Mùa sứ – vừa đến từ Hà Nội

Dropbox trên máy vừa cho biết có một truyện ngắn được gởi đi từ Hà Nội. Cám ơn tấm lòng của người bạn trẻ từ Hà Nội đã ra công sưu tầm, sao chụp và đánh máy lại, để tặng  cho một nhà văn miền Nam…
(tạp chí Văn số 207)

Tháng ba, mùa sứ lại về. Những hàng sứ của thị trấn đã ngập đầy những bông hoa trắng mượt. Những khóm hoa sứ vươn lên cao, hiện giữa một nền trời xanh lơ, như tô điểm thêm cõi thiên nhiên bắt đầu nhiệt đới. Mùa nóng đã sắp bắt đầu. Thinh không đang chìm trong cơn sốt. Đó là lúc tiếng ve đã nghe lạc loài như một bài âm nhạc lẻ loi của trời đất. Ve đã nhả nhạc trước mùa. Nhưng sứ thì vẫn đến đúng lúc. Sứ nở đồng loạt từ một lúc nào tôi không biết rõ. Một đêm hôm qua chăng? Có thể lắm, vì sáng nay, tôi bỗng dưng bắt gặp cả một thị trấn hồng trần rực rỡ hẳn lên, bởi một màu trắng vô cùng quyến rũ. Ở một màu choán ngập cả bầu trời xanh. Ở một màu lãng mạn, trong vẻ lả lơi của một con điếm trong đêm giao thừa. Bởi màu trắng kia, chứa bên trong một da thịt nồng nàn. Bởi hương sứ không đài các, quí phái như hương loài huệ, mà là một thứ hương rẻ tiền. Nó là một loại dầu thơm mời mọc khách phóng đãng, đúng hơn. Nó tỏa ra nồng nàn trong thinh không. Nhất là ban đêm, đến nỗi khi trở về trong lòng phố lạnh lẽo, tôi lại ngỡ chừng đang bước vào một xóm trăng hoa.
Sứ đã nở hoa vào những ngày tôi chờ đợi. Căn phòng tạm trú của tôi nằm trong một khu vườn hoang vu. Căn phòng, theo như lời đồn đại, có một nàng con gái thắt cổ tự tử chết. Và từ đấy, không ai dám ở trọ. Vườn cỏ mọc cao đến đầu gối, những bụi bờ vô danh choán cả lối đi. Xung quan vườn bao bọc bởi hàng sứ dày đặc. Ngày đầu tiên, xách khăn gói đến đây, nhìn cảnh hoang vu ấy, lòng tôi hơi xao xuyến. Tôi vẫn chưa nghe lời đồn đại của thiên hạ. Thú thật, nếu nghe được những câu chuyện liêu trai ma quái như bây giờ, chắc tôi phải quay gót đi tìm nhà khác. Có lẽ, tại vẻ hoang vu pha lẫn một chút man dã của một căn nhà hoang cô độc nhất của thị trấn, có lẽ bởi sở thích của tôi, thích tìm một nơi ẩn thân trong cõi lưu đày, như một tên đạo sĩ vô danh, nên tôi không ngần ngại bằng lòng chỗ ở mới này. Ngoài ra, tôi thấy mình rung động bởi một rừng hoa sứ đang rực rỡ, dưới nắng kia. Đúng là một chỗ lý tưởng. Tôi nghĩ thế.
Những ngày đầu tiên quả thật là những ngày quá hiu quạnh, và cô đơn. Những câu thơ của Thi Vũ như ăn sâu vào lòng một thanh niên lưu lạc: Ngày thì dài, đêm thì dài, tôi sống hiu quạnh và cô đơn. Đọc xong, tôi muốn rớm nước mắt. Giữa anh em tôi, đồng bào tôi, tôi như một người lạ mặt. Tôi phải trốn tránh họ như trốn một tai ương. Suốt ngày quanh quẩn cùng chiếc chiếu nhỏ hẹp, cái bàn gỗ cũ kỹ và những chồng sách vô trật tự. Suốt ngày, đôi mắt đăm đăm nhìn qua khung cửa, để nhận ra sau một đêm, hóa sứ đã rụng đầy sân, những cánh hoa tội nghiệp vẫn chưa chịu tàn úa, như ngước lên nhìn lại những búp hoa tươi thắm trên cao mà thương tiếc. Và trên cành sứ lại sum xuê từng khóm hoa trắng mượt. Hoa sứ vẫn no nê, và tiếp tục nở rộ dưới ánh mặt trời. Mùa sứ vẫn bất tận. Qua khung cửa sổ, tôi chẳng còn nhìn thấy bầu trời xanh nữa. Có chăng là màu xanh của lá sứ, và màu trắng của hoa. Có chăng là cõi lòng cùng đôi mắt đắm đuối của một tên tù tội. Trong nỗi cô đơn, tôi chỉ biết tìm quên trước những vẻ đẹp của thiên nhiên và vũ trụ. Nó nung nấu tâm hồn tôi, để tôi nhìn thấy mình kiêu hãnh như một chàng nghệ sĩ. Vâng, tôi đã phải thú thật, nếu Hermann Hesse đã dùng ngòi bút tuyệt vời thần thánh của ông để mô tả tâm trạng cô đơn của một con sói đồng hoang, tâm trạng của một kẻ đang sống âm u trong bóng tối, nhưng kiêu hãnh bởi gã đã tìm được một bông hoa của cuộc đời: bông hoa cô đơn, như Nietze đã ôm lấy một khối cô đơn ngạo nghễ một cách anh hùng, thì chính tâm hồn tôi lúc ấy, đã là một đại dương cô đơn ngạo nghễ, hơn cả con sói đồng hoang của người văn hào Đức quốc, hay của triết gia vĩ đại của địa cầu kia. Tôi cô đơn lắm. Mà tội nghiệp cho tôi, nỗi cô đơn đã không do tôi chọn lựa, định đoạt mà là nỗi cô đơn bi thảm. Bởi tôi bị xua đuổi, bởi tôi không còn nhìn được bầu trời xanh trong mọi đôi mắt đồng bào ruột thịt, ngay cả đất nước mà tôi được sinh ra, và lớn lên. Núi đã trở thành hiểm trở, và đầy tai họa. Đèo cũng biến thành tai ương. Biển sông cũng thành tang thương ngũ lục. Tôi đã đi tìm, tìm tất cả. Tất cả đã xô đuổi tôi, hành hạ tôi. Ba tôi, đôi mắt rớm lệ, khiến một thằng con trở về, bỗng quay mặt trốn chạy. Bạn bè tôi, dung thân tôi chẳng được bao lâu cũng tìm cách nói gần nói xa. Những người cùng lứa tuổi với tôi, thì coi tôi như kẻ thù, trong khi tôi mảy may không một lỗi. Đến những nhà tu hành cũng nhìn tôi bằng đôi mắt ngờ vực, dò hỏi. Chỉ có nước mắt của Phật mới nhỏ, và Chúa mới rơi. Nhưng Phật và Chúa thì xa tôi quá đỗi. Đôi lần, ý tưởng hư vô đè nặng, tôi muốn tự tử. Nhưng khi cầm cái dao cạo, tôi bỗng rung rẩy lạ lùng. Tôi đã mềm yếu hay tôi vẫn còn thèm sống?
Ý tưởng hư vô đã kéo dài như một cơn gió mùa đông, và càng lúc càng bão bùng. Những ngày đầu tiên, sống lưu thân một cõi thiên địa, tôi đãng mang một tâm trạng vô cùng khủng khiếp. Sống hư vô như bóng Phượng hoàng càng lúc càng phủ ngợp căn phòng tang thương của tôi. Suốt ngày, trí óc tôi cứ ám ảnh một chuyến ra đi. Suốt ngày, tôi tự nuôi tôi bằng những cơn mộng du tội lỗi. Suốt ngày, tôi quằn quại, dằn vặt ở một con đường cuối cùng. Nhưng, bây giờ, tôi phải cám ơn thi sĩ Bùi Giáng, và tôi không thấy xấu hổ để lạy một thiên nhiên tuyệt mỹ, tuyệt bích. Nhà thơ đã cho tôi yêu hoa cỏ, châu chấu chuồn chuồn, và những cánh hoa sứ nở rộ này. Thiên nhiên đã cho tôi hiểu được sự vô giác của thị giác, sự nhạy cảm của tâm hồn, cái trực giác của một cảm quan riêng tôi.
Ở đây, điện nước không có. Ban đêm, tôi phải thắp đèn sáp, để vùi đầu cùng sách. Bóng tôi in trên tường, dị hợm. Có đêm, bên ngọn hồng lạp, tôi ngủ quên, trang sách vẫn còn phủ trên mặt. tôi không còn biết gì hơn nữa, là vùi đầu trong những dòng chữ. Chúng thật là độc hại. Chúng như cần sa ma túy. Bởi, giữa một bên xã hội… như xã hội hiện tại, sách vở chẳng lợi gì hết. Có chăng nó khiến con tim ta phẫn nộ, gào thét hơn, mà cũng thật đau khổ hơn. Bởi ta không bao giờ tìm được những gì sách đã nói, tôn giáo đã răn, công dân đạo đức đã dạy, triết lý để bấu víu. Sách vở đã làm ta cảm thấy lẻ loi, cũng như trí thức đã là một tai vạ. Tại sao, sách vở, những bài thơ, những mơ ước, chỉ nhắc về những bãi cỏ xanh mượt, những hoa thạch lựu, những công viên, những băng đá và những cuộc tình thơ mông, để khi đọc xong, tôi muốn sa nước mắt. Tôi đã đi tìm chúng, một lần, để bây giờ phải như thế này. Vâng, bằng con tim đang thét gào, tôi phải thú thật sách vở và trí thức chính là một tai họa.
Những ngọn đèn sáp của những đêm cô đơn rợn người ấy, đã mất đi. Còn lại những thỏi sáp méo mó cạnh đầu giường, như ghi dấu những đêm mất ngủ và bão bùng của đời tôi. Những đêm thì dài. Tôi phải chống cự với những ham muốn xác thịt. Tôi phải cầm cự khốn khổ những cơn dục vọng tội lỗi. Đàn bà, ngực vú. Đôi lần tôi lại bất lưc… Căn phòng, có lẽ là một chứng nhân nhìn một tên thanh niên đang hồi sung mãn, níu kéo những ngày tháng lưu đày của hắn.
Một ngày nọ, tôi xách một chai nước, tìm đến một bờ giếng hàng xóm, xa nhà tôi tạm trú non một trăm thước. Cứ mỗi hai ngày, tôi phải ra đây, để tắm giặt và xách chai nước giếng trở về, để tích trữ trong nhà. Bởi căn phòng tôi, chẳng có lấy một giọt nước, dù người chủ cũ đã đặt một hệ thống điện nước từ lâu. Có lẽ, những chủ cũ đã không chịu trả tiền cho cơ quan công quản, nên họ đã đình chỉ điện nước cũng nên. Ở đây, tôi làm quen với một người con gái trạc độ 17, 18 tuổi. Nàng có một gương mặt trái xoan, nước da trắng mịn, và nhất đôi môi, thật tuơi thắm. Đôi mắt nàng cũng thế. Một đôi mắt thật lớn, và đầy linh động. Tôi đến gữa lúc nàng cực khổ kéo gàu lên. Nàng quá bé nhỏ, mỏng manh, đến nỗi tôi cứ ngỡ cái dáng liễu mềm kia sẽ rớt xuống giếng. Tôi đến, nói với nàng:
-Cô đưa tôi kéo hộ cho.
Nàng mở to đôi mắt ngạc nhiên; rồi trao sợi dây gầu cho tôi. Tôi hì hục kéo trong khi nàng đứng nép bên thành giếng, nhìn tôi.
– Cám ơn ông. Tôi làm phiền ông quá.
Thấy hai thùng nước chưa đầy, tôi lại nói
– Để tôi đổ cho đầy. Rồi cô gánh về.
Nàng đã để tôi tự do giúp đỡ. Tôi lại hỏi:
– Hình như nhà cô ở gần đây.
– Dạ, sau hàng rào dâm bụt, và hàng sứ kia.
Nàng lại hỏi tôi:
– Hình như ông đang ở trong ngôi nhà hoang kia, phải không ông ?
– Vâng.
Nàng có vẻ kinh hoảng, lo sợ:
– Ông gan thật đấy. Nhà đó có ma. Ai dọn đến ở chưa được vài ngày, thì dọn đi ngay.
Tôi cười có vẻ không tin:
– Sao tôi ở đấy gần nửa tháng, vẫn chưa thấy con ma nào cả.
Nàng kể như một người sành chuyện:
– Thực có ma ông à. Ngày trước có một người con gái thắt cổ tự tử.
Tôi vừa đổ nước vào thùng vừa cười:
– Giả dụ có ma đi nữa, tôi vẫn không sợ, cô à. Ngày trước, tôi từng ngủ trong nhà xác, trong nghĩa địa. Vả lại, mình không gây phiền phức cho một ai. Đối với ma, thì mình không làm điều quấy….
– Ông là người đầu tiên nói thế. Tôi thấy người ta bàn tán về những đêm, con ma hiện về, khóc lóc đòi mạng. Có người lại thấy mái tóc ma, dài đến tận gót. Nàng ru con, trên đọt sứ. Có người lại thấy, con ma ngắt tất cả bông sứ cắm đầy mái tóc, rồi chọc ghẹo người.
– Có tin không?
– Phải tin ông à.
Rồi nàng thè lưỡi, rung đôi vai mềm:
Eo ơi, nhìn ngôi vườn rậm rạp ấy, tôi muốn bỏ chạy. Ông biết không, đêm tối, tôi không bao giờ dám đi ngang khu vườn. Mẹ tôi bảo tôi kỳ cục, nhát gan không ai bằng.
Rồi nàng hỏi tôi, thật tò mò:
– Ông ở trong ngôi nhà ấy, ông có thấy gì không?
Tôi giả vờ:
– Thấy chứ. Ban đêm, tôi nghe tiếng khóc ai oán lọt vào phòng tôi. Ban đầu tôi không tin, mở cửa. Trời ơi, tôi thấy một bóng trắng trên hàng sứ trắng.
Nàng bật kêu:
– Thôi, ông đừng nói nữa. Tôi sợ quá rồi.
Nhưng nàng vẫn tò mò không kém:
– Thế sao, ông lại dám ở ? Hay ông yêu con ma ấy phải không?
Tôi cười lớn tiếng trước những câu hỏi quá ngây thơ của người con gái nhỏ bé ấy. Nhìn nàng, lòng tôi xôn xao không ít. Nàng quả đẹp. Một vẻ đẹp đài các và quái phái. Nhưng nàng đã chịu cảnh nghèo khổ bất hạnh. Nếu trong cuộc đời quá sức bơ vơ của tôi, có gót mềm của nàng in dấu, thì tôi đỡ tủi thân biết bao nhiêu. Nếu buổi sáng buổi chiều, cánh cửa phòng tôi được mở ra, và giữa khung cửa, hình bóng mềm mại, mỏng manh của nàng hiện ra, thì, tôi phải vui mừng mà chết mất.
Bây giờ nàng đang với hái những tàu lá chuối, cùng những cánh hoa dâm bụt, để bỏ vào hai thùng nước. Tôi hỏi:
– Sao cô lại bỏ lá chuối và hoa dâm bụt vào nước?
– Để nước mát và ngọt hơn, ông.
– Lạ lùng nhỉ.
– Hình như ông ở đấy một mình?
– Vâng
– Ông không có ai quen trong thị trấn này ?
– Tôi không có một ai quen. Vả lại, tôi thích sống cô đơn. Tôi là nhà văn.
– Thú quá nhỉ. Ông là nhà văn. Như thế, ông sẽ cho tôi được đọc những tác phẩm của ông. Ông bằng lòng không?
Rồi, không để tôi tỏ bày ý kiến, nàng lại tiếp tục nói:
– Ở trường, tôi được tiếng là dốt Việt văn. Bài luận nào cũng ăn cây gậy.
– Hy vọng cô đọc xong, bản thảo của tôi, cô sẽ được ăn trứng vịt. Trứng vịt ngon nhất.
– Ông lại chọc quê tôi nữa rồi.
Trước khi từ giã tôi, nàng còn nhắc thêm một lần nữa.
– Ông nhớ nhé. Nhưng phải mang ra đây, chứ tôi không dám đến ngôi nhày ấy đâu!
Còn lại một mình tôi, bên bờ giếng lạnh. Gió trưa khe khẽ ru trên những ngọn lá ngâu. Hoa ngâu tim tím rụng ngập đầy bờ cỏ úa. Những khóm hoa sứ trắng bạch, vươn lên không và những cánh hoa dâm bụt đỏ thẫm trên bờ lá xanh thẫm. Một con chim chóc mào tung tăng trên những cành sứ, hót ríu rít. Vòm trời xanh in dưới đáy nước. Tôi ngồi trên bờ giếng mát lạnh, cảm thấy mình là một kẻ hạnh phúc nhất. Bóng người con gái đã khuất sau hàng rào dâm bụt. Nhà nàng hiện lên dưới hàng sứ bông trắng. Một mái nhà tranh vách đất, nghèo nàn, có lẽ nhất thị trấn.
Từ buổi gặp gỡ tình cờ ấy, tôi và nàng đã bắt đầu thân mật với nhau hơn. Bờ giếng mát, những cành sứ trắng, những chiếc hoa dâm bụt đỏ thắm, tiếng chim chóc mào ríu rít và bầu trời xanh lơ, là cõi hẹn của chúng tôi. Tôi đến, mang theo những bản thảo vừa viết, những bài thơ vừa làm. Nàng đến, bé nhỏ và nũng nịu. Nàng đã mang những tia nắng ấm vào cõi lòng giá băng của tôi. Buổi trưa thật êm đềm. Chúng tôi ngồi dưới bóng mát của một cây dáng hương. Nàng áp vào vai tôi, bắt tôi ngâm một bài thơ mới. Tôi lim dim trong cơn mơ tuyệt vời và đau thương ấy. Tôi đã nghe lồng ngực mình hồi sinh. Và những cánh hoa sứ từng cánh từng cánh đã rụng trên đầu chúng tôi, lẫn với những bông ngây nho nhỏ tim tím. Những bài thơ của tôi không còn mang những đám mây đen tối như trước nữa. Những bản thảo của tôi cũng không chấm dứt bằng những cách ngăn và sự chết. Tôi phải cám ơn nàng, cám ơn con chim sơn ca trong mùa luân lạc của đời tôi.
Rồi một ngày, tôi lâm bệnh. Tôi lên cơn sốt tuyệt đỉnh. Nằm trên giường, tôi gọi nàng về. Tôi cầu mong nàng, với những ngón tay thon mềm mại vuốt trên gương mặt hừng hực lửa của tôi. Tôi thèm nàng hiện đến, từ cánh cửa tù ngục giam hãm cuộc đời thanh xuân của tôi, như một hình bóng yêu dấu nhất. Đôi khi tôi lại cố vùng dậy, để chạy ra bờ giếng lạnh, đến chỗ cây dáng hương râm bóng ấy, tìm gặp nàng. Quả tôi đã yêu nàng thật sự. Tôi đã nhớ nhung nàng như sông nhớ núi. Nhưng khi nhỏm dậy, thì cả đầu óc tôi bỗng quay cuồng choáng váng. Tôi lại nằm phịch xuống giường mà rên rỉ. Buổi trưa, đã lớn. giờ này, chắc nàng đang đợi chờ tôi ngoài bờ giếng. Giờ này, những cánh hoa sứ đã rực rỡ để ca ngợi mối tình chúng tôi. Giờ này, những trận mưa ngâu, với những chiếc bông nho nhỏ, tim tím phủ rụng đầy mái tóc của nàng. Nhưng giờ này, tôi đang quằn quạị và bất lực.
Thì nàng đến. Nàng đã đến thật sự rồi. Như một giấc mơ tôi thấy nàng đứng bên tôi, gọi hớt hải. Tôi gượng mỉm cười mà không nói năng. Nàng rờ tay vào trán tôi la lên: Đầu anh nóng như lửa. Anh bị sốt rồi. Trời ơi. Tôi nói mệt nhọc: chắc em chờ anh lâu lắm? phải không? Anh bỗng dưng lâm bệnh bất ngờ. Rồi tôi nhắm mắt, lòng xúc động. Nàng đang cuống cuồng tìm thuốc men cho tôi. Nàng quên đi căn nhà ma cũ, chạy ngược chạy xuôi làm nước tôi uống. Nàng quả là một người vợ hiền tương lai của tôi. Ý nghĩ ấy, làm tôi sung sướng quên cả đau, nhổm dậy gượng ăn hết cả bát cháo nóng.
Nàng ở bên tôi cho đến chiều. Tôi đã dần dần bình phục. Những cơn gió chiều đã bắt đầu nổi. Gió lùa vào phòng, mát rượi. Tôi cảm thấy dễ chịu lạ lùng. Tôi áp má tôi lên má nàng, tôi hôn nàng như chưa bao giờ được hôn như thế. Căn phòng chỉ còn hai chúng tôi. Ma quỉ cũng bỏ đi xa, tôi chắc thế. Nhưng thú thật, tâm hồn tôi không một chút vẩn đục, bùn nhơ. Tôi coi thân xác của nàng thật thanh khiết. Chợt nàng vuột khỏi cơn mơ:
– Chiều rồi anh, em phải về?
Tôi năn nỉ:
– Còn sớm, em ở lại thêm một chốc nữa.
Nàng nhìn ra ngoài khung cửa, khẽ vuốt những sợi tóc mây:
– Mẹ em rầy, anh hiểu cho em.
Nàng đứng lên, như một người nội trở đảm đang:
– Eo ơ, nhà cửa gì mà bề bộn thế này, sao mà ở được.
– Chờ bàn tay của em đấy.
Nàng nhìn xuống nền nhà, lại la lên;
– Trời ơi, nên nhà toàn là đèn sáp với đèn sáp. Thắp như vậy, có ngày anh mù đấy.
– Anh biết thắp cái gì bây giờ? Vả lại, anh thích những ngọn hồng lạp này. Chúng soi rõ cuộc sống của anh hơn.
Nàng bỗng gặp bức tranh sơn dầu, vẽ một con ngựa gầy đứng trên một triền núi đá. Nàng lại hỏi:

– Sao anh thích loài ngựa thế? Bài thơ nào của anh cũng mang đầy những hình bóng ngựa.
– Vâng, ngựa là tuổi anh, cũng như định mệnh của anh. Ngày xưa, anh lọt lòng, anh cũng đã mang tâm trạng là con ngựa dịch. Bây giờ, anh chính là một con ngựa suốt đời giong ruổi tội nghiệp ấy.
Tiếng nhạc ngựa bỗng vẳng về trong gió. Tiếng chuông rung leng keng từ chiếc lục lạc dưới bờm ngựa mất còn trong thinh không.
– Em có nghe tiếng nhạc ngưa kia đấy không ? Một con ngựa gầy đang chở một đám người nặng nề, lên một con dốc
Tiếng chuông ấy, nhắc anh nhớ đến ngày sinh nhật của anh. Ngày mai là ngày anh chào đời.
– Ngày mai, em sẽ mừng anh một hộp đèn cầy. Em sẽ mang đến để anh thổi. Lại thêm một cái bánh do em làm nữa. Nhưng anh phải ra cổng đón em đấy. Em sợ con ma kia lắm.
– Bây giờ em sợ không?
– Có anh em không sợ. Với lại, chắc ma cũng thương em. Ma là một người con gái bị phụ bạc, nên ma sẽ ghét những ai phụ bạc. Còn anh, anh có yêu em không?
Tôi đến bên nàng, siết chặt tấm thân mềm mại ấy vào lòng. Tôi hôn lên trán nàng, âu yếm:
– Em nói như thế không nên. Anh lúc nào cũng yêu em, yêu em mãi mãi. Vì em đến trong cõi điêu linh của anh. Vì em giúp anh đủ nghị lực mà sống. Em hiểu anh không đấy?
– Dạ, em hiểu. Nhưng em sợ.
– Sao lại sợ?
– Tự nhiên em linh cảm mối tình của chúng ta quá mỏng manh. Em cũng không hiểu nổi.
– Em nghĩ bậy. Hãy tin chúng ta sẽ vượt lên mọi khó khăn.
– Dạ. Em tin.
Rồi nàng cúi đầu xuống, đôi vai bật run lên:
– Nếu có chuyện gì không hay cho mối tình chúng ta, em sẽ noi theo gương người con gái đau khổ trong phòng… em sẽ…

****

Có một con đường rất buồn trong thị trấn này. Bắt đầu, bằng một ngã năm, một nhà thờ chính, một công viên và một rạp chiếu bóng. Cuối cùng là một bệnh xá nhà binh. Sau đó đường trở thành một lối mòn dẫn xuống một lũng cà phê bát ngát. Một con đường, nghe rất nhiều hơi thở, của gió Hạ Lào, của bụi đỏ bay, và của một dư vang từ những bước nhịp buồn tênh của những vó ngựa. Mùa tháng ba, cây bên đường, đã bắt đầu khô héo. Phượng vĩ trơ cành, những thân cây cổ thụ, ôm những bàn tay gầy guộc, trơ trụi, không có lấy một màu xanh che bóng đám bộ hành. Cỏ bên đường cũng vàng cháy. Nắng tràn ngập và rực rỡ. Chỉ còn những cây ngâu, đã bắt đầu trổ bông tim tím, theo cơn gió, rụng xuống mặt đường như mưa. Và ban đêm lúc gió đã bắt đầu nổi, không gian đã bắt đùng sũng lạnh, thì con đường đã như một con đường tình sử. Hương hoa nồng nàn, tinh tú trên cao chi chít. Một vành trăng không đủ sáng, như đêm lạnh cùng hơi sương và khí núi.
Một con đường suốt ngày vang lên tiếng nhạc ngưa. Chuông dưới bờm thú, rung leng keng, như tạo một tấu khúc cùng tiếng vó ngựa náo nức. Một con đường, tuy rất kề với cái thế giới văn minh náo động, nhưng cũng là một con đường cô độc. Không tiếng động cơ nhà máy, không tiếng náo loạn của một thị thành, không những xuôi ngược hối hả của những loại xe động cơ, di chuyển. Tiếng động đã mất. Văn minh đã bỏ quên. Mọi sự sinh hoạt cũng ngủ yên trong quên lãng. Chỉ còn sót lại, là dĩ vãng. Một thứ dĩ vãng ngậm ngùi, như chút ráng đỏ cuối ngày, còn lại và le lói trên nên trời hoàng hôn. Đó là sự có mặt của vài chiếc xe ngựa. Đó là những bóng phớt qua, xót lại, và hiện hữu thật ảm đảm. Chúng vẫn đều đặn mang đi, mang về những đám hành khách, mà phần đông là nhưng thương binh từ bệnh xá cuối cùng. Chúng độc nhất có mặt giữa lúc mọi phương tiện cơ khi được ưu đãi, được tung hoành khắp thị trấn. Chúng như những bóng ma cũ, ẩn hiện trong một thế giới xô bồ, để rung lên những hồi chuông báo tử. Những hồi chuông, buồn đến ứa nước mắt. Trong suốt một thập kỷ máy móc

– Sáng mai nào, tôi cũng thức giấc bởi những tiếng chuông do chiếc lục lạc ở dưới bờm ngựa.Nhà tôi tạm trú, nằm giữa con đường buồn ấy. Đầu tiên, tiếng chuông nghe không rõ ràng bao nhiêu. Cơ chừng, đó là tiếng chuông nhà thờ lễ sớm vang lại. Hay tiếng gió đùa trên những vật bằng pha lê hay kim khí. Rồi, khi mắt tôi vẫn còn lim dim, trí não vẫn còn lên đên trong cõi mộng và cõi thực, thì tiếng chuông lại nổi lên, rõ ràng hơn, tươi vui hơn. Tôi đã ngây ngất, bởi một ngày bắt đầu bằng âm nhạc. Tôi là hạng người, có lẽ chỉ biết thụ hưởng. Trí tuệ tôi thật biếng nhác. Tôi chỉ biết đam mê ở những điều từ ngoài đời đưa tới. Thiên nhiên, âm nhạc, và sự sáng tạo của con người. Cũng như ở tiếng chuông, mà con ngựa gầy nào đã rung lên, khi những vó chậm rải trên đường, đã quyến rũ tôi không ít. Nó là một thứ âm thanh tuyệt vời, tôi nghĩ thế. Thực vậy, ta hãy tưởng tưởng đến những tiếng chuông hân hoan, của một người phu già, đang gọi thành phố thức dậy, đang tô đậm thêm cõi hồng trần của những kẻ lưu đày bằng những tiếng nhạc ngựa và khơi dậy những niềm hoài cổ, hay những kỷ niệm một thời.
Sáng nay, tiếng nhạc ấy lại lọt vào phòng tôi, rất mỏng manh. Tôi vẫn còn lười biếng trong chăn. Chợt, tôi mới nghĩ ra rằng, hôm nay là ngày sinh nhật của tôi. Và hơn bao giờ, cái âm thanh dịu dàng xa vắng ấy bỗng nhiên bùng cháy trong tâm hồn tôi. Phải rồi, ngày sinh nhật của tôi cũng là ngày, tôi bắt đầu nhìn nhận đời mình quả có nhiều liên hệ với một loài thú. Loài ngựa. Ngựa là cái tuổi tôi đang mang. Tôi sinh nhằm tuổi ngựa, tôi nghe cha mẹ tôi nói thế. Và một chút xúc động, tôi vùng dậy khỏi chăn, đến bên cửa sổ. Cánh cửa nhỏ bé được mở ra. Trời đã lấp lửng sáng. Và thinh không đang ngập chìm sương mù. Tiếng chuông càng lúc càng rõ ràng hơn. Nó đang nâng tâm hồn tôi lên, bằng những giọt lệ. Tôi hân hoan, hay đau đớn, khi cảm nhận những tín hiệu của một đời người? Nó không biết tôi, một loài ngựa, đang đừng nhìn lại bóng mình, mà tiếp tục rong chơi cùng thinh không sũng lạnh. Tai tôi đang nghe những tiếng vó hòa lẫn tiếng chuông. Con ngựa đã xuất hiện trước mặt tôi. Cỗ xe đầy người, và ông già xà ích quen thuộc đang khòm lưng trước xe, tiếp tục giục ngựa bằng những trận roi tàn bạo. Tôi muốn ứa nước mắt. Tại sao tôi lại sinh vào tuổi ngựa ? Tại sao, định mệnh tôi, trời đất lại chọn cho một số kiếp tội nghiệp thế kia? Ngựa, ngựa. Có phải mày là một con ngựa gầy giữa cõi hồng trần này không? Có phải mày đã bò bằng bốn chân, để làm một kiếp tôi tớ khốn nạn này không? Tôi tự hỏi tôi thế. Có phải sự chào đời của mày, là tiếng bi não nùng cùng thiên điạ để cha mẹ mày, thay vì sung sướng, vì sinh được một thằng con trai, lại khóc nghẹn ngào, để phải đau khổ suốt đời?
Ngày này, cám ơn ông xà ích già, cám ơn những tiếng lục lạc, từ dưới bờm ngựa, cám ơn âm nhạc buồn rầu và hân hoan, cô độc, đã cho tôi chợt nhớ lại cái ngày linh thiêng nhất của một con người. Cám ơn con ngựa già kia, bờm rủ não nùng, vó cất rã rời, đã cho tôi cảm nhận được định mệnh của tôi.

***
Tôi sinh vào tuổi ngựa, ở một vùng cao nguyên, cao nhất đất nước. Chính nơi tôi sinh trưởng, đến bây giờ tôi vẫn chưa biết rõ một tí ti. Đầu óc tôi, chẳng có một ý niệm nào là quê hương, chôn rau cắt rún. Bởi lúc ấy, tôi còn nhỏ quá, và tôi lại rời quê hương rất sớm. Nhưng, có một lần, người vú cũ, về thăm mẹ tôi vào một đêm mưa phùn gió bấc, lúc mẹ tôi đã là vợ bé của dượng, thì tôi đã hiểu thế nào là những giọt nước mắt thơ ấu. Vú đã nằm ngủ cùng tôi trên chiếc phản gụ ở nhà bếp. Vú ôm tôi, hôn lên đầu tóc, vuốt ve gương mặt tôi và khóc tấm tức. Vú kể đến những cơ nghiệp huy hoàng, mà ba và mẹ tôi tạo dựng trước ngày tôi chào đời.
Cha mẹ con thưở ấy giàu có lắm, có thể nói là nhất tỉnh. Nhà cửa to lớn, những bàn ghế thì toàn gỗ lim, gỗ trụ, nước sơn bóng loáng, chạm đầy xà cừ. Phòng khách thì trang hoàng lộng lẫy, có thảm có đối, có tủ chạm trổ công phu, có những bình tách quí giá. Rồi nhà bếp thì rộng thênh thang, có gian chứa thóc, có gian chứa thực phẩm, có gian chứa légume. Vườn rau thì mông mênh. Mọi mùa, mọi thứ rau, trái. Hết xà lách, thì đến bắp xu, đến củ cải đường. Lại có cả một vườn hoa. Hoa hồng, hoa cẩm chướng, hoa lay ơn…
Vú đã nói, và thằng bé là tôi, đã khóc. Bởi vì tôi đã tủi thân. Tôi đã thấy sự chào đời của tôi là một thiệt hại lớn nhất. Chẳng những riêng tôi, mà còn cho cha mẹ tôi nữa. Thật vậy, vú đã kể đến sự chào đời của một đứa con trai thứ ba, và những bầy ngựa của mẹ.
– Lúc ấy, mẹ con nuôi ngựa từng bầy. Chuồng ngựa thật to lớn, có lúc chứa ba bốn chục con. Lại một gian chứa xe, cùng những vật liệu cần thiết. Mẹ con quả là một người đảm đang mua bán. Trái với ba con, chỉ biết sách vở thánh hiền…
– Như thế, ba con không hợp với mẹ con?
– Ba con rất hiền lành, lại ít nói. Thấy mẹ con nuôi đàn ngựa để kéo xe, lúc đầu ba la rầy, thuyết phục. Người nói về những chuyện tu nhân tích đức, những tấm gương xưa. Người không chịu nổi cảnh một con ngựa già kéo một cỗ xe nặng lên một con dốc dưới những trận roi tàn bạo. Nhưng mẹ vẫn không nghe. Bà vẫn khăng khăng sắm xe, sắm ngựa. Bà chỉ muốn làm giàu, thế thôi. Rồi ba con, chịu thua không nói nữa. Nhưng người buồn lắm
Vú lại tấm tức khóc:
– Nếu ba má con sống hòa thuận, thì gia đình con đâu đến nỗi này. Con cũng đâu đến nỗi bị hành hạ như thế này.
Vú lại vuốt má tôi. Vú áp má vú vào má tôi và tôi cũng khóc theo vú. Nước mắt tôi đã hòa trộn với nước mắt vú. Ngày đó, chắc vì hoàn cảnh, và nhất là vì số phận bi thảm của một đứa con riêng, nên tôi đã biết được nỗi buồn từ sớm, cũng như nỗi cô đơn từ sớm. Tôi đã cảm nhận thật rõ ràng, tôi là một vì sao xấu, như một bài học nào đó thầy giáo làng đã dạy tôi. Trí óc tôi, thay vì bận bịu những ý tưởng trong sáng, những trò chơi , những mơ mộng, mà tất cả đứa bé đồng lứa tuổi đã có, lại được phủ bởi một màu đen tối. Tôi chẳng khác con chim sâu bị nhốt vào cái lồng son.
Vú lại nói bằng một giọng buồn buồn:
– Rồi con ra đời. Năm ấy là năm Nhâm ngọ. Tuổi của con là tuổi ngựa.
– Tại sao lại ngựa, hở vú?
Vú cười hiền:
– Thì mỗi người đều có một tuổi. Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn…
Vú đọc một mạch, tôi không thể hiểu nổi. Tôi lại hỏi:
– Hay con sinh lúc ngựa của má con sinh?
– Bậy nà. Ai cũng có một con vật làm tuổi cho mình. Mỗi năm là một con vật. Này, hết chuột đến trâu, rồi đến cọp, đến rắn…
– Con chẳng hiểu, vú ơi.
– Đó là do ông bà mình đặt ra như thế, con hỏi vú chịu. Nhưng năm con chào đời, năm ấy là năm Ngựa. Vậy, con thích làm ngựa không?
Tôi lắc đầu, chẳng hiểu vì sao:
– Con không thích làm ngựa. Ngựa để người ta kéo xe, để người ta hành hạ. Ngựa chở đồ nặng, ngựa không được bay nhảy.
– Nhưng nếu là ngựa rừng, ngựa núi.
– Con không hiểu vú nói.
– Ngựa rừng sẽ được tự do bay nhảy, không ai bắt bớ hành hạ. Nó tự do gặm cỏ trong cánh đồng xanh tươi. Nó có bạn bè vui chơi thỏa thích.
– Thú nhỉ. Được thế, con sẽ chịu. Nhưng con chẳng thích làm ngựa nhà tí nào. Nó không được tự do chạy nhảy…
– Con cũng giống ba con.
Vú mỉm cười. Đêm ấy, mưa hình như dầm dề bất tận. Tiếng côn trùng ếch nhái não nuột vang lên. Tiếng gió nổi vù vù trong đêm lạnh. Thường thì mọi lần, tôi đã khóc. Tôi phải thú thật, tôi đã mắc một chứng bệnh khóc đêm. Do những ngày quá sức tủi thân của một đứa con riêng. Do những tai ương, mà tuổi thơ ấu tôi chịu đựng. Của người lớn, của bà con, thiên hạ. Do những nỗi buồn mỗi ngày mọc lên theo tầm hiểu biết của một thằng bé lạc loài. Chứng bệnh khóc đêm mỗi lúc mỗi trầm trọng. Cứ mỗi tối gối tôi đã dầm dề nước mắt. Tôi khóc mà chẳng biết khóc để làm gì. Hay chính những giọt ngọc ngà ấy đã mang vốn sống tôi mỗi lúc một phong phú hơn. Đó là tình cảm, đó là ủy mị, đó là niềm rung động thổn thức, đó là những nỗi giận hờn, gào thét. Con tim của một chàng nghệ sĩ trẻ. Những giọt ngọc ngà ấy chính là những nụ hoa vĩnh cửu, nuôi nấng tôi, dỗ dành tôi trong cô đơn. Thật buồn, nếu con người có một con tim khô héo. Tôi nghĩ thế.
Giọng nói của vú vẫn trầm trầm như những giọt mưa chạm trên mái hiên:
– Khi con chào đời, thì một đại nạn bỗng dưng đổ xuống gia đình con. Một trận dịch đã làm cho bầy ngựa yêu quí của mẹ con, đồng loạt giẫy chết. Cứ mỗi tối, là tiếng hí não nùng ghê rợn của một con ngựa dưới chuồng sau cất lên. Đôi khi đồng loạt những tiếng hí. Mẹ con đã khóc hết nước mắt. Mỗi đêm bà canh đèn bão ôm mặt khóc ròng. Có lúc, bà khóc suốt đêm. Tội nghiệp ngày ấy bà như một người điên. Bầy ngựa thân yêu của bà đã bỏ bà mà đi. Công trình dành dụm, bỗng như mây khói. Chỉ còn lại, là những cỗ xe trống trơn nằm trong sân.
Rồi vú thở dài não nuột:
– Chính vì thế, mà con đã không được may mắn như các anh con, có kẻ hầu người hạ. Mẹ con chỉ lo cho bầy ngựa. Chỉ có vú, nhưng vú cũng khổ tâm lắm. Vú đã thấy những ngày đầu của một gia đình bị phá sản. Mẹ con, sau đó, chỉ còn cách vùi đầu trong cờ bạc. Ba con, ông thì cắn răng không than, không trách…
– Sao vậy. Tại sao ba con lại không nói mẹ con? Vú?
– Mỗi người một tính, con à. Ba con là người hiền lành đạo đức. Người không muốn mang tai tiếng cho người ngoài họ biết. Xấu hổ lắm con à.
– Như thế, con sẽ không bao giờ muốn làm ngựa. Dù ngựa rừng đi nữa.
Và dường như không nghe những lời phẫn nộ của tôi. Vú vẫn khơi dậy cái vị trí của một đứa con trai thứ ba trong buổi suy tâm não nề ấy.
– Mẹ con, như mê cuồng. Đôi khi, bà nhìn con mà hét: chính mày, chính mày là một tai vạ cho tao. Lúc ấy, vú chỉ biết bồng con chạy trốn…
– Thôi, vú đừng nói nữa.

Và bây giờ, khi lớn khôn, hồi tưởng về quá khứ, tôi đã hiểu thế nào là ý nghĩa của những lời giận dữ của mẹ. Vâng, tôi là một vì sao xấu, vì sao tai ương cũng nên. Phải chính tôi, một ngôi sao hung, một con ngựa địch hung bạo nhất trong bầy ngựa của người.
Bởi vì tôi sinh nhằm vào năm ngựa.
Tại sao, tiếng thét lọt lòng của tôi, bầy ngựa của mẹ lại rủ nhau mà đi? Tại sao, những ngày sau đó, cha và mẹ tôi đã mỗi người một ngả. Rồi cách xa vĩnh viễn. Than ôi, cha mẹ tôi đã khóc nhưng tôi lại còn khóc hơn thế nữa. Tôi đã hiểu ra rồi. Tôi chính là một con ngựa mắc dịch. Một con ngựa gieo đau thương cho bầy ngựa yêu quí kia, cũng như gieo kinh hoàng cho một nếp nhà từ lâu đầm ấm.
Phải, trong máu huyết tôi không phải chứa loại máu A, mà cơ quan y tế đã phân loại, nhưng là một loại máu hoang đãng, phiêu lãng. Máu tôi có lẽ là sự trộn thấm của gió mưa, bão tố, bụi đường, của những cõi thênh thang xanh tốt, của những ước mơ xa vời, mộng mị khói sương. Máu tôi có lẽ là loại máu của loại máu trụy lạc, phóng đãng của mầm mống gieo họa cho người đời. Máu tôi là loại máu của một nhà nghệ sĩ bất cần, đùa chơi cùng cuộc sống, cô đơn trong cuộc đời và khi nhắm mắt cũng thật cô đơn. Tội nghiệp cho tôi, tội nghiệp cho cha mẹ. Tội nghiệp cho những người thân yêu. Tội nghiệp cho con ngựa già tôi đã bắt bặp buổi sáng sinh nhật của tôi.

****

Bây giờ, chỉ còn tôi và ông già xà ích. Con ngựa hình như đã thuộc đường, nên chậm rãi bước. Buổi chiều đã sắp chết. Hoàng hôn như một tà áo xám buồn bã. Tiếng nhạc ngựa nhẹ nhàng rung nhịp như hơi thở của con thú.

Tôi bắt chuyện:

– Con ngựa của già, già quá đi, yếu quá đi. Già cũng vậy. Tay già đã run rẩy nữa. Sao già lại tiếp tục đánh xe, tiếp tục quất roi vào con ngựa già. Sao già không nghỉ ngơi dưỡng sức trong tuổi xế chiều. Già ơi, già thấy không. Ráng đỏ cuối lũng đã le lói quá chừng. Một ngày nào đó…
– Tôi hiểu cậu nói. Nhưng tôi vẫn tiếp tục ngồi trên cỗ xe này. Tôi không còn ai giúp đỡ tôi trên đời này nữa. Mấy thằng con tôi đứa chết, đứa bị thương. Đứa còn lại thì ở miệt rừng rú, bao năm không về thăm tôi.
– Tôi hiểu già rồi.
– Dù sao, con ngựa già này đã giúp tôi chống cự cùng những ngày gần đất xa trời. Tôi biết một ngày, nó sẽ đưa tôi xuống dưới lũng kia, ngủ một giấc ngàn thu. Như nắng chiều đã mất. Tôi chỉ còn một nỗi chờ đợi cuối cùng. Cậu không biết… Vã lại, cuộc đời tôi chỉ có những con ngựa và chiếc xe…
– Già vào nghề này bao lâu ?
– Lâu lắm, kể từ khi tôi ở X…
Tôi nghe tim mình hơi nhói. X. là quê hương của tôi, nơi tôi chào đời. X. đã bắt tôi hỏi dồn dập:
– Vậy già có biết bà Á..?
– Tôi biết. Tôi làm công cho bà ấy mà.

Tôi nói nghẹn ngào:
– Bà Á.., chính là mẹ tôi đó già.
Người xà ích ngừng roi, quay lại nhìn tôi kinh ngạc.
– Thế cậu là con bà A..,?
– Dạ
Già la lên, mừng rỡ:
– Cậu thứ mấy!
– Thứ ba.
Đôi mắt già lem nhem, chăm chú nhìn tôi.
– Vậy ra câu…
– Vâng, tôi đã nói thực với già. Tôi là con bà Á.
Già lại nắm lấy vai tôi:
– Trời ơi, cậu ba đó sao. Mới ngày nào…
– Già biết tin tức mẹ tôi không/
Già dừng cuơng. Con ngựa già uể oải đứng lại.
– Thôi già đánh xe về bến. Sau đó già hãy kể cho tôi nghe..
Ông già xà ích buông cương:
– Thế cậu không biết tin tức gì mẹ cậu ư?
– Vâng, tôi không biết. Đã gần hai mươi năm, từ ngày tôi chia tay mẹ tôi. Tôi nghe người ta nói, mẹ tôi đã trốn nợ, bỏ nhà ra đi…
– Mẹ cậu đã lên thị trấn này cách đây vài năm. Bây giờ, bả quá khổ. Bả sống với một quán lá tồi tàn. Cậu nên ghé thăm bả.
Tôi thấy nóng ở mắt. Có lẽ tôi đã khóc.
– Thưa già, có phải những con ngựa xa xưa đã gây đau khổ cho mẹ tôi.?
– Tôi thiết nghĩ, tại sổ bà khổ. Nhất là khi cậu chào đời. Cả bầy ngựa khỏe mạnh bỗng lăn ra chết.
– Hay tại vì tôi?
– Bậy nà. Tại một trận dịch.
Tôi lắc đầu:
– Không phải đâu, già ơi. Tại vì tôi. Tại vì tôi cả. Tôi chính là con ngựa dịch tai họa ấy.
Lão già ngậm ngùi nói:
– Tôi cũng buồn cho mẹ cậu. Ngày nào, giàu có ê hề…
– Tôi van già đừng nói nữa. Già ơi..
– Cậu bảo gì?

Ông già bỗng khóc rưng rức:
– ..Cậu không biết.. Người ta đã đến an ủi tôi, hứa với tôi là sẽ mang xác nó về trong nay mai…. Tôi hy vọng thế. Còn cậu, tôi khuyên cậu sẽ về thăm lại mẹ cậu. Tôi đã hiểu tình cảnh của cậu. Hãy dẹp bỏ cái quá khứ. Hãy tránh cái ý tưởng cậu là niềm tai họa. Hãy xóa bỏ tất cả những hận thù. Hãy về, thăm bả…

****
Cỗ xe lại tiếp tục tiến về ngôi nhà của người yêu tôi. Tôi lại liên tưởng đến đêm nay. Nàng sẽ mang đến những cây bạch lạp như số tuổi chồng chất của tôi. Nàng sẽ là một người nữ đầu tiên đến với tôi trong cõi lưu thân não nề này. Tôi sẽ để cho nàng thổi những ánh nến yêu dấu ấy. Và tôi sẽ cùng nàng đên bên ngôi nhà tranh nghèo khổ của mẹ, để mẹ nhìn lại đứa con xa vắng. Tôi sẽ phải khóc lóc thật tình, để nói rằng: không phải lỗi của mẹ, nhưng lỗi của con. Vì con là một hạt máu bất hạnh, một con ngựa chứng của một gia đình. Nhưng sao, ông già xà ích lại buông cương và chỉ vào ngôi nhà yêu dấu ấy.
– Nhà của mẹ cậu đấy. Bà ta sống cùng một đứa con gái. Nó là em cùng mẹ khác cha của cậu. Cậu hãy chờ tôi một chút, tôi…
Nhưng nước mắt tôi đã chảy ra từ lúc nào. Tôi như điên khùng, nhảy xuống xe và chạy mải miết. Tôi không biết chạy vào hướng nào nữa.
Trần Hoài Thư

%d bloggers like this: