Một điều tôi để ý là ý thức độc lập rất mạnh trong người Y. Y. tin là sẽ trở lại bình thường. Những lần trò chuyện với bạn bè qua điện thoại, Y luôn luôn nói về sự tiến triển đầy lạc quan, khiến người bên kia đầu giây phải vui mừng không xiết.
Hôm qua giúp Y. đi cầu trong nhà vệ sinh. Khi Y. cầm tay vịn, đứng dậy để chờ tôi kéo quần xuống, thì Y. bỗng nhiên buông tay và sắp ngả. Tôi hoảng hồn ôm vào thân và đở Y. trở vào xe lăn. Khoảng trống rất chật nên rất khó khăn. Y. ngả trên người tôi. Tôi cũng muốn té theo. May mà sau đó mọi sự trở lại bình thường. Y. nói là tại chỗ quá chật, bị trợt.
Bởi vậy, việc đòi hỏi trước khi người bệnh được trở về nhà là phải tự mình có khả năng đi cầu một mình. Tôi đồng ý điều này khi một người có thẩm quyền cho tôi biết về điều kiện xuất viện. .
Nhưng mà, tôi biết ở đây, Y. sẽ không bao giờ Y. có khả năng ấy, khi mà tinh thần Y. bị khủng hoảng trầm trọng, vì phải chịu đựng những nhát búa, những cây đinh vô hình đóng vào thần kinh hệ ngày và đêm. Bà lão nằm bên cạnh, rất hiền từ, nhưng căn bệnh của bà thì không hiền từ chút nào. Bà như một kẻ đồng thiếp lảm nhảm một mình, nói chuyện liên tu bất tận. Không phải nói nhỏ mà nói lớn.
Bởi vậy, bằng mọi giá phải mang Y. về nhà. Và tôi đã viết thư gởi ban giám đốc. Một lá thư sao sẽ gởi cho vị bác sĩ gia đình phụ trách, khi có dịp ông đến thăm Y.
Dù biết sẽ gặp khó khăn gấp trăm ngàn lần, nhưng tôi tin với không khí gia đình, với trí não thanh thản, và với sự tập luyện, nhất là với ý thức độc lập rất mạnh trong người, Y. sẽ hồi phục.
Chỉ mong Ơn Trên thương cho tôi được mạnh khỏe để tôi giúp Y. Tuổi đã thất thập rồi còn gì. Hơn nữa, tôi lại mang bệnh Gout khá lâu. Khi thì phát khi thì lắng, không biết chừng.
Cũng xin đừng thương hại tôi. Tôi không cần ai thương hại. Đây là cái job thơm nhất mà tôi được nhận trong suốt cuộc đời mình. Cái job giúp tôi hôn lên bàn chân khổ nạn của Y. để càng hiểu tại sao Chúa Jesus lại hôn lên bàn chân của môn đồ Ngài, dù trong số môn đồ ấy có kẻ phản trắc.
Cái job tôi biết là cuộc đời là sinh lão bệnh tử, nó quá phù du và mong manh.
Mới vui đó, giờ là khóc đó.
Mới hạnh phúc đó, giờ là đau khổ đó.
Cái job làm tôi gần gũi hơn với người bạn đời, biết nhẩn nhục, biết tha thứ, biết thương yêu. Cái tay này khi đưa lên trên gối là phải đưa lên rất nhẹ, là phải nắm lấy thật dịu dàng, như muốn chuyền vào tất cả lời cầu nguyện, phép lạ sẽ đến, tự nhiên những ngón tay này sẽ chuyển dịch…
Cái job làm tôi càng thương yêu đến bản thân mình hơn. Bởi vì tôi may mắn vẫn còn khỏe mạnh. Biết bao nhiêu người bất hạnh hơn tôi ?
***
Hôm qua, vào giờ ăn trưa, một bà tìm đến bàn Y. Bà ta xưng là người ở văn phòng home care. Bà cho biết giấy tờ thủ tục về săn sóc tại gia xem như đã xong. Một tuần, người của home care sẽ đến hai hoặc ba lần, medicare sẽ trả 100%, ông bà đừng lo lắng gì cả. Tôi hỏi bà chừng nào Y. rời đây bà rất lịch sự I am very sorry, bà không biết. Ông nên hỏi ở ban giám đốc, social worker ở đây.
Tôi đã nghe cái từ I am very sorry nhiều lần. Nó nói lên tấm lòng thành hay là một lời giả ngụy ?
Nhớ lại ngày đầu tiên khi vào văn phòng ký xấp giấy tờ, người đàn bà phụ trách cũng một mực I am very… Thái độ thật nhún nhường. Lời nói rất lịch sự. Nhưng sau đó, sau khi ký giấy tờ xong, thì mọi sự đổi khác. Cô ta lạnh lùng khi giáp mặt, nếu lịch sự thì giơ tay và hi, rồi đi nhanh.
Nhưng mà không sao. Đây là một dấu hiệu tốt. Bà ta trước khi ra về, nhắc hễ mà bà nhà về nhà, gọi chúng tôi, chúng tôi sẽ cử người đến nhà…
*
Bây giờ những người phụ nurse xem như tôi là một phần tử. Tôi giúp họ đỡ một gánh nặng như mang Y. vào xe lăn, hay mang từ xe lăn trở lại giường, giúp người bệnh đi đại tiện hay tiểu tiện. Tôi như một nhà tâm lý học, giúp Y. quên đi thực tại bằng cách đẩy xe đưa Y. đến nhà ăn sáng, trưa và chiều. Ít ra nơi này cũng giúp người bệnh được sống lại trong một xã hội thu nhỏ, với những cảnh tượng sinh động. Từ những người phục vụ, bận rộn cùng với những khay đồ ăn, hay bình cà phê. Từ những người phụ nurse giúp đẩy xe chở người bệnh đến bàn, ngồi bên cạnh, kiên nhẩn với từng muỗng cháo, muỗng súp đút vào miệng người bệnh. Cái bàn chúng tôi mang số 18. Bàn 17 có một bà lão 79 tuổi, hai bàn tay xem như co quắp lại. Bà ta nói liên miên. Phê bình người này. Nhận xét người khác. Không ai dám nói chuyện với bà. Và bà tìm đến chúng tôi mà nói. Dù chỉ ở một tháng nhưng hầu như bà biết rõ tánh tình của hầu hết những người xung quanh. Chẳng hạn khi bà nhắc đến bà lão ở bàn 21 đàng sau chúng tôi, bà bảo bà ta là mẫu người không bao giờ nở nụ cười, chẳng bao giờ mở ra một lời cám ơn, và ưa gây chiến với kẻ khác. Y. bảo Y. sợ hạng người này. Bà hỏi lại: “Tại sao lại sợ?” ” Sợ có ngày bà ấy đánh tôi”. Y. trả lời. “Sao lại đánh? Hai tay bà ta bị liệt rồi làm sao mà đánh chứ ?”.
Chúng tôi đã cười như pháo nổ. Ít ra nơi này cũng giúp cho người bệnh quên được một phần nào ở phia trong căn phòng đầy ảm đạm kia.