Viết lúc 4AM – Chuyện khoe

Tôi đã làm cho hai hãng lớn nhất nhì nước Mỹ là AT&T và IBM. Tôi đã nhận nhiều phần thưởng do từ những dự án giúp công ty tiết kiệm tiền bạc, nhân lực. Đâu có gì để mà phải khoe khoang thành tích. Phần thưởng mình nhận, mình được tăng thêm tiền lương, chỉ dành cho mình, để cá nhân mình, gia đình mình riêng hưởng, đâu có gì để mà phải khoe. Chẳng ai hưởng từ cái thành tích của mình. Cũng như chẳng ai hưởng từ cái nhà cao, cửa rộng, xe đẹp, con bác sĩ kỹ sư của mình, cần gì mà phải khoe chứ…

Có điều, tôi muốn chứng tỏ, bọn “ngụy”, “phản động”, “đĩ điếm” này đã vươn lên như thế đó. Ngày xưa cầm súng, lao vào cõi dữ. Sau hòa bình, bị lùa vào trại khổ sai, ra tù ta bán cà rem hề, sống như vậy đó, ngẩng đầu như vậy đó, ở quê người.

Dù vậy, tại sao tôi không hãnh diện như khi nhìn hai bộ sách đồ sộ mà chính tự tay tôi đóng khâu, in ấn, làm bìa cứng, và bỏ chúng vào một chỗ trang trọng nhất của nhà tôi. Bạn làm sao biết, tôi mê mẩn, vuốt ve chúng trước khi tôi ngủ. Tôi để chúng bên gối, cầm chúng lên, úp mặt, úp mũi vào những chiếc bìa cứng của từng cuốn một. Như một giấc mơ. Như một chuyện không thể tin được. Những cuốn sách ấy, bao nhiêu bài thơ, bài văn của miền Nam ngỡ như không bao giờ thấy lại. Do mồ hôi và công khó của mình, qua đèo, vượt ải, tuyết giá, sưu tập, rồi đánh máy, layout, dàn trang, rồi khâu, đóng, cắt… Tôi nào có biết gì chuyện làm sách theo kiểu hardcover đâu. Chẳng có sách nào chỉ. Chẳng có trường nào dạy. Bởi  chuyện ngồi khâu là chuyện hoang đường ở một xã hội máy móc như xã hội Mỹ này.  Nếu có chăng tiền công đòi hỏi một giá rất mắc.  Tính theo giờ bỏ ra để thực hiện, một cuốn sách nếu khâu chỉ phải mất tối thiểu một ngày, một ngày 8 tiếng, một tiếng $15, vị chi là $120, chưa kể  giấy, mực, bìa, keo…

Như vậy, tôi làm sao để có thể biến chữ nghĩa kia thành một thực thể. Tôi không thể gởi qua Hồng Kông để in vì không đủ khả năng tài chánh. Tôi cũng không thể đưa cho nhà in Mỹ in, vì tiền công quá mắc. Bây giờ chỉ còn cách là tự học. Tự nghĩ ra sáng kiến. Tự lợi dụng cái kiến thức và kinh nghiệm đã học từ AT&T và IBM để viết những chương trình áp dụng…

Có người bảo tôi ngu, điên khùng, khi phải “lấy công làm lỗ”. Tuổi già, mắt kém, vậy mà phải khâu, phải xỏ chỉ, để khâu 5 cuốn thơ trung bình 700 trang một cuốn. Nếu tính ra tiền công, tôi bị lỗ nặng, trước sau cũng phải khai bankrupcy !

Nhưng mà đổi lại là niềm vui. Tôi vui lắm bạn ạ. Vui bởi vì từ nay, văn thơ của một thời miền Nam ngỡ như bị mất, bị triệt hủy, nay đã sống lại từng trang, từng giòng, lóng lánh ánh sáng…

Tôi biết chẳng ai làm như tôi. Không phải họ không làm được, nhưng là vì họ không muốn làm. Chỉ có kẻ khùng mới làm. Chắc họ sẽ nghĩ như vậy.

Có người bảo tôi tự đánh bóng để quảng cáo sách bán.

Còn khuya. Bỏ vàng bạc mà mua, chưa chắc tôi làm. Thách đấy.

Dân gốc thám báo mà.

***

Tôi nghe bộ thơ và văn miền Nam do tôi thực hiện được rao bán với giá rất cao ở trong nước. Đó là một niềm an ủi. Ít ra cái công trình của mình vẫn được xem là giá trị, để thiên hạ phải tìm tòi…

Có người dạy tôi tại sao không làm e-book đưa lên trên trang mạng để tất cả đều đọc. Tôi nói, cái công của tôi không phải dễ dàng để cho một cái click con chuột. Cái công của tôi cũng không thể mua được bằng tiền bạc, hay bằng những nhân danh này nọ. Mà bằng cái tình.

Như cái tình của một người mang một tập thơ từ Mỹ chuyển về, đến gặp người bạn thơ trong hội chợ sách ở SG để thay mặt tôi tặng lại trong lúc thiên hạ trầm trồ lật bìa trước, nhìn bìa sau, xem giá tiền, coi tên tác giả, đánh giá cuốn sách như một sản phẩm mua và bán.

%d