Viết lúc 4 AM – Những con sói cô đơn

1. Từ trong nước bạn điện thư hỏi ta về tư liệu của nhà xuất bản Con Đuông ở Cần Thơ dạo nào. Vâng, ta có giữ hai tập. Một tập là thơ Cung Trầm Tưởng và một tập là Một Nơi Nào Để Nhớ của Trần Hoài Thư. Cả hai tập do chính bạn – họa sĩ Lê Triều Điển-  tự tay  trình bày vẽ bìa từng tập một.

Cầm lại cuốn sách cũ trong tay, lòng ta bồi hồi không tả. Ta nhớ đến những ngày tháng ở Cần Thơ, quán thằng Cuội, thằng Bờm. Ta nhớ đến những bạn bè, chung lưng  thực hiện những cuốn sách bằng cách quay roneo,  không tiền in bìa offset, nên bạn đành phải vẽ tay từng cuốn một. Ta nhớ đến Ngy Cao Nguyên, Chu Tấn, Trần Mộng Hoàng, Lê Triều Điển… Còn ai nữa. Quá lâu. Năm 1971, 1972, 1973 … ?

Có điều, những cuốn sách in ấn bằng tay như vậy, nay chúng trở thành những di sản quí báu. Nhà xuất bản Con Đuông đã trở thành một hiện tượng cho nền văn học thời chiến.

2. Có lần vào thăm viện bảo tàng nghệ thuật Metropolitan tại Nữu ước, tôi đã nhập vào một đám người để nghe người hướng dẫn thuyết giảng về ý nghĩa đặc biệt của bức tranh mà người ta xem như báu vật của nghệ thuật. Bà ta đã làm những người xem tranh phải hít hà trầm trồ khi giải thích về cái bóng của người thiếu nữ đàn dương cầm. Bà nói về cái bóng đổ xuống nền nhà để nói về thời gian, khỏi cần mặt trời, mặt trăng, đồng hồ… Đó là tuyệt chiêu của người họa sĩ.
Chỉ là cái bóng mà trở thành tuyệt chiêu. Để những người sinh sau đẻ muộn phải cúi đầu khâm phục. Để đời sau phải cảm tạ đời trước. Để nhân loại càng hiểu về sự trường cửu của nghệ thuật, và cám ơn người nghệ sĩ.

Nơi này sự cảm tạ quá đỗi ân cần. Sự thành khẩn hiển hiện trên gương mặt, dáng bộ đi đứng. Ngay cả nói chuyện với nhau, họ cũng nói không lớn quá. Thái độ vừa thành kính vừa tri ân.
Tôi nghĩ đến những con hùm con sói cô đơn mà tôi được biết. Chúng tôi chẳng may sinh trong một thời đại đen tối. Máu và nước mắt thì nhiều hơn hạnh phúc. Đọc bài viết của Nguyên Minh (Những linh hồn đứng) mà bàng hoàng. Đoát là một loại cây giống như dừa, chà là, nhưng thân cây thì đầy lớp vỏ và bẹ khô. Sau khu nhà xác của bệnh viện Huế, đoát mọc nhiều. Ban đêm khi qua khu này, thấy những thân đoát in mập mờ trong ánh trăng, nghe gió hú rít từ sông Hương về, qua nhà xác như từ lòng âm ty địa phủ. Thật không ngờ, sau mấy mươi năm, bạn tôi lại viết về một loài cây rất quen thuộc trong tâm trí tôi, nhưng nỗi đau theo từng trang giấy. Những cây đoát xấu xí vô tri không có ích gì ấy bây giờ trở thành những linh hồn đứng.
Những linh hồn đứng. Bởi vì, ở đó, trời đất cũng đau như lịch sử của một đất nước. Bởi vì lỗ đạn trên thân đoát không phải là lỗ đạn  vô tâm, nhưng là những lỗ khoét trái tim người.

3. Tự nhiên tôi ước ao có phép lạ. Có một bức tranh nhan đề “Những linh hồn đứng” được trưng bày tại bảo tàng viện nghệ thuật này. Để cả nhân loại, thế giới, hiểu được một nơi mà ngay cả đất trời cây cỏ chim muông đất đá cũng phải bi lụy,
Nhưng không biết có ai hiểu để mà giải thích như người hướng dẫn đã giải thích về chiếc bóng của người đàn bà đàn dương cầm đổ xuống trên nền ?

4. Tôi  bi quan? Mấy mươi năm ở Mỹ,  tôi chưa bao giờ đọc một nhà phê bình văn học nào viết một giòng về những con beo con hùm con sói chữ nghĩa cô đơn của miền Nam trước 75 mà chỉ viết nhiều rất nhiều về văn chương trong nước nhưng với những tên tuổi xa lạ.
Như vậy thật bất công. Người viết văn làm thơ hay người họa sĩ cô đơn như con sói đồng hoang ấy chắc không cần ai biết tên anh, nhưng nhà phê bình, cần phải biết. Để giúp cho người đọc người đời sau biết. Đó là bổn phận.
Chứ đừng ngồi nhà đợi người viết dâng nạp tác phẩm.

Tôi nghĩ đến người bạn tôi, khi nằm xuống, ba-lô, túi áo, những bài thơ  mới làm, dính máu hay rách tả tơi, hay bị nhạt nhòa vì nước mưa, nước bùn. Tôi nghĩ đến những đêm mà bộ não của bạn muốn nổ tung vì không được viết. Tôi nghĩ đến những sáng tác mà bạn đã giấu tận dưới đáy thùng carton. Tôi nghĩ đến những sáng tác  phải chuyền nhau giới hạn trong vòng thân hữu. Tôi cũng đã  hiểu tại sao có tác phẩm của những người  được xem là phản kháng nhất lại được cho phép in ấn công khai, còn tác phẩm của cây viết miền Nam cũ lại bị đục, bị bỏ, bị trù dập (xin xem lại phần viết chung TQBT tập 11 mà tác giả Phạm văn Nhàn đã đề cập). Như vậy, thế nào là giá trị của tác phẩm?
5. Có lẽ có người sẽ biện giải. Việc này quả khó khăn.
Không khó khăn đâu. Bằng chứng? 50 tập Thư Quán Bản Thảo là bằng chứng.

Và cuốn thơ Cung Trầm Tưởng do Con Đuông xuất bản là bằng chứng.

Có phải vậy không?

%d