
Lớn là lớn thế nào? Có phải sách được dịch ra nhiều thứ tiếng, phim được dựng, được các nhà khoa bảng dùng làm luận án ra trường? Hay có rất nhiều độc giả hâm mộ? Tôi không tin như vậy. Thảm kịch về chiến tranh và sau chiến tranh ở trên quả đất này chỉ bằng một góc của thảm kịch Việt Nam.
Một nhóm lính Bắc đêm trăng mò ra từ núi để lục soát chiến trường, bỗng nghe tiếng rên rỉ của một người lính miền Nam. Người lính Bắc đi đầu vội lấy dao găm đâm xuống. Người lính Bắc thứ hai chụp tay cản lại. Ðó, lớn là ở chỗ ấy. Lớn ở trong trái tim của một người lính thù nghịch. Lớn ở chuyện người lính thám báo miền Nam tháo sợi dây chuyền và chiếc đồng hồ nhờ trao lại cho thân nhân, để vợ có thêm chút tiền bạc mà nuôi nấng đứa con không cha. Lớn ở điếu thuốc lá người lính miền Nam mời người tù thương binh thù nghịch. Lớn ở những cõi lòng của những người đàn bà Việt Nam, trời ơi, tìm đâu ra, hai chân xước máu, sau cuộc chiến tranh: Người mẹ Bắc lên non tìm xác, người mẹ Nam xuống biển tìm con…
Việt Nam không đủ những chất liệu sao?
Kinh nghiệm Việt Nam không đánh thức lương tâm loài người sao?
Bài học Việt Nam không phải là bài học cho cả nhân loại, cho các cuộc tranh cử vận động tổng thống Hoa Kỳ sao?
Chừng nào người ta không còn bị căn bệnh “nô lệ tinh thần” có lẽ chừng ấy Việt Nam mới có tác phẩm lớn.
Chừng nào những người có khả năng ngoại ngữ “dịch giùm” những tác phẩm của tác giả Việt, chừng nào các nhà phê bình “đi tìm” tác phẩm hơn là nằm nhà đọc một vài tạp chí, hay tác phẩm “vớ” được. Rồi nhìn ra biển sương mù mà nói về văn chương. Có lẽ ngày ấy Việt Nam mới có tác phẩm lớn.
Chừng ấy những câu thơ rờn rợn gió sinh tử như thế này sẽ đi vào tâm khảm của loài người. Những câu hành mà mãi đến hôm nay sau hơn ba mươi năm, chúng tôi mới được đọc. Bởi nó đã nằm dưới mộ huyệt như mộ huyệt đào sẵn cho tuổi trẻ hai miền. Nhưng may mắn, sau hơn ba mươi năm, có người khai quật mộ. Xin phép tác giả được đăng lại như là một chứng liệu lịch sử về văn học thời chiến miền Nam.
Biên cương hành
Biên cương, biên cương, chào biên cương
Chào núi cao rừng thẳm nhiễu nhương
Máu đã nuôi rừng xanh xanh ngắt
Núi chập chùng như dãy mồ chôn
Gớm, gió Lào tanh mùi đất chết
Thổi lấp rừng già bạt núi non
Mùa khô tới theo chân thù địch
Ta về theo cho rậm chiến trường
Chiến trường ném binh như vãi đậu
Ðoàn quân ma bay khắp bốn phương
Lớp lớp chồm lên đè bẹp núi
Núi mang cao điểm ngút oan hờn
Ðá mang dáng dấp hồn chinh phụ
Chơ vơ chóp núi đứng bồng con
Khu chiến ngày tràn lan lửa dậy
Ðá vọng phu mọc khắp biên cương
Biên cương, biên cương đi biền biệt
Chưa hết thanh xuân đã cùng đường
Trông núi có khi lầm bóng vợ
Ôm đá mà mơ chuyện yêu đương
Thôi em, sá chi ta mà đợi
Sá chi hạt cát giữa sa trường
Sa trường anh hùng còn vùi dập
Há rằng ta biết hẹn gì hơn?
Ðây biên cương, ghê thay biên cương!
Núi tiếp rừng, rừng tiếp khe truông
Hãi hùng chưa trời hoang mây rậm
Mùa mưa về báo hiệu tai ương
Quân len lỏi dưới tàn lá dữ
Lá xôn xao xanh mặt hoảng hồn
Sát khí đằng đằng rừng dựng tóc
Ma thiêng còn ngán bọn cô hồn
Cô hồn một lũ nơi quan ải
Có khi đã hoá thành thú muông
Cô hồn một lúc nơi đất trích
Vỗ đá mà ca ngông hát cuồng
Chém cây cho đỡ thèm giết chóc
Ðỡ thèm môi mắt gái buôn hương
Ðây biên cương, ghê thay biên cương!
Tử khí bốc lên dày như sương
Núi chảy mồ hôi rừng ứa máu
Rừng núi ơi ta đến chia buồn
Buồn quá giả làm con vượn hú
Nào ngờ ta con thú bị thương
Chiều hôm bắt tay làm loa gọi
Gọi ai nơi viễn xứ tha phương?
Gọi ai giữa sơn cùng thủy tận?
Ai người thiên cổ tiếc máu xương?
Em đâu quê nhà cong mắt đợi
Vô duyên xui rơi lược vỡ gương
Ngày về không hẹn ngày hôn lễ
Hoặc ngày ta nhắm mắt tay buông
Thôi em, chớ liều thân cô phụ
Chiến trường nay lắm nỗi đoạn trường
Nơi nơi lạnh trăm dòng sông Dịch
Kinh Kha đời nay cả vạn muôn
Há một mình ta xuôi biên tái
“Nhất khứ bất phục phản” là thường!
Thôi em, còn chi ta mà đợi
Ngày về: thân cạn máu khô xương!
Ngày về: hôn lễ hay tang lễ?
Hề chi! Buổi chinh chiến tang thương
Hề chi! Kiếp cây rừng đá núi
Nghìn năm hồn quanh quẩn biên cương
5.1972
(Phạm Ngọc Lư, trích “Thư quán bản thảo” tập 13 tháng 1/2004, trang 34)
[Trở lại trang chính]