Vâng, hãy cho tôi trở về cùng những ngày tháng cũ. Chiếc bè đã đưa tôi vào dòng văn chương không phải đẹp và dịu dàng như một giấc mơ. Mà trái lại, văn chương bấy giờ là văn chương của lửa, lệ, và những gào thét, tra vấn, tử sinh. Văn chương bấy giờ là những ngày đêm trong lòng hỏa ngục, là những vết thương toé máu đớn đau, là tiếng kêu trầm thống của một thế hệ mà, nói theo ý Tolstoi, chỉ những ông già bụng phệ ký giấy tuyên chiến, còn phần chết thì dành cho bọn thanh niên.
Cuối cùng sau hơn hai mươi năm, tôi mới có thể thấy lại những đứa con thất lạc của mình. Không phải tại quê nhà mà tại thư viện Quốc Hội Hoa Kỳ. Về Thành. Ngựa Nản Chân Bon. Sông Sâu Cũng Lội. Khu Chiến. Nụ Hoa Vàng của Ngày Tình Si. Cánh Diều Trên Đồng Cỏ. Những số Văn chủ đề Những Cây Bút Trẻ, Phượng Trong Thành Nội. Những tên tác giả nằm bên nhau. Trang giấy cũ mốc, vàng sậm. Chữ nghĩa chi chít. Để mỗi lần đọc lại tên, là mỗi lần nhớ bạn bè, bằng hữu. Mường Mán, Hạc Thành Hoa, Nguyễn Lệ Uyên, Phạm Cao Hoàng, Ngụy Ngữ, Phạm Ngọc Lư, Lê văn Trung, Doãn Dân, Chu vương Miện, Luân Hoán, Thành Tôn, Thái Tú Hạp, Hồ Minh Dũng, Trần Doãn Nho, Lâm Chương, Phạm văn Nhàn, Lữ Kiều, Lữ Quỳnh, Nguyên Minh, Chu Trầm Nguyên Minh, Trần Như Liên Phượng, Tô đình Sự, Kinh Dương Vương và còn nhiều, nhiều lắm. Những người đã từng làm nền văn học miền Nam cực thịnh, lẫy lừng. Và bây giờ, họ ở đấy như những dư niệm ngậm ngùi qua hồn sách vở, như thể bãi tha ma. Và có tôi, ngồi yên, trong lòng một thư viện xa lạ đến độ không ngờ.
Vâng, hãy cho tôi trở về cùng những ngày tháng cũ. Chiếc bè đã đưa tôi vào dòng văn chương không phải đẹp và dịu dàng như một giấc mơ. Mà trái lại, văn chương bấy giờ là văn chương của lửa, lệ, và những gào thét, tra vấn, tử sinh. Văn chương bấy giờ là những ngày đêm trong lòng hỏa ngục, là những vết thương toé máu đớn đau, là tiếng kêu trầm thống của một thế hệ mà, nói theo ý Tolstoi, chỉ những ông già bụng phệ ký giấy tuyên chiến, còn phần chết thì dành cho bọn thanh niên. Nó là văn chương mà yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét, chứ không phải từ cửa miệng đầu môi của những lãnh tụ, đồ tể chiến tranh, hay từ những môi miệng tuyên truyền tâm lý chiến. Đó là văn chương đích thật, bởi vì từng hơi thở, từng giọt lệ, từng cay đắng, thù hận, từng nỗi buồn rầu già trước tuổi đã cấy đã hằn theo từng chữ. Chúng tôi tự hào đã nói tất cả những gì chúng tôi muốn nói, muốn nghĩ, muốn tra vấn. Chúng tôi đã tạo nên những trận sấm sét phá sập nền văn chương tháp ngà. Chất liệu văn chương của chúng tôi không phải là từ đơn đặt hàng của chế độ, hay những món hàng làm dáng du nhập từ ngoại quốc mà là sự thật bằng trái phá, bằng mồ mả oan khiên, bằng những người như chúng tôi bị nướng thiêu trong lò lửa chiến tranh.
Vâng, chúng tôi tự hào đã dám nói, dám viết. Vì sao. Thứ nhất là chúng tôi là những người lính đánh giặc thật sự. Chúng tôi không nằm đằng sau, để mà phải run sợ cấp trên khi cầm ngòi viết. Chúng tôi không phải lèo lái, gởi trao, nói bóng gió khi viết. Một bài văn gởi về Sài Gòn đều mang theo dấu hiệu của chúc thư. Và dĩ nhiên đâu phải dễ gì để chen chân giữa những tay cai thầu, những ông chủ bút chỉ biết nhìn tên tác giả. Chúng tôi viết cuống cuồng, viết hối hả, viết như sợ sẽ không còn được dịp để viết được nữa. Trời ơi, văn chương như thế ư. Văn chương gì mà bi thiết như vậy. Văn chương gì mà không có bàn để kê giấy, không có nhạc êm dịu để mà lắng đọng tâm hồn, không có bàn máy đánh chữ, ống vố để mà làm nên cung cách. Văn chương gì mà một cuốn vở, chục trang giấy trắng nhét vào túi áo trận, và xung quanh là lửa, là bất trắc.
Văn chương gì mà rờn rợn tử sinh:
Địch cho trung đội qua eo chết
Hai bên sườn đại liên đan nhau
Nổ. Nổ dòn
đất đá kêu đau
Sủi bọt
Khói bốc lên
Bốn bề dội vào vách xám
Một hai ba lộn nhào co quắp
Còn lại vẫn ào lên, ào lên
Đừng bò ! đừng bò !
Trung đội phó hét cuồng điên
Cỏ tranh bắt mồi cháy mạnh
Gió tạt khói mù
Bốn bề khói rợp
Xé cay trên cặp mắt nổ tròng
Khắp bốn bề gào thét xung phong !
(trích Qua sông mùa mận chín, thơ THT)
Trong cõi lặng yên đầy cảm động, tôi đọc lại từng bài của mình và của bằng hữu cũ. Những chữ nghĩa của một thời. Những thiết thân không rời, mà mình đã vô tình ruồng bỏ. Quả tội nghiệp cho những đứa con tinh thần của tôi. Bấy lâu chúng sống hẩm hiu, nương nhờ vào lòng thương yêu của dân tộc người, thế mà tôi lại không biết. Tim tôi phải oà vỡ những niềm cảm tạ.
Trang sách cũ. Một thời nào yêu dấu được mang đi qua từng hàng từng chữ. Tôi đang nhìn lại thời ấy, và đang đọc lại thời ấy. Cái thời mà văn chương nâng tôi đi, trong khi chiến tranh, cái chết kéo nặng tôi xuống. Cái thời mà chỉ nghe đến tên mà bạn bè ngỡ như thân dấu lắm. Cái thời viết có người đọc, có niềm vui và an ủi. Cái thời trang bản thảo nhòa nhạt bởi mồ hôi và mưa, và cả lệ máu. Cái thời mà mỗi đầu tháng, là mỗi lần gặp lại nỗi nôn nao khi thấy những giòng, những hàng chữ của mình in trên trang giấy và bay đến mọi người hay nỗi háo hức nhận một tạp chí từ Saigon theo trực thăng ra tiền đồn, hay mặt trận còn nóng hổi. Cái thời tác giả và độc giả nương tựa thủy chung. Cái thời người viết phải viết trong hầm, trong poncho trùm kín, dưới ánh đèn pin quân đội. Cái thời mỗi bản thảo gởi về xem như chúc thư. Cả thế giới này, cả quả địa cầu này, cả ngàn năm tra vấn có nơi nào như ở đây, có cây bút nào, vừa đi đánh giặc lại vừa viết văn làm thơ như chúng tôi?
Như vậy, cuối cùng, là những trang bản buồn đến chảy nước mắt này. Chúng may mắn được nương tựa nơi xứ người. Cũng như tôi, may mắn có mặt để có ngày tìm lại những đứa con bị thất tán. Còn những người không được may mắn thì sao? Trời ơi, cả một thế hệ chưa đến độ phải quá trăm năm để trở thành hồn ma, mà sao bây giờ như thể hồn ma xiêu lạc. Nắng tàn ngoài cửa sổ. Những cột khổng lồ vươn lên cao như kiến trúc La Hy, và những dãy bàn dãy ghế bằng gỗ quí, bóng nâu. Sách vở ngủ. Hay sách vở thức? Văn, Bách Khoa, Văn Học, Khởi Hành, Thời Tập, Trình Bày, Vấn Đề, Tiền Phong… Chỉ một đêm, hai đêm, một tuần, hai tuần, là ngọn lửa bốc lên. Khắp nơi. Khắp chốn. Từ đầu đường, xó chợ. Từ trường học đến phường khóm. Và, khi biết thì quá muộn. Lửa đã thiêu rụi rồi. Vô ích.
oOo
Hôm nay, sau hơn hai mươi năm từ ngày bỏ nước, tôi nhận được món quà của một người độc giả từ Tân Tây Lan. Món quà là những trang văn thơ cũ và cả cuốn Ngọn Cỏ Ngậm Ngùi xuất bản vào năm 1973. Anh viết như sau:
Tôi kèm bản photocopy các truyện ngắn và thơ của anh (trừ bài thơ Chiều qua ải của anh Hoàng Ngọc Châu tặng anh) tôi còn giữ được. Hai số Bách Khoa(373 & 374) đăng truyện Bóng Tháp bị tịch thu (tôi chụp lời cáo lỗi trên số 375). Tôi may mắn giữ được 2 số này nhờ ông Lê Ngộ Châu gởi riêng. Riêng bài Người Chờ Đợi bị đục bỏ, ông Châu có cho tôi nhưng sau 75 bị mất.Tôi chỉ giữ được 2 số Tiền Phong có bài của anh. Tiếc là bài Khởi Hành in “lem” quá. Bài thơ Mai Em Có Về, Tổng Hội Sinh viên Việt Nam tại Paris phổ nhạc lấy tựa Mai Anh Có Về. Không thấy ghi tên người phổ nhạc.
Trong bảng liệt kê tác phẩm xuất bản sau 75, tôi thấy sót quyển Đêm Dài xuất bản năm 1982. Tháng 7/82 có dịp mua ở Cali, mới đọc sơ qua, bị ai đó cầm nhầm, nên bây giờ tôi chỉ còn mẩu quảng cáo. Tôi nhớ nội dung là tâm trạng người miền Nam đêm 30/4/1975.
Xin anh giữ quyển Ngọn Cỏ Ngậm Ngùi làm kỷ niệm một thời ở quê nhà trước 1975. Tôi đã giữ hơn một phần tư thế kỷ…
(thư ngày 12 tháng 2 năm 1999)