Họ vẫn viết đấy chứ !
● Khi nhìn lại một nền văn học của miền Nam sau 1975, có lẽ hầu hết những người hằng lưu tâm đến văn chương chữ nghĩa sẽ phải cúi đầu một giây, và mặc niệm cho một thời. Sẽ không còn mỗi tháng trên quày sách báo có những tạp chí văn học như Văn, Bách Khoa, Văn Học, Thời Tập, Khởi Hành, Ý Thức, Vấn Đề, Trình Bày… Sẽ không còn được thấy lại những tên tuổi của các nhà văn nhà thơ lớn tuổi bên cạnh những tên tuổi thuộc thế hệ chiến tranh. Ngôi mộ không đào để chôn vùi cả một nền văn học thời chiến, nhưng những ngọn lửa tàn nhẫn đă hỏa thiêu và tro than đã tan biến trong hư không cùng nỗi lãng quên vô tình của thời gian.
●Từ đấy, chúng ta có một nền văn học khác được thành hình để thay thế nền văn học đã bị bức tử. Đó là văn chương hải ngọai. Văn chương lưu vong. Có người còn nói văn chương miền Nam nối dài. Có nghĩa chúng ta mặc nhiên xem cái nền văn học miền Nam đã chết rồi, và những cây bút cũ của miền Nam đã bị đào thải, bị gạt ra ngòai giòng sinh họat văn học nghệ thuật.
Có thật vậy không ?
● Không phải từ lâu không nghe tên tuổi hay thấy tác phẩm của các nhà văn nhà thơ ở trong nước là khẳng định văn học miền Nam chết. Không phải chỉ thấy sự thiếu vắng của Dương Nghiểm Mậu hay Thanh Tâm Tuyền sau 1975 thì bảo những người cầm bút miền Nam cũ đã quăng bút, quay mặt cùng chữ nghĩa. Không phải cứ thấy các nhà xuất bản hay tạp chí ở hải ngọai cứ in các tác giả xa lạ với người đọc miền Nam trước 1975 thì nghĩ rằng, các cây bút miền Nam cũ đã phải bất lực, đầu hàng, trương cờ trắng.
Tôi tin không phải vậy. Bởi vì, tôi tin rằng, văn chương là hơi thở. Mà hơi thở chính là sự sống. Con người cần hơi thở tức là cần văn chương. Nó chính là nhu cầu.
●Thật vậy, bạn tôi, nguyên là một cây bút trẻ quen thuộc của Văn, Bách Khoa trước 1975 hiện ở trong nước. Anh muốn xuất bản tập truyện của anh, việc trước hết anh phải thay đổi bút hiệu cũ. Việc thứ hai là anh phải chấp nhận để tổng biên tập hay nhà xuất bản kiểm duyệt đục bỏ và tự tiện sửa đổi nội dung. Như vậy, liệu anh còn đủ can đảm hay lòng anh vui về đứa con tinh thần của mình không ?
Đó là chưa nói ở thái độ của người cầm bút. Cái hoang vắng của những tên tuổi cũ nếu nghĩ xa một chút chúng ta nên hănh diện hơn là cúi đầu mặc niệm.
Họ vẫn viết. Vẫn sáng tác. Nhưng ít ai biết. Như Phạm Thiên Thư :
…có một gánh hàng hoa
quẩy sương vào phố chợ
đôi bướm vàng bỡ ngỡ
đập cánh vờn theo chân
có hơi thở mùa xuân
nấp trong tà áo trắng
có mắt nhìn thầm lặng
theo tiếng guốc dòn
mặt trời đóng dấu than
trên đỉnh đồi gỗ biếc
sương hồng neo tấm thiếc
cong một chữ cà phê (*)
(Thị trấn hồng)
hay Trần Tuấn Kiệt:
… một hạt cát này
biến thành sa mạc
một tình yêu này
hóa thành lòai người
một tiếng kêu này
tạo ra bể khơi… (*)
(Tuần Hoàn)
Xin trích vài đọan thơ sau 1975 của hai nhà thơ miền Nam cũ để chứng minh rằng, thi ca nói riêng, và văn chương miền Nam sau 1975 nói chung vẫn tồn tại, không bị đào thải, lai căng, vẫn chảy măi theo thủy triều của giòng sinh mệnh văn học của đất nước. Một Phạm Thiên Thư của Đưa em về Động Hoa vàng bây giờ vẫn thế. Và Trần Tuấn Kiệt vẫn thế. Tâm hồn họ vẫn lớn, và càng ngày theo số tuổi càng bao la bát ngát. Lời thơ vẫn cất cao, bay bổng, vượt ra ngoài biên thùy, lãnh địa để đến với chúng ta.
Nhất là trong thời đại tin học này. Khi mà Internet là một phần của đời sống con người. Khi mà chử nghỉa không còn bị độc quyền mà theo tốc độ siêu âm, vượt thoát những ranh giới địa dư để hòa nhập vào cái chung. Cái chung ấy là cái đẹp, cái chân chính, cái khát vọng của con người. Có phải ?
● Bằng chứng là truyện ngắn “Nơi Không chỉ có Khói Núi” của Nguyễn Lệ Uyên đã được giải Nhất trị giá 30 triệu đồng tương đương với $2000 US !. Giải này do Hội Nhà Văn phối hợp với Bộ Giáo dục tổ chức, với chủ đề Nhà giáo. Cuộc thi thật cam go. Kéo dài đến hai năm kể từ tháng 5-2005 với cả ngàn truyện ngắn dự thi bao gồm những tác giả tên tuổi hoặc không chuyên nghiệp.
Đó là một niềm hãnh diện. Thứ nhất do hai cơ quan có tầm mức lớn của cả nước: Hội Nhà Văn và Bộ Giáo dục đứng ra chịu trách nhiệm tuyển chọn. Thứ hai là số tiền thưởng quá lớn (có lẽ từ trước đến nay).Để bạn tôi có thể trang trải nợ đời, nợ cơm áo. Tôi đã nói lên ý nghĩ này qua một điện thư, nhưng bạn trả lời:
Bạn biết không, tôi sướng không phải vì mấy đồng tiền thưởng mà là một thằng nhà văn vô danh tiểu tốt còn sót lại của miền Nam đã viết như trước kia từng viết, không lên gân, không véo von. Viết từ tầng sâu cảm xúc, viết từ những điều có thật trong cuộc sống. Hơi thở của văn chương không dừng lại ở hô hào, đồng phục. Nó luôn hướng tới cái Đẹp. Và cái Đẹp luôn chiến thắng.
Còn nữa. Tháng 8 vừa qua, một tuyển tập truyện ngắn 12 tác giả do nhà văn Nguyên Minh chủ biên, nhà Thanh Niên xuất bản, ra đời, gồm toàn những tác giả miền Nam trước 1975, mà một thời họ được xem những cây bút trẻ.
- Mời đọc: Truyện ngắn 12 tác giả
Và mới nhất, là đặc san định kỳ Quán Văn, phát hành mỗi tháng, (đã ra được số 3 tháng 12-2011) mà chúng tôi đã có lần ân cần giới thiệu, cũng do nhà văn Nguyên Minh chủ biên, và đã được đón nhận nồng nhiệt ở trong nước..
Nhìn tên tuổi những cây bút đóng góp, lòng tôi cảm thấy bồi hồi. Nhớ lại Văn, Khời Hành, Bách Khoa, Ý Thức của thời tuổi trẻ. Bây giờ cái thời ấy đã qua, đã mất, nhưng những bút hiệu kia vẫn còn, giòng chữ kia vẫn còn… Như vậy làm sao chúng tôi không vui cho được !
Vâng, họ vẫn viết đấy chứ !
- Mời đọc: Giới thiệu Đặc san Quán Văn
Sau mấy muơi năm mới hay
● Thư của người bạn sau khi nhận bộ sưu tập Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến có câu: Có những người bạn mình, làm thơ thật hay mà mình lại không để ý. Thật có lỗi.
Thưa anh, tôi cũng vậy.
Có lẽ thời ấy chúng ta không được ở Saigon hay ít có cơ hội được tiếp xúc nhiều trong thế giới sinh hoạt văn học. Những tạp chí đến với chúng ta phải được chuyển bằng trực thăng hay qua những đoàn xe tiếp tế và bất thường. Hình như lúc ấy, tòa soạn chỉ đăng bài theo tên (Mà có lẽ thời nào cũng thế thôi). Ngoài bìa, những chữ in đậm, trang trọng vẫn là những tên tuổi quen thuộc, dù, phẩm chất của sáng tác đôi khi chẳng ra gì. Và chủ đề thì vẫn chừng nấy tên tuổi đến nhàm chán. Có lẽ đó là hình thức để câu độc giả chăng.
Có lẽ vì sự đòi hỏi của độc giả mà đại đa số là những người trẻ, nên các tạp chí như Văn hay Khởi Hành thường dành rất nhiều trang cho những cây viết trẻ. Họ vừa cầm súng vừa viết văn, làm thơ. Đó là không kể nón sắt và áo giáp. Thêm tập giấy nhét trong túi áo trận. Có khi lục trên người họ, thấy bài thơ dính cả máu.
Thời buổi chiến tranh, nào ai biết?
Thật vậy, có tác giả, chúng tôi chỉ sưu tập được một bài rất hay. Nhưng cố tìm một bài thứ hai thì không thể tìm được. Chẳng lẻ trong đời họ chỉ có một bài thơ thôi sao?
Nếu không có dự án sưu tập này, chắc sẽ không bao giờ biết đến tên Nguyễn Dương Quang với bài thơ Đêm cuối năm viết cho má (1) mà nhà phê bình Đặng Tiến đã trích và đã viết:
Tác giả ít được biết đến, nhưng bài thơ hay quá, chất trí tuệ quyện vào tâm huyết, hồn nhiên mà điêu luyện. Tình cảm chìm chìm mà ý tứ lâng lâng. Trong sáng, sao mà u uất? Thơ đích thực là điều đơn giản kỳ diệu «có nói cũng không cùng».
hay về một thứ tình quá đổi đẹp nhưng rất khó tin qua bài Uống rượu với người lính bắc phương của Phan Xuân Sinh (2). . Hào sảng chất ngất. Mà cũng nhân hậu làm sao. Chỉ một bài cũng đủ nói lên bản chất của người lính miền Nam rồi.
Không dành cho họ một chỗ đứng xứng đáng thật là có lỗi.
Có phải vậy không, anh bạn của tôi ?
___
(1)
Đêm cuối năm viết cho má
Nguyễn Dương Quang
đêm nay con ngồi một nơi rất xa má
đếm tuổi con bằng nước mắt má đong
trong đêm thoảng giọng hiền má gọi
con vừa nghe, muốn khóc, rất bâng khuâng
ở làng này không ai đốt pháo
đêm thật buồn như bước đông đi
con còn có ít giờ hưu chiến
biết đâu chừng, thôi, nghĩ làm chi
mấy năm nay con không có Tết
hình như năm chỉ có ba mùa
con không buồn xuân chê đời lính
buồn xa má như trời mưa
từ xa má con làm con nhiều mẹ
lúc nào cũng vui lúc nào cũng buồn
có kẻ vui luôn, người buồn măi
mình con của má cười rưng rưng
con nghe những dòng sông kể chuyện
biển xa năm họp mặt một lần
chuyện những xác cầu, xác người chìm nổi
chuyện đồng loại như là phù vân
hình như cây súng con lạ lắm
sao nó run lên khi đạn lên nòng
tâm hồn nó như tâm hồn con vậy
một kẻ nằm, kẻ đứng, xót xa không?
trước mặt con: những ngọn đồi cát máu
đêm thì thầm cùng những nấm xương
ôi, trái tim con mãi tôn thờ má
đã dạy con hai tiếng yêu thương
từ má lỏng bàn tay dìu dắt
con bơ vơ giữa cuộc phù sinh
dòng nước nào xa nguồn mà không đục
sợ một mai con lạc dấu chân mình
thôi, má ngủ đêm nay ngon giấc
con ngồi đưa chiếc võng rách quê nhà
đạn vòng cầu đừng đi trong đêm tối
lệ sẽ đầy giấc má nhớ con xa
(2)uống rượu với người lính Bắc phương
Phan Xuân Sinh
hãy rót cho ta thêm cốc nữa đi
ngồi với bạn hôm nay làm ta hứng chí
chuyện ngày mai có chi đáng kể
dẹp nó đi cho khỏi bận tâm
thằng lính nào mà không rét lúc ra quân
khi xung trận mà không té đái
ta cũng có người yêu nhỏ dại
mỏi mắt trông chờ song cửa quê nhà
chuyện sống chết căn bệnh trầm kha
đâu dễ gì thoát vòng sinh mệnh
những thằng lính thời nay không mang thù hận
bạn hay thù chẳng có một lằn ranh
thôi hãy uống. Mọi chuyện bỏ lại sau
nếu có thể ta gầy thêm cuộc nhậu
bày làm chi trò chơi xương máu
để đôi bên nuôi mầm mống hận thù
ta chán lắm rồi ba chuyện ruồi bu
chỉ có bạn, có ta là thua cuộc
người yêu của bạn ở ngoài phương Bắc
giờ này đang hối hả tránh bom
hay thẩn thờ dõi mắt vào Nam
để chờ người yêu mình trở thành liệt sĩ
rồi cũng sẽ quên, như bao điều suy nghĩ
tình yêu như một thứ điểm trang ?
che đi chút dối lòng
uống với bạn hôm nay ta phải uống thật say
để không phải còn nhìn nhau hận thù ngun ngút
những ngày đầu xuân 1972