Như vậy, thơ đột xuất là loại thơ tình cờ, ngẫu nhiên. Nó là loại thơ bắt mạch. Nó hay ở chỗ là, dù chỉ một vài câu ngắn ngủi nhưng có một sức thuyết phục quá lớn. Nó giúp rượu càng thêm ngọt. Tiếng cười càng thêm rộn ràng
Đêm hôm qua, chúng tôi có một đêm thật vui cùng bạn bè tại nhà của N.
Cách đây hai mươi năm, vợ chồng chúng tôi đã làm người đại diện nhà trai, qua tận Canada để thay mặt cha mẹ N. xin được rước Đ. về Mỹ. Và mỗi năm, cứ vào dịp Lễ Giáng Sinh, hay Tết, vợ chồng N.-Đ. vẫn hay tổ chức một buổi họp mặt thân mặt, và mời vợ chồng chúng tôi từ New Jersey – cách nhà N. khoảng 2 giờ đồng hồ lái xe, đến chung vui.
Và cứ mỗi lần như thế, chúng tôi có dịp gặp lại những bạn bè cũ và biết thêm những bạn bè mới. Cứ mỗi lần như thế, là hình như những cốc pha lê càng thêm lóng lánh niềm vui, và màu rượu hổ phách như đậm đà thêm tình xa xứ.
Đêm ấy, trong số bạn cùng bàn có hai người là độc giả của tạp chí Thư Quán Bản Thảo. Trong bàn tiệc, họ nhắc đến TQBT số 50, chủ đề giới thiệu nhà thơ Nguyễn Đức Sơn. Và đề tài bắt đầu nhắm vào thơ NĐS. N.L bèn đọc lớn:
anh sẽ đến bất ngờ ai biết trước
miệng khô rồi nẻo cực lạc xa xôi
ôi một đêm bụi cỏ dáng thu người
em chưa đái mà hồn anh đã ướt
Bạn ta khen nức nở câu cuối. Nhất là chữ đái. Thanh mà tục. Tục mà thanh. Anh bình: Thiếu gì chữ để bỏ vào, ví dụ rót, nhưng tại sao ông ta lại dùng chữ đái. Rõ ràng NĐS phải có nội lực ghê gớm. Nhưng vợ anh thì không chịu. Cô bảo chữ em là ánh trăng. Và chữ đái có nghĩa là chảy, lai láng… Có gì đâu mà tục tĩu. Tại mình nghĩ bậy đấy thôi.
Như vậy cuộc bình thơ bắt đầu đến hồi gay cấn. Chẳng khác một forum trên mạng. Chỉ khác chẳng là ở đây, chúng tôi ăn nói thả giàn, không bị tùy thuộc vào cái kéo của administrator.
Bỗng nhiên ở cuối bàn, giọng một người bạn, từ lâu ít nói thốt lên:
– Tại sao chúng ta không đổi ngược anh thành em và em thành anh :
Anh chưa đái mà hồn em đã ướt ?
Cả bàn đồng loạt cười rộ lên. Có cả tiếng ré, tiếng thở vì phải cười quá lớn. V.C đưa tay bịt miệng chồng khi NL đề nghị đổi chữ h thành chữ. .. (người viết tự kiểm duyệt – ai hiểu sao thì hiểu).
Riêng tôi, tôi nghĩ nếu tôi bái phục NĐS một trăm lần thì anh bạn dược sĩ mới quen này cả ngàn lần!
Anh ta đã nghĩ ra những điều mà có lẽ từ trước đến nay, người đọc và có lẽ cả ông NĐS nữa cũng chẳng bao giờ nghĩ ra!
Bởi nó đã nói lên sự kỳ diệu của chữ nghĩa.
Sau đề tài về NĐS, một trong đám người tham dự chuyển qua đề tài Trung Quốc và chủ trương bá quyền kinh tế. Kẻ nói Mỹ dở, bao nhiêu tinh túy về sáng kiến mang ra ngoài quốc để Tàu, Ấn Độ khai thác học hỏi và bắt chước, người bảo Mỹ khôn, đó là chính sách của Mỹ muốn truyền bá tinh thần dân chủ. Bỗng có một kẻ đọc lên hai câu thơ, khi nhắc đến cái hiện tượng của One Dollar Store của Tàu bành trướng và tràn ngập khắp nước Mỹ:
Tôi bước đi không thấy phố thấy nhà
Chỉ thấy đô la trên nền cờ đỏ…
Cả bàn hít hà gật đầu tán thưởng. Đó là sự thật. Tình trạng này đã thấy nhan nhản rồi. Thay vì màu cờ đỏ với mấy ngôi sao vàng thì cái nhãn hiệu Made in China đã tràn ngập khắp nơi khắp chốn.
Như vậy, thơ đột xuất là loại thơ tình cờ, ngẫu nhiên. Nó là loại thơ bắt mạch. Nó hay ở chỗ là, dù chỉ một vài câu ngắn ngủi nhưng có một sức thuyết phục quá lớn. Nó giúp rượu càng thêm ngọt. Tiếng cười càng thêm rộn ràng. Để những hiền thê đầu tiên đỏ mặt sau đó như quên hết mắc cỡ, mà vịn tay chồng mà cười ra nước mắt. Có lẽ dù một danh hài nổi tiếng bậc nhất cũng không thể làm các bà các cô cười vui đến như vậy.
Như vậy, ai dám bảo rằng, văn chương đột xuất này không góp phần mang tiếng cười và niềm vui cho con người trong khi cuộc đời đầy những phiền não lo toan và sinh lão bệnh tử?
Riêng chúng tôi, niềm vui ấy đã khiến chúng tôi quên cả dặm đường dài trong đêm tối, quên cả cơn buồn ngủ, để mà nhấn bàn đạp gia tốc. Đó là những điều chắc chắc sẽ muốn giữ lại trong lòng, thay vì phải muốn gạt bỏ đi như trong những lần họp mặt tẻ nhạt, buồn nản khác. Khi mà người ngồi chỉ cách mình một khoảng ngắn mà cảm thấy như xa vạn dặm hay khi mình nói lên chẳng ai cần bận tâm hay chia sẻ với mình. Khi mà cái môi cái miệng, gương mặt ít thấy rạng rỡ mà chỉ thấy trầm ngâm, nghiêm trọng…
Đó là niềm vui mình mong đợi, để mà trở lại mái nhà của bạn, mỗi năm.
Có phải vậy không?