Viết lúc 4AM – Nhờ cậy vào cõi không cùng…

Tôi đã từng tâm sự về câu hỏi tại sao một tác phẩm có giá trị về văn chương, về lịch sử, về tình người, về kinh nghiệm Cộng Sản như Cõi Đá Vàng của Nguyễn thị Thanh Sâm được xuất bản bởi một nhà xuất bản có uy tín là An Tiêm vào năm 1972, lại không có một ai nhắc nhở, giới thiệu. Tại sao nhà văn Võ Phiến, được xem là người đã có công tìm tòi, tiến dẫn một số nhà văn nữ như Nguyễn thị Thụy Vũ, hay Trần thị Ngh. (Ông có bài điểm sách đầy ưu ái nhà văn này trên số báo Văn 225 năm 1973) mà nhà văn Khuất Đẩu đã thắc mắc lại không có bài viết về Cõi Đá Vàng, trong khi ông được xem là nhà văn chống Cộng hàng đầu thời ấy:

Tác phẩm ra đời năm 1972 cùng lúc với mùa hè đỏ lửa, với hiệp định Paris, thật đáng tiếc là gây rất ít tiếng vang. Có lẽ lúc ấy người ta đang lo Mỹ rút về nước, đang tính chuyện giành dân lấn đất, chuyện bầu cử chứ không ngờ sẽ phải sống với CS. Người ta biết được những tội ác của CS ở Huế, ở Cai Lậy, chứ ít ai biết được thế nào là đấu tranh giai cấp, bị thải ra ngoài biên chế, bị đưa đi cải tạo mút mùa lệ thủy.

Nhà xuất bản An Tiêm vốn đã kín tiếng mà các nhà phê bình lại càng kín tiếng hơn. Chẳng có ngòi bút nào đả động đến, ngay cả những cây bút chống cộng như Võ Phiến. Một phần người ta cho rằng cái gì có dính dáng đến “tố cộng” là của chính quyền, là tuyên truyền, là không có tính nghệ thuật.

Nếu được PR một cách có bài bản thì tác phẩm Cõi Đá Vàng cũng đã có một chỗ đứng xứng đáng như Cúi Mặt của Bùi Đăng, được giải thưởng văn học và được quay thành phim.  

          ( Khuất Đẩu: Đọc lại Cõi Đá Vàng của Nguyễn thị Thanh Sâm)    .

Có phải là vì nó không có giá trị về văn chương hay tư tưởng. Nếu vậy thì tại sao, trong lịch sử văn học Việt Nam nói chung và miền Nam nói riêng, chưa có một chuyện lạ đời, là có một tác phẩm được tái bản không phải vì nó được ca tụng, vinh danh bởi những nhà văn, nhà phê bình văn học, nhà lý thuyết gia, những đỉnh núi văn học đương thời, mà là do từ những người trẻ sau 1975 hay những người tù sau 1975. Họ đều tình cờ được đọc, và họ đã đi tìm. Có bạn lúc được đọc mới học lớp 12, bảo mỗi lần về Nam Cali cứ vào các tiệm sách lục lạo. Có bạn thì nêu lên niềm ao ước được đọc lại trên diễn đàn của Blog (Phay Van). Có người bảo, lúc họ ở trong  trại cải tạo, anh em lén lút chuyền nhau… để dẫn đến sự thôi thúc khiến một nhóm được thành lập trên thế giới ảo mang tên là nhóm dự án CĐV

Xin  được phép trích lại:

…Nhưng cuốn truyện khiến tôi đăm chiêu nhất trong năm tôi học 12 là cuốn Cõi Đá Vàng của bà Nguyễn Thị Thanh Sâm. Ông cậu ruột hay bà Ngoại của tôi mượn được đâu đó, cả nhà tôi cùng đọc. Một câu trích trong cuốn đó đến giờ tôi vẫn nhớ “Có gì lạ đâu em ơi, trong cơn mê này của nhân loại, mà ta được chọn làm thí điểm”. Mỗi lần về Little Saigon ở Nam California, tôi lại vào tiệm sách kiếm, nhưng có lẽ, không ai còn giữ để tái bản. Tiếc vô cùng! Cuốn sách kể về thời kháng chiến chống Pháp của Việt Minh, tầng lớp trí thức tiểu tư sản bị tẩy não trên những cánh rừng để rèn ngòi bút phục vụ con đường cách mạng. Dưới những cơn mưa rừng, trong những túp lều thổ tả, họ phải viết tự kiểm! Khốn nạn khôn cùng! Chính nhờ đọc cuốn này, tôi hiểu hai chữ “đấu tố” trong truyện ngắn “Ngôi Nhà Sau Lưng Văn Miếu” của Trần Vũ. Chính nhờ đọc cuốn này, tôi hiểu tại sao bà ngoại tôi lại bỏ kháng chiến, quay về lại Huế.

(Ý kiến của  Diên Hoàng )

2)

  Dâng Tốn tác-phẩm đầu tiên của Sâm. Cuộc đời này không dung những kẻ thương yêu nhau. Em đã tìm thấy Anh trong Cõi Đá Vàng.

   Thưa ông đây là câu đầu tiên để dẫn vào quyển “Cõi Đá Vàng ” của tác giả Nguyễn Thị Thanh Sâm.

Quyển sách này đã được anh em chúng tôi lén lút chuyền tay nhau để đọc trong khi chúng tôi đang ở trong chốn lao tù của cộng sản vào năm 1977 trong vùng núi rừng Phước Long … Từ đó đến nay tôi không quên được quyển sách này và cũng đã cố công tìm kiếm ở nhiều nơi nhưng không gặp lại được.

    (E mail của anh LToàn)

3)

Hai lá thư trên nói lên dấu ấn sâu đậm về một tác phẩm trong tâm trí của những người may mắn được đọc sau năm 1975 – đọc trong lén lút, âm thầm.

Và đây là giá trị của nó, không phải được biểu dương từ những vị phê bình nổi tiếng, mà từ những người đọc bình thường, sau khi họ đọc một chương của CĐV được post trên Blog Phay Van:

“…lấy chày giã gạo mà tộng vào ngực đấy, làm như ngực mình là cái cối gạo không bằng…”

Câu văn miêu tả hành động tra tấn người tù dã man trên, được xuất bản vào năm 1971!

Hôm nay, 41 năm…Bỗng chợt nhớ lại ngay tức khắc hình ảnh công an csvn ĐẠP VÀO MẶT người biểu tình yêu nước chống bọn tàu, một cách công khai không giấu giếm ngày 17/7/2011 .
Mới thấy cái giá trị “vàng ròng” của nội dung tác phẩm, khi được đọc CÕI ĐÁ VÀNG vậy.
Có ai còn mơ hồ, ngây thơ, ngờ nghệch…về cái gọi là bánh vẽ thiên đường cs, nữa không nhỉ!?

(Ý kiến của Đ.Th)

…Tôi cũng đã đọc nhiều hồi ký “tù cải tạo” của những vị vừa là nhân chứng, vừa là nạn nhân của cái chủ trương ‘tập trung cải tạo” sau 1975, để nhằm trả thù ranh khéo một cách nham hiểm, quỷ quyệt và thâm độc…với những quân nhân của QLVNCH, nhưng, những tác giả hồi ký ấy chỉ là Nam, và chỉ viết sau khi ra khỏi các trại tù cải tạo và ở nước ngoài.
Nói như thế để thấy tác giả Nữ, Thanh Sâm, qua tác phẩm Cõi Đá Vàng – tôi đã đọc trong blog này, và download về lưu – đã cho chúng ta thấy nhãn quan và bút lực của bà quả là đầy sắc sảo, nhạy bén… một cách thật đặc biệt, bởi, đối chiếu lại tình hình sau 1975 và hiện nay, sống trong cái xã hội của chxhcnvn, ta thấy Cõi Đá Vàng vẫn toát lên Chân Giá Trị thực tế.
Một tác phẩm rất xứng đáng để đời với lịch sử VN!

(Ý kiến của Ng. T)

Lần đầu tiên mới được biết và đọc truyện này.
Thật ấn tượng với câu truyện mà tác giả chuyển tải, và càng ấn tượng hơn nữa vì tác giả là nữ, mà lại chọn đề tài này để viết!
Tiếc là trước 1975, tác phẩm này, mang tính cách “cảnh báo, cảnh tỉnh”, nhưng lại không có được nhiều người lưu ý, tiếp cận đọc, để rồi sau 1975, phải trả giá rất rất đắt cho sự ngây thơ, ấu trĩ, tập trung trình diện…vào cái bẫy lưới “học tập một tháng” giăng sẵn của cs!!!!
Âu cũng là cái “Nghiệp” của cả dân tộc VN vậy!!!!!!!

(ý kiến của PHT)

Giá trị như vậy mà  thời miền Nam trước 1975, không ai biết  Cõi Đá Vàng. Không ai biết Nguyễn thị Thanh Sâm là ai. Nếu có chăng là chỉ biết căn nhà có hoa mimosa màu vàng của Hoàng Ngọc Tuấn  mà gia chủ là người đàn bà rất hiếu khách, và cánh cửa luôn luôn rộng mở để đón những bạn bè văn nghệ như Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Nguyễn Xuân Thiệp, Bửu Ý v.v… Nếu có là những thị dân Đà Lạt, những người lính thuộc tiểu khu Tuyên Đức biết một Nguyễn thị Thanh Sâm là phu nhân của cố đại tá Phan văn Tốn, phó tỉnh trưởng  nội an Tuyên Đức tử trận vì một quả mìn năm 1971, để lại năm đứa con bé dại cho người góa phụ một mình chống đỡ nuôi nấng…

****

Không. Vẫn có người viết về CĐV chứ. Tại tôi không biết đấy thôi.
Vẫn có người viết về Cõi Đá Vàng ngay sau năm 1972, khi sách được phát hành. Theo lời kể của thân nhân  của  tác giả Cõi Đá Vàng ( An Tiêm xuất bản 1972) là sau khi Cõi Đá Vàng  phát hành, một nhà văn tên tuổi  đã chỉ trích tác phẩm thậm tệ, khiến bà xuống tinh thần trầm trọng. Phần thì chồng vừa chết (tử trận năm 1971), phần thì phải lo 5 đứa con còn bé dại, nên bà không còn thiết tha gì đến viết lách nữa.
Tôi muốn biết tên người viết là ai. Người đủ thẩm quyền là tác giả Cõi Đá Vàng, nhưng bà không còn minh mẫn để mà nhớ nữa. Tôi biết nhờ ai đây. Hay chỉ nhờ vào cõi không cùng này như tôi đã từng nhờ về trường hợp nhà thơ Lâm Vị Thủy trước đây…

Bài liên hệ:

Viết lúc 4 AM: Sau những bức tường là những cánh cửa không chịu mở…

Cuối cùng, chúng tôi vui lắm….

Viết lúc 4AM- Những người vác thập tự giá

Tủ sách Di sản văn chương miền Nam: Cõi đá vàng của Nguyễn thị Thanh Sâm

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

%d bloggers like this: