THức giấc lúc 1 AM. Tự nhủ phải tiếp tục giấc ngủ, để có sức chăm sóc Y. Nếu mình gục, thì lấy ai? Vậy mà không thể ngủ. Mắt ráo hoảnh. Đầu nóng bừng. Hết ý nghĩ này đến ý nghĩa khác. Một cái E mail về tổ chức cuộc họp mặt Tết tại nhà anh chị C. cũng đủ làm nỗi buồn tăng thêm. Không biết hôm nay là ngày thứ mấy âm lịch. Có lẽ đã qua khỏi ngày đưa ông Táo về Trời. Ngày Y. còn mạnh, thế nào cũng có một mâm cúng nho nhỏ. Giờ đây, ông bà Táo cũng thông cảm. Ngay cả những kệ thờ mà Y. mỗi ngày không quên nhang đèn, cũng nguội lạnh. Đức tin đã khiến Y. xử dụng nguyên cả một phòng trên lầu làm nơi thờ phượng. Tôi ít khi lai vảng nơi này. Tôi biết tôi không thể tu được. Và điều này đã được bộc lộ qua mấy câu thơ sau:
Đưa em đi New York
Đưa em vào tiệm chay
Tha lỗi ta hôm nay
Bần thần không thể nuốt
Với tôi, ngay cả bây giờ, lúc mà tôi đang chờ cái phao cứu độ, tôi vẫn ít khi bước vào căn phòng thờ phượng trên lầu để thắp những cây nhang hay vái lạy trước những bàn thờ mà Y. tôn kính. Không phải là tôi không tin, nhưng tôi không quen. Tôi kính sơ TRời Phật nhưng tôi không thuộc một câu kinh. Tôi cầu xin Ơn Trên bằng tấm lòng của yếu đưối của mình chứ không hề quen những hình thức cúng tế…
Hôm nay Y. được đưa về một nursing home gần nhà để nơi đây tiếp tục tập tành đi đứng. Tôi bắt đầu đỡ cực vì phải lái xe xa. Y. bảo chỗ này nấu ăn ngon miệng làm tôi quá mừng. Chứ cái món cháo trắng chà bông của tôi ngày này sang ngày khác thì tội nghiệp cho Y. Ngoài ra nơi này chỉ cho phép người thăm viếng sau 8 giờ sáng. Rõ ràng có một sự khác biệt giữa bệnh viện và nursing home. Bệnh viện là để chửa trị. Còn nursing home là nơi an cư của những người bất lực. Có thể an cư dài hạn. Có thể an cư ngắn hạn. Y. ở trường hợp hai. Bệnh viện không chửa trị xong, đẩy qua nursing home để gánh tiếp phần săn sóc.
Tôi ngồi bên Y. đọc một truyện dịch của Nguyễn thị Hải Hà. Quyến rủ một ông sư. Hải Hà dịch hay quá. Lâu lắm tôi mới đọc một mạch từ trang đầu đến trang cuối. Tác giả là một nhà văn nữ người Mỹ gốc Đại Hàn. Có điều, dù truyện được ca ngợi bởi các nhà phê bình, đuợc giải thưởng cao quí về văn học, dù nội dung truyện đã nói lên một triết lý về Phật Giáo, và sự xung đột giữa xác thịt và tinh thần, cuối cùng kẻ chiến thắng vẫn là Eva…Nhưng nghĩ cho cùng, nó cũng chẳng giúp ích tôi trong lúc này. Tôi đọc để mà thưởng ngọan chứ không phải để tìm trong truyện một hai điều hữu ích. Tôi muốn đọc cho Y. nghe, nhưng biết Y. cũng đang có ý nghĩ như tôi, là làm sao tin rằng có một ngày những ngón tay ngón chân trái được nhúc nhích cục cựa.
Chỉ có lá thư của một người chị bà con của Y mà tôi mới vừa nhận hôm nay. Chị bị stroke đã 19 năm.
… Chị đã bịnh “tai biến mạch máu nảo” gần đã 19 năm rồi. Chị không đi được, hay cánh tay không cầm được và nói cũng không được !!!
Mà bây giờ đi được, nói cũng được và cánh tay cũng được vậy !!!
Y. ơi ! thấy Y. và ông xả nói chuyện vui quá. Y. vui cười với mấy người quen làm chị cũng vui theo.
Ráng niệm Phật. Chị niệm Phật cho Y. nữa nè !
Khi nghe xong lá thư của chị V., mắt Y. sáng lên. Còn tôi, lúc này, nếu cám ơn truyện dịch này một lần thì phải cám ơn lá thư của chị V. cả trăm lần.
Có phải vậy không ?