Văn Nghệ và DNM (2):Một bài văn ký tên Nghiễm

THƯ MÙA HÈ

NGHIỄM

Mùa mưa đã bắt đầu vào thành phố, chiếc khăn tay của em đã vàng cũ, anh đã rời xa thêm tuổi học trò. Và bây giờ anh thấy anh yêu em hơn là anh tưởng, anh yêu em như anh yêu tổ quốc khốn khổ của chúng ta, một tình yêu đầy nước mắt và chia xé vì những bất lực của bản thân anh. Và anh nghĩ : anh sẽ ân hận suốt đời khi anh chẳng mang lại được hạnh phúc cho em như anh khát vọng (VN số 24 tháng 6&7-1963)

 

LTS: Có lẽ  đây là một bài văn độc nhất mà nhà văn Dương Nghiễm Mậu  dùng bút hiệu “NGHIỄM” cho bài viết. Truyện này đăng trên tạp chí VĂN NGHỆ số 24 tháng 6&7-1963 do Lý Hoàng Phong làm chủ nhiệm và Dương Nghiễm Mậu  coi phần hành trị sự.

Thật sự nói là truyện cũng không được chính xác lắm. Đây là một hình thức “sống và viết” – sở trường của DNM.
(THT sưu tập và đánh máy)

 

Thật khó khăn để có thể viết cho em cảm thấy được cái nóng mà anh đang chịu đựng đây, một thứ không khí gần như đã được lung lửa, toàn thể, ở trong một chiếc hộp sắt gắn kín bốn bề. Căn gác hẹp đứng chạm đầu vào mái ngói ba chiều tường phẳng tối, dưới sức nóng của một ngày, mái ngói vẫn còn âm ỉ ngột ngạt như một thanh sắt đỏ nhúng vào chậu nước rồi bỏ ra, mặt bàn gỗ cong lên, và mấy cuốn sách như oằn thân lên vì quá chịu đựng, cả bình mực trên bàn chừng như cũng cạn đi nhiều lắm, mồ hôi đang chảy dòng trên hai bắp chân… Nhà cửa chừng như đã không còn một chút hơi nước, Và nếu một đốm lửa vứt nào đó… em hãy tưởng tượng xem…

Lửa đã cháy lên vào buổi chiều hôm đó khi anh đang ngồi làm việc ở nhà in, mấy anh em nhà chữ, nhà máy và mọi người từ trong nhà đều chạy ra đầu đường. “Cháy ở Khánh Hội rồi ” – “Không, đây là ở Vĩnh Hội” – “Tôi phải về, vợ tôi với mấy đứa nhỏ thì nguy lắm.” – “Bà bác tôi cũng ở bên đó, nhà lá, ngõ hẹp cháy thì chạy không được” – “Trời nắng thế này…” người ta nháo nhác, vội vã quàng lên vai chiếc áo cánh , chân tay dầu mực còn nhớp nhúa rồi vớ lấy xe mà nhảy vội lên.. người còn lại nói đến người quen này người quen khác, nào họ hàng xa, bạn bè… những người có khi hàng năm không gặp nhau, nhưng trông thấy tai nạn người ta nghĩ đến với mối lo âu và chia sẻ. Ngọn khói đen vượt cao khỏi dãy nhà trước mặt mỗi lúc một lan rộng làm bầu trời tối hẳn đi… Trong không khí chừng như có cả hơi khói nồng nặc. Anh – không có ai quen để nhớ, nhưng sao anh thấy lo toan quá độ. Anh cũng đã từng bị cháy nhà. Bây giờ ngọn lửa kia sẽ làm cháy bao nhiêu căn nhà, làm bao nhiêu người sẽ không có nơi nương tựa. Lửa vẫn bốc cao, người ta kéo ra bờ sông ngó qua bên kia, ngọn lửa cơn gió đang thổi thốc lên la liếm ra chung quanh, tiếng xe cứu hoả, hồng thập tự rồn rập chạy và thét còi choáng váng một không khí báo động của tai họa… anh không làm gì được trước tai họa, anh không còn bụng dạ để bình tĩnh ngó nhìn, anh leo xe đi Đa Kao. Ngọn lửa vẫn bốc lớn với một góc trời ngút khói. Anh leo xe qua Cây Quéo. Ngọn lửa vẫn oằn như một con thú điên cuồng. Trời đã tối, đứng ở trong một sân đất anh nhìn thấy tia lửa sáng loé lên và một vòm trời rực sáng… Đêm trở về cạy mấy viên ngói ngó đầu ra anh vẫn nhìn thấy lửa đỏ…

Trên đống tro tàn của một cơn tai họa anh đã nhìn thấy một cả vùng rộng ngoài sức anh nghĩ : chỉ còn lại tro than, những chiếc cột ngắm trên sình lầy, những đống gạch, những tấm tôn đen cháy… và những gia đình nghèo nàn trên những manh giấy bao bố cố chụm vào một góc. Họ đã không còn nước mắt để khóc nữa, bởi họ đa số là những gia đình lao động mà cuộc sống nheo nhóc hàng ngày họ đã trải qua. bởi họ là những người dưới các miền quê mà giặc giã đã làm cho không thể sống yên bỏ ruộng vườn lên thành phố, bởi họ là những người di cư đã mất quê hương mình . Và tất cả họ đã cháy nhà đây không phải lần thứ nhất : nào cháy vì tiêu thổ kháng chiến, nào cháy vì Tây đốt, nào cháy vì Bình Xuyên… cũng như anh, như em, như mọi người trong hai mươi năm trở lại đây đã mất bao nhiêu người thân yêu ở trong nhà lao, vì súng, đạn, bom… và lửa… Họ không còn nước mắt để khóc nữa sau bao nhiên tai nạn. Có một ông già qua hơi men chếnh choáng đã nói mếu máo: “Tôi cháy nhà lần này là mười lần nên chỉ còn lại một thân…”

 

 

Tôi xuống gác lấy nước uống, người chị nằm trong màn hỏi :
– Hôm nay có đám cháy nào nữa không ?
– Có ba đám, nhưng dập tắt kịp.
– Chị lo lắm, em xem sách vở thế nào gọi lại mà mang gửi đi, chị gói quần áo lại cả rồi có gì thì chạy, ở đây cũng chẳng chắc gì, chung quanh cũng nhiều nhà lá, nhất là có kẻ nó đốt thì không có thể phòng được. Làm sao mà chỗ nào cũng nói cháy. Chẳng ai muốn làm ăn gì. Tối nay anh đi gác, mai đến phiên em đó. Phòng được chừng nào hay chừng ấy. Hôm nay bên bà Tư và bà Giáo nấu chè…
Tôi bỗng nghĩ đến không khí hồi kháng chiến, những đêm bộ đội đi đánh đồn… bây giờ thì thanh niên chống lại giặc lửa. Trong nhiều khu xóm những tấm biển “Cấm người lạ mặt”» đã dựng lên. Tôi nói :
– Em mong cho chóng mưa, nắng thế này lo là phải…
– Bà bên cạnh có bà con bị cháy sang ở nhờ, chẳng còn gì cả, may là chạy được người, bà ấy khóc quá, thở vắn than dài, ba đứa con thơ rồi làm sao đây…

Đám cháy lớn vừa hết mọi người đang cứu trợ, đang lo đề phòng thì tin dịch hạch loan bào ra : chuột chạy ra đường rồi lăn chết, tin trích ngừa làm rối trí mọi người. Ở chính khu nhà in anh làm việc lại là khu có bệnh dịch đầu tiên, người ta bẫy chuột để thí nghiệm, rồi phun thuốc. Ngay cửa nhà in là một đống rác, phải gọi đó là kho chứa rác thì đúng hơn, vì ở đó tập trung tất cả rác của khu chợ Cầu Muối trước khi được cam nhông mang ra ngoại ô, đống rác hôi thối cùng với chiếc cầu tiêu công cộng án ngữ ở ngay phía bên kia đường,  và chung quanh đó khu nhà hẹp lụp sụp tồi tàn của những người buôn thúng bán mẹt, chắc chắn ở đó số chuột sinh sống đông đảo không thua gì dân số  vì ngày nào đi qua anh cũng thường nhìn thấy xác chuột, hoặc chết  hoặc bị thương, có nhiều con bị xe cán lòi ruột gan bê bết máu, và mùa nắng có những xác chuột chết khô dát mỏng dưới mặt đường như chiếc bánh tráng.

Buổi sẫm tối ngồi uống café tại tiệm góc đường anh đã nhìn thấy từng đàn chuột chạy đi chạy lại kiếm ăn, quẫn cả vào chân, nó coi như chẳng hề có người vậy, và mọi người chừng như cũng không để ý tới chúng. Nhưng bây giờ thì khác, chuột cũng đã là một thứ tai họa đàng đe dọa sự sống.
Gặp nhau người ta hỏi chuyện trích thuốc, Ai cũng thấy cần phải bảo vệ số phận.( bỏ một câu vì chữ quá mờ) Trong mấy ngày đầu chầu chực (thuốc trích) anh chẳng làm sao chen được tới phiên mình. Nhiều người bóp bụng tìm bác sĩ … và nhiều kẻ đã được cơ hội hốt tiền. Bỏ ra năm chục đồng để trích một mũi thuốc anh thấy sót xa quá vì anh thấy với anh năm chục bạc sao mà lớn lao. Anh lần nữa chờ đợi. Trong một lúc bông đùa khi người bạn hỏi đã trích chưa anh bảo: “Tôi chết gì được mà phải trích. Dịch hạch nó chẳng đoái đến tôi đâu. Tôi nghĩ nếu tôi là vi trùng dịch hạch khi đi kiếm ăn thì cũng tìm mồi nào béo tốt, chứ tôi thì có ngon lành gì mà ăn cho phí công”.  Anh nói thế và tự lấy làm tức cười, đau đớn cho sự ốm o gầy yếu của mình. Có lẽ trong người anh cũng còn bao nhiêu vi trùng khác… và rồi anh cũng chẳng quan tâm gì đến truyện đó nữa, bởi vì nhiều lo âu quá độ và gần khít đe dọa bên anh :Đó là tiếp theo nhiều đám cháy …

 

Ngọn lửa ở Vĩnh Hội hôm nào còn chưa hết nóng thì tiếp theo cháy ở Khánh-Hội, một bà già bị cháy ra tro, người ta nói đến những kẻ vô danh châm lửa vào bùi nhùi tẩm săng vứt vào mái nhà đồng bào, tiếp theo cháy ở Trương Minh Giảng ngay phía trước nhà một ngườì bạn anh. Rồi cháy lớn nữa ở Lò-Siêu, một người bạn đi hướng đạo có đi cứu đám cháy về nói : trước ngọn lửa sức người đã hoàn toàn bất lục, nó rực lên điên cuồng làm cho người đứng bên không thấy gì hết. Tiếp theo mỗi ngày mấy đám cháy được dập tắt. Mối lo toan chùm lấy cuộc sống. Làm sao để cho anh có đủ sức kể cho em nghe, nói cho em hiểu những lo âu trong lòng anh. Lụt ở Cà-mâu năm trước, bão tố ở miền Trung chưa phục hồi, và khủng bố, bom đạn ở các vùng quê xa đang bùng bùng cháy vì quân khủng bố và ở Sài gòn thì lửa, dịch hạch đe dọa, không lúc nào ngớt những thiên tai và anh thấy thật chưa có ở đâu khổ như đất nước mình, như dân mình, như số phận anh, em, và bà con thân yêu … Trong thực tại chúng ta đang sống, anh liên tưởng đến thực tại trong cuốn truyện La Peste của Albert Camus. Câu truyện dịch hạch của thành phố Oran mà số phận mọi người bị đe dọa, một thế giới bị bao vây trong lo âu, chết chóc và tuyệt vọng tách rời khỏi thế giới bên ngoài, trong đó con người đã cố gắng hết sức mình để chống lại với cái chết. . Những Rieux, những Tarrou, những Ramber … đã phấn đấu để tìm ra lẽ sống của đời mình. Có phải đất nước chúng ta đang ở trong bối cảnh đó, có lẽ hơn nữa : anh em chúng ta đang phấn đấu để tìm thấy cuộc sống cho đời mình … Trong không khí đó, những thúc bách vây quanh đòi hỏi anh đối diện với chính mình, anh nghĩ tới em và muốn khóc. Em có hiểu điều ấy không ?

 

Tôi bỏ bút xuống bàn và không muốn viết tiếp thư nữa, bởi tôi không biết nên viết tiếp những gì. Lâu quá tôi không muốn viết thư cho ai. Trong một số thư quá nhiều chồng chất trong ngăn kéo, có những thư đáng ra tôi phải viết. Có lẽ tôi nên viết thư cho Dũng, Dũng đang theo học lớp sỹ quan, anh nhập ngũ đã được gần nửa năm, tôi với Dũng khá thân nhưng sau khi xa nhau nhiều khi tôi không nhớ tới. Trong hai lá thư gửi cho tôi cách nhau một tháng Dũng đều hỏi : cậu làm được gì ? viết văn cho ai đọc, hãy vứt bỏ bút đi thì hơn. Một lá thư khác của Lâm, em họ tôi, nó hỏi tôi ý kiến về việc lập gia đình, nó không có ai thân thiết ở đây và muốn có gia đình để nương nhờ. Một lá thư của cô tôi gửi lời hỏi thăm và nhắn tôi về ngoài đó. Thư của Phụng báo tin đi Đà Lạt. Thư của Thành hỏi chuyện xem tôi có định về dưới Mỹ Tho dạy học trong niên khóa tới không, như tôi đã có lần hỏi … Và bốn lá thư của Thúy … Tôi ngại viết, ngại nghĩ. Trong sấp giấy tôi còn gặp mấy giòng chữ của Thạch, của Toàn khi ghé lại thăm không gặp nên viết vài chữ để lại. Tôi tìm mấy tờ báo cũ mở ra coi lơ đãng, tôi đọc tin về vụ người da đen biểu tình bất đạo đông chống kỳ thị chủng tộc, họ ngồi yên khoanh tay để vào tù như thánh Gandhi khi tranh đấu giải phóng Ấn Độ. Một số thợ thuyền Tiệp Khắc đã biểu tình ở thủ đô Prague dưới chân tượng thi sĩ Hyeh Macha, một thi sĩ mà đời sống và thi ca đã gắn liền với nhau trong cuộc tranh đấu cho dân tộc Tiệp Khắc, họ đòi tự do. Tin phi hành gia Mỹ bay quanh trái đất … Quanh đó bao nhiêu vụ bạo động, chánh biến, chiến tranh tai họa trên khắp thế giới. Tôi không thể không để tâm đến những truyện đó. Chúng ta đang sống trong thế giới bất trắc, lo âu … và chúng ta không thể tránh được …

 

Buổi sáng chưa thức dậy tôi đã nghe thấy Ngân nói ở dưới nhà, Ngân là bạn của em tôi. Sau khi rửa mặt và trở ra ngoài phòng Ngân báo tin thi rớt cho tôi biết. Nó buồn rầu hỏi tôi :

– Em phải kiếm việc làm, anh có thể giúp em được không ?

– Em định thôi học sao ?

– Em muốn đi học nhưng nhà không đủ sức nữa, má em hồi nầy

bịnh hoài, em đã lớn rồi phải lo chứ, còn các em nhỏ quá. Và thi đỗ rồi cũng chưa biết có việc làm không ?

– Em có biết nghề gì không ?

– Không. Em muốn tìm một chân thư ký hay gần như thế !

Tôi không biết trả lời sao hết. Tôi thấy thương hại Ngân vô hạn. Bây giờ làm gì khi không có nghề trong tay. Tôi muốn khuyên Ngân đi học nghề vì phải có một thời gian hy sinh để tìm thấy cuộc sống, hơn là không chịu hy sinh để chẳng bao giờ có được một tình trạng ổn định. Tôi nghĩ có khuyên Ngân cũng không theo. Tôi nói an ủi :

– Để rồi anh thử xem.

Và tôi tự biết tôi không làm được gì hết cho Ngân. Buổi chiều tôi xuống phố và ngồi ở một góc đường. Tôi nhìn thiên hạ đi phố. Họ đi để đi. Họ dẫn qua dẫn lại không mục đích. Họ nhiều hơn cột đèn, gốc cây. Họ như một thứ ma chơi dẫn xác. Trong những cái sọ dừa, kia có gì ở trong đó ? Gập một ngưới bạn cũ, lâu không gập nhau vì chuyện làm ăn. Anh ta nói với tôi về một người bạn khác sắp cưới vợ rồi hắn hỏi tôi :

– Cậu thấy thế nào, bọn mình đã nên lập gia đình chưa.

Tôi nói với tất cả sự thành thực :

– Mình thấy rất nên. Rất cần thiết. Lập gia đình là phải.

Hắn phá lên cười rất khó chịu :

– Trời ơi, sao cậu hồi này có vẽ ông lão thế , tí tuổi mà đã muốn hưởng nhàn. Thằng đó lấy vợ chẳng phải vì những gì gì tốt đẹp đâu. Mình cho là tại bây giờ bệnh hoa liễu nhiều và cơ quan an ninh bố ráp gắt quá chơi bời không yên tâm nên nó lấy vợ.

Tôi muốn văng tục và đấm cho hắn một cái. Tôi bỏ vào ngồi trong một rạp chớp bóng coi lại một phim cũ : Le Temps d’aimer et le temps de mourir. Hình ảnh cuối cùng : chàng chiến binh bị tên tù bắn ngã gục xuống ven bờ lạch hai tay chới với tìm lá thư của vợ đang trôi theo dòng nước. Tối về, tôi thấy đứa em đi ngủ sớm, tôi hỏi, nó nói : nghỉ hè rồi. Đã lại mùa hè rồi sao ? Về khuya có một cơn mưa nhỏ : mưa đầu mùa, thư của Thúy nhắc : “Cây ngâu của anh bây giờ đã cao bằng đầu anh có muốn về trông thấy nó không”. Tôi nhớ Quyên và mùa xuân đã trôi qua.

 

Bây giờ anh muốn được trở về thăm em quá, về để nhìn thấy cây ngâu xem nó bằng chừng nào, để nhìn em buồn bã và đau khổ, để ăn một bữa cơm rau của miền quê hương em, và nghe em nói… nhưng anh làm sao để về đó được đây ? Anh lo sợ di chuyển bởi vì anh linh cảm thấy bao nhiêu bất chắc ở chung quanh …

Mùa mưa đã bắt đầu vào thành phố, chiếc khăn tay của em đã vàng cũ, anh đã rời xa thêm tuổi học trò. Và bây giờ anh thấy anh yêu em hơn là anh tưởng, anh yêu em như anh yêu tổ quốc khốn khổ của chúng ta, một tình yêu đầy nước mắt và chia xé vì những bất lực của bản thân anh. Và anh nghĩ : anh sẽ ân hận suốt đời khi anh chẳng mang lại được hạnh phúc cho em như anh khát vọng …

NGHIỄM

 

Văn Nghệ số 24 tháng 6&7-1963

 

 

Discover more from BLOG THT & THƯ QUÁN BẢN THẢO

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading