Trần Hoài Thư
Sau khi cuốn Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến ra đời, Qua bài viết của Đặng Tiến, tôi biết rằng, tôi đã thiếu sót một tên tuổi mà lẽ ra phải dành cho nhà thơ này một chỗ thật trang trọng.
Đó là nhà thơ Hoài Lữ Lữ Đắc Quảng. 19 tuổi đã xuất bản Tập thơ Mắt cỏ. 21 tuổi tử trận.
Tôi quyết định phải làm Tập II.
Tôi và anh Phạm văn Nhàn đánh email cầu cứu các thân hữu quen biết. Có người nói có đọc thơ Hoài Lữ nhưng không biết ông thường cọng tác ở báo nào. Có người không bao giờ nghe tên HL. Có người im lặng.
Mọi giá phải tìm ra thơ ông. Dù một bài cũng được. Ông xứng đáng để chúng tôi trân trọng vì ông là nhà thơ nằm xuống. Nhưng tìm ở đâu bây giờ ?
Bốn giờ sáng, tôi lái xe đi Cornell. Mặc cái ám ảnh bệnh tật suốt cả tuần nay. Hai cục bứu u đã nổi hai bên cổ như dấu hiệu bất trắc. Và sự giảm cân đáng ngại. Mặc nỗi lo âu của nhà tôi. Tôi phải đi tìm. Còn bao nhiêu ngày tháng nữa để tôi còn được dâng hiến cho văn học miền Nam. Thời gian đối với tôi bây giờ thật vô cùng quí báu. ,
Nhưng biết tìm ở đâu. Tạp chí nào?
Dù biết vậy, nhưng sao trong lòng lại có một lời dục dả.
Thử lên đó tìm tất cả những tạp chí văn học phat hành trước khi HL chết, có nghĩa là vào những năm đầu của 60. May ra..
Lái xe cứ một hai tiếng là ép vào lề mà nghỉ, mắt nhắm lại.. Giữa núi đồi chập chùng, sương che lớp lớp, vắng vẻ hiu quạnh, tôi cầu nguyện hương linh ông phù hộ tôi.
Làm sao dẫn dắt tôi mượn được tờ báo nào có bài của HL.
Bởi tôi không thể vào trong kho lưu trử dể dễ dàng lục lạo. Trái lại tôi phải nhờ người của thư viện lục dùm.
Và ông đã phù hộ tôi thật. Bằng cách khiến tôi mượn bộ tạp chí Mai của Huỳnh Minh Tuynh, tạp chí liên quan nhiều đến chính trị, rất ít văn học nghệ thuật. Thú thật, trong đầu óc tôi không có tên tạp chí này khi sưu tập. Tôi chỉ nhắm vào các tạp chí văn học nghệ thuật thời danh như Bách Khoa,Văn, Văn Học, Nghệ Thuật, Khởi Hành, Thời Tập, Trình Bày, Đất Nước, Ý Thức, Tư Tưởng v.v…
Và kết quả, là hai trang khổ lớn thơ Hoài Lữ. Mai đã giới thiệu thơ anh rất trang trọng trong một số đặc biệt như đã giới thiệu Đinh Cường, Ngô Kha, Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng…
Tôi kể chuyện huyền nhiệm này với anh Trang Luân khi anh gọi thăm tôi vào ngày cuối tuần. Anh TL bảo nhà thơ Ý Yên rất thân thiết với Hoài Lữ. Để ảnh gọi Ý yên thử xem.
Sau đó anh Ý Yên gọi tôi. Cho biết nhà thơ HL có người anh ở Mỹ….Có lẽ giữ tập thơ Mắt cỏ.
Đó.. Không biết chuyện này là do tình cờ hay may mắn, hay chính do hương linh của nhà thơ tài hoa đã chết quá sớm, đã dẫn dắt tôi đi tìm ?
Và giờ đây sau mấy tháng kể từ khi những bài thơ của Hoài Lử được sưu tầm, tôi vẫn khỏe. Trời Phật đã thương tôi, giúp tôi vượt qua khỏi căn bệnh trầm kha để tiếp tục thêm những chuyến đi khác. Lại thêm Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến Tập Hai ra đời. Lại thêm Một Thời Lục Bát Miền Nam, Thơ Tình Miền Nam, Thơ Tự Do Miền Nam, Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương dày cộm nữa. Lại thêm niềm vui này tiếp đến niềm vui khác, khi nhận ra tháng ngày còn lại của mình vẫn còn có ý nghĩa.
Trích thơ Hoài Lữ
Thân phận
Linh hồn anh đưa tay vẫy, anh nhìn lên nhìn lên
Nỗi đọa dày đan trong lòng mình anh cũng chẳng biết gì hơn, chẳng nói gì hơn, hai bàn tay đâu có đi ra ngoài định mạng.
Con đường mòn loài ốc nổi rong rêu ngôi bệnh xá nằm im lìm em có nghe những linh hồn ôm nhau đau khổ.
Những bài ca đêm buồn đau nức nở. Có nức nở cũng chỉ một mình với tập giấy carô thời đi học.
Hai mươi tuổi đầu anh phá bỏ thanh xuân. Anh phá bỏ mầm non lộc mới. Rồi mùa thu mùa đông mùa lá vàng mùa rét heo may. Anh vẫn buồn. Em ơi anh vẫn buồn. Từ sông con cá trê trườn mình quẩy mạnh những lá me đường Nguyễn Trung Long. Em đã bỏ những kiếp tội nhân. Em đi vào ánh sáng rồi tan ra trong ánh sáng. Cây nến là linh hồn anh quì gục sương đêm để xin người tha tội để làm kẻ nô tỳ suốt đời canh giữ em. Bởi dưng sao em chịu được thân phận mình đàn bà con gái em mở đầu câu chuyện mơ hồ với những bầy cua rồ dại những con sam con hến con sò.
Em không được nói, không dám nói ra vì loài chim em vô cùng nhỏ bé – mặc cảm nghèo nàn bệnh tật lại chất đầy nỗi ưu tư tuổi nhỏ.
Anh đã cố dành giựt cho phần mình những bữa cơm chung sống với em, những đứa con hiền và đêm đêm nằm ôm em để ngủ. Tất cả anh chỉ khuân từ những viên đá nhỏ xây một lâu đài của linh hồn thi sĩ và những sợi tóc của em. Anh sẽ phà vào một hơi ấm siêu hình ôi tình yêu tình yêu bất diệt.
Em không điêu ngoa em không lang chạ nhưng tuổi của đời yêu nhau đừng nhắc đến tiết trinh. Ở cõi thiên đường em đã một lần mất ngôi em từ giã thần linh về hạ giới làm kiếp đàn bà mang theo những lần kinh nguyệt – em đớn đau em vùng vẫy rên la. Anh chạy khắp thành phố tìm thuốc cứu em khỏi chết phương thuốc thần dược kia nay đã thành độc dược tàn phá linh hồn Anh và em ngàn năm rã mục.
Bởi thế từ khi trời cho em làm đàn bà con gái với gọng cỏ may chuyền tay em thay đồ chơi ấu trỉ ngục tù trong bốn bức tường với gỗ mục cây lau, thì hồi đó anh chịu làm loài thi sĩ như con sò con hến con nghêu. Anh đã hát ca bằng hơi sương hơi nước.
Từ rừng sâu con gấu xù bỏ tổ bỏ hang – nó đi về cánh đồng bỏ đàn con ở lại.
Thời con gái thơ ngây em nhốt trọn trong căn nhà Nguyễn Trung Long. Bên đống củi chất cao khỏi đầu em ngồi ở đó. Khác với Anh là ngồi nơi tảng đá giữa núi biển hoang liêu.
Em lớn lên bên những nộ cuồng. Cơn gió lốc cùng đàn thú dữ của đời người dành nhau cắn xé ghi tích lại trên thân thể em những hằn đau tuổi nhỏ. Em đớn lạnh rùng mình rồi trong cơn nguy hoảng em thét vang lên – cơn thần kinh đi vào từ đó khơi sâu nội tâm bằng loài hoa lạ. Em ngơ ngác có biết gì đâu có tội gì đâu mà trời bắt anh phải kể lể.
Màu trắng bốn bức tường vôi bệnh viện cũng chẳng gì hơn cho em quên nỗi chết chóc đời người. Mang một kiếp đàn bà con gái như thể gông cùm của người tù chung thân.
Bởi cớ sao bắt anh làm thi sĩ.
Bởi cớ sao em mang tội trọng đàn bà.
Thế rồi em thoát đi thoát đi. Nha Trang vùng biển động em về kể như thôi từ đây từ giã cuộc sống em khoác áo nâu sồng.
Nhưng còn mùi trần tục còn nhớ hoa đêm cùng gọng cỏ may thời thơ ấu se duyên.
Anh thì chơi đá gà bằng gọng cỏ – tay này đá với tay kia để một mình mình biết tay nào thắng tay nào bại – em thì chơi gọng cỏ may với đàn dế mái em cất nhà lót ổ cho chúng nhởn nhơ. Cỏ may cỏ đá gà cũng đều là cỏ.
Bởi thế con gấu xù, lông trắng trở lại vùng cao nguyên băng rừng vượt suối đi tìm Tuyết giá – Gấu lạnh lùng Tuyết cũng chẳng gì hơn.
Bây giờ Gấu cô đơn khi mùa Đông đi về. Trên ngọn Tuyết sơn. Cây trái chẳng còn mật ong không có. Gấu đi tìm hang nẻ để trú ẩn đôi chân. Và gấu trắng lên vùng núi Tuyết từ đó.
Anh vào ngủ trong lòng em với đôi bàn tay hiền siết lại. Anh tưởng rằng sẽ được yên thân nằm nghe em làm lễ tuyên dương.
Vùng núi Tuyết nên nhiều bão lốc. Mùa xuân chưa về nên gió còn lộng. Con Gấu xù lông trắng lang thang tìm đường nhưng đã lạc nẻo cơn mê.
Em cho anh những trái mận Trung-luơng làm quà kỷ niệm. Mận trung-lương thì ngọt vô cùng. Nhưng càng ngọt hơn khi em chọn lựa. Trái nào chín nhất em dấu sau vạt áo để dành.
Rồi anh bỗng ngủ mê trong vùng núi ấy trong sự lạnh lẽo không cùng. Suốt mùa đông mặt trời chẳng hé. Anh đã quên ở khu rừng kia mặt trời chờ đợi. Em đã du anh lạc nẻo hồn mê. Anh một mình hát ca và ngồi nghe tiếng mình từ xa vọng lại.
Con gấu trắng mỏi mòn trong suốt mùa xuân mùa hạ mùa thu. Nó vờn cây nhởn trái nó hái hoa và nghe suối nhạc chan hòa. Để rồi thân mình nó còm cỏi và linh hồn cũng còm cỏi cho suốt đến mùa đông năm sau. Bão tố không cùng khi bầy Phượng Hoàng đã ra đi khi mùa thu sang nó không còn bè bạn không còn hành trang. Con gấu lại lùi lũi trở về tìm tổ ấm. Tuyết đã rơi nhiều nên lấp tổ hoang lấp cả những vết chân của phượng hoàng.
Con gấu đó chơ vơ trong vùng núi Tuyết.
Ngự viên
Chiều vương sắc tím đen viền
Giầy hoang gót nhỏ đỏ nghiền tâm tư
Cành khô nhớ tiếc sa mù
Nửa chong thủng mắt nửa trù mưa sa
Ðường trơ lẻ bóng quan hà
Mãi đi quên cả xa nhà từ đây
Giật mình nắng díu làn mây
Ngỡ trong hồn mộng chất đầy phồn hoa
(Mắt cỏ)
Dậy thì
Nghe trần gian ước tuổi đời
Nghe hồn Do Thái câm lời hư vô
Ngửa tay xin lấy sương mù
Ðời khâu vá nỗi biên khu úa tàn
Dậy thì tuổi nhỏ than van
Thở hơi đứt quãng lệ tràn máu tim
(Mắt cỏ)
Tang chế
Bây giờ in nét đơn xưa
Ngai hoang đế cũ mưa mùa gió bay
Vết chân biển cát lưu đầy
Mười phương nắng đổ chói cay mắt hờn
Chàm buồn tháp đứng chon von
Ðổ mưa vắng nhạc tiếng cồng xa xăm
Buồn nghe tâm sự hờn căm
Nắng cô đơn dã tích hằn cổ rêu
(Mắt cỏ)
Biển dềnh
Hằn trong ghế đá vũng ghềnh
Tháp canh sóng mặn biển dềnh ưu tư
Nửa trời giọt nắng, trăng lu
Mây đi góp nhặt mắt mù xa khơi
Ðàn chim biển góp mặt cười
Ngỡ sau lưng có mặt trời ngó theo
(Mắt cỏ)
Hồn Do thái
Bơ vơ từ thuở biển trời
Bước chân sa mạc câm lời bi thương
Ngỡ ngàng trở giấc hoang đường
Nỗi đen quặn chết biên cưong u tìm
Hằn đau vữa nát buồng tim
Buồn hoang vu đến thăm miền cát xa
Cưu mang thân kiếp lạc đà
Ngỡ nghe tiếng gọi hồn ma trở về.
(Mắt cỏ)
Tiếng hát nhân sinh
Hồn thơ mắc lưới điêu linh
Thảo nâu sao mọc lên mình thân tôi
Bàn tay ôm mặt tủi đời
Nửa dư tiếng khóc nửa cười dư âm
Bấy lâu đau khổ chuyên cần
Tủi thân trẻ nhỏ nào gần tương lai
(Mắt cỏ)
____
** Nhà thơ Hoài Lữ tên thật Lữ Đắc Quảng sinh năm 1944 tại Quảng Trị tốt nghiệp Khóa 18 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức đầu năm 1965. Hy sinh tại đồn Bà Tà, Bình Chánh, đêm Chúa nhựt 25 tháng Bảy 1965.
Tác phẩm xuất bản: Mắt Cỏ (thơ, 1963). (lúc nhà thơ mới 19 tuổi)