Về trường hợp Ngô Kha, có những ý kiến khác nhau về con người của ông. Phía thân CS, xem Ngô Kha là liệt sĩ hết lời tung hô. Phía bên quốc gia kết án Ngô Kha thân Cộng, theo nhóm Tuyệt Tình Cốc của Hoàng Phủ Ngọc Tường, hết lời nguyền rủa. Còn có ý kiến khác cho là ông có tinh thần dân tộc, chống Cộng, chống việc Mỹ có mặt ở miền Nam, bất mãn trước một xã hội tan rã bấy giờ…
Theo những tin từ internet (dĩ nhiên chúng tôi tham khảo với tất cả sự dè dặt) nhà thơ Ngô Kha bị tù ba lần. Lần đầu vì tham gia tích cực chiến đoàn Nguyễn Đại Thức trong vụ Phật giáo miền Trung và bị giam ở Phú Quốc trong một thời gian ngắn, lần thứ hai vào năm 1972 vì bị nghi ngờ thân Cộng qua những hoạt động thân tả. Lần này được trắng án bởi Tòa án Quân sự Mặt Trận vùng hai. Lần thứ ba do cơ quan an ninh (dân sự) bắt. Cái chết của ông xảy ra vào năm 1973. Nguồn tin cho biết ông bị thủ tiêu. (Chúng tôi lặp lại, chúng tôi đăng với tất cả sự dè dặt).
Tuy nhiên một câu hỏi là Ngô Kha có phải là thiên Cộng hay không. Tại sao Tòa án Quân sự Mặt Trận vùng hai lại tha bổng ông trong phiên tòa năm 1972 vì không tìm ra chứng cứ chứng tỏ ông là CS?
Chúng tôi không có kết luận. Chỉ có chăng là biết thơ ông thay đổi tùy theo thời gian và không gian của thời đại. Nói nôm na là lịch sử của dân tộc.
Qua những bài thơ chúng tôi sưu tầm được từ thư viện đại học Cornell, chúng tôi nhận thấy thơ ông thay đổi theo hai giai đoạn rõ rệt.
Giai đoạn 1: Thời quân Mỹ chưa có mặt tại miền Nam.
Ngô Kha bị động viên khóa 16 Trừ bị Thủ Đức. Khóa nhập học tháng 6 năm 1963 và ra trường vào năm 1964 lúc chiến tranh bắt đầu sôi động. Và Ngô Kha đã làm bài thơ Mặt Trời Mọc để tặng các bạn sinh viên đồng khóa. Bài thơ này được đăng trên tạp chí Mai, số 40 xuất bản vào năm 1964.
Đây là một bản tuyên ngôn, nói rõ lập trường chống Cộng dứt khoát của ông:
hỡi những người lính Tàu, lính Nhật, lính Mỹ, lính Pháp
những người Cộng Sản
cát bụi công bình mà thương cho số phận tất cả
bởi ai đã chối bỏ chìa khóa mở cửa chốn địa đàng này
nên bây giờ có những lũ người đi vào bằng bạo lực
Ta phải chiến đấu…
MẶT TRỜI MỌC
Tặng các bạn tôi – Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức Khóa 16
1.
Cửa mắt này rộng mở cho thời gian đi qua
người con gái ngày xưa
người con gái hôm nay
tôi không còn nhớ
hay chỉ là mơ hồ
nước mắt nào làm thành chuỗi ngọc xanh
thế kỷ này nằm bệnh và tôi chờ em đem tiếng hát
lời vu vơ
vẫn là lời vu vơ ấy
cho tôi biết ngày mai mặt trời làm gì
tình yêu em mang làm tôi phiêu du đến chân trời nào đó
tôi không nói gì
dù vẫn còn trên trái đất
và như loài thảo mộc
thèm ăn hương đồng với sương mai
nghĩ đến ngày xưa em làm người yêu lấy hoa dệt áo
nghĩ đến bây giờ người con gái đan áo cho tình nhân bằng nước mắt
thời chinh chiến này
nói chuyện về cái chết của đứa con trai
thản nhiên
lịch sử cũng biết khiêu vũ
mọi người cùng đi điệu valse
mọi người cùng theo điệu twist
chiến tranh nhảy rock
2.
Cho tôi ở lại bộ binh để làm nữ hoàng của chiến trận
buổi mai thức dậy thấy ánh nắng vô tư diễn hành trên các đọt cây
doanh trại đẹp như những vần thơ
Tôi nhớ đến rượu hoàng hoa
mà tủi thương người lính thú
cho tôi làm người lính gác giặc
những chiều đóng quân nghe âm thanh cao vút của rừng thông
lặng chờ tiếng gọi âm thầm tự trong lòng đất huyền bí
hỡi những người lính Tàu, lính Nhật, lính Mỹ, lính Pháp
những người Cộng Sản
cát bụi công bình mà thương cho số phận tất cả
bởi ai đã chối bỏ chìa khóa mở cửa chốn địa đàng này
nên bây giờ có những lũ người đi vào bằng bạo lực
Ta phải chiến đấu
nên ta phải sống bằng sự thức tỉnh và báo động thường trực
chúng ở đây
chúng ở đó
người lính gác giặc phải thức suốt đêm canh
rồi ngày cũng sẽ tàn
đêm không còn nữa
anh lính gác giặc
chúng ta giã từ vị trí bố phòng trở về mái nhà nằm ngủ với chim bồ câu
rồi bình minh đi xem những cây lúa trổ bông – nhắn nhủ cho tất cả mọi người – sự phá sản này làm cho tôi nhiều đêm thức ngủ
3.
Người con gái không hiểu nỗi buồn của người lính chiến
tôi vẫn thèm nói đến câu “hữu thân hữu khổ ”
như lời nguyền rủa chân thành loài người của tôi
như mỗi lần tôi hằng nói
chọn cuộc đời làm ngôi mộ
Hãy vẽ thật huy hoàng trên cái chết
người Ai Cập có Tự tháp
người Hy Lạp có Nhã điển
người Da Đen có thánh ca
Việt Nam có tuẫn tiết
chúng ta hẹn hò bất diệt
như dân tộc Việt Nam bao lần đứng lên
ca dao làm mạch sống
Cách mạng để thành công
đất mẹ xưa vốn gầy
người yêu ta từng khóc
bóng tối dẹp tan
ta ngồi trông mặt trời mọc
ngày mai ngoài đồng cỏ ca hát
mọi người đi hái hoa
chúng mình gọi tên nhau ngày hồi sinh
em mặt trời mọc
và anh Tự-Do.
(Mai, số 40 năm 1964. Trích lại từ Thơ Miền Nam Thời Chiến tập II, Thư Ấn Quán xb, năm 2008)
Giai đoạn hai: Thời kỳ quân đội Mỹ có mặt.
Giai đoạn này, thơ ông hầu hết xuất hiện rất nhiều trên Trình Bày, Đất Nước. Nội dung viết về một xã hội tan rã về mọi mặt, bởi sự có mặt của quân đội đồng minh.
Những bài thơ thuộc loại này được tìm thấy trong Ngụ Ngôn Của Người Đãng Trí v.v…
(quí vị có thể tìm rất nhiều thơ loại này trên internet qua Google)
Xin được chia sẻ cùng bạn đọc để có cái nhìn rõ hơn về con người Ngô Kha.