Viết lúc 4AM – “Tôi ngại quê nhà nhưng lại hoài hương”

 
Các con, thế nào ba cũng dọn nhà đi viễn xứ
Dù tình quê hương rất khó nguôi khuây
Nhưng nghĩ giòng sông đã nhơ, lòng người đã đục
Đâu có người thương tiếc đám mây bay

(Nguyễn Bắc Sơn, 1973)

Trong thời chiến, thường thường có những nhà thơ được biết nhiều, do từ sự phổ thơ của họ. Như Vũ Hữu Định qua Còn một chút gì để nhớ,

hay Nguyễn Tất Nhiên qua Em hiền như Ma Soeur, Linh Phương qua Kỷ vật cho em,  Phạm văn Bình qua Mười hai tháng quân đi (sau đổi thành Hành trình TQLC)… hay Lê thị Ý với Ngày mai đi nhận xác chồng… Qua người nhạc sĩ tài danh, thơ họ đã đi vào lòng người nhiều hơn, tên tuổi họ được nhắc nhở nhiều hơn.

Nhưng trường hợp Nguyễn Bắc Sơn là một ngoại lệ. Thơ ông không được phổ nhạc. Bài thơ Chiến Tranh VN và tôi, Thảo Khấu đầu tiên được đăng trên tuần báo Khởi Hành – cơ quan của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân đội – nhưng đã được truyền tụng mau chóng sau đó. Khỏi cần nhờ đến Phạm Duy hay một nhạc sĩ thời danh nào. Ví dụ những câu:

Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé Sông Mao phá phách chơi
Tiêu nốt nỗi sầu cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui…

Vì sao? Theo tôi, bởi chúng đã đáp ứng được phần nào tâm trạng của tuổi trẻ thời chiến chúng tôi bấy giờ…
Sau đây, chúng tôi xin cống hiến quí bạn một bài thơ khác, được chúng tôi sưu tầm trên Xuân Sóng Thần năm 1973  chẳng những nói về một người trẻ tuổi mang thân phận lưu đày trên quê hương mình trong thời chiến tranh, mà kỳ lạ thay, bây giờ đọc nó chúng ta cảm thấy như ông nói hộ cho mình – những người viễn xứ – như chúng tôi hôm nay.Ví dụ:

Tôi ngại quê nhà nhưng lại hoài hương

hay:

Các con, thế nào ba cũng dọn nhà đi viễn xứ

Dù tình quê hương rất khó nguôi khuây

 

Sau đây là toàn bài Trời Cố Xứ. Chúng tôi tin rằng tác giả đã không còn giữ, và người đọc ít ai nhớ hoặc biết.

Trời cố xứ

Gởi Thức, Hoàng và Tân

Trời mưa ở Nha Trang làm tôi nhớ bạn đến rơi nước mắt

Khi thấy rượu tràn sôi vành ly

Hoa sứ đỏ rụng nhiều xui tôi nhớ ngày đi trọ học

Nhà em láng giềng cửa sổ mở đêm khuya

Tưởng tượng có người thanh niên ngồi im trong quán gió

Khi chuyến xe đò tách bến trong mưa

Chuyến xe chở người đàn bà mang áo khoác

Tóc dài như tóc của em xưa

Tôi sợ tình yêu như sợ nhìn về viễn kiếp

Tôi ngại quê nhà nhưng lại hoài hương

Biết đâu mẹ tôi không đang sơn xanh ngôi nhà, mở toang từng cánh cửa

Mong bóng tôi bỗng hiện cuối con đường

Nơi cổ thành kia tôi đã lớn khôn đã cười đã khóc

Đã đem lòng thương mến Cúc Hoa em

Đã sống âm thầm những năm bất khuất

Soi chiếu đời với những que diêm

Tưởng tượng giữa trưa có người thanh niên nghe tiếng con gà trống gáy

Nghĩ đời mình trôi dạt biết bao nhiêu

Máu tôi lẫn máu người du mục

Nhưng lòng tôi e gió thổi đìu hiu

Các con ơi, tưởng tượng ba mỗi ngày ôm theo nón sắt

Đứng chờ xe trước ngã ba đường

Phải lộn sòng theo gái giang hồ và những tay mổ mật

Các con sẽ thấy lòng người đen bạc ở quê hương

Cổ thành kia ơi, cổ thành bạc bẽo

Đuổi xua người trai trẻ mến thương người

Vì sao người thành ra bãi rác

Thành ra nơi đĩ điếm chuột heo ruồi

Các con, thế nào ba cũng dọn nhà đi viễn xứ

Dù tình quê hương rất khó nguôi khuây

Nhưng nghĩ giòng sông đã nhơ, lòng người đã đục

Đâu có người thương tiếc đám mây bay

Nguyễn Bắc Sơn

(trích từ báo Sóng Thần số Xuân năm 1973)

%d bloggers like this: