Viết lúc 4 AM: Sau những bức tường là những cánh cửa không chịu mở…

Để chúng ta hiểu thêm về hoàn cảnh và điều kiện sáng tác của lớp nhà văn nhà thơ trong thời chống Pháp (và dĩ nhiên “chống Mỹ” !) , xin được trích lại cảnh “dằn mặt” của Hoàng Hà – một cán bộ CS cao cấp – với Nguyễn Trần – một đảng viên CS, chủ nhiệm báo Quân đội Nhân dân tỉnh bộ Thừa Thiên. Trần đã bị buộc tội là viết bài phản đối hành động tàn bạo của một viên bí thư khi hắn hành quyết một thiếu nữ trẻ vì nghi là Việt gian bằng ba mũi tên.


“…Hoàng Hà ngừng lại một giây, ông ta tự để mình lôi cuốn theo những lời nói thao thao bất tuyệt của ông, những lời nói có một ma thuật khiến đôi mắt ông quắc lên, long lanh chờn vờn như một lưỡi kiếm, ông gằn giọng, trở lại tư thế lạnh lùng đanh thép cố hữu:
– Tôi có nghe nhiều về đồng chí, đồng chí đã tỏ ra là một chiến sĩ dũng cảm, một văn nghệ sĩ có chân tài, chừng đó không đủ. Hãy can đảm tự xóa mình đi, hãy từ bỏ ảo tưởng xây dựng tiếng tăm và ảnh hưởng của cá nhân mình. Đảng không chấp nhận những ý thức đó. Tuy nhiên Đảng sẽ nâng đỡ đồng chí khỏi phạm vào những sai lầm tai hại tương tự như những điều đồng chí đã làm. Đồng chí sẽ được một cơ hội để tự cứu nếu không muốn rơi vào sự hủy diệt. Trong thời gian chỉnh huấn, đồng chí phải hết lòng đào sâu suy ngẫm, phải khẩn trương thành thực sửa mình, để tỏ lòng biết ơn Đảng đã tạo nên chúng ta, đừng bao giờ lãng quên điều đó. Khoá chỉnh huấn của đồng chí sẽ khai mạc trong vòng hai hôm nữa và sẽ kết thúc trong vòng một tháng, tôi mong rằng đó là thời gian thích đáng mà đồng chí có thể đạt được thắng lợi cho tư tưởng và bản thân mình để tạo nên sự nghiệp của một chiến sĩ Bôn-sơ-vích hiến dâng cho Đảng.
Hoàng Hà đứng dậy, ông giơ tay lên ra hiệu câu chuyện đã kết thúc. Trần cũng đứng lên, chàng đứng nghiêm thẳng người đưa tay chào vị chỉ huy cao cấp, rồi quay lưng bước thẳng ra cửa.
Ra đến bên ngoài Trần bước đi như một cái máy, lòng chàng buồn bã vô hạn. Chàng vừa gõ một cánh cửa, và cánh cửa đã đóng chặt, cánh cửa từ chối không chịu mở ra.
Sau những bức tường là những cánh cửa không chịu mở.”

***
Cuối cùng, hai người bạn thân thiết – nhân vật chính trong truyện bị chết. Họ là nhà văn cũng là nhà thơ. Họ chết bên cạnh những cái chết khác. Chết vì bị đấu tố. Chết vì bị kết là Việt gian. Chết vì tù tội. Chết vì bom đạn. Chết vì bị Tây ruồng bố. Chết trên chiến trường.
Có điều Trần – chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Quân đội Nhân Dân – và Huỳnh – một nhà thơ nổi tiếng- chết bởi vì họ đã tự mở cánh cửa cho đời họ. Tức là cánh cửa trái tim. Trần bị buộc tội là có tư tưởng phản động, phản cách mạng. Còn Huỳnh vì đã dám phê bình chính sách cải cách ruộng đất…

Vâng trái tim, tức là tình người, là nghe nó đập, kêu gào, phẫn nộ, nó vui buồn đau khổ và hạnh phúc. Thấy dân oan mà thương, thấy tội ác mà lên tiếng. Không khuất phục trước những đe dọa và bạo lực.
Tác giả đã dành cả một chương để nói lên niềm cảm tạ trái tim của con người. Bà đã dành hầu như hết những con chữ đẹp nhất óng ả nhất để ngợi ca thi ca.

….
Đêm vừa tàn, trời mưa vừa tạnh, em bàng hoàng, chới với vì anh vừa thốt tiếng chia ly. Em cuống quýt, mê man vì đau đớn, em nguyện cầu xin Trời hãy cho mưa trút nước cho thành lụt, cho khỏi con thuyền cách bến sang.
Nhưng rồi anh cũng ra đi, anh rời khỏi vòng tay em, dấn thân vào vòng đam mê, đỏ tươi rừng rực lửa đạn bạo tàn.
Anh đi rồi, em vẫn còn ngồi mãi bên bờ sông khóc tận chiều, em khóc cho mối tình không chắc, lệ có vơi cùng đau khổ quạnh hiu, tiễn anh dạo này mùa thay lá, mai ngày nếu anh hy sinh trước hay em trước, ta nguyện ôm mồ chôn kiếp yêu.”
Tiếng ngâm của Huỳnh bỗng trở nên khờ dại:
“Lòng em là mẹ bầy con dại
Mẹ bé mồ côi khổ rất nhiều,
Lòng khổ đi tìm thương xót khổ
Khổ trần xin họp bến nâng niu.”
***
“Này, hãy nghe đây, có một nước cộng đồng. Ở đó có nghìn Chúa bay lên, nghìn Chúa xưng tên, không thiết nhìn nhau, rằng đó là nhau.
Này, hãy nghe đây, ở nước cộng đồng người người đều no lành, sức người không hề nghèo, hoa đời không hề tàn.
Này, này, hãy nghe đây, ở nước cộng đồng đầu đầu quầng mười vầng thần trí, người người quầng mười vầng từ bi.
Này, này, hãy nghe đây, người hãy gắng sức đi tìm một nước cộng đồng như thế trên vũ trụ biến động khôn lường này.”
Đó là những điều mà Huỳnh đã gởi gắm trong thơ của anh. Tiếng ngâm của Huỳnh vang vang niềm ưu ái xót thương.
Lời thơ như hơi thở cúi xuống thổi đi chút bụi mờ trên giòng đá khắc, khuôn mặt Huỳnh ẩn hiện dưới ánh đèn dầu khi mờ khi tỏ, râu tóc phủ kín mặt anh chỉ để lộ sống mũi cao và đôi mắt ngời ngời một nỗi bi thương giữa một thế giới hoang tàn. Huyên xúc động sâu xa, một chân trời vừa mở trước tuổi thơ thần thánh có những suy tưởng đam mê đến cùng cực. Từ bao lâu Huyên đã buông mình trôi bềnh bồng trong đó, có một cái gì trong Huyên từ chối một sự thức tỉnh, nàng biết rằng đàng nào cũng chỉ đưa đến một sự giằng co rách nát tâm hồn mà thôi.
Trong muôn ngàn mớ cảm nghĩ hỗn độn đau buồn đó, Huyên mơ hồ nghe những tiếng thơ của Trần nối tiếp.
“Mưa rừng. Ngày này qua ngày khác, những cơn mưa kéo dài lê thê dưới bầu trời nặng trĩu mây đen. Cả vũ trụ ướt sũng vây hãm lấy ta. Rừng sâu rạp mình dưới cơn mưa ngàn thác lũ, không một lời chim vọng lại, bao lâu ta thức trong lòng lá, nghe suối trường thiên kể nỗi niềm.
Rồi một ngày, mây đen dàn thành hàng theo gió bay đi, mở hé một mảnh trời xanh như thoáng hiện thiên đường, có tia nắng lọt qua kẽ mây chiếu xuống khu rừng một chớp lóe tinh khôi. Tức thì rừng sâu xao xác, vạn vật cựa mình, ta nghe muôn ngàn tiếng chim trỗi lên lảnh lót.
Đột nhiên tiếng chim tắt nghẹn, vạn vật im lìm, rừng thiêng cúi lặng, ta lạ lùng chẳng hiểu từ đâu, ngẩng trông lên, tia nắng phỉnh phờ không còn nữa, bầu trời giăng giăng một màn mây xám xịt.
Tia nắng đã có ma lực sai khiến chim rừng mừng hão vội ca vang, từng tràng lanh lảnh nhưng rồi ngậm, ta ngẩng trông trời xám sắc mây!!!”
***
“Em nằm đó, đất ấm êm ôm ấp da thịt tươi nồng của em. Mồ thì xanh, xanh quá, lá say đời. Hàng cây lá lướt thướt nghiêng xuống mồ em, rỏ lên thi thể còn xanh của em những hạt lệ tao phùng. Đêm đêm, có ánh sao khuya băng mình qua hàng ngàn thế kỷ đến đậu trên hàng mi em, trên mắt em khép kín một giọt sáng long lanh.
Em nằm đó, thời gian ân cần đón nhận em vào lòng Mẹ Thiên Thu. Em buồn chi em, có anh, người thi sĩ quỳ xuống bên em, có môi anh hôn lên vết thương se sắt của em, có môi anh hôn lên đầu mũi tên tẩm độc, có bàn tay anh vuốt mặt cho em, bàn tay anh xin em xóa hết hận thù.
Trả lại cho thế nhân bao căm hờn phi lý, trả lại cho người ngọn lửa dữ hung tàn. Bao kinh hoàng đớn đau xưa không còn nữa, xin em rủ lòng thương lũ người quay lại giày xéo lên nhau.
Đồng loại em đánh đuổi em ra khỏi cuộc đời, em nằm xuống đây, Đất Trời giao hòa thương mến, em nằm xuống đây, yên hàn thư thái, đợi chờ đồng loại thoát kiếp u mê, trở về cùng em trong lòng hư vô bất tuyệt.”
Tiếng thơ đã dứt từ lâu, mọi người chưa hết bàng hoàng. Gió lộng từ trời cao xoáy sâu xuống lòng biển rộng, bùng lên một âm ba chấn động khiến không gian khép nép.
Ngọn đèn dầu khô cạn, không ai buồn nói năng. Huyên kinh ngạc đến toàn thân bất động, có cái gì đâu đây, một ý thức vạn năng của kiếp sống, có một điều gì đó, lần đầu tiên trong tâm trí non nớt của Huyên bỗng nhiên thấy mình trở nên cao cả, vĩ đại vô cùng. Huyên nhìn quanh những khuôn mặt đều trở nên gần gũi thân thiết biết bao.
Đêm nay tâm hồn Huyên chùng xuống, cảm thông với cõi miền vô cùng vô tận. Đêm nay giữa lòng quê hương chiến tranh hận thù chất ngất, người thơ đã vượt muôn trùng, giữa sóng gào gió thét, mang về một chút bình yên trong lòng người thế hệ.

***

Trong suốt cả hơn 400 trang, chúng tôi đã thấy rộ nở lên những nụ búp sen búp súng về cái Đẹp ấy giữa những đầm lầy của dối trá, tội ác, máu me và thống khổ của một dân tộc mà người CS đã làm mưa làm gió.

Nói như nhận xét của nhà văn Khuất Đẩu, sau khi chúng tôi chuyển file đến anh để chia sẻ niềm vui chung:
…Đó chính là thông điệp gửi tới người đọc, rằng tình yêu vượt thoát lên trên tất cả, tình yêu chiến thắng cái ác và vĩnh viễn bất diệt.
Vậy nên, đừng xếp chị vào những nhà văn chống cộng mặc dù tác phẩm là một bản cáo trạng rất chân thực và sâu sắc, bởi vì đứng trên đỉnh cao của tình yêu, chị nói tới cái Đẹp viết hoa của chính con Người.

Xin được cám ơn nhà văn Nguyễn thị Thanh Sâm.

Xin được cám ơn miền Nam ân nghĩa đã cho chúng tôi có cánh cửa mở sau những bức tường.

%d bloggers like this: