Viết lúc 4 AM – Tình độc giả

(Bài này được viết cách dây 4 năm hơn, lúc Y. chưa bị khổ nạn)

1.

Tôi nhận được một món quà văn nghệ từ một người quen vừa đặt chân đến Mỹ. Đó là cuốn sách Việt Nam Thi nhân hiện đại (1880 – 1965) của soạn giả Trần Tuấn Kiệt do nhà Khai Trí tái bản lần thứ nhất vào năm 1968 . Người tặng cho biết, cô đã lén dấu và đã giữ gìn nó suốt mấy mươi năm trước khi đám người cuồng tín ào vào khoá niêm thư viện đại học do cô coi sóc.

Nhìn sách mà xót. Có những lỗ mối khoét đục. Màu giấy đã ngã sậm vàng và khô cứng. Có tờ rời ra. Tuy nhiên, chữ nghĩa vẫn còn đậm mực, những bài thơ vẫn còn ẩn hiện tim não con người.. Mới hiểu rằng văn chương miền Nam thật quá đồ sộ, phong phú và đa dạng. Mới thấy được một nền văn học trọng tài, trọng chữ nghĩa hơn là chỉ biết trọng giai cấp, thành phần và chỉ thị. Mới càng nhớ ơn người đã giữ gìn nó. Không có những người như cô, chắc khó được đọc lại những bài thơ đã nổi tiếng một thời. Rõ ràng, người đọc đã cứu nguy, cứu tử những đứa con sắp bị ngọn lửa tháng tư 75 cuồng tín thiêu đốt. Họ đã gìn giữ hộ cho tác giả trong khi tác giả thì bất lực. Cho dù họ phải đối phó với những đe doạ thường trực. Cho dù lúc đó, cơm gạo cần hơn văn chương. Nói như một nhà thơ ở trong nuớc, đến mái tôn lợp nhà còn phải tháo gở để bán mua gạo huống gì là sách vở. Họ giúp cho văn chương miền Nam trước 1975 đã không bị mai một, vẫn còn tiếp tục lưu truyền đến bây giờ.
Họ chính là những ân nhân của việc bảo tồn nền văn học miền Nam trong cơn thất tán.

Bằng chứng việc mang qua Mỹ một cuốn sách dày hơn ngàn trang, bị mối ăn, bìa rách, gáy bị tróc, chỉ bị sút. Đó không phải là cái tình của người đọc đối với văn chương chữ nghĩa, với những tác giả xa vắng của miền Nam, và với soạn giả Trần Tuấn Kiệt hay sao?

2. Tôi nhớ đến những người yêu mến văn tôi. Tôi nhớ và cám ơn họ. Chẳng những họ cho tôi hiểu tôi phải làm gì, viết gì. mà làm lòng tôi ấm lại khi đôi khi muốn rút chốt lựu đạn. Cám ơn em, tình em theo đời anh lênh đênh, giúp anh càng yêu mến văn chương. Bởi vì viết ra có em đọc, em khuyến khích. Cám ơn em, bây giờ tìm đâu ra một thời em viết cho tôi những giòng nhật ký. Cám ơn bạn đã đến với tôi khi đầu óc tôi muốn nổ tung dưới mái tôn nóng như hoả lò. Và cám ơn bác sĩ Nguyễn Lạng, y sỹ trưởng quân y viện Ban Mê Thuột. Một độc giả của Bách Khoa. Tại sao trong một buổi gặp gỡ tình cờ tại một nhà sách ở xứ núi, khi biết bút hiệu của tôi là bác sĩ mở rộng lòng từ tâm từ lượng. “Tôi sẽ giúp anh. Tôi tin rằng với độ kính nặng như vậy, một là anh sẽ được giải ngũ hai là anh sẽ phục vụ ở đơn vị không tác chiến. Rất tiếc, quân y viện Ban Mê Thuột không có hội đồng giám định y khoa về mắt. Phải về Cộng Hoà Sài Gòn. Tôi để anh nằm chờ ra hội đồng…”
Cám ơn bác sĩ. Cám ơn một người độc giả. Cho dù sự giúp đỡ của ông đã không đạt được kết quả như ông kỳ vọng. Có nghỉa là cuối cùng vẫn là:

Ở đây đèo ải ngăn sông lộ
Trăm đứa lên có mấy đứa về
Giày trận bám bùn mưa tối mặt
Mùa hè gió bụi thốc tê tê…

(Thơ THT)

Bây giờ, nghe ông đã chết trong trại tù ngoài Bắc, biết làm sao để gởi lời cảm tạ về một người độc giả ân nhân ?

3. Tình độc giả to lớn như vậy, nhưng ít khi người ta lại nghe nhắc nhở đến cái tình này. Thiên hạ chỉ nhắc đến văn thi, nhạc sĩ. Thiên hạ chỉ nghe những câu nói ở chót lưỡi đầu môi của lãnh tụ: Cây bút là một sư đoàn.
Nhưng xét cho cùng, nếu ở đàng sau nhạc sĩ tài danh TCS, không có những người vì yêu mến tài hoa của TCS, mà giúp đỡ TCS, dành cho TCS những cơ hội để được tự do sáng tác trong khi hầu hết những người cùng thế hệ Nam cũng như Bắc, hì hục giết nhau ngoài chiến trường, thì có lẽ TCS cũng mang bộ đồng phục trong một hàng ngũ nào đó, hay có thể bị quẩn trí trong một xã hội đầy bi uất… Và chúng ta có lẽ sẽ không được dịp thưởng thức những tình khúc tuyệt vời bất hủ của ông.

4. Có nên nói ra điều này không để chứng tỏ về nỗi mầu nhiệm của tình người đọc. Xin mời đọc đoạn viết sau đây được gởi ra từ trong nước của một người bạn văn, đã đi trong tập 10 Thư Quán Bản Thảo để hiểu rõ tâm trạng của người mà một thời họ được xem là những người viết trẻ của miền Nam:
“… Như buổi sáng tôi và Lư vừa thức dậy, ngồi pha trà, nhấm nháp vừa nhìn ra vườn bắp trổ cờ thoang thoảng hương thơm, cùng mấy khóm vạn thọ sót lại trong ngày tết, thì điện thoại reo. Tiếng giọng trong trẻo cất lên. Tiếng chị X.H tận Cali chúc tết muộn, rồi chị hỏi giờ này tôi đang làm gì? Trả lời: ngồi uống trà với anh bạn thơ, anh Phạm Ngọc Lư, đang hàn huyên chuyện trời đất sau ba mươi năm xa cách. Chị nói: tôi có đọc bài thơ anh ấy trên TQBT 9. Cho tôi nói chuyện với ảnh. Tôi không biết chị nói gì, cũng là thăm hỏi thôi, một sự gặp gỡ đột ngột, bất ngờ qua điện thoại. Nhưng khi trở lại nâng chén trà nóng, vẻ mặt anh co giật liên hồi. Lư bảo: Ba mươi năm rồi tôi buông bút, tôi không biết gì đến văn chương, không có độc giả. Vậy mà giờ này… thật cảm động. Lư thêm: hai lần ông dựng đứng tôi dậy, đó là lần ông thúc đẩy tôi viết truyện (1970), và lần này, với chiếc máy điện thoại của ông để tôi được hân hạnh tiếp chuyện với một độc giả xa biết trân quí văn chương. Lư có hơi thổi phồng, nhưng dẫu sao cũng phải cảm ơn chị X. H ngàn lần và ngàn ngàn lần với những anh chị X. H khác, những người luôn mang đến cho kẻ cầm bút niềm tin chói sáng (điều này Phạm Văn Nhàn đã viết trên TQBT 9) để bước tiếp trên con đường nghiệp chướng gian truân, trả nợ kiếp con tằm con bướm trong chốn nhân gian đầy hệ lụy này ”

5. Và cũng vì cái tình của người đọc gởi tặng cuốn sách mà chúng tôi mới được cơ hội đọc được những vần thơ cũ. Trong đó có thơ Nguyễn Nghiệp Nhượng. Một trong số người ít ỏi mấy mươi năm về trước đã đem thi văn miền Nam vuợt khỏi cái khuôn sáo của vần điệu cứng khô để đẩy nó lên cao, và vượt cả thời gian, không gian. Mà mãi đến bây giờ, nếu đọc lại, chúng ta vẫn thấy sự lộng lẩy của văn chương thời trước 1975. Để chúng ta lại thêm một lần tự hào về một nền văn học nhân bản, khai phóng, và tự do, và thêm một lần bồi hồi nhớ lại một thời văn học lẩy lừng đã mất.

6. Phải để những trang giấy này là những kết đọng của những kẻ mà hai vai nặng nề bất hạnh và tiếng thở dài. Hãy để những trang giấy này được chở đi bằng sự “uy vũ bất năng khuất”, bằng sự khinh mạn của người nghệ sĩ.. Bạn ta đó, lên núi làm thơ, để phố núi cao phố núi đầy sương. Phố núi không xa trời thấp thật gần.. hay xuống đồng bằng làm ngư phủ đánh cá ngư ông… vỗ thuyền mà hát trong hơi rượu. Bạn ta đó, khi gặp bạn, bạn uống rựou rồi khóc khi nhắc đến người con gái mình yêu. Bạn ta đó, có người thì chết trên núi, có kẻ thì chết dưới biển, có người thì sống sót, vá xe đạp để tồn sinh. Bạn ta đó, có kẻ vào chùa qui ẩn, quên mùi tục lụy.
Nhưng dù họ đã bỏ đàng sau những trang chữ nghĩa, hay dù họ đã mất độc giả, nhưng không phải vì vậy mà chữ nghĩa lại chết.

7. Nếu đời là vô thường, thì có lẽ cuối cùng, chúng ta chỉ là những chiếc bóng bên đường nhân sinh. Không thể níu kéo hay gìn giữ. Cho dù là những hoài niệm về một thời mà máu lệ tuôn trào với những cơn mưa hạnh phúc. Cho dù là những ngậm ngùi rưng rức khi nhìn lại những trang giấy cũ vàng ố cùng cát bụi của lịch sử và thời gian. Như những tờ bản thảo mà chúng tôi đang có trong tay của một người làm thơ viết văn rất tài hoa này.

Bởi vậy, không ngạc nhiên khi tại sao bạn tôi, vừa đọc thơ Nguyễn Bắc Sơn vừa khóc. (Đàn ông ai lại khóc bao giờ). Nhưng nếu khóc, thì những giọt nuớc mắt này phải mang nặng tình nghĩa.
Chẳng qua, chung qui chỉ vì cái tình.
Và chính vì cái tình, mới có tập TQBT trong tay bạn đọc ngày hôm nay.

%d bloggers like this: