Viết chung: Trần Hoài Thư, Trần Bang Thạch, Cao Vị Khanh, Phạm văn Nhàn

                                                             (nguồn: tạp chí Thư Quán Bản Thảo số 17 tháng 6-2004)              

Chú thích: Viết chung là một  mục thường xuyên của tạp chí Thư Quán Bản Thảo.
Bắt đầu từ số 34, mục Viết Chung đổi thành Sống và Viết

Rong bút

Trần Hoài Thư

tranh thân trọng minh

I)

Tôi lái xe một mình tìm lên vùng cao Bắc Mỹ. Mùa thu càng lên phía Bắc  càng đẹp não nùng. Có lẽ ở đây, tại rừng núi thung lũng chập chùng  nên màu sắc cũng bao la bát ngát chập chùng. Chiếc xe càng lên cao, rừng càng mở lối, và những khối màu tiếp tục  được chấm phá hiện ra trước mắt ở hai bên đường. Nắng lúc ra đi còn ngủ, bây giờ nắng đã lớn trở thành bạn đường. Nắng tắm trên biển màu, vàng, đỏ huyết dụ, màu tím hay màu gạch hỏa hoàng. Nắng làm màu hực thêm, đậm thêm, thắm thêm. Nhưng nắng mai, khác với nắng trưa, và nắng quái. Mỗi thứ nắng làm màu  thay đổi nồng độ. Có khi nắng làm màu roi rói, có khi nắng làm màu đau thêm. Đó là lúc nắng nhạt, làm màu như màu da sốt rét của người bệnh kinh niên. Hay có khi nắng quái tự nhiên lai láng như thể trời đất cố hắt xuống trần gian một biển vàng hoàng kim, để những mảng màu kia cũng đồng loạt rực rỡ một lần trước khi chìm trong bóng tối. Cùng một màu vàng mà có chiếc lá màu hoàng kim, hay màu vàng sậm, hay một nửa màu vàng lấp lửng trên màu xanh chưa xoá hết nỗi buồn. Có màu ruợu chát xen lẫn màu mồng gà. Không biết tại sao cả bầu trời kia đang ngủ trên đồi, mà màu lại hực lên như cố níu lại chút hào quang rực rỡ. Hồn tôi bị ngợp. Mắt tôi cũng vậy. Miệng tôi không cầm lời ngợi tạ: Chao ơi đẹp chi mà đẹp lạ đẹp lùng. Thỉnh thoảng qua một triền đồi thấp, một nhóm cây phong lạc loài, lá vàng rực, trong khi dước gốc là một lớp lá vừa rụng ngập đầy. Như thể sắc đẹp của một người thiếu phụ, rực lên một lần để rồi chìm vào nỗi lãng quên. Hay như thể một người đàn bà đang cố son phấn cho ngày xuân còn níu lại.

Tôi như một kẻ chạy đuổi theo lộc trời, đến khi xe đến một thị trấn núi, thì chợt giật mình. Thì ra tôi đã lạc đường lúc nào không hay:

Tôi lạy đời, tôi yêu đời

Cho tôi trở  lại với  người trần gian

(THT)

II. Như vậy, cái đẹp không tìm ở đâu xa. Tạm quên những nợ nần hệ lụy. Tạm vất đi gánh lo toan. Tạm đừng nghe một người quen vừa có tên trên tờ phân ưu cáo phó. Tạm bỏ đi những lời thúc giục đi bác sĩ thử máu nước tiểu ruột già ruột non… Khi đứng đây, cô độc như mỏm đá ngàn năm, nhìn trời nhìn đất nhìn núi nhìn ngàn. Đây là đâu. Một điểm trong bao la của vũ trụ, nhưng là một điểm của nỗi cô đơn. Thấy gần lắm đất trời mà cũng thấy vời vợi tình nhân.  Thấy lòng bao dung như trời đất đã bao dung. Thấy thiên nhiên cận kề ân điển mà thấy loài người sao cứ sôi sục hận thù.

Qua một nông trại. Nơi vườn bên, có chiếc bàn chiếc ghế trống. Lá vàng ngập dưới đất. Và mặt bàn những chiếc lá vàng đã ngủ quên.  Bàn ghế vẫn hiện hữu. Nhưng người thì ở đâu.

Mùa này, ở bên ấy, hoa cà phê chắc nở trắng cả đồn điền. Cánh bướm em của mùa hoa cũ, anh đã mất rồi. Mà em cũng vậy. Cũng mất anh. Nếu còn chỉ là hai cái bóng. Cô đơn. Có phải vậy không ?

Xin được cảm tạ Cụ Nguyễn Du:

“Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san”

III.

Thấm thoát Thư Quán Bản Thảo đã bước vào năm thứ ba. Thư Quán Bản Thảo đã nhận được những lời chúc mừng từ khắp nơi. Cám ơn quí bạn. Thư Quán Bản Thảo sẽ không bao giờ chết khi có những tấm lòng của các bạn.

Và phần thưởng là mênh mông, bao la tình người tình thân khắp cõi. Như những ngọn nến vẫn còn để trong hộp mà mỗi năm rút ra một cây, để đốt lên nỗi vui mừng hạnh phúc. Bạn kinh ngạc không, 42 tác phẩm ra đời trong vòng ba năm. Và chỉ trong 2 tháng 10 và 11 chúng tôi đã lên khuôn 3 tập thơ bao gồm những tác giả trong và ngoài nước. Cả ba tập thơ đều biếu tặng. Không bán.

 

Từ trước đến bây giờ, có lẽ chưa có một cơ sở xuất bản nào dám in thơ, và in thơ để tặng. Không ra mắt. Không kêu gọi. Không phải in một thi phẩm, mà là 5 thi phẩm. Không phải 100, 200 trang, mà có tập gần 400 trang. Và không phải giấy thường, mà loại giấy quí hiếm. Chỉ có Thư ấn quán chúng tôi mới dám làm.

Có nhiều bạn hỏi: Tiền đâu ? Xin thưa. Ở từ những con tim của người đọc TQBT. Họ đã hiểu việc làm của chúng tôi. Họ xem TQBT là mái gia đình chung. Còn nữa. Bởi vì  nhà nghèo nên cũng phải làm theo kiểu nhà nghèo. Từ việc giấy mua lúc sale. Mực in thì chờ  đấu giá ở Ebay. Máy thì mua toàn đồ sắp phế thải, sửa lại, lắp chỗ này, thế chỗ kia. Từ nồi niêu xoong chảo  của bà xã được trưng dụng, ngay cả vỉ sắt nướng thịt cũng không tha. Từ sáng kiến layout làm sao để tiết kiệm giấy mà khỏi cần xếp trang hay làm sao để  keo khỏi dính vào gáy v.v…Nhưng không phải vì thế mà kỹ thuật nghèo nàn chắp vá. Trái lại còn chắp cánh.  Hơn thế nữa, nó lại được tin cậy từ những tác giả thầm lặng khi họ nhờ Thư Ấn Quán in tác phẩm của họ, để chúng tôi càng biết một điều: Có những người phục vụ công tác văn học, văn hoá trong ẩn dật âm thầm. Nhưng tác phẩm của họ không phải là không giá trị.

Rõ ràng Thư ấn quán là nhà in không giống ai. Nó nghèo nhất thế giới này. Nhưng cũng có lẽ,  nó cũng giàu nhất thế giới này. Có phải vậy không ?

IV.

Ng~ ơi, bạn hãy tưởng tượng một mình trong thư viện đại học Cornell, hơn cả trăm số Khởi Hành, tôi lật từng trang một. Và những bộ tạp chí Vấn Đề từ 1967 đến 1972, tôi cũng lật từng trang, mà sao tìm hoài như thốn đau tim óc. Chỉ hy vọng những số Văn cũ, nhưng cách đây sáu hay bảy năm, thấy còn, nay đã biến mất. khỏi thư mục rồi.

Nhưng không phải vì thế mà chúng tôi ngã lòng đâu. Thư Quán Bản Thảo ra quân và sẽ chứng tỏ là một tạp chí có một không hai dám chơi và dám làm, và làm đến nơi đến chốn, làm rất ngoạn mục, để từng trang chữ là khói hương là tấm lòng của bạn hữu cùng một thế hệ của Y Uyên. Tập 18 sẽ là một công trình chung của anh em bạn bè với Y Uyên trong nước  và ngoài nước. Tất cả hiện đang nỗ lực đi tìm dấu vết Y Uyên từ chân dung, thủ bút, truyện ngắn, phê bình, điểm sách, kỷ niệm, hình ảnh v.v… Sẽ có bút tích văn học cần khơi lại sau cuộc bể dâu…

Tôi tin rằng, hương hồn Y Uyên sẽ phù hộ cho việc làm của chúng ta. Phải không những bạn hữu của ta trong và ngoài nước?

V. Viết những giòng cuối cùng này vào ngày Lễ Tạ Ơn. Xin được gởi đến bạn bè thân hữu và bạn đọc đã giúp đỡ tạp chí của chúng ta trong ba năm qua. Và cũng nhân dịp này xin được gởi đến các bạn và gia đình những lời chúc Giáng Sinh và Năm Mới tốt đẹp nhất của chúng tôi.

tranh thân trọng minh

Những trang viết từ Houston:

Trần bang Thạch

TRỜI HOUSTON ĐÃ VÀO THU TỪ VÀI TUẦN NAY Cái nóng vẫn không hạ nhiều, nhưng những ngọn gió lang thang ghé chơi bất chợt cũng đủ tạo một chút hơi thu. Một độc giả của TQBT từ Dallas cũng đã cảm nhận được những bước thu về. Chị nói: “Mới đây mà đã tròn năm”. Người nghe bỗng giật mình và chợt nhớ: Tròn năm? Thêm một mùa trăng đã về! Đã một năm qua! Mau quá! Chỉ ngần ấy chữ được thốt ra đã đủ cho hai người đang vui chuyện biết rằng mình đang nói về một đêm họp mặt dưới trăng của mùa thu năm trước. Phải, đã một năm qua từ ngày TQBT họp mặt kỷ niệm 2 năm tạp chí có mặt. Hơn trăm gương mặt độc giả, bạn văn và bằng hữu ngồi quanh những chiếc bàn thấp trong khu vườn rộng đầy hoa hồng. Những bóng điện mờ. Một chút trăng còn lấp ló trong mây. Chiếc bánh sinh nhật với 2 ngọn nến đỏ trên mặt bàn đá xanh nơi góc vườn. Sau đó có người làm mấy câu thơ: Hãy thắp cho ta ngọn nến, mừng ta gặp lại anh em. Thắp lên cho ta ngọn nữa, ta hơ nóng lại nỗi … niềm. Một năm đã trôi qua, những nỗi niềm chắc đã nóng. Những ân tình chắc còn nguyên. Giọng ngâm thơ còn đó. Tiếng hát, tiếng đàn còn đó. Ít nhất là vẫn còn trong trí nhớ của vài người. Còn đó để nói rằng TQBT đã lớn thêm một tuổi. Ba tuổi sống trong dòng văn chương hải ngoại với 17 tuyển tập thơ văn. Chỉ một năm qua 5 tập TQBT đã được in với hơn một ngàn trang văn thơ thoát đi từ những người còn ham mê chữ nghĩa để đến với những người còn thương yêu chữ nghĩa.

Ý chừng thời gian đang được đếm. Đếm thời gian hình như là một cách để đếm những mất những còn, những quên những nhớ. Là đếm những buồn vui. Là nhìn lại. Nhìn những dòng thơ văn được hình thành trong hoàn cảnh xã hội đầy khó khăn nơi quê nhà, hay những bài viết giữa khuya, những ngón tay trên bàn phím chăm chút từng trang bài sau những giờ lao động tất bật tại quê người. Nhìn cái basement ngổn ngang giấy má, máy in, máy đóng, máy cắt và mồ hôi, và mắt nhắm mắt mở. Để cuối cùng được nhìn những ân tình nồng ấm của người đọc khắp nơi. Người bạn văn ở quê nghèo Tầm Vu đánh vào email một tiếng “KHOÁI” ngay sau khi đọc xong Tập 16 chỉ trong 1 đêm. Vị thầy cũ từ vùng Florence thổ lộ niềm thích thú của mình khi gặp lại những cây viết ông thích đọc từ mấy mươi năm trước trên các tạp chí văn học Sài Gòn. Có người đã gởi đi những dòng thư nầy sau khi nhận những tập TQBT: “Từ nhỏ đến lớn tôi chưa từng nhận được của ai một món quà nào ‘vô vụ lợi’ bao giờ, ngoại trừ từ bố mẹ, và nay là ông. Ông làm tôi cảm động quá. Tôi không mong đợi mình được đối xử ‘High Class’ đến như thế này. Dù sao chăng nữa ông cho phép tôi đóng góp chút phần của mình để nuôi sống TQBT. ‘Của ít lòng nhiều’. Tôi không có tài viết mà chỉ biết đọc nên hy vọng chút tấm lòng của tất cả bạn đọc và tôi sẽ giúp TQBT sống thêm vài chục năm nữa. Nên lắm chứ, phải không? Và có phải, bây giờ, tôi đang bắt đầu tin rằng vẫn còn có tình người ấm áp trong cuộc sống đầy những trao đổi, lừa lọc và bất trắc này không ông”. Tôi quả thật vô lễ khi tự trích những dòng thư này mà không xin phép người viết, chị HN. Xin chị HN tha lỗi. Tôi cũng xin những bạn bè thân quen, những bạn đọc gần xa…. đã “của ít lòng nhiều” giúp phần nào ấn phí cho 17 tập TQBT vừa qua mà nhóm chủ trương chưa một lần nêu danh tánh trên TQBT để cảm ơn. Nói như chị HN, TQBT sẽ sống thêm “vài chục năm nữa”, chúng ta còn đi chung đường thì cơ hội để nói lời cảm ơn chắc còn nhiều. Nhưng có thể vì đi chung ngàn dặm đường dài mà những lời cảm ơn chắc không cần phải nói ra.

Đó là những ‘cái còn’ kéo dài, những ‘cái vui’ ngàn dặm vẫn có mặt sau ba năm TQBT chào đời.

Đồng thời những ‘cái mất’, những ‘cái buồn’ cũng không thiếu trong dòng chảy của thời gian một năm qua. Chỉ một cái mất xảy ra vài ngày nay cũng đủ thấy cái buồn. Đó là sự ra đi vĩnh viễn của một độc giả trẻ của TQBT. Chị nói chị có cái thích thú khi chờ đợi TQBT và thích đọc TQBT từ từ như người độc ẩm ngồi nhấm từng hớp trà ướp sen. Chị nói đọc nhanh sẽ làm thời gian chờ đợi số kế tiếp sẽ dài hơn. Chị đã rất ân cần góp chuyện về cái truyện này, bài thơ kia, hỏi han về tác giả này tác giả nọ; đa số là chị không biết. Nhiều lần chị hỏi ý nghĩa của cái tranh bìa khó hiểu. Vốn cẩn trọng trong việc dùng tiếng Việt, chị nêu lên cả những lỗi chính tả, những lỗi đánh máy và in ấn. Chị ra đi ở tuổi chưa đầy bốn mươi, khi chưa hoàn thành vài ước nguyện mà lúc sinh thời chị cho là nhỏ: Tiếp tục hướng dẫn hai đứa con nhỏ phải nói, viết và đọc thông thạo Việt ngữ. Nhiều năm nay chị là người trực tiếp đưa các con đến các lớp Việt ngữ ngày Chủ Nhật, không bỏ sót một ngày nào. Nhiều năm nay vợ chồng chị và các con tiếp tục tom góp những quần áo, kẹo bánh, đồ chơi… gởi về những trại mồ côi, những lớp học nghèo nơi quê nhà. Mấy năm trước người ta đã từng ngạc nhiên khi thấy chị trong chuyến về thăm quê nhà đã dẫn hai con vào tận các trại cùi, các thôn ấp nghèo nàn để các con thấy tận mắt những mảnh đời khốn khó nơi quê mẹ và để các con trao tận tay người nghèo, người cùi những đồng tiền các con tiện tặn để dành. Rõ ràng chị đã dạy các con bài học thương yêu thực tế và vô cùng quí giá.

Rõ ràng TQBT từ nay mất một độc giả thân quí, thế gian này mất một kẻ có lòng. Biết rằng TQBT có rất nhiều những độc giả thân quí như chị, thế gian có biết bao kẻ có lòng như chị, nhưng bất cứ một mất mát nào cũng đau lòng. Nhóm chủ trương xin nghiêng mình tiễn đưa chị về cõi phúc và thành kính chia buồn cùng tang quyến.

Sắp tới đây sẽ có một TQBT đặc biệt, số kỷ niệm nhà văn quá cố Y Uyên. Đây cũng là một cách đếm thời gian. Đem ‘cái mất’ của quãng thời gian hơn ba mươi năm làm nên ‘cái còn’ cho ngày hôm nay há chẳng phải là một việc tình nghĩa nên làm.

Nhà thơ Bùi Giáng đã có lần thốt:

Tháng năm dòng nước trôi xa

người qua, người sẽ đi qua những người

Người đi thì người cứ ung dung mà đi, nhớ người thì làm sao mà tránh được.

Ôi thời gian! Ôi còn mất, mất còn!

Houston, Cuối tháng 10-2004

Tranh Thân Trọng Minh

 

Thâm Tâm. Cuối thu mưa nát lòng dâu bể.
Ngày muộn chuông đau chuyện đá vàng.

Cao Vị Khanh


1.

NGƯỜI   ĐÀN BÀ MẶC TOÀN ĐEN NÍU TAY TÔI lại hỏi, con mắt giấu kín sau cặp kiếng đen và bằng một giọng nói yếu  như đã hết hơi, thầm, rất thầm- còn “anh nhà văn”, anh sẽ nói gì với tôi. Tôi đột ngột chết trân, đặt tay lên đầu vai gầy guộc của chị, xoa nhè nhẹ mà không nói lời nào. Rồi quay đi.

Lúc nãy, giữa gian phòng kín mít đầy người, nồng nặc mùi nhang đèn và rì rì thứ âm thanh được dồn nín cho tới mức lặng thinh, tôi ngồi thu lu trong một góc, ngó nhìn những đường bay kỳ dị của những lọn khói lùng bùng trong cái không gian quánh sệt, lợn cợn buồn, thương và tiếc. Người bạn tôi, anh nằm ở đó, lẻ loi giữa những vòng hoa tươi, lần chót giữa bạn bè và người đàn bà đã cùng anh chung sống từ nhiều năm nay. Khách khứa ra vô, nháy mắt chào hỏi nhau, thầm thì một chút về người bạn chung rồi lại thầm thì về ba cái chuyện xăng dầu, giặc giã, và… và… Tôi bỗng dưng thấy làm biếng nói. Có điều gì để nói nữa không khi những gì cần nói đã có đủ hết trong bản Concerto en sol mineur soạn cho vĩ cầm của Max Bruch mà anh đã lặn lội tìm mua cho được để tặng tôi. Tôi đã nghe lại đêm qua, một mình, khi hay tin anh đã không còn đủ sức để nán lại với cuộc chơi. Trong đêm, tiếng mã vĩ  đã cứa vào lòng tôi lời hư vô rít luồn qua những mồ mả và tiếng trống chập chả đã giáng xả vào đầu tôi tiếng dội thùng thình đến mênh mông  của lòng huyệt.

Tôi đã lặng thinh mình tôi cho tới khi ra về.

Ở bên ngoài cũng vẫn y bầu trời thấp chủng như khi tôi lái xe vòng ngang núi tới đây. Vẫn sềnh sệt  mây. Vẫn ung úng nước. Và lá cây thì ớn lạnh vàng hoe. Đã cuối thu rồi, đường vắng, lòng bỗng nhớ Thâm Tâm.

Cuối thu mưa nát lòng dâu bể

Ngày muộn chuông đau chuyện đá vàng.

Người đàn ông đẹp, rất mã thượng, đời sống vật chất dễ chịu. Gốc dân du học rồi về nước lúc cuộc chiến tới hồi cao độ anh tình nguyện vào quân dược nhảy dù, đi đây đi đó tham gia nhiều chiến dịch dân vận. Mất xứ bỏ chạy sang đây, hai mươi mấy năm nay vẫn cứ hoài một niềm ân hận về chuyện quê hương đầt nước. Thông hiểu văn chương Pháp và Việt Nam, anh là một trong những độc giả đầu tiên của TQBT, thỉnh thoảng anh ghé thăm tôi, tặng tôi hộp cà-phê lạ biểu để dành uống khi viết văn, đôi khi rủ xuống nhà khui chai rượu chát ngon vừa kỳ công mua được nói đãi tôi về một câu văn đẹp, và vẫn thường xuyên nhờ tôi chuyển lời thăm hỏi dù không quen biết đến mấy anh-em-làm văn-nghệ-chịu-chơi. Nhiều lần cứ áy náy về chuyện tiền nong in ấn, cứ bần thần về số phận của những cây viết còn ở lại bên đó, lẫn lẫn trong câu chuyện hàn huyên là niềm thông cảm tuyệt diệu của một người ở ngoài làng văn về những thiệt thòi của một người cầm-bút-tay-trái-ở-một-nơi-không-phải-chỗ-của-mình. Đôi khi anh hỏi thăm về đời sống của một nhà thơ này. Lần nữa phê bình đoạn văn của một người kỳ cựu khác. Mà dù khen hay chê, bao giờ cũng với một cung cách thật trang trọng và chí tình.

Hơn sáu mươi năm phải sống đời chim thiên di, hai mươi năm cuối như người lãng tử nhớ nhà, anh chọn lựa yêu thích hết mọi thứ có chút gì hơi hướm của quê hương. Nhất là thứ quê hương tội nghiệp trong lòng những người viết lách còn cố giữ lấy cho mình niềm tin về một “chốn quê nhà”. Chắc tại vậy anh yêu thích TQBT. Và lúc nào cũng không quên làm cái chuyện quảng cáo không ai mượn. Và bao giờ cũng là người đầu tiên nhắc đến chuyện tiền giấy mực…

Cám ơn anh, người bạn ân cần đã làm tôi thức khuya dậy sớm, mằn mò mấy cái phím chữ vô tình để tìm chữ hữu tình mà đền đáp.

Cám ơn anh đã sống một đời nghĩa khí để bạn bè tôi không đến nỗi cô đơn. Sự cưu mang dù trong thầm lặng của những tấm lòng như anh đã và vẫn là những chỗ dựa thủy chung mà đời nào và ở đâu cũng làm cho cuộc sống bớt đi phần vô nghĩa.

Bản concerto kết thúc bằng một đoạn allegro. Quãng đường cuối thênh thang, mở ra giục giã. Hãy lên đường anh nhé, thong dong. Xin chào anh, lần nữa.

1.bis

Hôm chót trước giờ động quan, một chị bạn thân vẫn làm “đại lý không công” cho tập báo tự dưng đem đặt trên bàn lễ, cạnh bức hình anh, tập TQBT 16. Rồi quay qua nói với tôi cuốn đó của ảnh.

Cuốn đó của ảnh ! Đúng, chắc chắn là của ảnh. Cũng như đã là của chị từ ngày đầu đã làm cái chuyện chở sách thay tôi đem tặng người này người nọ với cái xác quyết gọn bâng… mà phải là người “biết đọc” nhen anh. Rồi cũng chính chị thỉnh thoảng vẫn xách xe chạy nhắc người này người nọ về cái nợ-chẳng-ai-đòi, cắc ca cắc củm thâu góp… đợi khá khá tui kho mắm anh xuống ăn cơm tui đưa luôn gởi cho anh Th. tội nghiệp ảnh tốn kém quá mà. Cái giọng Bình Dương ngọt thanh như trái măng cụt mới hái ngoài vườn.

Phải cái đám người thầm lặng đó đã sáng tác giùm ta mấy câu thơ óng ả. Và phải họ đã nghĩ ngợi giùm ta mớ ý tưởng thâm trầm.

2. Thư tháng 10 gởi bạn xa.

Hôm qua, giờ ăn trưa ra ngồi nhai miếng pizza cứng còng giữa cái parking mênh mông của sở làm vừa đọc TQBT 16. Trời còn sũng mớ nước dư thừa của trận bão France bên xứ bạn. Miếng pizza ngoan cố mà mớ chữ nghĩa đậm đà làm bữa ăn vội vã vẫn thấy ngon.

Cám ơn Trần Bang Thạch  quá bạn ơi. Vẫn cái giọng điệu khề khà bạn làm tôi bỗng dưng sống lại cái tâm trạng hai mươi mấy năm trước khi mới qua làm nghề giao pizza… Có lần giữa đêm đông lội tuyết đem bánh cho đám sinh viên học khuya ở một campus giữa lưng chừng núi…Tay cầm hộp bánh, lòng vòng qua mấy khu học xá còn sáng đèn, rồi loanh quanh mấy cái hành lang thăm thẳm, nhìn ngó vô thư viện thấy sách vở chất ngất, thấy đám sinh viên trẻ măng đang chúi mũi vào bài vở….bỗng dưng tôi thèm được “đi học” quá bạn ơi.. rồi cũng tự  hẹn… sẽ có ngày trở lại ngôi trường đại học này không phải để giao pizza mà là để làm sinh viên, để được vọc phá mớ sách vở dày cộm … Vậy đó, hẹn vậy đó mà cứ lỡ hẹn hoài, ngày này ngày khác, lần lữa… nợ người nợ đời trả hoài không hết…. nên cái nợ mình thôi cũng đành giựt luôn. Đọc bạn mà quá đỗi bồi hồi. Vẫn là ba cái chuyện cũ mèm, lụn vụn mà bạn dắt người  ta đi loanh quanh trong cái vòng hiện sinh rất bình thường của người ta một cách thích thú. Đâu có cần huyênh hoang dao to búa lớn gì đâu, đâu có cần “đâm nổ mặt trời” hay “hiếp dâm mặt trăng ” gì đâu… mấy cái chuyện lặt vặt quanh đây mà chịu “nhìn mà thấy” như bạn và viết như bạn đã là văn chương chi mỹ rồi đó. Văn của bạn “khều” người  ta như mấy ngón tay (không có để móng nhọn) khều nhè nhẹ vào hồn nghe êm ái, bao dung như được dựa đầu vào bụng mấy “ông bang” ở bên nhà hồi đó. Ráng lên ông bang Thạch.

Còn Mưa của Trần Hoài Thư nữa. Mưa của bạn làm ướt lòng tôi quá. Ai mà không từng dầm mưa Thủ Đức bạn hả. Ờ những cơn mưa ở Bãi Bắn, mưa cổng số 9, mưa đồi 30, mưa đồi Mẹ Bồng Con, mưa xương-xăm-bụi-rậm, mưa mút-mùa-lệ- thủy, mưa mồ-côi ở vườn Tao Ngộ ngó mấy cái áo dài trắng bằng vải te-tô-rong mắc mưa theo kiểu “phập phồng” của bạn mà lòng cứ muốn thực tập bài địa hình địa vật …. Cực mà vui mà hãnh diện, lâu lâu nhắc lại mà thấy thương ơi là thương cái quãng đời đi học làm lính giết ngươi mà lòng thì vô tư lự cứ muốn thương hết thảy chúng sanh (chúng sanh nữ càng tốt bạn hả ) Cái thuở tuổi trẻ sao mà yêu đời đến vậy (yêu đời đến nỗi có lúc phải giả bộ bị cúp phép để khỏi ra vườn tao ngộ khi trời xui đất khiến mấy em gái hậu phương hè nhau xách giỏ lên thăm cùng lúc)…Hồi đó kể ra anh tiền tuyến mình cũng “ngây thơ vô số tội” bạn hả… Mưa của bạn làm tôi tối tăm mày mặt,  kỷ niệm quân trường ở đâu mà ùa về vô số kể. Cám ơn bạn, cám ơn Phạm Văn Nhàn đã dày công hãn mã mắt-lão-lay-out-đến-đỏ-hoe, cám ơn …hết thảy cái đám đã dám “chọn cho mình một niềm vui” khi cái đời đã không còn vui nữa…

3.

Lật bật đã cuối tháng 11. Vậy rồi qua tiếp nữa, từng năm. Cũng y nguyên cái nỗi thẫn thờ về một chuyện gì đó, không trọn. Có một cái gì đó, không đành… Hay tại cái tháng bản lề, nỗi háo hức của mùa hè chưa hết mà cái trì trệ của mùa đông chưa bắt đầu, người ta cũng đâm ra phân vân, bất định. Dù sao đó là khoảng thời gian khó sống nhất của một năm.

4.

Cuộc sống chừng như làm mặt lạ

Và ta chung một góc, buồn riêng

tranh thân trọng minh

Tâm sự với Ng~

( những người muôn năm cũ )

Phạm Văn Nhàn

VÀO  THƯỢNG  TUẦN THÁNG CHÍN NĂM 2004, anh Trần Hoài Thư gọi điện cho tôi từ New Jersey, nói: TQBT làm số đặc biệt tưởng niệm nhà văn Y Uyên . Bạn đồng ý? Anh hỏi tôi như thế, và tôi đồng ý ngay, không cần phải suy nghĩ; vì đây là “ một việc làm chính đáng ”. Tại sao chúng ta không làm nhỉ? Tôi nói với anh THT như vậy. Thế là, sau lần điện thoại của anh Thư, tôi và anh đã bắt tay vào việc ngay, là: đi tìm tư liệu và tìm lại những người bạn cũ của chúng ta, trong đó có bạn, còn ở quê nhà. Nhất là ở Tuy Hòa, nơi anh Y Uyên đã sống và đã dạy học ở đấy.

…Tưởng rằng với chủ đề tưởng niệm về nhà văn Y Uyên, đến đây là bế tắc- sau chuyến đi lên thư viện Cornell của anh THT- Nhưng không, trong tháng 10/2004. Những điện thư từ trong nước gởi ra, đồng tình làm số tưởng niệm nhà văn Y Uyên đã làm cho chúng tôi “ phấn chấn”. Các bạn cũ đã một thời ở gần với nhà văn Y Uyên hỗ trợ ngay.

*

Hôm nay, tôi đã nhận tổng cộng ba cái truyện ngắn của Y Uyên, cùng với thủ bút và hình vẽ về anh. Thế là, tôi với anh THT cùng với anh em chủ trương TQBT trong và ngoài nước, quyết định làm số  đặc biệt tưởng niệm về nhà văn Y Uyên vào số TQBT 18.

2/

Bạn Ng~ thân

Khi ngồi đánh máy bài viết của anh TTM cho TQBT 17. Khi đánh tới phần cuối bài, tôi bắt gặp ngay 4 câu thơ của anh Cao Hoành Nhân ( 1989):

“…Là thế. Hơn ba mươi năm chân trời góc bể

Gặp lại- bạn, ta – tóc bạc đã già

Vẫn một chút ngông nghênh – Cuộc đời chi đáng kể

Chén rượu chuyền tay  ngửa mặt cười khà …”

Với bốn câu thơ trên của anh Cao Hoành Nhân, có lẽ, khi anh ấy trở lại Phan Thiết để thăm anh TTM? Còn tôi, khi đọc 4 câu thơ trên của anh Cao Hoành Nhân, tôi lại nhớ vào năm 1973 tôi “được” đưa đi thụ huấn tại TTHL/TCTR do Úc tổ chức tại Vạn Kiếp. Vì trong nghề HL với nhau, cho nên tôi được “ miễn ” ra bãi để học, chỉ ở nhà lo cho tờ “ Dao Rừng”. Anh em toàn là dân “đấm đá ở ngoài”, bảo viết bài cho tờ báo trường thì thà “ đi uống rượu” sướng hơn. Do đó, tôi lại phải bao sân. Bài vở không đủ, tôi được “xếp” cho về Sài Gòn lấy bài. Về PT gặp TTM, NBS mỗi người cho tôi xin vài ba bài thơ. Rồi vào ngã ba Tam Hiệp gặp anh Cao Hoành Nhân- khi ấy đơn vị của anh đóng ở đây- xin bài về cho nhà trường. Sau, chạy về Sài Gòn gặp Nguyên Minh nhờ in giùm cái bìa ( ba màu: xanh, trắng và nâu ). Anh bạn Minh bảo: không đủ sở hụi khi cho máy chạy ( bảy màu ) và, Minh dẫn tôi đi giới thiệu một người chuyên làm bìa bằng “thủ công”, tôi nhớ ở gần đường rầy xe lửa ( Phan Đình Phùng ). Anh ta làm rẽ, bìa ba màu, láng và đẹp. Đem về cho “xếp” xem. Chịu quá. Ngày mãn khóa, từ giã bạn bè, cũng là ngày ra mắt “ Dao Rừng ” . Không học mà đậu hạng hai. Mấy anh chàng Úc cứ tìm tôi mà “ rượt – bắt ra bãi học ”.

Bốn câu thơ của anh Cao Hoành Nhân – anh định cư  ở Mỹ, nơi nào xin liên lạc với tôi qua địa chỉ e-mail trên TQBT- làm tôi nhớ đến bạn cùng với những người bạn khác, đã lâu, cũng vì “ chiến cuộc ” mà chưa gặp lại. Anh Cao  Hoành Nhân đã gặp lại anh TTM. Còn tôi, hôm nay cũng gặp lại người bạn sau 42 năm. Với thời gian gần nửa thế kỷ ấy…thế mà: gặp lại – Bạn ta, tóc bạc đã già .

 

Ba mươi năm chinh chiến đã qua (tháng 4/1975), tôi với người bạn tôi- anh Vũ Thái Minh – một Tiểu Đoàn Trưởng/ TĐ3 Dù. Gặp nhau tại Houston ( điểm hẹn ) cùng với chị Minh. Hai thằng ôm nhau: ứa nước mắt.

Gặp lại người bạn trong không gian “yên ổn” nơi xứ người. Không phải trong cái cảnh “ dầu sôi, lửa bỏng ” của tháng 3 năm 1975. Khi ấy, tôi nói: Lữ đoàn 3 Dù có ra DM/KH. Mầy ở đâu? Lữ đoàn nào? 3/TĐ3, hắn nói rồi hỏi tôi: mầy cũng ở LS/DM? Ừ! Hoá ra hai thằng cùng một chức vụ: tôi hậu phương, nó tiền tuyến. Dù đến DM, tôi không biết  có bạn tôi đến; chứ biết, hai thằng cũng quất cần câu một đêm trong TĐ của tôi. Nhưng dù gì tôi cũng yên ổn được vài đêm, khỏi mất ngủ. Dù nhổ cẳng, nhổ chân, qua sáng hôm sau, tôi cũng nhổ chân, nhổ cẳng. Im lìm. Cũng như ngày nó đậu xong tú tài, nó bỏ chúng tôi lên núi tu tiên. Xuống núi: thế thiên hành đạo, vào nơi gió cát, chọn cho mình một hướng đi, tưởng rằng hướng đi đó là đúng, cho dù: có đi vào nơi gió cát, da ngựa được bọc thây cũng được…. Nào ngờ, buông tay, bỏ cờ. Nó đi biệt xứ. 42 năm gặp lại. Thời gian đủ để cho hai đứa chúng tôi nhắc lại chuyện xưa. Mà cũng vui, bạn ạ! Đời nhà binh nhưng không là “tình nhà thổ ”. Hôm nay gặp lại nhau trong cái tuổi về chiều lúc nào cũng “ ủng hộ” hết mình cho tạp chí của tụi mình ( TQBT ) với anh em “ Dù ”. Một tờ báo có thêm một độc giả là mình vui, phải không Ng~?

Gặp lại người bạn cũ, gần 15 năm chiến đấu trong “ Dù ”, còn sống đến hôm nay là tôi vui. Nhất là: khi thấy nó đưa cả vợ vượt hơn 22 tiếng đồng hồ lái xe từ Miami để đến Houston gặp tôi, rồi lại lái xe trở về, cũng mất 22 tiếng đồng hồ như vậy. Thành công là: chúng tôi gặp nhau, cho dù mất bao nhiêu thời gian đi và về. Cũng như người bạn tôi ( anh Trần Hoài Thư ) lái xe mất 10 tiếng đồng hồ để đến thư viện Cornell tìm tư liệu để viết về nhà văn Y Uyên, mà không tìm thấy. Đành phải trở về không.

Hai người bạn của tôi có khác nhau đấy, nhưng cũng cùng một “ mục đích” là: tìm lại những cái gì cũ, thật quý. Bạn cũ, và “ người viết văn cũ ”. Muôn năm.

3/

Trong TQBT 16, anh LKT có viết trong mục Viết Chung. Anh viết về: Sài Gòn- Sách. Có đoạn ( xin trích) :  

…. Nói đến một quyển sách đẹp, thiết nghĩ phải kể đến tài của người trình bày bìa. Câu “ tốt gỗ hơn tốt nước sơn ” của người xưa có lẽ không thể buộc vào một quyển sách được. Trước 1975, ở Sài Gòn có những họa sĩ trình bày bìa sách nổi tiếng như  Đinh Cường, Nguyễn Trung, Hoàng Ngọc Biên… Họa sĩ Đinh Cường chuyên trình bày bìa sách cho các nhà xuất bản An Tiêm và Lá Bối. Họa sĩ Hoàng Ngọc Biên là người đầu tiên học ngành đồ họa ở nước ngoài, làm việc ở trung tâm học liệu, chuyên trình bày bìa sách cho cơ quan này và nhà xuất bản Trình Bày. Mỗi họa sĩ đều có style trình bày riêng, nhìn vào bìa sách là biết ngay của ai, không lẫn được…”

Đọc lại đoạn văn ngắn trong bài viết của anh LKT, tôi gọi điện nói chuyện với anh Trần Hoài Thư  về một “tranh bìa” riêng biệt cho TQBT và cho “ Thư Ấn Quán ”. Đồng ý là, với TQBT- một tạp chí văn học làm bằng tay- không phải là những đầu sách có giá trị đã xuất bản ở Sài Gòn trước 1975, của An Tiêm và Lá Bối. Làm sao mà theo kịp với những nhà xuất bản  rất đứng đắn đã đi vào lòng độc gỉa trước 1975 ? Cũng như làm sao mà theo kịp với những nhà in chuyên nghiệp với những họa sĩ đã nổi danh ở hải ngoại này. Dù theo kịp hay không, không thành vấn đề. Cái cần đáng nói ở đây là phải tạo cho mình một hướng đi riêng biệt từ tạp chí văn học ( TQBT) cũng như Thư Ấn Quán ( in ấn và xuất bản ).

Với TQBT ( 17 số ) , và với Thư Ấn Quán ( 42 đầu sách đã in và phát hành ) đủ để chọn cho mình một “ lối vẽ riêng biệt ” và một logo cho Thư Ấn Quán.

Với bìa TQBT, sẽ do người “ họa sĩ ” không chuyên, chưa từng trải qua trường lớp hội họa nào đảm nhận, với những bức tranh được phác họa thật đơn giản, nhưng đã ít nhiều đi vào lòng độc giả của TQBT. Đơn giản, không cầu kỳ, không nhiều màu sắc như chính TQBT đã chủ trương. Người mà tôi muốn nói đến là họa sĩ không chuyên: Trần Quý Thoại. Cũng như trang bìa của tập thơ: Lẽo Đẽo Một Phương Quỳ, bìa của tâp thơ ấy cũng do người họa sĩ không chuyên này vẽ. Khi tập thơ LĐMPQ gởi về trong nước cho tác giả ( TTM) chính anh TTM nói chuyện với tôi qua điện thoại: lạ, cái hình bìa của tập thơ cứ bắt anh suy nghĩ mãi. Nhìn đi nhìn lại, thấy cũng hay hay.Hình như có cái gì đó rất là “đông phương”.

Còn về Thư Ấn Quán cũng vậy. 42 đầu sách đã phát hành, đủ cho chúng tôi chọn một logo cho Thư Ấn Quán. Và, sau đó, anh Trần Hoài Thư đã cho tôi xem những logo mà anh gởi đến tôi. Cuối cùng chúng tôi chọn một trong những logo mà bạn đọc đã thấy in trên đầu sách mới vừa phát hành, như: tập thơ Ô Cửa của anh Trần Hoài Thư (dầy gần 400 trang) và tập thơ 14 tác giả trong và ngoài nước. Hai tập thơ này vừa mới phát hành vào hạ tuần tháng 10/04.

Discover more from BLOG THT & THƯ QUÁN BẢN THẢO

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading