Khói….

Bây giờ người ta hô hào quên quá khứ, hãy xếp lại những chương sữ ô nhục và oan khiên của dân tộc, mà cùng nhau hướng  về tương lai.

Nhưng xếp lại, bỏ ở đâu ? Nhà văn  Phùng Nguyễn đã đặt câu hỏi:

(…) Tôi đã nói về đề tài “lính ngụy ăn thịt người” một vài lần, nhưng chưa hề thấy đủ. Bởi vì chưa hề đủ! Đã có không ít người, vì những lý do mà họ nghĩ rằng cao cả, chỉ muốn quay lưng lại, tảng lờ, chối bỏ sự hiện diện của những nọc độc văn hóa đang luân lưu trong huyết quản dân tộc với luận điệu quen thuộc “Hãy chôn chặt chương sách sử xấu xa này và cùng hướng về tương lai.” Ừ thì chôn. Nhưng chôn ở đâu? Trong những cuốn sách của những cây bút thế giá đang tiếp tục bày bán đầy dẫy ở các hàng sách hoặc nằm nghiêm trang trong các thư viện trên cả nước, hoặc trong chồng sách giáo khoa được mang ra giảng dạy ở các cấp trung và tiểu học hàng ngày? Hoặc trên hệ thống Internet, nơi những nọc độc văn hóa được ngụy trang như là dữ kiện lịch sử sẽ xuất hiện trên màn hình máy vi tính của người đọc chỉ sau vài cú nhấn trên bàn phím?

(Phùng Nguyễn: Từ ‘Giấc Ngủ Mười Năm’ đến Ác mộng Trăm năm, nguồn Internet tháng 10-2015)

 

Riêng tôi, tôi nghĩ không những nhắm vào những tác giả như Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh mà nhà văn Phùng Nguyễn đề cập, chúng ta còn phải nhắm vào những người trong hàng ngũ bị xúc phạm nữa.

Bởi vì Sự Thật vẫn mãi là sự không thật, vẫn mãi chìm trong bóng tối nếu không có ai nói lên sự thật này.

Đó là lý do tôi cố tâm thực hiện Thư Quán Bản Thảo số tháng 12 này, với chủ đề “Trong Lớp Khói Màu”.
Cám ơn Phùng Nguyễn, dù ông không trưng ra những bằng chứng để hóa giải cái nọc dộc rắn rít ấy, nhưng  nhận định của ông đã tiếp trợ tinh thần và sức mạnh cho tôi rất nhiều.

Trước hết là chửi thề cái đả, cho đỡ tức, sau đó là sưu tập. Và sau đó là đánh máy. Đánh máy đêm. Đánh máy ngày. Càng đánh máy tôi càng khám phá ra đôi chữ mà có lẽ chỉ có người có kinh nghiệm mới hiểu. Nhưng nó đã chở một ngàn tấn sự thật để nói lên lòng nhân bản của người lính miền Nam:

 

Đây là một đọan tả lại cảnh một đơn vị VNCH sau khi phát hiện được một hầm bí mật của lính Bắc Việt, gồm 3 nam và 2 nữ:

Hai thiếu nữ, có thể với bản năng sinh tồn nào đó, họ đã muốn sống, đã muốn thoát lên khỏi miệng hầm theo lời dọa nạt và kêu gọi của bọn anh vẫn làm khi tìm ra một căn hầm bí mật. Nhưng ba người thanh niên chắc không muốn thế. Chắc họ muốn tụi anh lầm tưởng gian hầm đã được bỏ hoang và dưới đó chả có một chiến công nào đó với tụi anh.  Họ đã cưỡng bức hai thiếu nữ ở lại với họ để giấu kín sự bí mật. Tính e thẹn của phụ nữ đã được dùng đến, hai mảnh quần đã được lột ra bằng vũ lực để hai thiếu nữ không còn tính chuyện đến trước một đám đông bọn anh mà họ đã từng được tuyên truyền là tàn bạo và dâm ô. Họ đã ở lại với các chiến hữu của họ.

Trang Thanh yêu dấu,

Một trái khói cay được liệng xuống, rồi hai ba trái khói liên tiếp mù mịt cả miệng hầm. 

(Vương Thanh: Giờ hưu chiến, Văn Học 1967)

 

Đọc đọan trên, bạn thấy gì?.

Trước hết là  lòng nhân bản của người lính miền Nam. Họ tìm cách cứu người hơn là giết người. Họ có thể ném trái lựu đạn nổ để cả bọn dưới hầm tan xác mà không sợ bị đưa ra tòa án quân sự mặt trận. Nhưng không. họ dọa nạt, thị uy,kêu gọi thuyết phục, hay ném lựu đạn khói. Xin lưu ý là lựu đạn khói chứ không phải lựu đạn nổ. Khói chỉ làm mắt cay nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.

Thêm một ví dụ khác:

Những tổ được phân tán lục soát khắp làng như đàn chó sói. Họ được lịnh bắt giữ mọi người dân còn sót lại trong vùng binh lửa. Họ phải quăng lựu đạn khói xuống những hầm. Họ ào ào đuổi theo lũ gia súc, và không quên hái luôn cả những chùm ớt nặng trĩu, đỏ thắm. Họ la hét rầm trời, đạp tông những cánh cửa còn sót lại, và bắn bừa lên những trần vách khả nghi. Nơi đây, họ có quyền hạn như một vị chúa tể, và cũng nơi đây, bạn bè đồng đội họ đã đổ máu, ngã gục. Họ ào ào trong biển lửa, chạy băng băng trên những đống tro tàn. Thỉnh thoảng, những cột gỗ, sườn nhà đổ xuống, khi họ vụt qua tạo nên những tiếng động khô khan. Lửa đã giúp họ say máu, cuồng nhiệt.

(Trần Hoài Thư: Khung cửa nhỏ – Khởi Hành số 100)

Bạn thấy ở đọan trên, người lính gặp hầm là quăng lựu đạn khói thay vì  xài lựu đạn miểng hay lựu đạn lân tinh có sức tàn sát khủng khiếp. Họ có quyền mà ! Bởi đây là vùng địch mà !


Nhìn lại một thời đi thám kích, tôi nghĩ  tôi cứu người hơn là giết người. Bao nhiêu hầm được tôi ra lệnh ném lựu đạn khói. Và bao nhiêu người trồi lên. Có hầm vài ngườii. Có hầm hàng chục ngưiời. Có hầm người trồi lên đầu tiên là người đàn bà bông con mới còn bú sửa. Rồi sau đó bà lão ông già tóc bạc phơ.  Họ lạy lạy lạy tới tấp, lạy  tôi hơn lạy một vị vua, vì chúng tôi ở dây là chúa tể, có quyền sinh sát trong tay…

Đấy. Khói là thế. Khói chỉ làm cay mắt, chứ không làm tan xác…

Như vậy, “ngụy ăn thịt người” ở chỗ nào ?

 

 

 

Discover more from BLOG THT & THƯ QUÁN BẢN THẢO

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading