Ngày đảo chánh một “cổ trắng”

Lời tác giả:

 Những kẻ   tham dự cuộc đảo chánh  ấy đến từ VN,  Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Ba Lan, Tiệp Khắc… Họ thuộc một đội quân trí thức, dù nhỏ nhoi, nhưng vô cùng mạnh mẽ . Họ làm đổ nhào những người cổ trắng bản xứ. Họ làm lung lay tận gốc rễ cả một thành phần tự coi mình là chuyên viên, chuyên gia…Họ làm thay đổi quan niệm về trung thành, tận tâm, sống chết cho một công ty mà kẻ ấy phục vụ.
Ở  đây, kẻ  tham gia là một chàng thanh niên  VN,  nguyên là du học sinh, về nước và đuợc mướn bởi một công ty Mỹ có chi nhánh ở VN. (THT)

Ngày đảo chánh một cổ trắng

Ấn độ tràn lan. Ấn độ xâm lăng. Ấn độ ngạo nghễ. Cả building chỉ thấy hầu hết là Ấn Độ. Da đen ngâm. Giọng nói nhanh khó nghe. Phát âm chữ l thành chữ n. Thỉnh thoảng có anh chàng đội mũ, râu rậm hầu như che cả miệng hay một nàng còn in dấu son đỏ giữa vầng trán. Ngôn ngữ khác lạ cũng bắt đầu thay thế tiếng Anh, tiếng Mỹ, nghe quen thuộc trên hành lang, trong thang máy hay ngoài bãi đậu xe…Ấn Độ đại thắng mùa xuân, mùa hè, mùa thu mùa đông. Không cần bão nổi lên rồi mà building, phòng, ban, nhóm phải treo cờ trắng. Tư bản thắng hay tư bản đầu hàng. Rõ ràng tư bản thắng. Bởi tư bản là chủ, không phải là tổng thống…Tư bản chẳng cần tinh thần quốc gia, tự hào dân tộc, màu cờ tổ quốc. Tư bản dư dả tiền không biết làm gì nên mướn chuyên viên nặn óc nghĩ ra cách thảy người một cách hợp pháp với cái tiếng rất kêu của thế kỹ 21: Outsourcing. Để từng đàn từng lũ ra đi không kiện cáo, không luyến lưu, không tình nghĩa về một nơi đã chôn đời mình với bao ngày mồ hôi và nước mắt.
Và cũng vì tư bản là chủ nên tư bản muốn tiền bạc chi thì ít mà thu vào thì nhiều. Để chủ càng lúc càng nhận tiền nhiều, để đám đầu tư, để những kẻ mua cổ phần được tin tưởng mà can đảm dồn đô la. Bởi vậy tư bản phải đi tìm những nơi có chất xám tốt mà giá mua thì rẻ mạt. Như Ấn Độ. Như Việt Nam. Một chuyên viên ở Việt Nam nếu lảnh $200, $300 mỗi tháng thì mừng như trúng số. Một chuyên viên ở Ấn Độ lương trung bình $5 hay $10 một giờ. Trong khi đó một chuyên viên tại Mỹ lương gấp năm, mười lần. Như vậy dại gì ta không mướn Ấn Độ, Việt Nam. Chỉ cần bao vé máy bay cho qua Mỹ ba tháng, rồi huấn luyện sau đó trở về nước mà làm chết bỏ. Hay chỉ cần xin visa theo diện nhập khẩu chất xám cho ở một thời gian, xong việc rồi tống về. Và cuối cùng chỉ cần cấp cái computer và modem là xong. Ngàn trùng cũng gần gũi như trong gang tấc. Mướn kẻ nghèo không lo lắng gì đình công kiện cáo đòi hỏi lôi thôi thì dại gì không mở rộng từ tâm. Để được phước chứ. Mặc cho đám thợ đám thầy bản xứ ngơ ngẩn. Mặc cho những kẻ ngóng cổ chờ đợi nhận giấy thất nghiệp lo âu không biết tương lai nhà cửa tiền học phí con vào đại học hay bảo hiểm răng cỏ phải đối phó làm sao.
Bây giờ ở building này, da trắng là thiểu số. Trong nhà ăn chung, hai ba tay da trắng ngồi với nhau, bên chai coke, nhai hamburger hay sandwitch, trán trầm tư nhăn, đôi mắt lơ đảng nhìn ra cửa kính. Dưới ấy, bên kia hàng rào là xa lộ xe chạy dập dìu, không ngớt. Cứ nhìn xa lộ mới thấy sức mạnh vô địch của Mỹ. Ai đã phán ra một câu như thế. Hối hả. Cuống cuồng. Truck hàng nối hàng phun khói chạy bất kể đêm ngày thời tiết. Nhưng nếu tay ấy có mặt ở building này có lẽ hắn sẽ thay đổi ý kiến. Hắn sẽ phán cứ nhìn cafeteria mới thấy được sức mạnh ghê gớm của Ấn Độ ở xứ Mỹ.
Thật vậy , cứ vào cafeteria vào giờ ăn trưa, mới biết rõ sức mạnh của Ấn Độ. Mùi vị đặc biệt của loại cà ri cay bốc tỏa nồng nặc lẫn cùng giọng nói lạ vang vang như pháo nổ. Hết rồi cảnh ngày xưa, những bàn những ghế xôn xao tiếng Anh tiếng Mỹ, tóc vàng mắt xanh, hay những buổi tiệc đột xuất như ăn mừng công trình Y2K hay một dự án quan trọng thành công với bong bóng xanh đỏ, với những mâm đồ ăn ê hề bốc khói, với hàn huyên chủ thầy thợ nhân viên. Hết rồi cái tình nghĩa đậm đà không sao tách rời được, chúng ta cùng chung một team, chúng tôi rất tự hào được bạn là thành viên như huấn từ từ ban lãnh đạo.

Cứ thế đám thầy thợ bản xứ từng từng người một nhận giấy rút lui. Có kẻ thì âm thầm như mang trong lòng khối bi hận cay đắng. Có kẻ thì lạc quan phấn khích gởi E mail vẽ vời đủ chuyện nào tương lai như bức tranh màu, đời đầy những ngạc nhiên hay nếu bạn có thể nhận thức được nó bạn có thể hoàn thành nó như lá thư sau đây của bà Linda:

Friends,

 Well, life is just full of surprises!

My last day is Friday. I am so excited about my future, as I dream and work towards my goals. My family, my friends, any new careers all lie ahead of me like a picture waiting to be painted.

I wish for you the same enthusiasm that I feel, as you go forward with whatever your life painting holds for you.

Ôi đời thì đầy những ngạc nhiên ! Life is just full of surprises ! Bà ta đã buông một dấu chấm than đầy thú vị. Ông Nguyễn đọc xong chửi thề trong bụng: ngạc nhiên cái mốc mẹ gì. Cái gì cũng có nguyên ủy của nó. Như chuyện bà bị laid-off không phải là chuyện ngạc nhiên mà vì cái con quái vật gọi là kỹ thuật cọng thêm lòng tham của chủ cùng với hầu bao của đám đầu tư vào thị trường chứng khoán. Trước sau gì nó cũng đến. Chẳng lẽ trả lương cả trăm ngàn đô la cho bà mỗt năm trong khi chỉ cần vài ngàn cho một kẻ cùng có chung một năng suất. Ngạc nhiên cái mẹ gì khi mỗi ngày cứ nhìn giá stock mà rụng tim. Ngay cả chuyện binh đoàn Ấn Độ có mặt chiếm đoạt việc làm của bà cũng không phải là điều ngạc nhiên gì ráo. Rồi nay mai, có lẽ binh đoàn đến từ Việt Nam sẽ có mặt để thay thế Ấn Độ vì giá mướn chất xám rẽ mạt hơn mà năng suất chưa chắc gì kém thua. Không có gì lạ lùng hay ngạc nhiên dưới ánh mặt trời tư bản.

Ông Nguyễn định gởi thư trả lời, trước là cám ơn người bị mất việc về lời từ biệt, sau là nói về ý nghĩ của mình. Nhưng mới viết nửa chừng thì ông được xếp lớn gọi lên phòng. Thì chẳng có gì ngạc nhiên hết. Điều mà ông chờ đợi bấy lâu hôm nay đã đến. Nó đã thật sự đến. Như đã đến với thật nhiều người quanh ông. Bởi thế ông dững dưng như một kẻ bất cần. Lúc này ông có cảm giác của một người được thoát khỏi tròng hệ lụy. Tự do. Nhẹ tênh. Lưng ông như thẳng lại. Mắt ông như nhìn thẳng thách thức khi giáp mặt xếp.

Xếp mời ông ngồi, rồi từ từ rút ra một xấp giấy. Sau đó xếp nói tôi sẽ đọc chậm rãi, có chỗ nào không hiểu thì you (ông, mày, bạn) cứ stop. Cặp kính của xếp trệ xuống sóng mũi. Đôi má phình. Xếp lại hiện thân của quyền uy trong một xã hội tư bản. Xếp thương thì được nhờ. Xếp ghét thì ráng chịu. Giọng đọc của xếp trầm trầm. Ông được chọn trong thành phần bị laid off vào cuối tháng. Tuy nhiên vì nhu cầu, ông sẽ ở lại thêm hai tháng. Và công việc sẽ thật sự chấm dứt vào ngày 30 tháng 4.
Ông Nguyễn không tin vào tai mình, hỏi lại xếp: Xin ông đọc lại. Xếp đọc ngày 30 tháng 4. Rồi xếp lấy cặp kính ra khỏi mắt. Xếp nói:

Bộ phận của ông sẽ được chuyển giao qua một bộ phận ở Á Châu mà bản doanh đặt ở Việt Nam. Tôi biết ông là người đến từ Việt Nam nên tôi đề nghị ông sẽ huấn luyện số nhân viên người Việt. Họ sẽ đến gặp ông vào tuần tới. Ông có bổn phận huấn luyện họ tất cả những gì mà ông đã làm. Tôi nghĩ sẽ dễ dàng cho ông và cũng dễ dàng cho họ. Họ sẽ ở đây hai tháng để quen công việc rồi trở lại Việt Nam để thật sự bắt tay vào việc.

Ông Nguyễn nghe khó thở, trong khi xếp đang chờ ông hỏi thêm. Không có gì ngạc nhiên. Cái gì cũng có nguyên ủy của nó. Ông đã khẳng định với bà Linda, nhưng rõ ràng, những lời của xếp đã làm ông như tá hỏa tam tinh, khiến ông phải lặng người một đổi. Ông đứng dậy, rời phòng. Khi ra ngoài hành lang ông đã đứng yên.
Phải. Đời thì đầy những chuyện ngạc nhiên. Ngoài tầm hiểu biết hay kinh nghiệm cá nhân của mình. Tại sao lại là ngày 30 tháng 4, ngày mà mỗi người Việt Nam không thể nào quên được. Và tại sao giữa lúc ông cứ đinh ninh ông sẽ huấn luyện đám đến từ Ấn Độ thì ông lại được lệnh huấn luyện đám đến từ Việt Nam của ông. Ông có nên mừng khi họ là người cùng màu da giọng nói hay thờ ơ vì họ xuất thân từ một nơi mà ông chẳng có gì ở đấy ngoài trừ những nhẫn nhục, gian truân, những nhọc nhằn mà ông và thế hệ ông đã lớn lên và gánh chịu ?
Thằng Baji đi qua. Gốc Ấn Độ, nhưng là di dân. Đang chuẩn bị thi vào quốc tịch Mỹ. Nó vào phòng hỏi thăm. Nghe ông kể, nó nói:
” Chuyện kỳ cục chưa hề xãy ra. Kẻ bị đuổi lại đi huấn luyện kẻ chiếm đoạt “.
Rồi nó thì thào:
“Tôi khuyên ông hãy dấu kỷ nghề, đừng mang ra hết. Hãy tà tà mà huấn luyện. Để chúng nó biết tay”.
“Tao biết “. Ông trả lời.
Phải, ông biết. Bản chất con người có lẽ vị tha. Người ta sẵn sàng giúp đỡ nhau trong khi hoạn nạn, nhưng điều này có lẽ ít hay không thể xãy ra trong những môi trường mà tranh đua cạnh tranh nhau là chính. Ngay cả trong một nhóm gần gũi nhau hằng ngày, đôi khi gia đình ấy trở thành lò lửa chiến tranh. Có kẻ lạnh lùng. Có kẻ vị tha. Có kẻ hể hỏi thì sorry tìm cách thoái thác. Có kẻ thì trả lời qua loa, dấu nghề. Bởi vì nó là bữu bối để giữ gìn hay dùng để thăng tiến nghề nghiệp, để chủ đánh giá ở lại hay ra đi. “Phải thương mình trước khi thương người”. Đối với một nhóm mà còn xãy ra chiến tranh lạnh như thế huống hồ đối với những kẻ ở một phương trời nào đến để xăm lăng, chiếm đoạt, đảo chánh.
Ông hỏi tiếp:
“Mày có đọc thư của bà Linda chưa?”
” Lại con mẹ ấy nữa. Ông Nguyễn biết không. Chồng mẹ là chủ. Mẹ đi làm để tiêu khiển giết thì giờ. Nhà băng không đủ chỗ để chứa tiền của mẹ đâu.”
“Chắc khi xếp đọc xong thư của mẹ, xếp phải hài lòng lắm. ”
“Dĩ nhiên”.

oOo

Hai ngày sau, vào buổi sáng ông nhận một cú điện thoại của xếp. Xếp nói sẽ hướng dẫn người mới đến để gặp ông khoảng 30 phút nữa. Có bận gì không. Ông Nguyễn trả lời tôi không bận rồi gác ống điện thoại xuống. Ngoài trời tuyết rơi. Trận bão tuyết đã thật sự đến nơi này trước khi thổi dạt ra biển Đại Tây Dương. Cả một thinh không vần vũ bông tuyết như những mảng bông gòn. Có nên phẫn nộ không. Có nên trả thù không. Những đám bông tuyết vẫn bay bay, vẫn tiếp tục rơi xuống. Cả một thinh không đầy bông tuyết, và đất đai, bải đậu xe, những chiếc xe, mái nhà, hàng cây… tất cả đều phủ một màu trắng. Ông cảm thấy nỗi hư vô xen lẫn cái phù du của đời người. Ông chẳng có gì để giận hờn hay trách cứ. Xã hội này là vậy. Muốn tồn tại phải chiến đấu. Ông đã chiến đấu quá nhiều. Gần mười năm trong lửa đạn bề bề, bốn năm trong tù tội, và bao năm ở đất người. Chiến đấu không mõi mệt. Chiến đấu trong khi nỗi buồn của kẻ xa hương thì chất ngất. Bây giờ thì mệt mõi rồi. Như cả một đất trời mênh mông tang trắng.

Một lát, có tiếng gõ cửa. Xếp dẫn hai người đến. Một người đàn bà Mỹ được xếp giới thiệu là manager phụ trách hướng dẫn đám chuyên viên đến từ Á Châu. Và một thanh niên Việt Nam. Cậu trạc độ 24, 25 tuổi. Ông bắt tay cậu. Cậu bắt lại bằng cả hai tay. Người đàn bà Mỹ nói Đây là Binh. Binh sẽ ở đây hai tháng làm việc với ông. Binh đứng yên lặng. Thì ra ông nhớ rồi.(click để đọc thêm)  Cậu là người sinh viên du học mà ông đã gặp ở bên giòng kênh Raritan Canal. Bây giờ Bình thay đổi nhiều, ăn mặc chỉnh tề, thắt cà vạt, và chiếc áo ấm màu xanh dương. Ông mời Bình ngồi xuống ghế. Tự nhiên niềm thương hại dấy lên trong lòng ông. Những ý nghĩ trả thù hay phẫn nộ tự dưng bay biến. Rõ ràng ông cảm thấy kẻ mới đến rất gần gũi với ông. Thử nhìn, thử quan sát. Xem có phải là một kẻ mang ôn dịch hay điềm dữ đến cho ông hay không. Không. Ngón tay đeo nhẫn. Chứng tỏ Bình đã lập gia đình. Cuốn sổ tay cầm theo. Chứng tỏ cậu ta ưu tư lắm. Đôi giày đánh bóng kỷ. Chà. Làm như cái võ ngoài đánh giá con người. Ông nghĩ là phải khuyên cậu, hãy ăn mặc như ông. Đôi giày bố Nike, chiếc áo pull và quần jean bạc phết. Thời này chẳng ai còn để ý đến bộ lốt bên ngoài. Người ta còn muốn kẻ làm công bằng trí óc làm việc ở nhà nữa. Bởi vậy mới sinh ra những cụm từ mới như  home office. Chủ được lợi vì tiết kiệm điện nước phòng ốc, và kẻ làm công cũng được lợi vì được ở nhà vừa xem TV, hay bất cứ việc gì mà không có một ai để ý. Miễn làm sao công việc được trôi chảy hay hoàn tất.
Ông nói:
– Cháu làm việc cho hãng này lâu chưa ?
– Thưa bác, mới được hai tháng.
– Bác nghe nói, ở VN muốn vào làm hãng ngoại quốc phải khó khăn lắm ?
– Dạ. Người ta nạp đơn nhiều nhưng chỉ có mỗi một mình cháu được tuyển chọn. Lý do cháu có bằng đại học Mỹ.
– Như vậy, cháu phải giỏi lắm. Gia đình cháu phải hãnh diện vì cháu.
– Dạ cám ơn bác.

Ông nghe nói giấc mơ của những người trẻ tốt nghiệp ở VN không phải là giấc mơ Phù Đổng mà trái lại là được làm việc ở những công ty ngoại quốc, nhất là những công ty hàng đầu của thế giới. Vừa lương tiền cao, vừa kỹ thuật hiện đại lại có phương tiện dồi dào. Ngay ở xứ Mỹ này, khi người sinh viên tốt nghiệp, giấc mơ của họ cũng như vậy mà thôi. Được những hãng hàng đầu của Mỹ nhận được xem như một niềm hãnh diện. Hãnh diện ở những công trình to lớn, những phát minh thế kỷ, những tên tuổi của các người bác học được lảnh giải Nobel. Hãnh diện vì tên của hãng quá quen thuộc với mọi tầng lớp như thể đi sâu vào trong mỗi gia đình từ thế hệ này qua thế hệ khác. Như AT&T, IBM, GM, FORD, GE … Nhưng cháu ơi, rồi một ngày cháu cũng sẽ phải như bác. Giấc mơ sẽ phải tan vỡ.
Cháu sẽ hiểu về những chữ trung thành, cố gắng tận tâm, lòng chung thủy. Muốn chung thủy hay trung thành chủ cũng chẳng cho phép. Này nhé, ngươi muốn nhảy thì ngươi cứ nhảy, trước hết chúc mừng ngươi có job tốt, nhưng nhớ báo trước hai tuần, để ta mướn consultant, contractor thế chỗ ngươi. Đám chuyên nghiệp này thì đầy dẫy, kinh nghiệm đầy mình, mướn họ thì không bận tâm gì đến bảo hiểm, đến tiền cấp dưỡng, đến bao nhiêu thứ linh tinh khác. Hay muốn rẻ hơn thì đi tìm đám sinh viên mới ra trường, lương thấp mà lại có năng lực cao, ít tốn tiền bảo hiểm sức khỏe. Chủ bây giờ là chủ Mỹ. Xếp bây giờ là mắt xanh da trắng. Khách hàng bây giờ thì ở khắp hoàn cầu. Việt Nam chỉ là một nơi đầu tư chất xám như Ấn Độ, Nga, Ba Lan… Nếu mà làm khách hàng không vừa lòng, thân chủ khiếu nại, hay những dự án hoàn tất không đúng ngày qui định, thì chỉ có cách là cuốn gói giã từ.

Ông bắt đầu hướng dẫn người bạn trẻ. Ông chẳng cần biết cậu ta là con ai, gia cảnh thế nào. Ông cũng chẳng thắc mắc về ý thức chính trị hay quan niệm chính trị của cậu. Ông trải rộng lòng. Ông hiểu thời gian đầu của một kẻ mà xã hội phong là “cổ trắng” là thời gian thử thách nhất. Bởi vậy, ông rất cảm thông. Ông đem hết những kinh nghiệm, bí quyết, những điều mà ông cố giữ làm gia tài nghề nghiệp, truyền dạy cậu. Kể cả những vụn vặt ngoài lề, nhưng ông xem là quan trọng, có thể ảnh hưởng đến nghề nghiệp:
“Này, hãy coi chừng thằng Rich. Nếu nó có gọi điện thoại thì nói nó hãy gởi bằng E Mail. Hãy làm việc bằng e mail với nó. Nó hay tìm cách để chơi mình”
hay
“Lời giải bác đã soạn sẵn trong tài liệu. Cứ theo đó mà làm.”

Bình ngồi bên ông ghi ghi chép chép. Ông dùng một ngón tay để gỏ trên bàn phiếm. Bình nói:
“Bác đánh một ngón tay giỏi quá”.
Ông dừng lại gật gật đầu, rồi đưa bàn tay phải mình lên.
“Cả bàn tay bác gần như bị liệt. Những sợi gân đã bị chết”.
Ông muốn nói thêm:
“Một ngón bị mảnh lựu đạn cắt đường gân. Một ngón bị lưỡi hái chém khi ở trong tù. May mà bác vẫn còn sống sót…”
Nhưng ông im lặng.

Tháng 3, 2003

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

%d bloggers like this: