Kinh nghiệm và văn chương (1)

1.

Tây tiến đoàn quân không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

(Quang Dũng)

Đối với người đọc, một câu hỏi là:  có nên mang kinh nghiệm ra để thẩm định giá trị một tác phẩm văn chương, hay cần phải bỏ qua khi thưởng thức một tác phẩm văn chương?

Mấy câu thơ trên, nếu mang kinh nghiệm để thẩm định, thì với tôi, một kẻ từng là lính núi, từng nằm quân y viện, chỉ hiểu “không mọc tóc”  là hậu quả của căn bệnh sốt rét  ác nghiệt. Đó là một loại sốt rét ác tính mà hậu quả là tóc không mọc, da xanh mét, mỗi ngày lên cơn đấp mấy cái mền cũng phát run. Hồng huyết cầu bị xâm nhập tấn công. Có khi nguy kịch đến tính mạng như:

Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!

Người bệnh phải được chửa trị lâu dài mới có cơ hồi phục trọn vẹn.  Với sức tàn phá gây bởi những con vi trùng cực kỳ nguy hiểm như vậy, thì làm sao mà có sức để trèo lên những ngọn núi cao cả ngàn thước như thế này  để mà còn “Đêm mơ Hà nội dáng kiều thơm” ?

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi


Hình ảnh những con ma bệnh  từ một bệnh xá miền núi trước 1975. Hay bóng những người lính run lẩy bẩy  sau khi lội qua những con suối đen ngòm lạnh ngắt vì không không thấy ánh mặt trời vẫn như lờn vờn trong tâm trí tôi.

Tôi ước ao đừng có những kinh nghiệm như thế để có thể thưởng thức trọn vẹn một bài thơ để đời của Quang Dũng. Nhưng mà,  tha lỗi cho tôi. Tôi không thể. Thiên hạ có thể chê trách tôi không biết thưởng thức thơ, nhất là thơ Quang Dũng. Tôi đành chịu lỗi làm kẻ ngu dốt …

2.

Tôi không biết giờ này, những chàng trai trẻ cở tuổi tôi trong thời chiến,  đã nghĩ gì về những bài thơ của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận trong thời “chống Mỹ cứu nước” ? Những bài thơ xúi dục cả một thế hệ trẻ miền Bắc điên cuồng cùng trái tim rực lửa để vào miền Nam  mà sinh Bắc tử Nam. Cuối cùng họ thấy gì, và rút ra bài học gì. Ngay cả con của nhà thơ Huy Cận cũng đã bị nhốt vào tù. Sao mà ngày xưa quí vị đánh giặc hăng như vậy, bây giờ thì ngồi sờ vết sẹo mà chửi đổng ?

Chung qui cũng vì không có kinh nghiệm. Không có kinh nghiêm nên cứ nghĩ bài thơ Kéo Pháo của Tố Hữu là sự thật. Trong khi nó chỉ là một sản phẩm bịa đặt như lời thú nhận của chính tác giả sau này.

Trí thức ít ra cũng là một phần của kinh nghiệm. Không có kinh nghiệm mới sinh ra mù quáng, mê muội, như những con ngựa bị che mắt bằng hai tấm da trâu, và bị roi quất vào đít. Để  khi biết rồi thì đã muộn. Phải không ?

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Discover more from BLOG THT & THƯ QUÁN BẢN THẢO

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading