Viết lúc 4 AM – Đồng hương

Tôi ở tại một vùng rất ít người đồng hương. Mỗi lần thèm một tô phở, hay dĩa cơm tấm, phải lái xe ít nhất là hai tiếng đồng hồ. Mỗi lần đi chợ, nghe đàng sau, đàng trước, tiếng Việt cất lên, thì vợ chồng chúng tôi không ai bảo ai,  ngước mắt về phía tiếng nói. Sau đó là ánh mắt trao, nụ cười chào cho cái duyên gặp người cùng cố xứ.

Anh chị quê ở đâu, qua Mỹ năm nào… A, chị quê ở Cần Thơ à. Tôi cũng Cần Thơ đây. Vợ tôi có lần reo lên khi gặp một người đồng hương và cũng đồng quê. Sau đó là những câu chuyện hầu như bất tận…  Có khi mừng quá, quên mình đang ở giữa chỗ đông người, nói chuyện oang oang, xem như nơi này là đất nước mình, quê hương mình, khiến những người bản xứ xung quanh phải trố mắt ngơ ngác…

Như niềm vui mà một người gặp một người, dù tuổi tác của họ cách xa nhau. Nhưng hề gì. Họ có cùng một tiếng nói. Sau đây:

Người đồng hương

Khi vừa bước ra khỏi thang máy, ông thấy cô. Ông thấy cô hiu hắt buồn so. Đôi mắt cô đỏ hoe. Có lẽ cô đã khóc. Ông hoảng. Không biết cô ra sao. Ông đến bên cô hỏi: Cháu có chuyện gì ? Cô ngước đôi mắt ràn rụa: Cháu không có chuyện gì hết. Ông cầm lấy tay cô, xiết chặt. Ở đây chỉ có chú và cháu. Cháu cứ nói đi. Có gì không. Cháu có cần chú giúp đở gì không? Cô bật khóc. Rồi cô mếu máo: Con Madi nó làm nhục cháu. Cháu muốn nghỉ việc, chú ơi.

Lòng ông đau xót đứt đoạn. Bởi ông cũng đã trải qua những gì mà cô đang trải qua bây giờ. Ông đã hiểu rõ thế nào là những giọt lệ mà cô đang nhỏ xuống. Ông cũng đã hiểu được thế nào là nỗi cô đơn của một người bị hắt hủi, bị tủi nhục giữa chợ người. Đó là những thử thách cay đắng nhất của một kẻ mất đất nước quê hương, tiếng nói. Đối với một người đàn ông chai sạn như ông, ông còn cảm thấy đau, huống gì đối với một người phụ nữ như cô. Ông nhớ đến cái nhún vai của con Tina, hay cái nhíu mày của con nhỏ gốc Tàu mang tên Mỹ Christine… Ông nhớ đến những thử thách đầu tiên khi ông từ giã trường đại học để bước vào đời. Cũng những giọt lệ thấm lạnh cõi lòng, cũng là những phẫn nộ, và ý nghĩ bỏ cuộc như cô bây giờ. Ông ước bây giờ ông sẽ ôm lấy cô, che chở cô, thầm thì cùng cô, dịu dàng an ủi cô. Ông muốn để nước mắt của cô thấm lạnh má của ông. Nơi cõi người, mênh mông vô cùng, xa lạ vô cùng, đâu phải dễ dàng tìm được một niềm cảm thông của hai kẻ đồng hương. Ông cảm thấy thương hại cô. Tại sao cô lại khóc ngất, đôi vai cô bật run. Tại sao cô lại đứng một mình thui thủi ở một xó góc. Nói với ai, tâm sự với ai để trút hết nỗi lòng. Ông đề nghị  ra ngoài sân. Cô gật đầu đồng ý. Hai người bước trên lối sỏi, hai bên là những bụi hoa huệ vàng, hoa cẩm chướng màu đỏ tím. Cô bắt đầu kể lể:
– Sáng nay cháu hỏi con Madi về việc làm, nó cau mày: Mày hỏi nhiều quá. Tao không muốn trả lời nữa. Hãy ráng mà tìm hiểu lấy. Nhưng chú biết, cháu không biết cháu phải hỏi. Nếu cháu biết thì cháu hỏi nó làm gì.
– Cháu biết tại sao không. Nó nghĩ cháu đến để cướp nồi cơm của nó. Nó muốn chứng tỏ sự có mặt của nó là cần thiết. Người ta phải cần nó…
– Nhưng đó là lệnh của cấp trên.
– Đành rằng vậy. Nhưng đối với nó, việc ấy là một sỉ nhục. Cháu nghĩ lại xem: Một công việc từ lâu nó bỏ vào đấy bao nhiêu công lao, tự nhiên một ngày có một kẻ đến bảo, mày hãy bàn giao việc lại cho tao. Nhưng trước khi bàn giao mày hãy huấn luyện tao để tao làm quen với công việc.  Con Madi là một con rất ngang ngạnh. Chú làm việc chung với nó rất lâu, chú biết rõ tính tình của nó.
– Cháu cũng biết vậy. Nhưng cháu không còn cách gì hơn.
– Cháu là người mới cháu chưa biết. Có những điều mình không thể ngờ mà chúng lại đến. Nếu không can đảm phấn đấu mình sẽ bỏ cuộc. Trước đây có bà Lisa cũng gặp trường hợp như cháu bây giờ. Cháu muốn nghe không… Chú sẽ kể lại để cháu hiểu thế nào là sự thật về một tập thể mà xã hội này phong là “cổ trắng”…

Ông nói với cô như một kẻ đi trước có kinh nghiệm. Nước mắt của cô cũng là những cay đắng chua chát mà ông đã nếm phải trước đây.

Phải, trước đây, ông còn gặp những khó khăn bội phần mà cô đã gặp. Khó khăn vì tuổi tác. Khó khăn vì không phải riêng gặp một người như Madi, mà còn nhiều người như Madi. Ông bước vào trong thế giới gọi là “chuyên nghiệp”, “cổ trắng” cô đơn lắm. Ngày ấy ông không có ai để cầu cứu khi ông có một vấn đề, hay gặp phải một vấn nạn nghề nghiệp. Lần đầu tiên hỏi họ, họ sẽ niềm nở chỉ dẫn tận tình. Lần thứ hai thì họ bắt đầu trả lời nhát gừng. Lần thứ ba thì gương mặt họ sa sầm xuống. Rồi họ sẽ bảo nhau tại sao boss lại đi mướn một kẻ chỉ biết hỏi…
Chú hiểu lắm. Cháu muốn công việc được giải quyết mau chóng. Cháu muốn chu toàn trách nhiệm mà cấp trên giao phó. Cháu sợ bị mất việc làm.

Tiếng chim hót líu lo. Nắng thắm vàng trên lối đi. Cô cúi đầu không nói. Xem chừng cô đã nghe lời khuyên của ông. Cô vuốt lại những sợi tóc bay xỏa trên vầng trán.
Trời nắng. Bóng hai người soi trên lối đi. Tôi sẽ giúp em. Sẽ giúp cô. Nơi này thật xa lạ với chúng ta. Không phải là chỗ để chúng ta có mặt như những người bản xứ. Nơi này là bãi chiến trường. Chúng ta phải chiến đấu và phải chiến thắng.
Cô bước đi bên ông, bé nhỏ để ông phải tha thiết cùng trái tim mình. Cháu ơi, cháu đừng buồn. Nơi này bông hoa Đông phương rất quí hiếm. Bông hoa Việt Nam lại càng quí hiếm hơn bội phần. Nơi này, khó lắm để thấy lại một hình bóng của Huế Sài Gòn Cần Thơ, của em tan trường về của em đội nón lá của em đến thăm anh một chiều mưa của mưa Sai gon và mưa Thủ Đức… của trăm ngàn ngày vạn ức ngày mờ mịt tuyết giá lạnh lẽo cành khô cổ thụ chim trời đã bỏ mà bay về phương Nam. Nơi này cả một ngôi lầu rộng lớn mênh mông, toàn là mắt xanh da trắng, thỉnh thoảng lạc loài da đen da vàng… Nơi này tôi đã nương tựa cho qua thời cơm áo, mà cửa phòng nhốt tôi cùng lủi lầm thui thủi, tôi nhìn tôi, mà ô hay tôi là Mỹ hay là Việt Nam…Nơi này khó lắm để cùng nhau ngồi chung một buổi ăn trưa, để chia xẻ cho nhau bao nhiêu chuyện về Việt Nam trong khi ở dưới kia, bên kia rừng thưa là xa lộ dập dìu xe cộ… Và tiếng Việt trơn tru, thả dàn, bất tận, no nê, không uốn lưỡi, không ngậm răng, không tìm chữ, không you, he, she, I… Chú ơi, chú nè, cháu ơi, cháu nè, đôi bạn già trẻ như hai cái bóng âm thầm. Cám ơn cháu, cám ơn cô. Cô như con chim tự đâu bay lại đậu trong ngôi lầu tám tầng. Cô hót líu lo. Chỉ cho tôi nghe. Và tôi thầm thì, to nhỏ, để cô vui giữa cõi đời hung hiểm.

Thôi đừng buồn nữa. Có gì thì hãy tìm chú.

Tìm tôi. Tìm trái tim tìm nước mắt tìm ngày tháng hiu quạnh hắt hiu.
Tìm nhau để nương tựa, chia xẻ nỗi vui nỗi buồn.
Tìm nhau, tha thiết không phải mười ngón đan nhau, mà tấm lòng đau như nhau.
Gió lạnh. Cô run. Mùa xuân vẫn còn lạnh. Thôi chúng ta vào đi. Hai người cùng vào lại thang máy. Lầu năm. Đừng buồn. Chú sẽ cố gắng. Có gì hãy gọi chú.
Cám ơn chú.

(trích Hành trình của một Cổ Trắng – Trần Hoài Thư, Thư Ấn Quán tái bản lần thứ tư, 2010)

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

%d bloggers like this: