Coi chừng bị lừa mị !

Thế hệ hôm nay là thế hệ may mắn. Ít ra, internet cũng giúp thế hệ này tiếp xúc với ánh sáng hơn là bóng tối.

Nhưng còn văn chương thì sao? Làm sao phân biệt được ánh sáng và bóng tối? Bạn có bao giờ đi thám báo để biết được sự thật về vai trò thám báo mà dám kết luận về sự trung thực của ngòi viết Bảo Ninh hay Hồ Anh Thái, hay Dương Thu Hương khi họ tả những cảnh dã man khủng khiếp như xẻo vú, ăn tim gan, cả tinh hoàn, hãm hiếp rồi dìm xuống sông các “chị nuôi” của những người lính thám báo miền Nam? Bạn có bao giờ bị sốt rét rừng (đó là chưa kể sốt rét ác tính) để có thể biết được cái khí phách “oai hùm” của một đoàn binh không mọc tóc?

 đọc tiếp
Bạn tin vào nhà phê bình? Nhưng hắn/ông ta cũng như bạn (chưa chắc bằng bạn) có bao giờ nhận chân được sự khác nhau giữa giả và thực ?
Hay là bạn bảo văn chương là hư cấu, là bịa?
Vậy thì tại sao mà bạn xem thơ Tố Hữu là chân kinh? Nỗi buồn chiến tranh của BN là tác phẩm trung thực ?

Chính ông Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng đã bảo hồi ký Ngôi sao trên đỉnh Phú văn Lâu cũng là  tưởng tượng thì bạn tin làm gì cái thiên chức nhà văn nhà thơ của ông ta?

Đừng, và đừng bao giờ tin vào những ông/bà nhà văn viết. Chữ nghĩa của các vị ấy rất khủng khiếp – Chúng biến giả thành thật,  biến ác thành lành, biến lành thành ác… Biến tiếng khóc thành niềm vui, biến giết người thành chiến công…

Bạn thấy không. Có kẻ đã từng rung đùi để nhìn một đám người đang hết lòng tung hô bài thơ Kéo Pháo, nhưng trong lòng thì khoái trá: Sao các ngươi ngu vậy. Ta có bao giờ có mặt ở Điện Biên Phủ đâu. Ta chỉ tưởng tượng đấy thôi.

Có điều, tôi không thể nào hiểu là tại sao giáo sư Lê văn Thi lại bị giết vào năm Mậu Thân. Ông là giáo sư Lý Hóa của trường Quốc Học Huế. Ông dạy tôi vào năm Đệ Nhất niên khóa 1960. Có lẽ ông bị xử tử vì du học Mỹ, mang bằng Mỹ về nước. Mà bằng cấp Mỹ là “nọc độc văn hóa”… ?

Ông là đồng nghiệp của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ông Tường biết điều đó.

Ông biết bởi vì thời gian ấy, ông “đi trong những đường phố Huế, cảm thấy bùn dưới chân, và tôi đã bật đèn pin, thì thấy máu tràn ngập…” như lời ông kể cùng phóng viên đài truyền hình Mỹ vào năm 1982.

Ông biết, vì ông đã trả lời một nhà báo của nhật báo The Philadelphia Inquirer mà tôi đã đọc trong khoảng năm 1982-1984, đại ý: Việc giết người tập thể như vậy không phải là do chủ trương của đảng mà là vì nhân dân quá nổi giận”…

Ông biết, dưới chân ông bây giờ, là những mồ chôn tập thể, là những người bạn ông, đồng nghiệp với ông, và học trò của ông nữa.

Ông biết nhưng ông phủ nhận. Có thể có những điều ông biết hơn nữa, ông giấu kín tận đáy lòng.

Vậy thì làm sao, chúng ta, những người đọc, biết được giá trị của tác phẩm?

Thật hay không thật?

May mắn, vẫn có những người nói lên sự thật ấy. Bằng kinh nghiệm của họ.

Tôi chẳng thù ghét hay ganh tị gì với nhà văn Bảo Ninh. Nhưng ít ra, tôi có những kinh nghiệm về vai trò của người lính thám báo.

Bạn tin tôi hay tin BN?

Tùy quyền bạn.

Sự thật vẫn là sự thật.  Nhưng nếu không ai nói lên sự thật, (chẳng hạn tôi là lính thám báo mà không nói) thì sự thật vẫn mãi là sự-không-thật. Và bóng tối mãi là bóng tối.

Có phải vậy không ?

Discover more from BLOG THT & THƯ QUÁN BẢN THẢO

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading