Theo em (8)

Jan 21

Ngày hôm qua , anh chị Ph. gọi. Anh chị lo lắng cho  sức khỏe tôi. Chị hỏi ăn gì. Tôi nói ăn fast food, hamburger, hot dog… Anh la lên: Không được, muốn chết hả…

Sau đó anh nói về sự cần thiết  của sự sáng tạo. Chú phải sáng tạo. Ngày xưa chú đi lính, chú sáng tạo. Bây giờ, chú ngồi bên giường bệnh, chú cũng phải sáng tạo… Chú phải bỏ cái tôi của mình để viết nên cái tôi của nhân lơai. Chú có laptop không? Mang theo. TRong lúc y tá làm việc, hay trong lúc Y. therapy, chú viết…

Anh Ph., cám ơn anh về lời khuyên. Đó là một lời khuyên thực tế nhất, và em sẽ nghe anh.

Tôi là một tên kiêu ngạo. Bởi bản chất tôi là tên mất dạy, du côn. Tôi sinh ra chẳng biết nơi nào là  quê nhà chôn nhau cắt rún. Tôi không có ai dạy. Tôi hoang đàng đảng tử ngày còn nhỏ. Tôi là thằng con riêng. JE suis un enfant trouvé. Mais jusqu’à huit ans j’ai cru que, comme tous les autres enfants… Tôi đã thuộc lòng cái câu nói về thân phận của một đứa con không được may mắn, không phải nó hay, nhưng nó hợp với hoàn cảnh của tôi. Vâng. Tôi là một đứa con riêng. Mẹ tôi bỏ ba tôi, theo tiếng gọi tình yêu, để làm hầu thiếp cho một người đàn ông. Bà làm vợ thứ ba. Tất cả đều sống chung trong một căn nhà. Và tôi là cái gai của mẹ, của các bà vợ lớn, của những trái tim hiểm dộc của loài người…

Tôi đã nói máu huyết của tôi pha trộn máu huyết của loài ngựa chứng. Bởi vậy tôi chọn vào binh chủng dữ nhất là thám kích, và xin phục vụ ở một nơi ghê gớm nhất là Bìnd Định. Tôi thách ai vừa đánh giặc vừa viết văn nhiều hơn tôi. Xin lỗi, hãy cho tôi tự nói cái tôi của mình. Tôi ghét nhất là những tay giả hình, đạo đức giả, mang khổng nho để mà dạy đời. Cái tôi là cái đáng ghét. Khiêm nhường là đức tánh cần còn trong bài học làm người. Nhưng mà, hãy thử đọc những tờ resume xin việc, tiến cử. KHoe khoang, ca ngợi cái tôi của mình lên tận mây xanh. Có khi láo. Phóng đại.

Còn tôi, tôi đâu có phóng đại. Tôi tự học, tự nghĩ tự làm.  Hàng trăm đầu sách được in ra, phần lớn tặng không. Điên hả. Có kẻ nhún vai. Có kẻ mắt mở thao láo, như mấy tay Mỹ trẻ ở một vài hảng mà tôi đến mua những máy in với giá rẽ mạt. Ông không có xe lớn làm sao chở máy ? Ông chỉ có một mình, không ai tiếp ông à?  Tao không cần. Để bọn mày xem. THế rồi tôi rút ra cái screw driver từ trong túi quần. Mở những ốc. Rút ra những bộ phận. Fuser. Khay. Cartridge. Strip tease trần truồng cái máy còn trơ lại cái sườn. 10 phút. Mắt mấy thằng Mỹ trợn trắng, khi tôi tỉnh bơ vác chiếc máy bỏ vào xe…

Vậy thì, đã trót hoang đàng thì hoang đàng luôn. Mất dạy thì mất dạy luôn. Ngạo mạn thì ngạo mạn luôn.  Đời buồn quá mà.

Những mảnh đời như những cơn giông
Đã xé toạc cả tiếng cười tục lụy
Đã dữ dội, như trăm ngàn tạc đạn
Đã rũ mềm, lê lết cất không lên
Đã u mê, chướng khí, du thủ, cô hồn
Đã mất dạy, đã sượng sùng, gỗ đá
Nhưng bạn ạ, đời đôi lần mệt lả
Mười bánh xe cứ chở mãi chập chùng
Bụi thì mù, mưa thì phủ tai ương
Con ngựa đứt dây,
Hí hoài trên núi
Bàn tay cắt vào mảnh chai tươm máu
Hồ trường này đây, đập cốc. Về đâu?
Bóng thì xa, sương thì khói mịt mù
Ta thì ngậm cả tang hồ rách nát
Sông với núi, sá gì mưa với nắng
Sá gì đêm ngoi ngóp khối bùn đen
Sá gì ngày nhầy nhụa biển u minh
Trăng cũng thổ những bãi đờm ứa máu
Vâng bạn ạ, khi làm tên thất trận
Đôi khi buồn, buồn quá hoá thành điên
Đôi khi sầu mửa cả mật xanh
Đập vào vách, giận cho thằng khốn kiếp

Nhưng mà, có một người đã làm tôi chịu cúi đầu  khuất phục. Đó là Y.

Tôi cứng chừng nào, thì Y. mềm  chừng ấy. Mềm với tất cả. Cây cỏ. Loài Vật/ Loài người. Khi một bát cơm thừa, Y. luôn luôn trút vào bọc nylong, và ngày hôm sau, mang ra bờ hồ để cho chim chóc ăn… Khi ăn ở nhà hàng, thì luôn luôn để tiền tiếp hậu hỉnh. Nói ra thì một cám ơn, hai cám ơn. Nước mắt thì chảy bất cứ lúc nào… Tối nào cũng tụng kinh, niệm Phật… Thương em út vô cùng…

Y. đã cầm dây cương để “control” con ngựa chứng là tôi. Thuốc lá tôi bỏ. Rượu tôi uống ít hơn. Tôi ít chửi thề. Ít nói năng bậy bạ. Y. đã biến đổi con người tôi trở thành nhu hòa, nhủn nhặn hơn. Tôi phải thú thật như vậy. Nhưng Y. để tôi tự do tuyệt đối với văn chương chữ nghĩa. Không bao giờ đọc trước. Khi có người khen bài viết của chồng, Y. mới tìm ra, và đọc. Y. nhắc nhở tôi những người đáng được tặng Cõi Đá Vàng của Nguyễn thị Thanh Sâm…

Giờ đây, Y. không thể  nhắc tôi như thường lệ nữa. Nằm trên giường bệnh mà nhắc cái gì. Còn tôi, tôi tự do trong những ngày Y. tạm xa.. Tôi có thề làm những cái gì tôi muốn mà không bị Y. kiềm chế hay nhắc nhở. Máu kiêu ngạo bắt tôi không cần nhờ cậy bạn bè hay bất cứ ai giúp tôi. Tôi dọn nhà, dọn chỗ, khuân vác, di chuyển những máy móc nặng trĩu. Và khi cái máy cắt bằng sắt nặng nề khủng khiếp đè trên chân phải của tôi, tôi có cảm giác là tôi không còn chân để đi được nữa. Nhưng sau đó, tôi thử rút chân ra. Bình yên. Hơi đau một chút. Tôi mừng đến điên cuồng. Và cũng run sợ đến vô cùng. NẾu lươi dao kia chạm, hay miếng  sắt kia đè, thì tôi sẽ trở thành một phế nhân, chắc chắn như thế.

Chỉ năm phút sau, điện thọai reng. Con tôi ở tiểu bang xa gọi: Ba có sao không.

Tôi lạnh mình,  không hiểu tại sao lần này  nó lại hỏi thăm tôi thay vì  hỏi thăm mẹ nó như thường lệ.

Tôi nghiệm ra có một bàn tay vô hình của một Đáng quyền năng. Che chở tôi.  Như đã bao lần che chở trpng suốt bao nhiêu năm ngoài trận mạc, trong trại tù, hay những ngày vượt biển. Và bây giờ. Khi mà tôi biết là tôi tuyệt vọng, bất lực.  té lăn theo  cùng chiếc máy cắt to tướng, để tôi còn được lành lặn mà săn sóc Y. Và giúp tôi ngộ được về mộtcái nhìn về cuộc sống mà từ lâu tôi không hề thấy hay biết.

%d bloggers like this: