Nhà thơ Vũ Hữu Định (VHĐ) tên thật Lê Quang Trung sinh năm 1942, mất năm 1981. Trong nước, để tưởng nhớ nhà thơ tài hoa này,
bạn bè của anh đã góp công góp lòng thực hiện tập thơ lấy tên “Còn Một Chút Gì Để Nhớ” (Nhà xuất bản Trẻ năm 1996) với tất cả 45 bài thơ. Đọc danh sách, chúng ta thấy như hầu hết những người viết văn làm thơ cùng thời với anh trước 1975 đều có mặt (1). Điều ấy chứng tỏ nhà thơ VHĐ rất được nhiều bạn bè thương mến.
Trong phần tiểu sử, thấy ghi về sự ra đi của anh như sau:
“(Vũ Hữu Định)…mất vào một đêm trăng tháng giêng tuyệt đẹp năm Tân Dậu (1981) bên bờ sông Hàn. Định ra đi sau một cơn say cùng bè bạn…”
Sự ra đi của anh đã làm cho chúng tôi bàng hoàng. Một người mà thơ nẩy mầm từ bạn hữu, núi rừng, chim muông, đất đai, phố cao sương mù, tình yêu … Một người mà giỏi nghề rượu từ thuở mười lăm thì làm sao mà lại ra đi một cách tức tưởi, đành đoạn như vậy?
Xót xa lắm.
Ở quê người, tưởng nhớ anh, chúng tôi chỉ biết đáp lại lời kêu gọi của nhà thơ Đinh Trầm Ca:
“Cũng mong rằng Trần Từ Duy hoặc một Trần Từ Duy khác sẽ xuất bản được cho anh thêm vài tập nữa. “(2)
Để rồi từ đó, những chuyến đi đi về về thư viện Cornell, Library of Congress, dặm dài thăm thẳm, qua đồi, qua đèo chập chùng, để chúng tôi nói với lòng, anh VHĐ chúng tôi đi tìm VHĐ đây. Rồi những chồng tạp chí cũ mà người phụ trách mang đến cao ngất, cứ lật và cứ lật miệt mài. Nơi nào có cõi thơ anh trú ngụ ? Tạp chí nào, số nào để có thể mượn mà tìm ra dấu vết thơ anh ? Trang giấy nào có tên Vũ Hữu Định dù chỉ một hai giòng nhất là ở giữa xứ lạ quê người mà việc sưu tập di sản văn chương miền Nam chỉ biết trông cậy vào các thư viện Mỹ ?
Nhưng chúng tôi tin hương hồn anh sẽ phù trợ việc làm của chúng tôi, hà hơi tiếp sức chúng tôi vượt tất cả những trở ngại khó khăn. Để rồi những lần lên đường vào bốn giờ sáng, khi đêm bưng bít cùng tuyết rơi mịt mùng. Và những lần trở về, một mình trong đêm, giữa xa lộ đầy ánh đèn xuôi ngược, hay qua dốc đèo hiu quạnh, có khi lạc qua một thị trấn quờ quạng tìm lối ra, không phải đi năm phút đã về chốn cũ mà đi một phút đã về chốn cũ, mắt lão như không thấy đường nhưng lòng thì vui thật là vui. Bởi vì mỗi lần trở về là những bài thơ VHĐ làm bạn đồng hành, nằm bên cạnh…để cho mình quên cả nhọc mệt, mà nhấn mạnh bàn đạp gia tốc…
Xin cảm ơn thành phố có em… Mai xa lắc trên đồn biên giới còn một chút gì để nhớ để quên… Chúng ta làm sao quên được những câu thơ rất quen thuộc của anh mà nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ thành ca khúc.
Vâng. Nếu cảm ơn thành phố ấy có em, thì cũng cần phải cảm ơn VHĐ của chúng ta nữa. Như nhà thơ Thái Tú Hạp đã từng nhận định:
“Vũ Hữu Định đã có công đưa thành phố núi cao đầy sương và bụi đỏ vào trái tim của mọi người” (Thái Tú Hạp/Còn một chút gì để nhớ để thương).
Tập thơ này là một tập thơ được may mắn. Với tổng số 80 bài ( và tương lai sẽ hơn nữa, chúng tôi hy vọng thế), nó không phải nộp lưu chiểu hay phải chịu qua giấy phép xuất bản nào để phải chịu cắt xén hay thay đổi cho phù hợp với chế độ đương đại.
Sách in rất giới hạn, để tặng những người yêu thơ VHĐ và các nhà nghiên cứu văn học. Riêng bản đặc biệt, tên thân hữu sẽ được in bằng kim nhủ (golden foil) ở bìa sau.
Dĩ nhiên, tập thơ này vẫn còn những thiếu sót. Chúng tôi mong quí bạn tha lỗi và chỉ dùm những khuyết điểm này. Mong một ngày nào đó chúng ta sẽ có thêm Thơ Vũ Hữu Định tập 2, 3…
Riêng với Định, chúng tôi xin được để tập thơ này bên cạnh phần rượu tặng trong ngày giỗ thứ 25 của anh.
Nhóm chủ trương Thư ấn quán
________
(1) Trần Dzạ Lữ, Nguyễn Tịnh Đông, Cung Tích Biền, Hạc Thành Hoa, Trần Từ Duy, Phạm Thanh Chương, Đoàn Thạch Biền, Mường Mán, Võ Chân Cửu, Đỗ Trung Quân, Lê Nhược Thuỷ, Trần Phá Nhạc, Vũ Trọng Quang, Nguyễn Đạt, Ngô Nguyên Nghiễm, Trương Đình Quế, Phạm Chu Sa, Nguyễn Tiến Toàn, Phạm Triều, Huy Tưởng, Vũ Đức Sao Biển, Phan Bá Chức, Khiêm Lê Trung, Nguyễn Lương Vỵ, Nguyễn Công Khế, Lê Văn Đồng, Vĩnh Cửu, Huỳnh Văn Dung, Huỳng Ngọc Chênh, Lữ Quỳnh, Đinh Trầm Ca, Vân Khanh, Phạm Mạnh Hiên, Ư Nhi, Lê Triều Điển, Trịnh Bửu Hoài, Nguyễn Nhật Ánh, Bùi Chí Vinh, Phạm Văn Hạng, Lê Xuân Tiến, Ngô Thị Kim Cúc, Hồ Thị Ca, Lê Minh Quốc, Kim Tuấn, Hà Nguyên Thạch, Nguyễn Miên Thảo, Trần Xuân An, Lê Khắc Cường, Trần Thanh Quang, Nguyễn Tam Phù Sa, Đặng Trọng Dũng, Bùi Đức Long, Nguyên Minh, Lê Thánh Thư, Nguyễn Tấn Phát, Nguyễn Việt Hải, Trần Quang Lộc, Nguyễn Hữu Phước, Trương Văn Ngọc, Hàn Tấn Quang.
2) Đinh Trầm Ca, Thơ Rượu và sự cứu rỗi, Khởi Hành số 96 tháng 10, 2004