Niềm hạnh phúc là sáng sớm thức dậy, tự thưởng cho mình một cốc cà phê, rồi ngồi lại trước màn ảnh computer. Trong cõi im lặng, chỉ có tôi và thế giới ảo. Tôi đang có mặt ở dưới một basement tại một nơi miền đông bắc xứ Mỹ, nhưng tôi cảm thấy mình bay bổng khắp nơi, vượt thời gian không gian. Tôi đang nhớ về những tháng năm trước 1975 , sống lại cùng với những bạn bè, những cà phê thuốc lá. Tôi cũng đang nhớ về những ngày đen tối cùng cực của miền Nam sau 1975…
Những ngày hôm nay, tôi đang chuẩn bị bài vở cho Thư Quán Bản Thảo số Tết và cũng là số đặc biệt về Nguyễn Đức Sơn. Không thể ngờ bài vở lại dồi dào như vậy. Đây là dịp để tôi được đọc lại những bài thơ của ông, và có dịp suy ngẩm về triết lý ở từ những câu thơ khác thường, hay là những lời phát biểu đầy cao ngạo của ông.
Trong số những bài thơ ấy, bài thơ mà tôi thích nhất là bài Đi thăm bạn sắp đẻ ở Di Linh
Sắp đẻ ở Di Linh cây cối chào chị
Sắp đẻ ở hư không rừng và chị ôm nhau hát
Tôi giấu mặt đi ven hồ lạnh giá
Căn nhà gỗ phần mộ thanh xuân
Những ván thông dày đặc gỗ quan tài
Của tóc của chị của tình nhân
Của dương cầm bỏ phế đúng một năm
Sắp đẻ ở Di Linh cô đơn hùng dũng
Chị thu mình như một con mèo mun
Chị thu mình như một vũ nữ Ba Lan
Chị thu mình như một dĩa hát cũ
Oh, my tormented heart
Buổi chiều chết trên cây thánh giá
Hãy quên tôi như một mũi tên
Hãy quên tôi như một loài chim đêm
Anh đưa chị về đây để tự vận
Chị thổ huyết ba lần tôi chứng kiến
Khi rừng già thấp xuống thấp xuống
Buổi sáng chị tắm sương mù
Buổi chiều chị đốt cỏ để hong đời chị
Hiu hắt như đời tôi chị đứng lên
Hai mươi bảy năm tuột mất thanh xuân
Ôi nắng vàng dòng thác Gougah
Rừng và chị ôm nhau hát
Sẽ đẻ ra một đứa con
Rừng và chị ôm nhau chết.
Trước đây, cách vài năm, tôi đã chọn vào trong Bộ Thơ Miền Nam. Sự thẩm định giá trị bài thơ là ở giá trị nghệ thuật. Thật sự tôi không thể hiểu nổi tại sao tác giả lại dùng những chữ rất oan nghiệt như tự vẫn, quan tài, hay ví mình như mũi tên. Hãy quên tôi như một mũi tên hay tại sao con tim ông lại bị tra tấn hành hạ khi thấy người bạn trong cơn lâm bồn: Oh, my tormented heart/ Buổi chiều chết trên cây thánh giá…
Nhưng bây giờ, qua lời kể của một người bạn, cho biết nhân vật người bạn mà NĐS đã cất lên những lời thống thiết như thế, tôi mới càng thấy bài thơ có một giá trị bội phần. Có lẽ những người đọc sách trước 1975 đều nghe hai chị em Phùng Khánh và Phùng Thăng, đồng dịch gỉa của Câu chuyện Một Dòng Sông. Phùng Khánh sau này trở thành ni sư TRí Hải, Và Phùng Thăng, theo chồng, bỏ phố, bỏ thành lên tận miền heo hút tận Di Linh… Họ có lý tưởng. Họ đã làm chủ lấy cuộc đời của họ. Còn chúng tôi, không ai có thể làm chũ, dù Bắc dù Nam. Chúng tôi đã bị lịch sử còng tay còng chân, và nhận cái bản án treo tử hình ngay ở tuổi thanh xuân.
Nhưng để đổi lại những buổi sáng sương mù, những buổi chiều đốt cỏ để hong tóc, hay náng vàng dòng thác Gougah ấy, là không có bảo sanh viện, không có cô mụ để đỡ đẻ, không có những phương tiện về y học để cầm những cơn thổ huyết. Đó có lẽ là lý do mà NĐS đã đau đớn, vì chính ông luôn luôn hô hào cổ xúy cho một lối sống ẩn dật như thế. Ông đã ví ông như là mũi tên. Mà mũi tên thì gây thương tích hay giết chết người. Rõ ràng có một sự nghịch lý trong lối nhìn và thật tế của ông.
Bài thơ ấy được ông viết sau khi ông nhìn bạn mình bị thổ huyết. Nhưng đổi lại, là một niềm hạnh phúc vô biên. Bạn của ông có một đứa con. Và ông có dịp ca ngợi:
Ôi nắng vàng dòng thác Gougah
Rừng và chị ôm nhau hát
Sẽ đẻ ra một đứa con
- Thanh Trí – Tiếng sóng ru con
Nhưng mà, sau năm 1975, người mẹ ấy bị lính Kmer Rouge cáp duồn rồi sau đó thảm sát. Miến Nam đã không làm họ chết, dù chiến tranh vào năm 1972 đến hồi cao điểm, dù chúng tôi càng lúc càng hy sinh nhiều hơn gian khổ nhiều hơn và năm xuống nhiều hơn. ..
- Ru con – Tranh Thanh Trí
Tại sao?
- Bài liên quan: Viết lúc 4 AM (1)