Viết lúc 4 AM (4)

Tao viết văn làm thơ
Cho tụi bây quăng viết
Mặc dù tao không đời nào thèm giết
Những cái thứ cà rơ.

(Thì ra )

Đây là một bài thơ điển hình về nỗi cao ngạo của Nguyễn Đức Sơn. Và cũng là cáo từ của một kẻ cô đơn của một thế hệ chẳng có trạng sư bào chửa hay bênh vực. Ngay cả trong sinh họat văn học nghệ thuật.

Đó là lý do tại sao NĐS lại cho ra đời tờ Mặt Đất, số 1, tháng 11-1965,với những lời lẽ đầy thách thức, ngạo mạn, nhưng thật thấm thía: “Đấu trường của bọn trẻ tự động và ý thức nhất. Chủ trương biên tập Nguyễn Đức Sơn, vô gia cư, vô nghề nghiệp, vô địa táng. Tòa sọan lưu động tất hữu, và trường kỳ. Hiện tại không có địa chỉ liên lạc”.

Thấm thía bởi vì những lời lẽ kia đã nói lên một phần lớn về sự thật . Ngay cả  tạp chí Ý Thức, cũng phải đề địa chỉ bằng hàng chữ: ” tòa soạn lưu động theo chân người viết” trong những số báo được phát hành vào năm 1969.

Trong khi ở SG, một nhà văn mang áo lính, làm việc trong phòng có gắn máy điều hòa, thì viết về những mảnh đời vũ nữ, hay phòng trà. Viết xong, giao cho nhà in sắp chữ, khỏi cần biết hay hay không hay. Trong lúc đó,  ở ngoài vòng đai, có những người viết trẻ, bỏ xấp bản thảo trong ba lô, có khi một trang thơ bị nhuốm máu…Họ phải viết dưới ánh trăng hay trái sáng… Địa chỉ của họ chỉ là một KBC xa lạ, hay một xó xỉnh nào mà họ tạm trú để qua cơn bỉ vận…

Thật là một điều nghịch lý. Chính họ là tiếp hơi tiếp sức rất lớn trong việc duy trì và phát huy nền văn học thời chiến, nhưng họ vẫn luôn luôn là kẻ ở sau cùng. Họ vẫn luôn luôn bị mang danh là do nhà văn này khám phá, tạp chí kia tìm tòi. Như thể những cậu/cô học trò được trúng tuyển nhờ sự dìu dẫn của những ông thầy văn học.

Đó là lý do mà tại sao chúng tôi lại một thời ngưỡng mộ NĐS. Nỗi uất ức ấy không phải là từ một Nguyễn Đức Sơn. Ông đã thay mặt nói dùm chúng tôi.  Năm 1965, NĐS đã thành danh, tên tuổi NĐS đã lẫy lừng, qua các tập thơ Bọt Nước, Hoa Cô Độc, Lời Ru, Đêm Nguyệt Động và tập truyện Cát Bụi Mệt Mỏi. Nhưng tiếng nói ấy là tiếng nói chung. Ông tự phong Ông là con tê giác, là mũi tên, là du đảng, du thủ, du côn, mất dậy. Tất cả những gì xấu xa nhất ông đều nhận lấy.
Đừng nương tay nhé các bạn
Hãy bắn thẳng tôi cho hết đạn
Rồi ngã lăn ra chết
Còn hơn sống lê sống lết
Phải không, hỡi những người anh
em thi sĩ rắn rết?

(Như một trò xiếc rất cũ)

Ông đã chấp nhận những phát đạn vào tim ông. Không phải cho ông. Như qua những lời thống thiết như thế này, trên tạp chí Mặt Đất (chỉ 4 trang, khổ lớn)  số đầu tiên:

Thư ngỏ gửi các thân hữu xa gần của tạp chí xuất bản Mặt Đất

Cùng các bạn,

Sau bao nhiêu năm dài dằng dặc suy tính nát nước để dựng lên ngay một nền văn nghệ rực rỡ phải có ở miền Nam chỉ tạo ra được ngoài tầm những thế lực xuất bản đang hoạt động, chúng tôi không thể trông chờ một phép lạ hiển linh nào ngoài giải pháp chót rất không anh hùng chút nào: ngửa tay mượn tiền của các bạn. Nếu các bạn tin tưởng một trăm phần trăm khí lực làm việc sôi sục hằng hằng trong chúng tôi, xin các bạn nhắm mắt bấm bụng gửi bưu phiếu có thể có được của các bạn về sớm cho chúng tôi (đề tên Lê Mong, 68 Phạm Phú Quốc, Blao, nhờ chuyển lại ở ngoài bì). Chắc chắn chúng tôi sẽ hoàn lại các bạn một cách tròn trĩnh và hậu hĩnh dù muốn dù không và trong thời hạn ngắn nhất có thể. Xin các bạn yên tâm không sợ mất vốn: chúng tôi cam chịu nhiều tốn phí để những tác phẩm dịch thuật cũng như sáng tác độc sáng của chúng ta có kỹ thuật ít ra phải bằng An Tiêm và nghệ thuật trình bày phải thật tiến bộ. Không thể dù dừ dụ dự đợi thời thế thêm chút nào nữa, chúng tôi đánh bạo viết mấy dòng đau đớn ít nhiều trên cho các bạn, dù các bạn không thể hưởng ứng chút nào trong thời kỳ quá khó khăn này. Hãy tưởng tượng nếu phụ lòng các bạn chút xíu nào thôi, chúng tôi còn biết làm gì khác hơn ngoài việc độn thổ?

Trân trọng và tha thiết,

Nguyễn Đức Sơn
Chủ trương tạp chí xuất bản Mặt Đất

***

Bây giờ, cái thời ấy đã qua,   chỉ còn lại là những màn sương long lanh của dĩ vảng trên những đôi mắt lão. Nguyễn Đức Sơn đang bịnh nặng. Và tôi thì  buổi sớm 4AM.  Đêm càng ngày càng thu ngắn giờ ngủ, nhưng thời gian thì quá ngắn để thực hiện giấc mơ. Những ngón tay gõ máy dù có bầm đau nhưng cứ nghĩ, giữa cõi đất trời Ảo này, có người hiểu và thông cảm việc làm của ta, thì làm sao mà không vui mà tiếp tục cuộc chơi….

Như  giờ này ở quê nhà  nhà văn Nguyên Minh, giờ đã 72 tuổi, mà phải tự  in, tự đóng, tự cắt để cho ra đời mỗi tháng vài trăm tập  Quán Văn.  Đó có phải là niềm hạnh phúc hay nỗi điên rồ ?

Tôi thì cho là hạnh phúc. Bởi vì tôi cũng như bạn tôi. Lát nữa đây, tôi sẽ đóng thêm mấy cuốn Văn Miền Nam còn nợ người bạn xa. Tôi đã viết thư cho anh ấy:

Cám ơn anh, anh đã cho tôi một cái job mà tôi thích nhất, từ trước đến nay.

One Reply to “Viết lúc 4 AM (4)”

  1. Cám ơn Trần Hoài Thư chịu khó thức từ 4 giờ sáng để ghi chép những cảm nghĩ, những hoài niệm về chuyện thơ văn xa xưa mà mới mẻ, ngậm ngùi mà thi vị. Chúc anh mỗi ngày đều hưởng được niềm hạnh phúc là sáng sớm thức dậy, tự thưởng cho mình một cốc cà phê để độc giả cũng được hưởng cái thú “nghe” anh kể chuyện.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

%d