn toàn văn học đã hiện diện trong suốt 17 năm qua. Mỗi lần tôi và bạn bè muốn làm, anh lại bảo thôi. Để dành những số báo làm cho những nhà văn, nhà thơ của một thời miền Nam cũ. Nhưng không, hôm nay, số TQBT 79, tôi và bạn bè cầm bút trong và ngoài nước quyết định làm một số chủ đề về anh. Đó là nhà văn TRẦN HOÀI THƯ

Với 15 người viết, không phải về nhận định thơ văn THT, mà chỉ về tình bạn với THT. Một chủ đề lạ, khó thực hiện, mà từ trước đến nay, chưa có tạp chí nào thực hiện nổi.
Bởi bốc thơm thì quá dễ, nhưng bốc tình bạn thì khó. Nhà văn nhà thơ thường ít bạn nhưng nhiều độc giả. Họ muốn đứng trên, ngồi chiếu hoa. Và họ tự hào như vậy.

Làm sao mà tìm trên đời này ngày cảnh một tên lính đi đáo nhậm đơn vị mới , không người yêu đưa tiễn, mà là những bạn bè khốn khó với nhau. Kẻ cởi jacket, người cời áo ấm  làm quà đưa tiễn trao cho bạn:

“…Tôi đưa Thư ra Nha Trang trình diện nơi Quân vụ thị Trấn ( đồn Quân Cảnh). Ra tòa án binh. Giáng cấp. Rồi đến Đơn Vị 2 Quản Trị, đóng ở Diên Khánh, Nha Trang. Và từ đây, Trần Hoài Thư nhận sự vụ lệnh lên Sư Đoàn 23 BB trên Ban Mê Thuột. Tôi nói với Thư: tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa. Ngày tiễn Thư lên Ban Mê Thuột tại bến xe Nguyễn Hoàng, Nha Trang, tôi cởi chiếc jacket cho Thư mặc. Và có thêm hai người bạn tiễn Thư lên đường là nhà văn Nguyễn Âu Hồng ( ở Mỹ) và nhà thơ Nguyễn Sa Mạc ( còn ở VN ). Và cũng từ ngày hôm đó, tôi xa Trần Hoài Thư .”
(PVN – Tình bạn)

Hay ở trong trại binh Chi Lăng, trong thời gian đầu cũa bản án dành cho “sĩ quan ngụy” mà bạn văn Lê Hoàng Viện nhắc lại:

“Còn nhớ, khoảng cuối tháng 12-1975, buổi trưa, bạn Nguyễn Văn Lập lấy võ trái đạn 105 ly đục để lấy cái ly nhôm làm quà cho con, ngoài hiên chỗ đầu nằm của tôi, trái đạn phát nổ, bạn bị hất tung ra sân và chết tại chỗ, còn tôi bị văng hàng chục thước trong phòng, trên đầu bê bết trắng đỏ mà các bạn đỡ tôi đứng lên la lớn “anh Viện bị bể đầu lòi óc ra rồi”. Thật ra, cái keo đựng cơm mẻ và chai thuốc đỏ để trên đẩu nằm, bể văng tung toé lên đầu chớ tôi không có bị thương. Ở phòng kế bên, anh Trần Hoài Thư chạy xông vào, đã ôm chầm tôi, giống như một đồng đội ngoài mặt trận. Một cử chỉ vừa hốt hoảng vừa vui mừng khi thấy tôi “còn sống”. Ánh mắt và cử chỉ đó, khiến tôi cảm động và nhớ mãi tới bây giờ. Ở trại Chi Lăng sau khi làm xong bài tổng kiểm thảo, tôi và anh Đạm Thạch được cho đi lao động trong số 81 người đầu tiên của trại, xuống trại Mê Linh ở Long Xuyên. Còn anh Trần Hoài Thư và những người khác nghe nói đưa đi Vàm Rầy – Kiên Lương – Hà Tiên (?) rồi mất liên lạc nhau.”

hay một bạn văn từ Phú Quốc bay về Cần Thơ, để thăm một người nữ yêu mến văn chương:

.…     “Đầu tiên, xin gửi lời thăm bà Trần Hoài Thư. Vợ của Thư, cũng như vợ của những nghệ sĩ thời chúng ta, đều mang chung một số phận, mà trong đó, nước mắt nhiều hơn nụ cười. Chị Yến có còn nhớ một buổi trưa tháng 7 năm 1970, có chàng trung úy Thân Trọng Minh ghé lại thư viện của viện đại học Cần Thơ, coi mắt chị, người phụ nữ nào đủ dũng cảm để yêu và cọng nghiệp với bạn mình là anh chàng lang bạt kỳ hồ Trần Quý Sách. Hình như lúc đó hai người chưa cưới nhau. Tôi đóng ở Phú Quốc, bay về phi trường Bình Thủy, ăn thịt chuột ở Cái Răng (Trung tâm 4 nhập ngũ) và thăm người vợ chưa cưới của bạn – Ôi, một thời hào sảng, một thời lãng mạn, của những tình văn quá đổi nồng nàn, khốc liệt và tinh khiết. Bây giờ, hơn 46 năm sau, không thể nhớ ngày ấy chị Yến như thế nào, tôi như thế nào”(Lữ Kiều – Chàng thi sĩ viết văn)

Và  hàng hàng lớp lớp kỷ niệm qua 15 bài viết của bạn bè, trong và ngoài nước…

Số báo này, PVN đã “cướp chánh quyền THT”, không cho lão gia này viết một chữ, một giòng. PVN đảm trách ngay cả phần layout. Để tôi chỉ mất một ngày làm mục lục, làm bìa, và cho lên “giàn phóng” nhanh như “tên lửa”…

Đó là lý do tại sao tôi lại chọn Houston là nơi nhận những số báo 79 đầu tiên. Tôi phải tạ cái tình mà bạn PVN và bạn bè ở đấy dành cho tôi.

 

 

Discover more from BLOG THT & THƯ QUÁN BẢN THẢO

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading