hành trình tạp chí Văn Nghệ (bài 4): thực tại đỏ cháy

bia 23

Văn Nghệ tiếp tục ra đời vào tháng 2 năm 1961 sau khi Hiện Đại bị bức tử vì lý do mất nguồn tài trợ của Phủ Đạc Ủy Trung Ương Tình Báo của bác sĩ Trần Kim Tuyến. Ra đời tại Saigon nhưng không phải Saigon của Sáng Tạo:

Sài gòn thủ đô văn hóa Việt Nam: Không phải là một danh từ, một câu nói xuông nhạt. Không phải là một ảnh hình trừu tượng. Không phải là một ảo tưởng mong manh còn nằm trong ngày tới xa thẳm. Không phải là một ý niệm khát khao đợi chờ. Đã là một thực thể. được minh định : Văn Hóa Việt Nam thực hiện hôm nay và sẽ được  kiện toàn trong ngày tới đã có được một trung tâm xuất phát và sinh thành : Thủ đô Sài Gòn.

(Mai Thảo: Sai Gon Thủ đô văn hóa VN, Sáng Tạo số 1)

Hay như Nguyên Sa trên tạp chí Hiện Đại  tập 4 phát hành vào năm 1960:

Thủ đô của một thành phố bao giờ cũng hiện ra trong tâm tưởng những con người ngang dọc trên khắp các nẻo đường đất nước với hình ảnh của một viên ngọc quí. Nó chói sáng, nó có một hào quan, một sức điện hấp dẫn ghê gớm. Người đi trong cuộc đời quay cuồng trong không gian thành phố với những con đường lớn, bé dựa vào nhau, những âm thanh, những sinh họat, đổi thay lien tục, cũng như người đứng nhìn thành phố ấy từ đồng rộng, núi cao đều dành cho thành phố  này những tình cảm thân yêu, sâu mạnh….

Với Văn Nghệ, Saigon thì khác.
Một năm qua, mỗi lần ngồi trước bàn viết, chúng ta lại gặp thấy trên mảnh giấy trắng cái thực tại đỏ cháy chúng ta đang sống, cái thực tại ám ảnh, vướng mắc tâm não chúng ta như hồn quĩ lẫn khuất, cái thực tại âm ỉ, lở lói như một vết thương không hàn gắn được…
(Lý Hoàng Phong: Đứng trước thực tại – Văn Nghệ 8&9 Mùa xuân 1962)

Năm 1961, chưa có súng nổ đạn bay, chưa có quân trường mở cửa, chưa có những cảnh tang tóc gây ra bởi chiến tranh, thì tại sao LHP lại vẽ nên một thực tại đầy đen tối như thế, đỏ cháy như thế?

Vâng, có chứ. Có cuộc chiến tranh không súng không đạn, không chiến trường, nhưng là cuộc chiến tranh từ  “cái thân thể chia cắt của dân tộc, cái thân thể bị đâm chém, đe dọa, dày vò đang vật vã tìm đường giải thoát, tồn tại. Chúng ta nhìn thấy gì ? CHúng ta nhìn thấy một ý thức phân xẻ, chia lìa, mâu thuẫn hỗn tạp…” (tạp chí đã dẫn trên )

Trong cuộc chiến tranh, dĩ nhiên có các phe tham chiến. Ở đây có ba phe. Thứ nhất là chính quyền . Thứ hai là  phe đối lập, thứ ba là phe Mặt trận Giải phóng Miền Nam.

“…Khi chính sự đã ổn định, tổng thống Diệm đã dần trở mặt với các thỏa hiệp ban đầu với những người đã ủng hộ ông và giúp ông giữ được ngôi vị tổng thống. Để đảm bảo vị thế quyền lực của mình, Diệm chủ trương kềm chế các phe phái chính trị đối lập cũng như ảnh hưởng từ phía nước ngoài như Mỹ, Pháp. Các tướng lĩnh như Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Mai Hữu Xuân…, các chính khách như Trần Văn Hương,Nguyễn Ngọc Thơ, Phan Khắc Sửu…, kể cả nhiều đảng viên cao cấp của đảng Cần Lao như Trần Chánh Thành, Võ Văn Trưng…, lần lượt đều bị xa lánh và tước bỏ ảnh hưởng. Trong nền Đệ nhất Cộng hòa, ngoài tổng thống Diệm, quyền hành bị tập trung vào trong tay một số người thân trong gia đình ông như Ngô Đình Nhu, Trần Lệ Xuân, Ngô Đình Cẩn, Ngô Đình Thục; và một số ít người thân tín như Trần Kim Tuyến, Lê Quang Tungđảng Cần lao.

Việc quyền hành nhà nước bị chi phối quá nhiều trong tay những người trong gia đình tổng thống Diệm, cộng với sự lộng quyền của một số đảng viên Cần lao và chính sách đàn áp của Chính phủ gây bất mãn trong quần chúng. Ngay chính trong những người đồng chí thuở ban đầu của Diệm cũng cảm thấy bị phản bội và chuyển dần sang thế đối lập với người mà họ đã ủng hộ. Họ liên tục công kích chính sách độc tài chính trị của tổng thống.

Mặt khác, khi những người Cộng sản miền Nam, với sự cho phép của Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, dần xây dựng cơ sở và chuyển hướng đấu tranh từ đơn thuần đấu tranh chính trị sang kết hợp với đấu tranh vũ trang từ cuối năm 1959, sự ổn định của chính phủ Diệm đã trở nên bị lung lay, nhất là khi nổ ra Phong trào Đồng khởi tại Bến Tre và Trận tập kích Tua Hai tại Tây Ninh cuối tháng 1 năm 1960. Trước hàng loạt thất bại về quân sự và chính trị của tổng thống Diệm, các nhóm đối lập ngày càng kích động quần chúng phản đối chính phủ Diệm. Họ buộc tội chính phủ Ngô Đình Diệm thực chất là một chính phủ độc tài và gia đình trị, bất lực trong việc ổn định xã hội và chống Cộng thiếu hiệu quả.

(nguồn: WIKIPEDIA.)

Rõ ràng, Văn Nghệ khác với Sáng Tạo hay Hiện Đại. Văn Nghệ đã mở cánh cửa để nhìn sự thật, sự giả, để nói về sự cần thiết của một nghệ rthuật mới.

Nghệ thuật mới ở đây lđược Lý Hoàng Phong – chủ nhiệm kiêm chủ trương – giải thích như sau trên số 8 tháng 10 năm 1961:

“cách mạng  không phải chỉ là sự thay đổi một chế đô, Cách mạng là sự đổi mới tư tưởng, đổi mới xã hội, ..
(…) Cách mạng và văn học vì thế thường đi theo nhau. Vì văn học cũng như cách mạng đều muốn đổi mới tư tưởng, đổi mới xã hội…”

“Chúng ta không đọan tuyệt với cái cũ để theo ông thầy Tây Phươbg như ngày trước. Chúng ta đòi xét lại những giá trị cũ. Chúng ta tìm lấy trong cái cũ những giá trị mới, chúng ta đổi mới cái cũ. Văn hóa cũ, đạo đức cũ, phong tục cũ có những giá trị bất biến và cần được đổi mớai để tồn tại.

Riêng về việc du nhập  tư tưởng Tây Phương, ông nhận định như sau:
Tu tưởng triết học, văn hóa, chính trị, xã hội của họ, chúng ta học hỏi với tinh thần phê phán độc lập… Ngày nay chúng ta không còn thói quen xem Tây Phương là ánh sáng tuyệt đối của văn minh và Đông phương là bóng tối mịt mù của thói hóa…

Văn Nghệ có mặt trong ba năm, với 26 số. Mặc dù nó không thực hiện được cái chủ trương  tranh đấu cho nghệ thuật mới hay cái diễn đàn văn học như tờ báo từng hô hào, hay tiếng nói của nó được lắng nghe, nhưng ít ra nó cũng thể hiện được trách nhiệm và lương tâm của người cầm bút.

Bởi vì:

“Ngày nay có ai trong chúng ta lại bị đẩy xuống thuyền. Và người làm văn nghệ cũng không thể khác mọi người. Đứng trước một thế giới, đứng trước dân tộc bị chia đôi, bị xô đẩy vào cuộc nột nội chiến khốc liệt, chúng ta đều đang chịu đựng cái hiện trạng bi thảm đó. Văn nghệ cũng không thoát ra ngoài thực tại ấy..”

(Nguyễn Thạch : Nhà văn trước thời đại, Văn nghệ số 23  tháng 4&5 năm 1963)

:

Discover more from BLOG THT & THƯ QUÁN BẢN THẢO

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading