Đừng khinh thường nhà văn trói gà không chặt đâu nhé !

Nhiều bạn hỏi tôi về binh chủng thám kích, hoặc cũng có bạn tỏ ý nghi ngờ về sự phóng đại của tôi. Nhà văn, nhất là nhà văn có tác phẩm, thường thường phục vụ ở đơn vị không tác chiến tại sao tôi lại đi đánh giặc đêm ngày lại có mặt trong một đơn vị dữ dằn, tôi xin trích một đoạn trong bài phỏng vấn của nhà văn Nguyễn thị Hải Hà, đăng trên Gio_O website, để giải thích:

Nguyễn Thị Hải Hà: Đi thám kích có nguy hiểm hơn đi đánh trận không? Khi anh đi đánh trận lúc mới đi lính thì bị bắn suýt chết, còn đi thám kích nhiều năm thì không bị nguy hiểm gì cả, như thế thì đi thám kích ít nguy hiểm hơn chăng?

Trần Hoài Thư: Từ khi rời Thủ Đức tháng 8-1967 cho đến tháng 5-1970 gần 4 năm tôi chỉ phục vụ tại một đơn vị duy nhất là đại đội 405 thám kích/SĐ 22 BB.

Tưởng cần nói rõ về binh chủng thám kích.

Thoạt tiên, nó được thành lập bởi CIA từ năm 1962 với nhiệm vụ là truy tìm và phát hiện sự xâm nhập của quân Bắc Việt vào cao nguyên. Người lính phần lớn là thiểu số hoặc Thượng hoặc Nùng. Và cấp chỉ huy là sĩ quan Việt Nam, cố vấn là sĩ quan thuộc lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ. Có tất cả 13 đại đội thám kích, đánh số từ 401 đến 413…

Sau này các đơn vị thám kích được chuyển giao đến 2 sư đoàn Bộ Binh là sư đoàn 22 BB và 23 BB. Đơn vị tôi – đại đội 405 thám kích thì trực thuộc Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 22 BB.

Trung tá Nguyễn văn Dưỡng (tức nhà thơ Văn Nguyên Dưỡng), trong thời gian năm 1967, 1968 nguyên là thiếu tá Trưởng Phòng Nhì /SĐ 22 BB – phòng điều động đơn vị thám kích để thực hiện những tin tức tình báo, đã viết rõ về vai trò và nhiệm vụ của đại đội 405 thám kich như sau:

“… bao nhiêu trách nhiệm nguy hiểm trong vùng địch kiểm soát, đột kích, thám kích, tiền thám hay viễn thám kể cả tăng viện và là mũi tấn công chính trong một trận đánh dữ dội, đều giao cho Đại đội Thám Kích 405. Vì vậy sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ của đơn vị nầy phải là quân nhân tình nguyện hoặc được chọn lựa trong thành phần có kinh nghiệm trận mạc, gan lì và nhất là sự bền bĩ chịu đưng gian khổ ở các đơn vị tác chiến khác của Sư Đoàn. Mặc dù Đại Đội Thám Kích không có trong Bảng Cấp Số của Sư Đoàn, nhưng do tính chất cuả nhiệm vụ khi thành lập -vì nhu cầu chiến trường-nên tính mệnh của mọi cấp trong ĐĐ/TK như “chỉ mành treo chuông” mỗi một khi được sử dụng. Ai vào thám kích mà ra khỏi được, không chết, ít nhất cũng mang theo vài chiếc thẹo trên mình. Trần Hoài Thư rời miền Trung vào miền Nam không biết được mấy Chiến thương Bội tinh…” (Nguyễn văn Dưỡng: Định Mệnh, nguồn Internet)

Tôi xin trả lời là có hai chiến thương bội tinh dù bị thương ba lần. Có cả huy chương bạc của quân đội Hoa Kỳ (sau này tôi mới biết). Thêm hai cái bạc, một cái đồng. Đấy, một Trần Hoài Thư với đôi kính cận nặng và thân hình ốm tong teo, mà:

Khi ra trận ta là thằng chết trước
Tổ quốc ghi ơn lãnh tụ đẹp lòng
Khi tìm vợ ta là thằng chạy chót
Nên khó lòng ấp vợ đẹp trong chăn…

Vậy cũng được 5 cái huy chương như ai. Đừng khinh thường nhà văn trói gà không chặt nhé !

 

Discover more from BLOG THT & THƯ QUÁN BẢN THẢO

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading