… Thời ấy, thời những năm 60, nói đến văn học miền Nam là nói đến nhóm, là phải nhắc đến Sáng Tạo, Hiện đại, Thế Kỷ 20 v.v… Những đề tài thì quanh quẩn những hiện sinh, nôn mữa, làm mới văn học, hay viết về những kinh nghiệm bản thân về một chủ nghĩa là Cộng Sản mà họ đã trải qua… Họ sống ở thủ đô, ít hiểu, ít chất liệu để nói về con quái vật chiến tranh và những hệ lụy của nó. Và nếu có viết thì chỉ đứng ở ngoài nhìn vào, chứ không phải đứng trong lòng cuộc chiến như những kẻ trực tiếp ở trong lòng hoả ngục mà tổng thống thứ 31 của Mỹ là Hoover đã từng nói “tuyên chiến thì dành cho những ông già còn phần đánh và chết thì dành cho đám trẻ“.( Herbert Hoover: The old men declare war. But it is the youth who must fight and die).
Riêng, những người trẻ viết văn thì không những lảnh phần đánh, chết mà còn lảnh thêm những sấp giấy có khi dính đầy máu. Và khác với những quan chức văn nghệ phòng trà, mang bộ đồng phục mà viết về ca sĩ, vũ nữ v.v… thì các người viết trẻ phải viết trong điều kiện:
“Viết thư thăm ông sau cuộc hành quân biên phòng, kéo dài suốt 20 ngày trong rừng đầy muỗi, lạnh và vắt rừng.
Ở đây thiếu thốn về nhiều phương diện. Ngay như báo chí. Đôi khi tờ báo hàng ngày xuất bản ngày 10 thì đến 20 chúng tôi mới được đọc. Còn nói gì đến những tập san văn học nghệ thuật? “
(t.l, thư từ Dakto ngày 12-12-1970, Vấn đề số 45 tháng 4- 71)
3. May mắn trong thế giới ấy chúng ta có những Trần Phong Giao của Văn hay Lê Ngộ Châu của Bách Khoa… Họ đã ở ngoài phe nhóm. Và họ đã có công trong việc kiếm tìm. Một Lê Ngộ Châu đã chịu khó dùng kính lúp để nhìn và đọc cho rõ những trang bản thảo gởi về từ mặt trận nhoà nhạt mồ hôi và bùn đất. Một Trần Phong Giao đã liên tục làm những số Văn có chủ đề tuyển tập những cây bút trẻ. Họ trân trọng sự có mặt của tuổi trẻ, chẳng những bằng tình mà bằng tiền nhuận bút hậu hỉnh. Hơn nữa, họ còn tìm cách cứu những cộng tác viên này, bằng hình thức này hay hình thức khác. Trên những trang sinh hoạt văn học nghệ thuật của Văn bấy giờ, bên cạnh tin thời sự văn học như cái chết của một nhà văn lớn ngoại quốc hay giải thưởng văn học thế giới v.v…, chúng ta còn thấy những tin liên quan đến nhà văn trẻ này bị thương lần thứ hai, nhà thơ trẻ khác bị tử trận… Sau này, chúng tôi mới hiểu tại sao vị thư ký toà soạn Văn lại dành cảm tình đặc biệt cho chúng tôi như thế. Có lẽ anh muốn quan chức SG đọc và “rủ lòng thương hại” chăng. Đó là cách để anh cứu chúng tôi. Nhưng thưa hai anh, dù các anh có đi những lời cầu cứu cả ngàn lần, dù các anh quan niệm mất một nhà văn thì vô phương thay thế, nhưng lời cầu cứu của các anh cũng như ngọn lửa đốt trong đêm vượt biển !
4. . Cám ơn anh TPG, LNC của một thời văn học thời chiến.
Là nhà văn, có nghĩa là hắn thay mặt hàng ngũ, hay đám đông để nói lên cái ý nghĩ và định mệnh chung của thế hệ hắn. Và muốn vậy, hắn phải phải chấp nhận định mệnh. Có nghĩa là dững dưng với định mệnh.
Và cũng vì chấp nhận, nên một Y Uyên đã từ Saigon, ra tận ngoài Trung lạ lẩm để làm nghề thầy giáo. Và cũng vì chấp nhận nên anh đã từ Thủ Đức, mang áo trận ra Nora. Và đã chết tức tưởi bên bờ suối dưới chân đồi Nora.
(Trích Rong Bút của Trần Hòai Thư)