Chúng tôi ở một vùng rất hiếm người Việt. Không có tiệm VN. Hai tiệm phở ở hai thị trấn kế cận nhưng hình như họ chỉ nhắm vào khách ăn người Mỹ hay Đại Hàn nên chẳng bao giờ thấy lọ/chai nước mắm đặt trên bàn. Muốn đi chợ Việt hoặc tìm lại hương vị của bát phở hay cơm tấm ở quê hương, chúng tôi phải lái xe khoảng 2 tiếng đồng hồ mới tìm ra được một tiệm vừa ý.
Nhất là những ngày Tết, nỗi cô đơn càng to lớn cho lứa tuổi về hưu như chúng tôi. Con cháu chúng tôi làm sao có thể hiểu được thế nào là truyền thống, thế nào là những kỷ niệm không bao giờ phai nhạt, từ một đêm mà mình xem là thiêng liêng nhất của một năm: Đó là đêm giao thừa. Dù trong thời chúng tôi, nói đến giao thừa là nói đến chuyện nằm đường để giữ gìn an ninh cho hậu phương vui Tết, hay cho đoàn xe chở em gái, ca sĩ ra tiền đồn ủy lạo binh sĩ xa nhà. Dù trong thời chúng tôi, đêm giao thừa là nằm trong trại tù, mắt mở trừng, nhớ rưng rức từng hình ảnh thân thương… Nhưng mà, vượt lên trên hết, là một đêm khác với mọi đêm, một giờ khác với mọi giờ… Ở đó gió dù lạnh nhưng rất ấm trong lòng, đêm dù đen nhưng trong tâm hồn mình rất sáng.
Bởi vậy, dù ở quê người, nhưng trong tâm tưởng của chúng tôi vẫn còn thắp sáng những ngọn đèn sáp trên bàn thờ tổ tiên, và những dĩa trái cây hay mâm cơm cúng ông bà cho ba ngày Tết. Chúng tôi vẫn cữ kiêng ba ngày Tết, không quét nhà vào ngày Mồng Một v.v.. dù vẫn biết, chuyện cữ kiêng này có tính cách phản khoa học, nói cách khác là tính cách mê tín dị đoan. Nhưng xét cho cùng, chúng là truyền thống. Là tập tục. Cả trăm năm, cả ngàn năm, tập tục vẫn chưa bao giờ bị mất, dù càng lúc khoa học kỹ thuật càng chế ngự trí óc của con người. Có hại gì đâu. Có mất gì đâu.
Và cũng vì truyền thống, tập tục ấy, nên món quà cho cháu nội gái 6 tuổi của chúng tôi là chiếc áo dài trong dịp chúng tôi qua Nam Cali. Bà nội của cháu mong thấy cháu xúng xính trong chiếc áo dài trong ngày Tết. Tuy nhiên, cháu chẳng mảy may thích thú gì ở chiếc áo lạ lùng trong buổi mở quà ngày Giáng Sinh. Cháu chẳng cần mờ hộp ra xem, mà vất ngay một bên. Bởi có những đồ chơi khác hấp dẫn hơn: gấu, búp bê, những tập họa hình… Không thể trách cháu chúng tôi. Tuổi của cháu làm gì biết được truyền thống, là chiếc áo dài, là chiếc nón bài thơ hay hình ảnh đẹp của cô gái đi chùa Hương… Không thể bắt cháu phải mặc một chiếc áo quá lạ kỳ, chẳng mấy hấp dẫn…
Như vậy, xem như món quà mà bà nội của cháu mong ước cho cháu, đã bị lọt sổ.
***
Hình như cháu rất thích múa hát. Những lần mang cháu đi dự những buổi tiệc tại nhà bạn bè chúng tôi, cháu đã ngồi hằng giờ thưởng thức trước màn ảnh Karaoke cùng với người lớn. Thấy người lớn vỗ tay cháu cũng vỗ tay theo. Thương lắm, khi thấy cháu chúng tôi trong chiếc áo đầm, đôi tay cháu đưa lên trời, chân nhón lên, đôi giày nho nhỏ xinh xinh, thân hình hơi nghiêng, bên các bạn cùng lớp trong một buổi lễ mãn khóa Mẫu giáo. Chỉ có một mình cháu là đưa đôi tay lên cao. Vũ điệu gì nhỉ. Hay là cháu tự biến chế?
****
Cách đây khoảng hai tuần, Cộng đồng VN tự do tại tiểu bang New Jersey có tổ chức một đêm văn nghệ mừng xuân Nhâm Thìn, và cả gia đình chúng tôi cùng đến tham dự.
Cha mẹ cháu muốn con mình hiểu được thế nào là Tết, thấy lại lân, những bao thư lì xì…
Đêm ấy vui lắm. Dù là văn nghệ cây nhà lá vườn, không có ca sĩ nổi tiếng, nhưng không phải vậy mà buổi văn nghệ lại không hấp dẫn với những màn múa hát rất đặc sắc.
Một màn vũ áo dài trong buổi văn nghệ mừng xuân Nhâm thìn của Cộng đồng VN tự do New Jersey ngày 11-2-2012
(hình từ http://kimtaphotography.com/)
Những màn vũ, những màn trình diễn áo dài, hay cảnh múa lân rất hoạt náo, đến nỗi đám con trẻ cùng nhau ào lên, như lớp sóng, giữa lúc tiếng trống giục giã liên hồi.
Đấy mới chính là không khí Tết. Chứ không phải đến mà ngồi lắng nghe tiếng hát của ca sĩ để gọi là mừng xuân.
Cháu gái của chúng tôi đã bỏ ba mẹ lên ngồi ở hàng ghế đầu, chăm chú nhìn lên trên sân khấu, trong khi anh của cháu thì không thiết tha, bận lo chơi game trên Ipad.
(nguồn: trang Cộng đồng VN tự do New Jersey)
(nguồn: http://kimtaphotography.com/)
Rồi có một lúc nào đó, cháu tỉ tê với ba mẹ là cháu muốn mặc chiếc áo dài để được lên sân khấu múa.
Vâng, cám ơn buổi văn nghệ, để cháu của chúng tôi hiểu được ý nghĩa của món quà của bà nội cháu !