Dương Nghiễm Mậu : Lẽ phải và ánh sáng (bài một).

 Giới thiệu 

NHÀ VĂN

DƯƠNG NGHIỄM MẬU:

 LẼ PHẢI VÀ ÁNH SÁNG

 

LTS:

Trước 1975, Dương Nghiễm Mậu là một tên tuổi rất quen thuộc trên văn đàn miền Nam thời chiến.

Vào những ngày cuối cùng của tháng tư đen, thay vì có điều kiện để di tản, nhà văn Dương Nghiễm Mậu đã chọn ở lại. Không phải ở lại vì tin tưởng ở sự hòa hợp của chế độ mới  sau khi hết chiến tranh như một số người. Mà ngược lại. Thái độ này đã được ông trả lời trên tạp chí Thời Tập số 23 phát hành lúc miền Nam trong cơn hấp hối:

” Có người đến hỏi tôi: có đi ra ngoại quốc không? Tôi đã trả lời dứt khoát: Tôi sống và chết tại nơi này. Người ấy hỏi: anh chấp nhận sống chung với người Cộng Sản? Tôi nói: tôi không phải là một con chó để nay sống với chủ này, mai sống với chủ khác chỉ vì miếng xương chúng liệng ra. Tôi tin tưởng con đường tôi đi. Có một nơi là lẽ phải và ánh sáng. Có một nơi là lẽ trái và bóng tối. Có trắng và đen không thể nhập nhằng được. Nếu tôi có chết chăng nữa, điều ấy tôi không ân hận. Lịch sử đã chứng minh rằng: nhiều khi cái chết là một điều tốt hơn là sống. Chết đi cho người khác sống, cho lẽ phải và sự thực sống chết như thế cần thiết. Tôi bình tĩnh với quyết tâm đó…”

Để giúp bạn đọc có cái nhìn về “lẽ phải và ánh sáng ” ấy, chúng tôi sưu tập 3 bài văn xuất hiện ở ba biến cố lịch sữ : Năm 1968 biến cố Mậu Thân, tháng 4-1975  và năm 1994 dưới ngòi bút của DNM. Bài thứ nhất để giúp quí bạn nhận định rõ hơn về một biến cố ô nhục không thể nào quên trong lòng người dân xứ Huế, và chúng ta, mãi mãi đến bây giờ, qua đó có những tên tuổi  mà chúng ta vẫn hằng nghe. Bài thứ hai để thấy rõ lý do tại sao DNM lại chọn ở lại. Và bài thứ ba là 2 đoạn ngắn trong một truyện vừa  gồm 22 đọan nhan đề “Về Nhà” được viết sau 1975 giữa lúc chúng ta nghĩ là sẽ vĩnh viễn không bao giờ được đọc văn ông nữa.

Xin được cám ơn Ông đã cho chúng tôi niềm vui và niềm hãnh diện.

Trần Hoài Thư

(Tạp chí Thư Quán Bản Thảo số 41 tháng 2 – 2010)

 

 Tên thật: Phi Ích Nghiễm sinh ngày 19-11-1936 làng Mậu Hòa

Huyện Đan Phượng tỉnh Hà Đông. Sau 1954, sống ở miền Nam. Đã in : Cũng Đành, Tuổi Nước Độc, con Sâu, Nhan sắc, Cái chết của ..,.

 

DNM- Thời trẻ

 

 

DƯƠNG NGHIỄM MẬU

 

 

TRONG KHÓI LỬA Ở SÀI GÒN

NGHĨ VÀ VIẾT VỀ HUẾ

Năm giờ sáng ngày ba mươi Tết tôi thức dậy trong thành phố Huế, trời lạnh buốt, sương muối đọng trên những lá cây rơi xuống mặt, xuống cổ buốt như những mũi kim nhọn chích vào da thịt. Những người bạn mới thân và những người bạn cũ đã đến, chúng tôi hẹn nhau đi ăn sáng trước khi trở về Sài Gòn sau một tuần lễ ở lại cố đô, người bạn hơn tôi hai tuổi vừa ở trong quân ngũ bốn năm ra nói với tôi: đã thay đổi ý định chưa. Tôi cười nói chưa, tôi đã nói tôi cũng muốn ở lại, câu chuyện còn dài lắm, nhưng tôi nghĩ có những điều mình không phải nói với nhau mà đã hiểu rồi, tôi trở về vì ở trong đó còn cha già và những người thân yêu, tôi vẫn không ngừng cố gắng để làm những gì tôi có thể làm được, dù đó là một việc nhỏ nhưng tôi không nghĩ việc có mặt của người con cả trong một gia đình trong đêm giao thừa là một việc nhỏ. Anh bạn nhìn tôi. Khu Thành Nội vẫn còn yên ngủ, những đêm liên tiếp không nhắm mắt với tiếng đại bác nổ từ xa, những tiếng súng nhỏ đơn lẻ, tiếng máy bay tản thương đậu xuống trong khu bệnh viện dã chiến khiến cho người tôi khô đi tỉnh táo theo với những ly rượu mạnh và những điếu thuốc đốt không ngừng cháy trên môi. Tôi leo lên sau chiếc xe gắn máy của người bạn, hành lý không có gì ngoài mấy gói kẹo mè xửng, mấy quả nem chua, trong đó còn có quà của một người bạn gửi cho cha mẹ hiện sống ở Sài Gòn. Con đường Hòa-Bình, Hiền Nhơn, Đông Ba còn mù trong sương sớm, chưa có một cánh cửa nào mở, thành phố chừng như vẫn chập chờn trong giấc ngủ cổ tích của mình, giấu hơi ấm và nhịp thở sau những tường gạch sâu mốc ẩm rêu phong, dưới những mái ngói nâu cũ và những tàn cây thấp xanh đen. Cửa thành Đông Ba còn lẩn trong nền trời tối, mấy ngọn điện sáng lên đơn lẻ. Con đường Gia Long những cửa phố đóng kín, một vài người đi xuôi ra phía chợ trong đó có người vác theo một cây mai lớn, vài quán ăn đã mở cửa, trên cầu Gia Hội đã đông người đi lại, trong bến xe, nơi hiên chợ, dưới những quán nhỏ thấp thoáng bóng người qua lại rộn rịp, bến sông những chiếc thuyền chúc đầu vào bờ im lìm với những ngọn đèn nhỏ leo lét không rõ những khuôn mặt qua lại. Bọn chúng tôi, sáu người ghé vào một quán ăn nơi phía ngoài chợ, quán đông người, không còn một ghế trống, những ly cà phê , người bạn nói phải tiễn anh bằng một chầu bún bò Huế mới được. Nhưng hàng bún mọi ngày chưa có, chúng tôi quay xe chạy qua cầu sang nhà ga, trạm xe lên phi trường đặt ở đó, tôi coi đồng hồ: sáu giờ ba mươi, tôi lo trễ, gió thổi ngược lạnh buốt trên da mặt, cây cầu chừng như dài hơn mỗi ngày, dòng sông đen sâu phía dưới, lấp lánh những ngọn đèn ẩn hiện nơi những lùm cây xa trên hai mạn bờ. Khu bến phà sáng chói, ánh sáng làm bật rõ khu đại học màu vôi trắng mỏng. Đài phát thanh, khu đại học, trường Đồng Khánh, trường Quốc học… Nhà ga hiện ra trong bóng tối nhòa nhập, những ngọn đèn xanh, những chiếc xe ca nằm ngổn ngang ngoài khoảng sân trống rộng. Trong nhà những hành khách lặng lẽ trên những băng ghế, chuyến xe chưa bắt đầu, những người tài xế còn đang hí hoáy coi lại máy, bánh xe, chúng tôi vào trong quán gọi mỗi người một ly cà phế sữa, những hơi thuốc đều tiên trong ngày, những lời dặn dò sau chót, những cái bắt tay thắm thiết… Ngồi trên băng ghế lạnh trống, trong xe chỉ có bốn người, một người đàm bà ngồi thu mình im lặng, hai người đàn ông ngồi đối diện nói không ngừng những câu chuyện riêng không rõ ràng. Chuyến xe lăn bánh, tôi vẫy tay từ biệt những người bạn, từ biệt Huế sau những ngày gặp lại cách nhau hơn mười ba năm. Chuyến xe chạy nhanh trên những con đường vắng, dưới những lùm cây mù sương. An Cựu, Gia Lễ, Phú Bài, con đường đá nhỏ chạy giữa những lùm tre xanh lả ngọn, giữa những ruộng lúa xanh trĩu ngọn vì sương mai còn đọng óng ánh. Buổi sáng chạng vạng, những cơn gió lạnh thổi đẩy vào lòng xe, dưới chân những ngọn núi phía xa sương còn đục lờ như những đợt mây thấp. Cánh đồng lúa, những cơn gió lạnh khiến tôi nghĩ tới quê hương miền Bắc. Ở ngoài đó, rất xa, những năm thơ ấu, mưa phùn gió bấc căm căm… Từ biệt Huế sau mười ba năm gặp trở lại, từ biệt bạn hữu, từ biệt căn nhà có vườn cây xanh, có bể nước, có giếng gạch sâu, có tiếng nói một người: bây chừ anh đã thay đổi những ý kiến về Huế chưa…

*

Khi tôi viết những dòng này là ngày mồng bốn Tết, buổi tối trong căn nhà im lặng của những con đường, khu phố chung quanh. Cơn choáng váng của biến cố còn làm tôi vật vờ. Những lo âu, uất ức như còn ứ nghẹn trong lòng ngực. Đêm giao thừa cùng với tiếng pháo nổ thì cũng là tiếng súng của những người cộng sản nổ vào bảy thị trấn miền Trung, trong đó có Huế, chưa trọn một ngày tôi dời khỏi, lo âu về những người thân ở lại đó còn thắc thỏm trong lòng, thì khuya đêm mồng một tết, những tiếng nổ từ xa cùng với trái sáng đầy trên bầu trời Sài Gòn khiến tôi lo âu. Bọn họ cũng trở về đây nữa sao, biến cố đã xảy ra như thế nào sau bức màn của hậu trường chính trị, của những mưu toan, những tham vọng chót ngất… Chỉ có ba mươi sáu giờ hưu chiến cũng không thể có được sao? Sao nói tới những một tuần? Không thể quên đi súng đạn, giết chóc, tàn sát, chất nổ trong một ít giờ sao? Không thể ngồi yên lặng, bên một ly rượu suông, một chén trà nhạt nghĩ tới những ngày đã qua sao? Không muốn nhớ tới những người đã chết, những người thân yêu xa cách mong chờ sao? Không muốn gợi lại một vài kỷ niệm vui buồn, đắng cay trong đời sao? Người ta đã quên hết, quên hết, như một người con gái đã mất hết, quên cả tiếng người như trong một bài hát của Sơn sao? Tôi không muốn nghĩ như vậy, tôi không muốn tin như vậy. Cuộc chiến này chúng ta đều không mong muốn có phải vậy không các người anh em của tôi, những người đã sinh ra lớn lên trong đất nước này, trong cuộc chiến không nguôi này? Mở cửa ra đứng ngoài con đường ngơ ngác ngó lên những trái hỏa châu chói sáng, lòng nghi hoặc, biết hỏi ai, ai biết, bao nhiêu người đã thức dậy trong đêm đó ở thủ đô nhìn nhau tự hỏi với những giả thiết mơ hồ, trong đêm đó những ai còn say mê bên bàn bạc, còn ngủ trong hơi rượu, còn thiếp đi hạnh phúc trong chiếu chăn nồng ấm của vợ trẻ con thơ… Có điều nhiều người đã nghe thấy tiếng súng nổ tưởng như tiếng pháo của những người nào ngái ngủ thức dậy trong đêm nhìn thấy còn phong pháo trong nhà… Nhưng sự thật thì súng đã nổ, nhưng sự thật thì có những người anh em đã ôm lấy súng vượt những quãng đường xa lạ, lặng lẽ tiến tới những mục tiêu giữa lúc mọi người tưởng như ngày xuân còn dài với những hy vọng… Không bao giờ những người cộng sản muốn chúng ta hy vọng, những cầm cầm súng từ khu trở về muốn chúng ta sống với thực tại: một cuộc chiến không trận tuyến, một cuộc chiến như định mệnh khắc nghiệt ôm khít lấy thân thể và số phận chúng ta… Đó là điều chúng ta không mong muốn, nhưng đó là điều chúng ta phải biết nếu muốn còn được sống, dù sống khổ đau…

*

Tiếng đài phát thanh mất hút trong đêm, tiếng nói ấy nhiều khi là giá trị của thực tại, của một hiện diện, tiếng nói ấy mất đi như bằng cớ của một sự hoang vắng, của sự vô danh. Tôi nghĩ thầm: lại những biến cố nào đây? Buổi sáng ngơ ngác trên những con ngõ còn ngập xác pháo hồng, những thùng rác để ngổn ngang tràn đầy, tiếng nói từ đài phát thanh, lệnh thiết quân luật 24 trên 24 được ban bố, cộng sản quấy phá tại đô thành và nhiều tỉnh, kêu gọi dân chúng bình tĩnh ở lại trong nhà, một vài mẫu tin không rõ ràng: cộng sản tấn công dinh Độc lập qua ngả cổng đường Nguyễn Du, bắn hai phát 57 ly, một xe cam nhông chất nổ, mười tên bị chết tại bộ tư lệnh hải quân, hai tên bị bắt sống, mười bốn tên chết tại đài phát thanh, đài phát thanh hư hại không xử dụng được, tiếng nói nhiều lúc tắt nghẽn, tiếng kêu gọi dân chúng dời khỏi vùng Bà Quẹo trước mười tám giờ, một số người nóng ruột, hiếu kỳ túa ra đường, những tin truyền miệng không rõ ràng: một người làm cảnh sát trong xóm chết tại ngã tư Yên Đổ – Trương Minh Giảng, một người nói người ta chạy từ những Phú Thọ, Bà Quẹo vào Sài Gòn. Một bà nói: họ đông quá trời, họ ùa vào nhà tôi đòi nấu cơm cho ăn, giọng nói nghe không được. Một thanh niên nói: họ đi ngang qua cửa hỏi đường vào khám Chí Hòa phần lớn họ đi chân không, có mang ở tay hoặc ở cổ một miếng vải đỏ… Một người ở Cổng-xe-lửa số 10 chạy xuống nói: giữa đêm có ba người gõ cửa vào nhà, bắt trong nhà ở im, nấu cơm cho ăn… Lệnh cấm đốt pháo được loan truyền, nhưng sau đó một nhà chừng như còn tiếc bánh pháo còn lại mang đốt, tiếng nổ khiến mọi người giật mình chửi lớn… Những lời bàn tán, những dự đoán… Nhưng tất cả đều không biết gì, máy thu thanh tại tất cả mọi nhà đều mở thường trực, tiếng hát có những mấp lại, những tin tức về những vùng đang đánh nhau: trường nữ quân nhân, Ngã tư Xa lộ – Hàng Xanh Việt cộng bị thương chạy ra khu chợ Bến Thành bị bắt, tại khắp các thị trấn đều có cuộc tấn công, đài phát thanh Hà Nội loan báo về sự thừa thắng… Tôi cố gắng phát họa trong đầu về cuộc tấn công với hai mặt chính: một từ phía Quang Trung, Bà Quẹo xâm nhập xuống Ngã tư Bảy Hiền, Phú Thọ: một từ mạn Thủ Đức xâm nhập vào Xa lộ, vào Phú Nhuận, Đa Kao… Tôi cũng chỉ nghĩ tới một số những toán cảm tử, vào để chết, xâm nhập nhân dịp hưu chiến, lợi dụng giới nghiêm được hủy bỏ, chắc họ đã vào từ đêm giao thừa giữa lúc Sài Gòn ngập tiếng pháo… Chúng ta có dự liệu những trường hợp này không, chúng ta có nghĩ tới những người không lúc nào ngủ, lúc nào cũng cầm chắc súng trong tay không?

Buổi sáng tan dần, buổi trưa nắng lên nhàn nhạt, nền trời nhiều mây thấp u ám. Máy bay lượn trên bầu trời, máy thu thanh vẫn những đĩa nhạc cũ chạy rè rè thỉnh thoảng một vài lời nói về tin tức, nhắc nhở, thông điệp thứ hai đầu năm của Tổng thống, buổi trưa trôi qua, buổi chiều âm u thêm, những chiếc máy bay chúc xuống mạn Gò Vấp, Bà Quẹo, những tiếng nổ lớn vang động, đêm xuống, hỏa châu sáng cả một vùng trời, cột khói bốc cao mạn Xa lộ, một vài tiếng nhỏ lẻ tẻ… Đài phát thanh liên tiếp những nguồn tin không rõ ràng, đêm trôi qua nặng nhọc… Những bản tin trên các đài phát thanh nói về những trận đánh ở Nha Trang, Qui Nhơn, Kontum, Đà Nẵng, Huế bị tràn ngập và đang chiến đấy gay go. Tôi nghĩ tới những người bạn mới chia tay nhau hôm ba mươi tết, người bạn hỏi tôi: chúng ta phải làm gì? Tôi nói tôi không bao giờ chấp nhận cộng sản, người bạn đưa cho tôi một lời kêu gọi in ronéo với tiếng Việt và tiếng Anh, đó là lời kêu gọi của các phe tham chiến kéo dài hưu chiến vô hạn định, tiến tới hòa đàm, dưới đó ký tên những giáo sư khoa bảng, một số có những tiếng tăm nào đó, một số đã từng được ưu đãi và thường tự nhận như những phần tử tiến bộ trong giới giáo sư khoa bảng. Người bạn hỏi: nghĩ sao, tôi cười nói ai có việc của người đó, nhưng đừng mặc cảm, tôi lựa chọn sự minh bạch, đừng ai quên bài học liên hiệp trước đây của cha chú mình, tôi không bao giờ tin cộng sản có nhân đạo, họ chỉ có cứu cánh, chỉ có một sự thật, chúng ta có nhiều sự thật, chúng ta yếu trên một phương diện nào đó, yếu vì nắm giữ nhiều sự thật nhưng đó là mối hy vọng để chúng ta thoát ra, sống sót và phục hưng.

*

Sáng mồng ba, những tin tức vẫn mù mờ. Tôi ra đường đi ngược lên phố, mọi con đường vào trung tâm đều bị phong tỏa, hai bên đường cờ treo trong dịp tết vẫn phấp phới, trời âm u không có nắng, những người mang theo bị, va ly đi hớt hải trên đường phố, những chiếc xe nhà binh, binh sĩ cầm súng ngang chạy qua vun vút, những xe cứu thương còi réo hối hả, người ta tụ lại những góc đường, cửa nhà hỏi thăm tin tức. Ông bà ở đâu tới – Dạ trên Phú Nhuận – Tôi ở trên Cây Thị – Nghe nói chúng vào trong bệnh viện Cộng Hòa lấy hết máu, thuốc men và bắt đi những bác sĩ và y tá trực… Gặp một người bạn đi tìm tin tức của vợ chưa cưới, anh nói: nhà phía trong đường Ngô Tùng Châu, Gia Định, bây giờ chỉ có người chạy ra, không ai được vào nghe nói bọn nó kéo vào đó sau khi bị dồn từ khu Tổng tham mưu sang. Có người còn nói chúng đang đào hầm ở trong khu đó nữa, có lẽ chúng tìm đường chạy về phía Gò Vấp cũng như cánh quân ở khu Hàng Xanh, Cầu Sơn đang chạy về phía Thủ Đức. Tôi không biết gia đình cô ấy chạy đi đâu hay vẫn còn mắc kẹt trong đó, đi hỏi thăm những người quen nhưng vẫn không tin tức gì. Trông anh bạn phờ phạc lo âu. Tôi nói sau đây mấy ngày chắc một số người phải chịu tang những người thân, một cái tết người ta sẽ không quên được.

Buổi chiều một ông bạn của cha tôi ghé lại chơi, ông đi chúc tết, ông nói: ở nhà buồn quá không có ai tới chơi, mà mình cũng không dám đi đâu, loanh quanh tôi đi liều, ra ngõ thì gặp một người bị chết ở đó, người ta nói đừng đi nhưng tôi cứ đi, ông mừng tuổi cho mấy đứa nhỏ, ông ăn mặt cẩn thận như ngày tết mà sao trông lạc lõng, đó cũng là hình ảnh tôi gặp ngoài đường, nhiều người vẫn như tiếc rẻ về bộ đồ tết của mình chưa được dùng đến, ông nói vùng Ngã Bảy người ta chạy lên nhiều quá, bọn họ giữ cả một khu lớn từ Ngã Bảy xuống tận Phú Thọ, bọn nó chết đầy trên đường Nguyễn Tri Phương, nhiều nhà bị đốt… Những nhân viên chính phủ không chạy kịp bị bắt và bị giết, chúng dùng từng đoàn trẻ con làm bia đỡ đạn để di chuyển, bởi vậy nhiều đàn bà và trẻ con chết một cách oan uổng… Thằng con tôi đi xuống mạn Nguyễn Văn Thoại về nói trông những xác chết cháy còn lại một chút, những xác chết không toàn thây ở dọc đường… Ngồi nói chuyện một lúc ông nói: bây giờ nghĩ tới đường về tôi thấy lo. Nhà ông ở mãi dưới Phan Thanh Giản.

Mới chiều xuống những con đường đã vắng ngắt, người ta rút vào trong nhà đóng kín cửa. Tôi ngồi im nghe hết đài phát thanh này tới đài phát thanh khác. Trận chiến vẫn tiếp diễn nặng tại nhiều nơi như Huế, Đà Lạt, Bến Tre…

*

Bây giờ Huế ra sao trong cơn lửa đạn này. Tôi nghĩ tới những người bạn, đêm nào Sơn hát một bài còn dở dang, Nhân danh ai anh bắn vào người đồng loại… bài hát viết cho một người đã bị bắn vào bụng, người đó là Ngô Vương Toại, trong buổi Sơn   hát cho các sinh viên nghe tại Đại học Văn khoa Sài Gòn. Bây giờ Sơn ra sao? Căn nhà vườn cây xanh trong Thành nội, vợ chồng Cường, đứa con nhỏ, cô bé Trang ra sao? Quân có còn cơn say không bao giờ dứt, tài thiện xạ của anh có được dùng đến? Những cô gái Huế mái tóc dài, đôi mắt đen lánh quyến rũ sớm mai thức dậy có còn ngồi trước bàn phấn? Bẽ bàng soi sắc gương Tư Mã. Ai điểm trang mà em phấn son… Kha có còn nhớ lời tôi vặn hỏi: tôi mong cho tới khi Kha có một đứa con, đứa con đó một tuổi mà vẫn không thay đổi, khi đó tôi sẽ đợi thêm hai mươi năm để… Những cậu con trai mang mốt Sài Gòn về đi bát trên con đường Trần Hưng Đạo bây giờ làm gì… Những khoang thuyền trống bây giờ chờ đợi ai?… Kha có còn nhớ tôi nói về một bài thơ của Nguyễn Văn Phụng, những hình ảnh không thể quên, những điều phải nhớ như: tình yêu thì bị gậm mòn như đôi guốc mộc, em kéo trên con đường…; và phi lý vô cùng, phi lý không chịu nổi, khi những bạn bè thân tôi vì chủ nghĩa. Nhưng không bao giờ đồng ý hay chịu được những điều khác, quê hương ta thì nghèo, điều đó đúng, nhưng nhất định không bao giờ người dân ngu dốt, người ngoại quốc có thể nhầm để nói như thế, dân ta không ngu, mà dân ta không được học. Nhưng Phụng đã nhận thấy đúng, đúng một cách chua chát khi nghĩ và viết:

Này các anh,

khi các anh bàn với tôi về quê hương đất nước

bàn với tôi về vai trò trí thức

tôi thấy các anh hút thuốc lá Mỹ khi ăn những

chiếc bánh Tàu-chợ-lớn thứ chính cống

Này các anh,

khi các anh nói với tôi về chiến tranh

bàn với tôi về bổn phận

và yêu cầu tôi đọc thơ giữa đám đông

tôi thấy các anh mặc veston thắt cravate

leo lên một ngôi nhà ba từng làm trường học

đổ thơ ra trên những bánh ngọt

đổ thơ ra trên những ly cá phế thủy tinh

tôi đã thấy các anh xưng tụng những bài thơ phản

                                                                   chiến nhất

với những đứa con gái đánh phấn và để móng tay dài

với những đứa con gái thích dự bal và yêu nhạc kích

                                                                       động (1)

     Mười ba năm xa cách trở lại Huế, tôi thấy thành phố vẫn như xưa, có chăng một vài thay đổi nhỏ trên những khu thương mãi, và tôi nhớ những điều khi xưa viết về Huế. Sao lại chọn đất này để làm vua? Tôi muốn một ông vua nào đó của nhà Nguyễn thức dậy nơi những lăng tẩm nguy nga cổ kính trả lời cho mình: sao lại chọn đất này để làm vua? Vẫn những con đường năm xưa, những ngôi nhà năm xưa, khác chăng nhiều con đường đã được mang tên mới như Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Hiệu, Mai Thúc Loan, Tăng Bạt Hổ, Đoàn Thị Điểm thay cho những Hộ Thành, Âm Hồn, Đông Ba, Mã Khái, Hiền Nhơn… Không còn muốn cho Huế sống với lịch sử của nó sao? Hãy để cho những thị trấn, những làng mạc giữ lại lịch sử của mình, chính lịch sử nó làm nên tinh thần yêu nước. Những danh nhân chẳng bao giờ muốn mình xóa đi những gì mà người dân sống đã quen thuộc với nó… Tôi nghĩ thế. Bây giờ Huế ra sao? Những cành mai vàng, những chậu cúc, thược dược, những bông hải đường vẫn trổ bông đón chào một mùa xuân không đến với người?

*

Buổi sáng, những cơn thiếp ngủ chập chờn trong đêm khiến người mệt mỏi, tôi vòng lên phía Tân Sơn Nhất, đường vắng tanh, chỉ có những binh sĩ vác súng đứng nơi dọc đường hoặc di chuyển, loáng thoáng một vài người qua lại. Những hàng rào kẽm gai giăng ngang đường, gần các cơ sở, bót cảnh sát, nơi những ngõ vào Sài Gòn, nơi những đầu cầu từng đám người tụ lại vì không được qua, nhiều những phát súng chỉ thiên bắn lên khiến những người tụ lại tản ra. Những xe cứu thương, xe tuần tiễu chạy không ngừng. Những lời nói qua lại về những cuộc lùng kiếm, bắn nhau tại vùng Ngã Năm Bình Hòa, Phú Nhuận, Nguyễn Tri Phương, Sư Vạn Hạnh, Chuồng Bò, Ngã Bảy. Buổi trưa những cột khói cao trên bầu trời xám. Mặt trời úa đỏ. Cháy ở Cầu Sơn, Hành Xanh, Ngã Bảy. Những khuôn mặt hốc hác trên đường phố…

*

Đài phát thanh liên tiếp những thông cáo, kêu gọi và những bản nhạc đủ loại lộn xộn. Theo những lời khuyên tôi không trở về nhà, ngủ trên một chiếc bàn. Tin cho thấy trận chiến đã lắng xuống, cộng quân hoặc tìm cách bám sát vào những khu đông dân chúng, luồn sâu vào trung tâm, tìm cách lẩn ra ngoài hoặc đầu hàng, trái sáng thả đầy trên nền trời cùng những chiếc máy bay đủ loại, tiếng súng nổ ngoài Xa Lộ, khu Cầu Sơn, những con phố vắng hoe không một bóng người. Tin Huế vẫn hoàn toàn đen tối: hai bên vẫn đánh, những cánh quân tìm cách bám lấy những cứ điểm then chốt nơi hai đầu những cây cầu, trong khu Thành nội. Những họng súng nào đang hờm ở Tây Lộc, Kim Long, An Cựu, Bến Ngự… Tới Huế trong những ngày cuối năm, Huế không phải nơi tôi muốn dừng chân lâu, tôi muốn đến một vài nơi khác như Quảng Trị, La Vang, Bến Hải… nhưng tôi không tới được những nơi dự định đó, cuộc chiến đang diễn ra ác liệt ở Đồng Hà, Khe Sanh… Dự đám tang ông thân một người bạn cũ, người bạn mắt đỏ hoe, giọng nghẹn ngào: về tới nơi thì ba em đã mê đi rồi, không nói được nữa, như khi tới nơi ông biết, mở mắt nhìn, miệng mấp máy và ôm lấy đầu… chừng như ba em chờ các con trở về… Nhưng chỉ có người con gái có mặt bên người cha khi hấp hối, còn con trai đi lính trình diện nhập ngũ không trở về kịp, cùng những đứa cháu. Cuộc chiến ở nhiều khuôn mặt tĩnh vẻ đau đớn nhiều hơn, một người cha, người mẹ chết không có một người con ở bên vuốt mắt, chúng đang học ở xa, đang chiến đấu ở mặt trận, ở một tiền đồn nào. Người bạn nói về cái chết của một giáo sư có nhiều con, ông chết ngồi trên ghế một mình… Phần mộ nằm trên một sườn núi cao ngó ra phía cửa biển Thuận An, những viên đá xám tím, đám tang đi trên một con đường gập ghềnh bánh xe tăng, trên sườn đồi không lâu còn là chiến trường, một người kêu đám trẻ không đuợc lên cao, trên đó có đồn binh, một trái mìn nào đó còn quanh đây, chiếc quan tài mệt nhọc trên tay những phu đám leo lên theo những con đường mòn nhỏ một cách khó khăn. Chiếc quan tài trong lòng huyệt, những nắm đất ném xuống, giọng hò nện buồn buồn vang lên trong không khí tịch mịch: còn vài ba bữa nữa, sao đã vội ra đi, bỏ lại con thơ vợ dại, sao không ở lại vui cùng các bạn thân quen, bây giờ chia tay đôi ngả, cách biệt nghìn trùng… Những tiếng khóc nghẹn ngào… Sao không vui cho người đã chết, quên đi cuộc sống này, chết yên lành và được nằm xuống một nấm mồ riêng? Bao nhiêu người chết phơi thây trong những khu rừng hoang vu, bao nhiêu người chết tan xác trong lửa đạn… bây giờ chiến tranh đã ở Sài Gòn, Huế, những thị trấn, chiến tranh một cách thực sự, nhưng không có nghĩa trước đó chiến tranh không có mặt ở Huế. Chiến tranh có mặt ở Huế với tiếng súng vọng vào mỗi đêm, là những bao cát chất trên những cỗ ngựa láng bóng trong những gnôi nhà cổ kính, là những thùng dầu hôi cất dấu trong những hóc tối cùng với những gạo Mỹ. Và trên đường phố đông đặc những người lam lũ không sinh trưởng ở Huế và những khuôn mặt bảnh bao làm lạ với Huế, bên đó là những người hành khất chen nhau nơi các quán ăn. Tôi đã rùng mình khi thấy một bàn tay đen bẩn từ phía sau đưa tới cầm lấy miếng thịt chân giò trong tô bún tôi vừa để xuống bàn. Tôi lánh mình ra bên, một đứa nhỏ và một bà già… Chiến tranh vẽ ra trên khuôn mặt Huế những nét đó, những nét xưa kia không có, có thể ngày nay còn nhiều khía cạnh khác…

Nhưng rồi sau biến cố này Huế có thay đổi gì không? Chắc là không trên những con đường, những căn nhà, những nếp sống như lăng tẩm cổ thành, nhưng chắc sẽ có những biến đổi nơi hành động, những bàn tay lật đi lật lại, những đổi trắng thay đen, những giao động, những lựa chọn? phải thế không? Người ta sẽ không sống được như gỗ đá. Chắc Sơn hiểu, điều tôi đã nói: vì sao mình lại viết? dù nhiều khi cũng trông thấy những bất lực ngay trong những hành động. Nhưng không bao giờ tôi chấp nhận một thái độ hư vô, tôi cố gắng trong phạm vi nào mà tôi có thể cố gắng được, cố gắng từ cái nhỏ nhất, trong công việc, trong đời sống, bởi tôi nghĩ những cái không đáng gì (hay rất thiết thân) đó đang là những mầm mống chính nếu như chúng ta còn muốn thoát ra, muốn mưu đồ, gây dựng lại một cái gì, tôi nói với các anh về một cách phục hưng phẩm cách, một làm lại, mà đầu tiên khởi từ trong mỗi chúng ta. Chỉ có thể bắt đầu từ đó…

*

Những tin tức mơ hồ, những lời truyền miệng không rõ ràng khiến tôi lo âu hơn, tôi muốn trở về nhà, hôm nay là mồng bốn tết, công chức vẫn được lệnh ở lại nhà, giờ giới nghiêm vẫn như cũ nhưng người ta vẫn tìm cách ra đường được tới mức có thể đi, những tiếng súng vẫn nổ ở khu Gò Vấp, Gia Định, Hành Xanh, và mạn dưới là Ngã Bảy, Sư Vạn Hạnh, Minh Mạng, Phú Thọ, Phú Lâm…Người ta nói về những toán cộng quân tìm cách chạy theo những toán người tị nạn, trước đó chúng đã xé nhiều sổ gia đình, căn cước của dân chúng, chúng đột nhập nhà thương Nhi Đồng, một vài toán nhỏ xâm nhập khu Bàn Cờ tuyên truyền, với những lời nhắc đi nhắc lại giống nhau khoảng mươi dòng được học thuộc, đó là những cán bộ khoảng mười bốn , mười lăm tuổi gồm cả phụ nữ. Tin về một vài cán bộ tại Bàn Cờ, Cầu Ông Lãnh bị dân chúng bắt sống đánh chết. Buổi trưa nắng đục, những ngọn khói cao phía Ngã Bảy, Gò Vấp khiến nóng ruột lo âu, nhà mình, nhà những người thân có thoát ngọn lửa hung tàn không. Nhiều vùng ngoại ô vẫn hoàn toàn mất liên lạc. Buổi chiều tôi trở về nhà theo đường Đakao, nơi cầu Bông từng đoàn người từ phía Gia Định chạy sang, nơi cửa một tiệm bánh mì người ta bu quanh tranh nhau mua. Một vài cửa tiệm hủ tiếu mở cửa, giá cắt cổ với tô hủ tiếu lỏng bỏng những nước trong veo. Đường Trần Quang Khải bị cô lập nơi bót cảnh sát, trên các cửa rạp chớp bóng vẫn còn những quảng cáo cho các phim đầu năm với những dòng chữ chúc tết. Tôi quay trở lại đường Hiền Vương, rẽ xuống Hai Bà Trưng, Cầu Kiệu bị chận lại, tôi rẽ Yên Đổ, không có lối sang, tôi rẽ Công Lý trở về Trương Minh Giảng, những con đường vắng hoe, những chuyến xe tuần tiễu, xe cứu thương và xe nhặt xác chạy trên những con đường không người, trên lề đường nơi nào cũng còn vương đầy xác pháo hồng, cùng đó những đống rác cao nghệu hôi thối, trước những cửa nhà, bên những đống rác nhiều khóm hoa cúc vàng, thược dược héo rũ. Đó là những tặng vật của ngày tết để lại trên đường phố hoang vu. Thất lạc, chết chóc, nhà cháy, đói… những người từ ngoại ô trở vào hỏi nơi tạm trú và trạm tiếp tế. Một người đàn ông đứng tuổi nói tới cảnh trở về khu nhà mình ở gần Cầu Sơn: thúi quá, cách xa tôi đã thấy thúi, không về được, người vật chết trong những căn nhà đổ, cháy… Một người nói, ở Phú Nhuận dọc theo đường rầy xác chết ngổn ngang, đường rầy bật tung… Một người nói, ở dưới nghĩa trang Đô Thành người ta đào những hố lớn lấp nhiều người xuống bằng xe ủi đất. Xóm tôi ở đêm trước chúng về tuyên truyền dân chúng khua thùng sắt tây, bắn bị thương một tên, chúng rút chạy xuống phía lạch bỏ lại hai chiếc xuồng, nhiều con ngõ được rào bít lại. Nhiều nhà đông nghịt vì những người ở những vùng lửa đạn chạy về tá túc. Những bà nội trợ kiểm điểm lại, gạo, dầu, nước mắm… Trong hơn hai mươi năm trời nay lúc nào người dân Việt cũng sống trong thắc thỏm, lo âu, sửa soạn… những biến cố rồn rập trong một tình cảnh kinh hoàng, nghẹt thở cho nên chừng như ai cũng phòng bị, sống như trong những truyện trinh thám nghẹt thở có lẽ vì vậy những người Việt không còn thích đọc truyện trinh thám nữa vì đã sống hơn cả trinh thám: tình, tiền, máu, nước mắt, đàn bà những cái đó làm thành những chất liệu trinh thám. Ngoài cái đó người Việt còn phải sống với những chất liệu khác nữa: tham vọng, quyền lực, những chất liệu cao độ nghẹt thở, chết chóc… Trong lúc tôi cũng như bao nhiêu người khác với những lo âu chồng chất, nhìn đứa trẻ tha thủi hất chân trong những đống xác pháo tìm kiếm, chắc nó muốn tìm những chiếc pháo xịt, tôi thấy như mình đã mất đi một cái gì, những đứa trẻ ấy rồi đây nó có quên đi được nó đã lớn lên trong một tình cảnh như thế nào không? Và đến khi nó lớn cuộc chiến này đã hết chưa? Tôi mong cho tới lúc nó lớn sẽ còn đi tìm những chiếc pháo như hiện nay thay vì phải chơi với súng đạn, nghe những tiếng nổ chát chúa…

Nước Việt ta rồi đây phải xây dựng như thế nào? Sơn nhắc tôi ở Huế khi về hãy viết về quê hương ngày mai đó: nhà ở, vườn cây, lối đi, y phục trong một nước Việt tương lai phải như thế nào? Một đền thờ Việt Nam phải sao? Có phải chúng ta muốn mang đến một hy vọng trong tình cảnh đen tối hiện tại? có phải chúng ta tự tìm cách an ủi chúng ta không? Còn thực tại thì sao? Đó là điều tôi muốn được hỏi những người anh em. Cho tới khi tôi viết những dòng này vẫn còn những người đang chết, súng vẫn nổ…

K. thân mến, khi tôi viết cho anh những dòng này thì trên tờ lịch ghi ngày mồng mười Tết, chúng ta chia tay vừa đúng 11 ngày, sáng sớm tinh mơ, sương muối lạnh buốt, trời chạn vạng ở Huế chúng đã uống những cà phê sữa trong sân ga chia tay nhau, mới đây mà tưởng như đã xa lắm, có lẽ vì chúng ta cũng như mọi người đã phải sống những giờ phút dài nhất trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, bao nhiêu biến cố đã xảy ra, bao nhiêu người đã chết, bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu viên đạn đã nổ thay cho những tiếng pháo đầu xuân, và tôi đang cố hình dung, tự hỏi: Huế bây giờ ra sao, các bạn hữu mình ra sao? Những trận chiến đã diễn ra trên đường Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, cầu Trường Tiền, cửa Thượng Tứ, Đông Ba… những nơi mà mấy ngày trước chúng ta đã từng đi dạo, từng ngồi uống cà phê nói những chuyện nghiêm trọng và nhiều chuyện tầm phào khác? Trận chiến cũng đã tới con đường Hòa Bình có căn nhà êm ấm của gia đình Cường, lan tới quán cà phê Cô Dung, quán cà phê Mợ Tôn, quán bún bò mà nhiều người biết tiếng dưới hầm nhà xẹc? Những gói thuốc nổ đã làm sập cầu Trường Tiền những nhịp cong trắng soi mình xuống dòng Hương giang, làm gục cầu Bạch Hổ trên đó có con đường sắt xuyên Việt? Tôi cố nhớ, cố hình dung xem với trận chiến đang diễn ra đó đã làm khuôn mặt Huế hôm nay như thế nào nhưng quả thật tôi không thể hình dung ra được. Có điều chắc chắn trong vòng mười ngày qua lửa đạn đã trở lại Huế…

*

K. còn nhớ không, trong những ngày cuối năm ngắn ngủi, ngồi giữa những bạn bè tôi đã nói với anh tất cả những gì tôi nghĩ một cách thiết tha. Tôi cũng xác nhận với K. rằng: tôi không chấp nhận cộng sản, tôi cũng không có một ảo tưởng gì về nó. Tôi phải nói trước như vậy với K. để sau đó chúng ta có thể nói với nhau một cách rõ ràng. Điều này K. cũng xác nhận với tôi. Con người cọng sản cho tới nay đã trở thành một con người lạc hậu, nó không còn là giai đoạn của những Gorki, Lỗ Tấn… của những ngày khởi đầu cách mạng, chúng ta cũng xác nhận kinh nghiệm mà cách mạng vô sản đã mang đến cho chúng ta. Chúng ta bằng năng lực và sáng suốt của tuổi trẻ đã nhìn thấy những khuyết điểm, những tệ trạng ở phần đất và xã hội chúng ta đang sống, chính trong môi trường đó chúng ta tin rằng chúng ta có thể làm được một cái gì. Có thể tôi là một người lạc quan, như K. đã thấy, nhất là khi tôi nói với K.: những người quốc gia ở miền Nam, chúng ta là hy vọng của thế giới này, chúng ta đang phải chịu những thử thách, hy sinh lớn lao nhất, chúng ta kinh nghiệm qua cả con đường hư hỏng , chúng ta, mỗi người đều cầm nắm nhiều sự thật trong tay, chính điều đó khiến chúng ta yếu, nhưng cũng chính điều đó khiến chúng ta giữ được chúng ta không lao vào vực thẳm để sau đó có thể phục hưng, sống lại… những anh em miền Bắc của chúng ta cùng những người cộng sản khác tại miền Nam chỉ có trong tay một sự thật, chỉ nhìn thấy một con đường, bởi vậy lúc này họ khỏe hơn chúng ta, nhưng chính con đường độc nhất đó, sự thật độc nhất đó đang đưa họ tới vực thẳm vì đó là sức khỏe của cuồng tín… Tôi thành thật tin như vậy. Anh đã đọc cho tôi nghe những bài thơ phản chiến, tôi cùng K. đã nghe những bài hát phản chiến, tôi và K. đã cùng đọc những lời kêu gọi của những giáo sư khoa bảng về việc kéo dài hưu chiến vô hạn định… Chúng ta đã nói về cảnh huống dân tộc ta trong cuộc chiến tàn khốc này. Tôi cũng đã nói với K. hãy giữ những ý kiến riêng của mình nếu tin đó là đúng, nhưng không được ngụy biện, không bao giờ đòi người khác phải chấp nhận ý kiến của mình… Những điều đó liên hệ với nhau nói lên một sự thật. Nhưng để được sống chúng ta buộc phải chấp nhận, như K. đã chấp nhận bốn năm hơn trong quân ngũ, chấp nhận cuộc chiến, chiến đấu và phấn đấu trong bao dung, với con tim và khối óc của một người.

*

K. thân mến, cuộc chiến đã không chỉ diễn ra trong những đồng ruộng núi đồi, cuộc chiến đã diễn ra ngay trên những đường phố quen thuộc, sự thật nói lên đây là một cuộc chiến không có trận tuyến, bao nhiêu bế tắc, bao nhiêu mâu thuẫn, bao nhiêu quyền lợi, bao nhiêu tranh chấp đang dồn chứa trên quê hương này. Sức chúng ta có hạn, trong tầm sức có được chúng ta làm việc. Nếu mỗi người chúng ta đều như thế chúng ta sẽ làm thành một sức mạnh lớn. Điều đó chắc K. đồng ý với tôi. Tôi mong mỏi cho tới khi những dòng chữ này đến được với K. cuộc chiến đã đến những giai đoạn khác, K. vẫn không thay đổi, K. vẫn còn là những người sống sót cùng với những bạn hữu khác. Chúng ta phải sống, sống cho tới lúc chúng ta có thể vừa làm việc, vừa có thời giờ nghỉ ngơi dẫn người vợ hiền, đàn con nhỏ đi dạo trên những bến sông và nhìn thấy cuộc chiến này như một dĩ vãng không bao giờ muốn nhắc lại, đó là niềm mong ước của tôi và chắc cũng là miền mong ước của K. và những người Việt khác…

(VĂN số 100 & 101 tháng 2-1968)

(2-68)

(1): Trích 10 năm Giáo Dục Đại Học Huế. Đặc san 1968

Discover more from BLOG THT & THƯ QUÁN BẢN THẢO

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading