Sáng nay, câu hỏi đầu tiên khi tôi vào thăm Y. : bà cảm thấy thế nào. Thấy khỏe. Hỏi tiếp: Bà già thổi tu húyt 88 tuổi có làm phiền gì không? Không. Y. lại kể hôm qua thấy bà sắp lọt xuống giường. Đầu bà đã lọt ra khỏi thành giường. Tôi hoảng hồn bấm nút kêu y tá, nhưng chẳng có ai đến. Tôi la help help. May mà có một người đi ngang qua cửa phòng, chạy vào giúp. Vợ chồng người con của bà ta biết chuyện lên văn phòng đòi gặp làm dữ .. Họ cám ơn tôi rối rít…
Tôi đưa một ít tiền lẽ cho Y. Tôi biết tánh Y. rất thương người. Thấy người lau mình lau mẩy mình, lau chùi ngay cả khi mình tiểu hay đại tiện ngay trên giường thì động lòng, thế nào cũng cho vài đồng bạc. Lúc này, tôi không thể giảng bài, hay lý luận đó là job của họ. Lúc này tôi cần phải làm vừa lòng, thỏa mản người bệnh. Khi tặng người phụ việc vài đồng, nhưng đổi lại là nhận vào niềm vui. Y. cần niềm vui lúc này.
Bởi vậy tôi dấu Y. những bill gởi về tràn ngập, hay những cú điện thọai vô ích, thắc mắc tại sao… Tôi dấu chuyện tôi đi casino. Nhưng cuối cùng, lòng tôi bất an. Tôi thú thật. Y. không buồn mà lại vui. Ông ăn hay thua. Tôi nói tôi ăn mấy đồng, bà à…
Sau đó, chúng tôi bắt qua chuyện cháu nội. Gương mặt Y. trở nên rạng rở. Và trước khi ra về, tôi cầm chân trái của Y. đẩy lên đẩy xuống, vừa làm vừa đếm như một người therapy chuyên nghiệp. Có thể bạn đọc sẽ phục tôi, về cái tình và cái nghĩa quá “vĩ đại” này. Không đâu. Tình đi đôi với nghĩa. Ngay cả thời đi thám kích, tôi còn mời tù binh điếu thuốc Pall Mall, hay kêu y tá săn sóc vết thương của họ, hoặc năn nỉ đại bàng can thiệp với Mỹ xin trực thăng tải thương chở họ về bệnh xá, thì chuyện săn sóc người bạn đời là một chuyện hết sức bình thường. Con cháu tôi thì ở xa, nếu tôi không làm thì ai làm bây giờ?.
Tôi nghĩ còn có biết bao nhiêu người khác, có hoàn cảnh giống tôi. Có điều là họ không có Blog, hay không quen viết lách như tôi mà thôi.
Tôi viết, không phải cho tôi, mà cả cho họ nữa.
Như vậy, có phải văn chương phù phiếm hay không phù phiếm ?