kinh ngạc ở chỗ cái vị canh cổng, giữ cữa nào đó vất toẹt cha nó ra bài tựa của chị Nguyễn Thị Hoàng cho tuyển tập thơ “Sương Mù Một Thuở”, còn thơ hơn những bài thơ kia, một cách rất chi là vũ phu, ngu ngốc, xuẩn động, vô lại… Tôi xin chép nguyên văn để bạn đọc coi có gì đáng xổ toẹt sỗ sàng như vậy không?
Đọc bài thơ “Tâm Hồn Trẻ Thơ” của Nguyễn Bắc Sơn, có mấy câu:
Buổi sáng mang tiền đi hớt tóc
Vô tình ngang một quán cà phê
Giang hồ hảo hán dăm thằng bạn
Mãi mê tán dóc chẳng cho về
Về đâu, đâu cũng là đâu đó
Đâu cũng đìu hiu đất hán hồ
Hớt tóc cạo râu là chuyện nhỏ
Ba ngàn thế giới cũng chưa to
(. . . )
tự dưng cái máu giang hồ vặt nổi dậy – máu giang hồ mà thời trai trẻ tôi đã từng thấy bàng bạc nơi Vũ Hữu Định, Trần Hoài Thư và một chút của Phạm Văn Nhàn – để buổi trưa hôm đó bật dậy, nhảy lên tàu trôi xuôi, chưa biết ghé nơi nào. Tàu qua cầu, qua suối, xình xịch lăn trong buổi trưa oi bức, gà gật theo nhịp rung đường ray, và rồi bỗng dưng thấy nhớ lão nhà văn Võ Hồng. Ờ phải, mười năm chưa gặp mặt, chỉ gặp trên đường dây, hỏi thăm năm câu ba sợi. Đúng rồi, nơi dừng trước tiên phải là Nha Trang, nơi một thời mài đũng quần ở trường Võ Tánh, nơi trên căn nhà trọ gác lợp toile hầm hập nóng, nơi bỗng nhiên Y Uyên và Nguyễn Phương Loan xuất hiện, ghé thăm anh học trò nhà quê lên tỉnh học. Và tất cả rủ nhau đến thăm nhà văn Võ Hồng. Thời ấy đã lâu. Ông còn trẻ, còn sung sức. Chứ không như bây giờ, mới 7 giờ tối ông đã trùm chiếc khăn len, đội thêm chiếc mũ, quấn thêm khăn vào cổ. Mới 7 giờ tối mà ông mặc đến hai chiếc áo. Chân mang vớ. Sức khoẻ không đến với ông được nữa. Vẫn căn gác mươi mét vuông bừa bộn sách báo ly tách chén đũa mùng mền chăn gối trộn lẫn vào nhau như bức tranh lập thể của Tạ Tỵ năm nào. Ông vẫn sống cô độc như ngày nào, chỉ tôi ngồi xuống chiếc đẩu mây. Đẩu chất đầy quần áo, chiếc sạch chiếc dơ. Hai người, một già một sồn sồn kiểu “trung niên thi sĩ” của Bùi Giáng nói đủ chuyện trời đất, từ chuyện cũ chuyện mới, chuyện văn chương, chuyện xã hội đến chuyện tình cảm lăng nhăng, chuyện bạn bè. . . Ông giở tập TQBT tôi mang tặng, hỏi:”uở, chớ Thư, rồi anh Nhàn gì đó, các lũy nay làm gì?”. Tôi nói các lũy ấy sống nơi đất khách quê người xa lăng lắc, em đâu biết họ làm gì. Chỉ nghe nói Thư đang thất nghiệp, chờ hưu. Còn Nhàn thì nuôi vợ bệnh. Ông lại hỏi: “ chớ họ lấy tiền đâu mà in phát không? Qua quí trọng tánh cách làm văn chương như thế này lắm lắm đó nghe?”. Ông lại than thở nhớ quê, nhớ xứ Lò Gốm, Ngân Sơn của ông mà không sao về được: “qua nhớ những vùng đất mà qua từng đi qua, từng sống mà thằng Huệ viết, sao mà cảm động quá. Qua ước chi cái ngành văn hoá nó chịu khó in những loại như vậy rồi phát không cho các trường học để các em nhỏ đọc và hiểu thêm về quê hương mình. Mỗi năm chỉ giảm bớt vài lần liên hoan phung phí thì các em có thêm kiến thức biết bao!”. Điều mơ ước của ông chỉ bay vòng vèo trong bốn bức tường, chỉ có ông và tôi nghe cùng với đống sách vở ly chén bừa bộn trên nền. Quá 9 giờ, tôi chuyển lời thăm sức khoẻ của chị XH và gửi món quà của anh em ngoài đó gửi cho ông và xin kiếu. Ông cầm tờ trăm đồng hỏi ngọn ngành. Tôi giải thích ngọn ngành và thêm “anh em biếu thầy chút đỉnh để uống thuốc bồi dưỡng sức khoẻ”. Ông nói gì đó rất nhỏ như xúc động. Tôi đẩy cửa bước nhanh, vì sợ ông với theo những xúc động khéo dài.
Đường phố đội mưa lắc cắc. Khu xóm Mới giờ thay đổi quá nhiều. Nhà khối hình hộp cao ngất.
Tối ăn tạm dĩa cơm chay trên đường Yết Kiêu.
Tối ngủ tạm nhà ông bạn là thầy thuốc bắc nổi tiếng ở Nha Trang và xem lại trận Celtic và Porto chung kết cúp UEFA nói chuyện tào đến 4 giờ sáng. Đánh vội hàm răng, lau qua cái mặt bắt ông bạn đèo lên bến xe.
6 giờ sáng đã ngồi chệm chệ trong quán cà phê cóc, ngó thị xã Phan Rang lục đục thức dậy. Thị xã của gió cát và ngả ba, thị xã một thời của Ý Thức quay ronéo đẹp nhất miền Nam, thị xã của Nguyên Minh, Võ Tấn Khanh, Tô Đình Sự, Chu Trầm Nguyên Minh… Một thời của văn nghệ mơ mộng, và yêu đương, và văng tục, và chửi đổng nỗi nhọc nhằn chiến tranh! Tất cả đều bỏ mảnh đất này mà đi vì nhiều nguyên cớ khác nhau. Chỉ còn Khanh bên Thuôn yên bình, bên bà vợ yêu quý nhất trần đời, mê văn chương nhất trần đời và cũng “ghen” vu vơ nhất trần đời. Những “Em” trong thơ Khanh luôn bị dòm chừng với những dấu hỏi dài ngoằng, đến nỗi có lần tôi phát khùng nói qua điện thoại: “Cô ơi! Cô đã biến một ông Khanh hào hoa và tài hoa của chúng tôi năm nào thành ông bần cố nông rặc rồi. Hay là cô muốn chứng minh cho xã hội này thấy quan điểm lập trường giai cấp của cô?”. Bà cô tôi phản pháo: “ Ổng giả bần cố nông với cô để hào hoa với lung tung thơ phú bóng hồng”. Tôi cười khà khà trong ống nghe: “Cô làm nghề giáo uổng quá. Trời sinh cô ra là để làm bà tuyên giáo, luôn canh chừng đám văn nghệ sĩ coi chúng có vung trôn múa đít bậy bạ không” và tôi tự động cắt máy, sợ bà ấy chửi.
Bữa nay gặp Khanh thế nào cũng bị chửi đây. Bèn lấy tinh thần bằng cách nốc một lượt hai ly cà phê đen chờ Khanh tới đón.
Trời đất, khu vườn nhà Khanh rộng mênh mông. Xoài, mít, thu đủ … oằn trái, chín đỏ cây. Mấy lãnh nha đam bẹ to như chiếc đòn gánh mà tôi nghĩ bà cô tôi mỗi khi giận Khanh, chỉ cần bẻ một bẹ nha đam quất đâu đó lên người ông bạn già là đủ sụm bà chè? Nhưng chuyện đó không bao giờ xảy ra, bỡi chỉ dòm thoáng qua đã thấy hai ông bà tràn trề hạnh phúc, bỡi vườn nhà luôn đầy ắp tiếng ve suốt cả ngày. Buổi tối hai cô cháu đấu khẩu tiếp về “Em” và xem ra tôi khó thắng nổi, bỡi bà cô tôi quá giống ông tuyên giáo.
Ờ mấy ông này chuyên nắn lại giọng cho đám văn nghệ khỏi đi trật đường rầy, y như mấy thằng cha xà ích đeo mã trá, hàm thiếc vào con ngựa kéo xe để khỏi chạy lung tung. Vì vậy tôi không lấy làm lạ (chỉ hơi chút buồn, như anh H. than thở trong thơ) khi thấy truyện mình nó gạch lung tung, xoá lung tung, thò tay thêm vào những từ cho có tính… lập trường quan điểm. Vì vậy tôi không kinh ngạc khi nghe ông bạn đại gia, trùm hotel ở Đà Lạt, bỏ tiền ra in tập thơ Sương Mù Một Thuở là những bài thơ của các nhà thơ lớn bé, Vàng, Đỏ… 89 vị, thua xa 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, viết về xứ sở hoa Mimosa, thơm tho hơn em Marilyn Monroe, kinh ngạc ở chỗ cái vị canh cổng, giữ cữa nào đó vất toẹt cha nó ra bài tựa của chị Nguyễn Thị Hoàng cho tuyển tập thơ “Sương Mù Một Thuở”, còn thơ hơn những bài thơ kia, một cách rất chi là vũ phu, ngu ngốc, xuẩn động, vô lại... Tôi xin chép nguyên văn để bạn đọc coi có gì đáng xổ toẹt sỗ sàng như vậy không? Nguyên văn:
Chúng ta đang ở giữa mối nối thắm thiết và phân vân của hai thế kỷ, điểm dừng quý giá để cảm nhận cuộc đời đang qua và nỗi niềm đang phai.
Khi tất cả qua đi thì đất trời còn lại, nên những gì hình tượng được đất trời vĩnh cửu này cùng tâm cảnh thiên thu, như sương mù ảo mộng, di ảnh của thiên nhiên, bằng cách nào đó hãy cùng nhau kết đọng và lưu dấu lại cho cuộc nối truyền bất tận mai sau.
Thơ như tiếng nói lưu đi khắp mọi cõi miền mà kỳ thực chỉ trong bùi ngùi giao cảm của mối tương quan, là cách thế gần gũi mà bao la nhất để truyền thông nhau qua thời gian và không gian niềm xao xuyến và xúc động về Cuộc Tình, về Con Người, về Cái Đẹp không bao giờ còn thấy nữa. Tình là mộng thì Sương Mù Một Thuở cũng đã phác thảo và xoá nhoà tình trong mộng ấy của đời ai. Nhưng thơ ghi âm và ngân nga vang vọng hoài trong cảm niệm đời người. Nên đọc nhau, nhận ra nhau từ muôn trùng vời vợi xa nhau, chúng ta đồng cảm chút men nồng bốc thoát nơi chén đắng trần gian.
Thơ không chia biên giới, không phân đẳng cấp, không chọn chức danh, không cầu ngôi vị, không kể thấp cao. Thơ vô hình tướng, khoác áo hư không. Thơ chỉ hắt bóng mình nơi chính nó, yêu dấu và thể nhập mình cùng hồn tính tương ứng. Nên thơ, vẫn nép bóng nguyên lý trần gian với trắc bằng, vần điệu, dẫu tự do thì vẫn còn qui luật phóng khoáng của tự do, chính là hơi thở bất ngờ, hồn nhiên của tự tính, đánh thức bỡi âm ba và hào quang ngoại giới.
Giờ đây, có người thơ đã xa xưa, không còn nữa, có người còn đó nhưng thăm thẳm bến bờ nào, có người lặn lội bôn ba dưới dặm hài mờ mịt bụi hồng, lại cũng có người lần đầu tiên ghé bước thềm sương, cái cõi mù sương chỉ đẹp cho những ai tìm thấy chân tính mình thăng hoa trường tồn trong nó.
Dẫu sao trong cõi mù sương giả tạm mà vô tận này, như cây phượng tím trên đường vào chợ chung thủy đơm hoa, như vầng hướng dương cuối đời vẫn nở, như rặng mimosa vàng nhạt khuất chìm đâu đó theo giấc mơ xưa, mỗi người tuần du qua cõi lạnh này, đã cảm tận cùng, đã yêu trọn vẹn, dù chỉ là cái có để rồi không.
Nên, vì đừng bất cứ gì mà buồn trách nhau, xin chan hoà và trao đổi cảm hoài trên bờ trăm năm những khúc thơ này, để thấy lại Người, để thấy lại Ta, đã phiêu bồng khuất biến nơi đâu bỗng hiện về trong khung kính Tâm Cảm Vạn Hoa Đà Lạt.
Đà Lạt tháng 4.2000
Nguyễn Thị Hoàng
Bà cô của tôi ơi! Xin cô đừng tự trói mình và trói người thơ, đẽo gọt, mài dũa người thơ cho ra tròn trịa nữa. Tròn trịa thì nó trơ lùi, lạnh ngắt hơn da rắn.
Thôi cô, để rắn bò vào thơ thì khác nào mấy anh đồ tể cầm dao chọc tiết heo!
(nguồn: Tạp chí Thư Quán Bản Thảo số 11 tháng 7-2003)