Cho con ngày sinh nhật

Ngày Lễ Tạ Ơn này là Ngày Sinh Nhật con lên mười bốn tuổi. Mười bốn năm, mà ba mẹ cứ ngỡ như hôm qua. Mẹ đang ngắm nhìn một tấm hình hài mà mẹ ba đã tạo dựng và nuôi dưỡng. Cảm tạ Ơn Trên đã cho mẹ được thấy con lớn như thổi, hình dáng vững chắc và tự tin. Cảm tạ  Ơn Trên đã ban xuống cho gia đình chúng ta một bầu trời để thở, để sống, để ba mẹ có cơ hội nuôi dạy con nên người. Con không biết mẹ nhìn, vẫn tiếp tục gõ máy computer. Mẹ vẫn ngồi yên trong lòng ghế, không dám gây tiếng động. Mẹ sợ con xao lãng hay mẹ đang chìm đắm trong niềm vui quá chừng to lớn của ngày hôm nay. Chiếc bánh sinh nhật mẹ đã dấu trong tủ lạnh. Mười bốn ngọn đèn cầy mẹ vẫn chưa lấy ra khỏi bao giấy. Tấm cạt mừng sinh nhật đã   viết. Rồi khi ba về nhà, con sẽ ngạc nhiên. Căn apartment sẽ bừng dậy lời chúc tụng. Con sẽ thổi 14 ngọn đèn. Và mẹ sẽ mừng chắc phải chảy nước mắt.

Làm sao mẹ quên được nỗi hạnh phúc cùng nỗi lo âu tột cùng xảy ra một buổi sáng cách đây mười bốn năm. Nỗi hạnh phúc khi cô mụ chúc mừng mẹ có con trai đầu lòng. Cô bồng con đưa cho mẹ xem. Bà ngoại bên cạnh thêm vào: Nó giống ba nó như đúc.    Mẹ cũng hiểu vậy. Vì khi ba cưới mẹ xong là phải trở lại cùng  mặt trận. Rồi một ngày nào đó, khi lớn khôn, con sẽ hiểu thế nào là ảnh hưởng của ly cách, và nỗi nhớ nhung, lo lắng của mẹ đã tích lũy lại trong cái bào thai. Như ngày nào, mỗi lần con đạp trong bụng mẹ, bắt mẹ phải quặn đau, thì mẹ phải mỉm cười nói với áng mây trên bầu trời: “Anh à, con anh ngỗ nghịch lắm đấy…” Như mỗi lần mẹ ngồi trong căn nhà trống vắng, mẹ nghĩ là ba đang giữ gìn mẹ, sống bên mẹ, an ủi vui buồn cùng mẹ, trong từng bước chuyển động của một hình nhi. Như mỗi lần ba đi phép trở về, ba kề tai lên bụng mẹ, để nghe một đời sống sắp sửa hình thành và để bàn tay mẹ    nắm chặc lấy bàn tay ba, như níu kéo nhau, gìn giữ cho nhau cái hạnh phúc của đôi vợ chồng trong thời chiến tranh. Và ba chỉ ở lại đôi ba ngày, sau đó lại ra đi. Mẹ đã đưa ba ra bến     sông. Bàn tay ba lại áp trên bụng mẹ. “Em rán lo gìn giữ sức khoẻ. Nhớ đừng làm việc nặng có ảnh hưởng đến con”. Rồi chiếc phà đưa ba qua sông. Còn lại một mình mẹ ở trên bờ. Gió sông làm mẹ lạnh. Giọt lệ lại trào trên mắt. Vai mẹ lại run rẩy. Mẹ đã hiểu tại sao lại có hòn Vọng Phu rồi. Tại sao người đàn bà lại nhìn về hướng biển. Bởi vì biển là một nơi không bao giờ thấy bờ, có nghĩa là kẻ ra đi đã không còn hy vọng trở về. Nhưng ở đây, ba vẫn trở về và vẫn ra đi, dù vội vàng, dù mỗi ngày chiến sự càng khốc liệt, cớ sao mẹ cứ liên tưởng đến một ngày có một tượng đá ở bến sông này. Con hẳn biết, chiến tranh chẳng chừa một ai, huống gì ba đang sống cùng đầu tên mũi đạn.

Mẹ vẫn còn nhớ ngày đầu tiên con ra đời, con đã làm cho mẹ hạnh phúc, nhưng con cũng làm cho mẹ lo sợ đến cuống cuồng. Bởi vì, sau đó, con bị trúng nước và  nhiễm trùng. Con lên cơn sốt dữ dội ngay vào ngày đầu tiên con lọt lòng. Con khóc oa oa không ngớt. Mẹ nắm lấy tay ngoại con, trong nước mắt. Má ơi, con con có sao không? Ngoại vẫn tiếp tục an ủi. Không có sao đâu con, họ cho nó uống trụ sinh là hết ngay.

Và ngoại đã nói đúng.

Bây giờ thấm thoát đã mười bốn năm trôi qua. Và thêm một ngọn đèn cầy được thắp lên cho niềm vui của ba mẹ.

Ba đã lựa mua tấm cạt mừng sinh nhật. “My son, let go and buy for your dad a sport car!” con trai, ra  mua cho cha  một chiếc  xe thể thao!

Để con hiểu rằng, lòng ba mẹ đến với con cái không bao giờ cần được đền đáp. Bởi vì ba đâu còn cái thời để lái chiếc xe thể thao ấy nữa!

(Trích Thế Hệ chiến tranh, Tập truyện của Trần Hoài Thư, Thư Ấn Quán xb 2009)

Bài này viết lúc con trai 14 tuổi.  Nay con có gia đình.
Dưới đây chút gia đình nhỏ bé của chúng tôi:

Hai cháu nội, con trai và dâu…

DSC_0107_G Blur Hard Light G Blur Op50 BW greenish(2)hinh vo chong thoai-kim

Discover more from BLOG THT & THƯ QUÁN BẢN THẢO

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading