Vài bài thơ viết về Huế của tui…

 

 

 

Huế gọi ta về

Có một dòng sông mềm như dải lụa
Có hai ngôi trường như đôi tình nhân
Có một con đường mỗi ngày hai bận
Anh theo em về, qua bến qua sông

Có một chiếc cầu bắt qua thành phố
Thành phố mù sương, phố cổ mù sương
Có anh tội tình như loài cổ thụ
Em đậu trên cành, làm anh bâng khuâng

Có buổi trời mưa, trời mưa không ngớt
Có em xăn quần, bên đập chờ ghe
Không biết nhìn lên hay là nhìn xuống
Thôi thì quay về, để khỏi u mê

Có một ngôi nhà, muốn vào không dám
Có một nỗi buồn cứ bám chung thân
Con sóc dại khờ gặm hoài trái đắng
Và anh dại khờ nên mới yêu em

 

Kinh thành sương

Qua cửa đông mà nhớ cửa tây
Hồn ta sương cũng ngập giăng đầy
Hỡi cô tóc xõa trong thành nội
Cô bỏ đi rồi, tôi không hay

Như vậy tôi về, đường không thuộc
Nhà nhà đã đóng cửa cài then
Những con dế ngủ quên mùa lạnh
Đêm kêu ran khóc với miếu đền

Trong tôi, trời hỡi, sương đầy ngập
Huế của tôi, là kinh thành sương
Cho dù lịch sử đau bầm dập
Và thành quách kia, rêu phủ đoạn trường.

 

Giữ Chút Mong Manh

 

Tôi gặp lại cha  tôi vào năm mười một tuổi
Hôm nào đây, sao cứ  ngỡ hôm qua
Trời cũng mù sương, phi đạo bơ vơ
Trưa chẳng nắng để mây buồn trong khói
Ba tôi đến,
“con là Ty? “, người hỏi
Chiếc áo lương đen, côi cút giữa trời
Tôi nghẹn ngào, rưng rức một tiếng ba
Rưng rức mãi, cho mỗi ngày mỗi lớn
Rưng rức mãi, bên lòng cha vạn đại
Bên dòng sông sương khói mịt mùng
Bên những cột đèn ủ rũ mùa đông
Trong tiếng rao hàng đêm đêm Hàng Đoát
Trong những xóm, người di cư cắm đất
Cắm thêm từng nỗi nhớ quê hương
Vâng thì tôi cũng có yêu thương
Theo tiếng tục con gà trống ốm

Bao năm sau, tôi cũng đành bỏ Huế
Con gà kia, già quá, sao cam
Chiếc áo lương đen, chiếc áo thọ đường
Chiếc mũ xám, chiếc dù đen, đã mất
Tháng ba, ba xa, nằm trong lòng đất
Tháng tư tôi lên đồi núi gào kêu
Quê người đây, mây lũng nặng ban chiều
Tôi ôm mặt biết thêm đời mất mát…

 

(trong Ô cửa, thơ tuyển toàn tập)

 

 

 

 

 

Discover more from BLOG THT & THƯ QUÁN BẢN THẢO

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading