Cuối cùng, chúng tôi vui lắm….

(Tác giả nhận được CĐV mới)

Tôi vừa  nhận được điện thư của chị  K. Nhung, em gái của nhà văn Thanh Sâm. Chị rất vui  cho biết Cõi Đá Vàng đã đến tay chị Thanh Sâm. Chị viết:

“Tôi nghĩ đúng là phép lạ như anh đã nói. Trước Tết vừa qua ai nói đến điều gì chị tôi cũng hiểu lờ mờ. Hôm nay nhìn thấy quyển CĐV mới, chị tôi như bừng tỉnh giấc mộng dài.”

Chị kèmtheo những tấm hình chụp chị TS sau khi nhậntập  CĐV mới.

***

...tôi mơ ước, khi cuốn sách này đến tay, đọc lại những giòng chữ ngày xưa đã viết cũng như nhìn lại hình chụp cùng với các bạn, bà sẽ nhớ lại được những kỷ niệm thật đẹp ngày nào 

(trích đọan bài viết thay lời mở : “Hành trình của Cõi Đá Vàng” của Trần thị Nguyệt Mai)

…thời những năm sáu mươi, bảy mươi
thời của mộng mị và chiến tranh
làm sao không nhớ anh Tốn *
làm sao không nhớ căn nhà ở đường Thi Sách
trên đồi thông reo Đà Lạt
căn nhà có hai cây mimosa vàng
có lò sưởi tí tách những đốm lửa nhỏ
còn thơm mùi nhựa thông
nơi chúng tôi đã đến đã ở đã hát đã đọc thơ đã vẽ **

 và chị đã viết Cõi Đá Vàng, rồi tứ tán
nay cơ duyên nào lại gợi lên lớp sóng phế hưng
có phải vì những tấm lòng
những người bạn chưa biết mặt,
gõ e-mail cho nhau làm nên project CĐV

 mong được uống ngụm rượu quý như Trần Hoài Thư nói
khi sách in xong, mong chị tỉnh dậy, nhìn lại tập truyện dài
của mình sau bao nhiêu năm, nhìn lại tà áo dài trắng của chị
ngoài bìa, như năm xưa nào trong phòng triển lãm, rồi Quên.

(trích  Đọan ghi gởi chị Thanh Sâm của Đinh Cường)

…Xin được cám ơn quí bạn đã tạo nên một nhóm tuyệt vời! Mong rằng khi tác phẩm này đến với tác giả, cánh cửa của trí nhớ sẽ được mở ra cho ánh sáng kỳ diệu lọt vào, để bà có thể  thấy lại đứa con tinh thần của mình sau bao năm thất tán, được chúng ta tìm lại và dẫn về mái nhà xưa.

Chúng tôi xin được đặt hết lời cầu nguyện vào Ơn Trên.

( trích lời cảm tạ của nhà xuất bản)

Những đọan trên được trích lại từ những trang lời mở, phụ lục của tác phẩm Cõi Đá Vàng. Chúng nói lên tấm lòng của chúng tôi về một nhà văn đang bị bệnh. Và chúng tôi chỉ  cầu mong có một phép lạ – nếu chúng ta tin đôi khi có một sự mầu nhiệm nào đó, có thể xãy ra. Thì sự mầu nhiệm đã xãy ra, ở đây.

****

Rõ ràng là sự mầu nhiệm. Nhìn nét mặt bà rạng rở, niềm vui tỏa sáng qua ánh mắt, thì lòng chúng tôi cũng vui ơi là vui. Tôi muốn chia sẻ niềm vui đến với mọi người, với cuộc đời, với quả đất, với hàng hà tỉ tỉ năm tháng vắt tay suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc đời. Tôi cũng muốn chia xẻ với cái ý nghĩ về cõi tạm mà chị đã chia sẻ khi đọc phần tiểu sử của chị trên bìa sau. Cần gì ngày tháng năm sinh, cần gì sinh quán trú quán, cuối cùng, năm sinh tháng sinh trở thành vô nghĩa.

Đúng vậy chị ạ. Trong lồng kiếng của lịch sử văn học, không có ngày tháng năm sinh. Có ai biết và cũng chẳng cần biết Nguyễn Du sinh năm nào, hay bà Đoàn thị Điểm trú quán sinh quán tại đâu. Không có một đề thi về văn chương lại hỏi thí sinh về ngày sinh tháng đẻ  của Nguyễn Công Trứ hay Nguyên Sa.

Bởi những tên tuổi ấy là bất tử.

Giống như Cõi Đá Vàng này.
Nó sống và sống mãi.

Bằng chứng là từ   Blog Phay Van,  từ một lời ao ước của cô Phay. Rồi hai người, rồi ba người. Họ muốn được đọc một tác phẩm mà họ mang dấu ấn trước 1975. Để rồi, như cả một sự diệu kỳ: những người tứ phương từ một thế giới ảo, tìm đến nhau, cùng nhau lập nên một nhóm, gọi là nhóm thực hiện dự án CĐV… Không ai biết tác giả ở đâu, làm cách gì để liên lạc. May nhờ có họa sĩ ĐC. Từ anh ĐC, chúng tôi biết là tác giả đã ở vào số tuổi gần 80, lại bị bệnh. Và chúng tôi muốn làm một cái gì đó… (Diễn tiến dự án này được kể lại bởi Trần Thị Nguyệt Mai trong bài viết Hành Trình của Cõi Đá Vàng cho phần Thay Lời Mở).

Tôi đá đánh bóng một tác phẩm quá lố chăng. Để bán sách ? Không đâu. Tác phẩm này do tôi in và xuất bản chỉ được biếu tặng, không bán. Nó vô giá.

***

Nhà văn Thanh Sâm khác với những nhà văn nữ khác. Trong khi các nhà văn nữ khác chuyên viết vào những đề tài liên quan đến thân phận phụ nữ, với những nhân vật chánh thường là người nữ, thì ngược lại trong Cõi Đá Vàng, những nhân vật chánh là nam. Bà  đã mang lịch sử ra đễ mổ xẻ, mang chủ nghĩa ra phân tích, mang sự thật ra phơi bày trước ánh sáng, và mang cả trái tim bi thương của mình mà dâng cho người chồng tử trận tại đồn Kim Thạch. Kim Thạch có nghĩa là đá vàng. Cõi Đá Vàng mang địa danh rướm máu. Nhưng nó vượt hẳn lên từ những lời thống thiết của cá nhân, nó là cả những lời thống thiết của cả một dân tộc và cho cả một thế hệ, không phải hôm qua mà ngay cả bây giờ.

Bởi vậy, chúng tôi không vui sao được…

Vui ơi là vui…
 

Bài liên hệ:

Giới thiệu Cõi Đá Vàng

Nhà có hoa mimosa màu vàng

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

%d bloggers like this: