Theo em (42)

Buổi sáng, tôi vẫn thường đến thăm Y. vào khoảng 8 AM – 8.30 AM. Mang theo quần áo, ít đồ ăn nhẹ như cháo, oakmeal. Nhưng cái mà tôi mang nặng nhất là nỗi lo lắng và hồi hộp.  Không biết đêm qua, Y. có ngủ được không. Không biết bà lão cùng phòng có cho Y. một đêm an ổn hay không.  Và khi tôi đến nơi, sau khi ký tên vào sổ thăm viếng, tôi bước thật nhanh. Càng đến gần phòng, thì  nhịp tim càng đập. Phòng tối mờ. Giường ngoài bà lão nằm ngủ. Tôi vén màn vào phía trong. Tôi có thể biết được tình hình hồi đêm qua ánh mắt của Y.

Sáng nay, đôi mắt ấy sáng. Tôi biết đêm qua, Y đã ngủ được. Tôi hỏi, Y kể: Bà ta nói lảm nhảm một hồi, thỉnh thoảng lại cười sằng sặc. Sau đó một lúc bà ta ngủ thiếp. Chắc là bà  nói mệt quá…

Tôi hỏi về tình trạng chân tay. Y kể em thấy khá, chân đã có thể đưa lên cao. Tôi nói bà biểu diễn cho tôi xem đi. Y. làm cho tôi thấy. Chân đưa lên cao khoảng một tấc, sau đó lại rớt xuống. Lại thêm một niềm vui nữa cho tôi và cho Y. Niềm vui ấy làm tôi không kiềm được lòng, cúi hôn lên chân trái của người bệnh. Tôi hôn lên sự đau đớn khổ nạn mà Y. đã chịu đựng. Tôi hôn lên sự tiến triển diệu kỳ mà Thượng Đế đã dành cho đứa con bị nạn. Tôi hôn lên sự hy vọng. Cái chân này, cái khúc cây này, nó sẽ không còn một khúc cây mà sẽ trở thành một cái chân. Có nghĩa là nó sẽ bước, sẽ chống đở tấm thân để tiếp tục đi nốt khoảng đường còn lại của cuộc đời…

Khoảng 9 giờ người phụ nurse vào để giúp Y. vệ sinh, mang Y. lên xe lăn, chải lại đầu tóc người bệnh, rồi để tôi  đẩy xe đến nhà ăn tập thể. Tôi đã khuyến dụ Y. chịu ăn sáng, trưa chiều ở nhà ăn, thay vì cứ nằm  chờ người mang đồ ăn đến để ăn ngay trên giường.  Dù sao,  nơi nhà ăn cũng là nơi rộng rãi, thoáng hơi, và sống động. Dù là sống động qua những chiếc xe lăn, với những phận người bị hắt ra ngoài lề của xã hôi và mái ấm gia đình.

Ở đây, một cái bàn dành sẵn cho Y. và cho một người đàn ông da trắng bị stroke khác. Ông bị liệt hoàn toàn. Tay chân không thể cử động đựợc. Đầu thì nghiêng qua phía phải. Nói thì khó khăn.  Bên cạnh ông là người phụ nurse, giúp ông về ăn uống. Bên trái là cái bàn dành cho một người đàn ông bị stroke khác. Mắt bị hư, bàn tay trái thì bị liệt, bàn tay phải  thì  run. Phía sau chúng tôi là chiếc bàn dành cho đôi vợ chồng già. CHồng trắng và vợ đen. Người vợ thì xem như một gốc cổ thụ trong xe lăn. Hỏi ra ông 82 và bà 85. Ông rất mực siêng năng chăm sóc vợ. Mỗi ngày hai lần, trưa và chiều, ông đều có mặt, đều đặn, đúng giờ. Có lẽ cặp vợ chồng già này là một hiện tượng hiếm hoi trong xã hội Mỹ. Nó chứng tỏ là tình yêu không cần trắng đen và tuổi tác. Nó đã giúp trả lời câu hỏi tại sao trong đôi mắt của bà lão Mỹ đen lại luôn luôn lóng lánh ánh sáng.

Những hìnhảnh ấy đã giúp cho Y. nhận ra nỗi may mắn của mình. Dù tay chân trái bị nạn, nhưng ít ra trí nhớ và giọng nói vẫn còn tốt, mắt không bị giựt, miệng không bị méo…

THỉnh thoảng phòng ăn lại xãy ra một vài sự việc để mỗi lần nhắc lại chúng tôi đều vui. Ví dụ chuyện đánh lộn giữa hai bà lão ngồi cùng chung bàn. Một bà thì hai tay liệt. Một bà thì hai chân không nhúc nhích. Không biết vì lý do gì mà tự nhiên hai bà làm cả nhà ăn hỗn lọan, người phụ giúp nhào vào can thiệp, kéo hai xe ra xa. Vậy mà sau đó, bà có hai tay bị liệt,  lại thêm một lần đẩy xe đến bà kia, dùng hai chân đạp xe địch thủ. Địch thủ này cũng không vừa dùng nĩa muổng đập lại…Quang cảnh nhà ăn lại thêm một lần ồn ào  sôi động.

Tôi nhớ lại lời khuyên của một vị bác sĩ tại JFK. Ông ta khuyên là nên cố gắng làm sao đừng để người bệnh xem bệnh viện là nhà tù, phải tạo cơ hội giúp người bệnh có cảm tưởng là mình đang sống trong xã hội, bằng cách đưa người bệnh ra khỏi phòng, đẩy xuống phòng ăn, nơi đông người. Tôi thấy lời khuyên của ông thật đúng. Chính nơi này, đã giúp không ít sự thăng bằng của người bệnh. Dù bị mất mát, nhưng khi so sánh với những người khác, mình thấy mình được may mắn hơn. Có phải vậy không ?

Discover more from BLOG THT & THƯ QUÁN BẢN THẢO

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading